Mặc dù nhanh chóng thất bại do chưa hội đủ những yếu tố chủ quan, khách quan bảo đảm thắng lợi, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn là mốc son chói lọi, cho thấy khát vọng độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam, cùng với Khởi nghĩa Bắc Sơn, binh biến Đô Lương, là những tiếng súng báo hiệu một giai đoạn cách mạng mới, giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc dâng lên mạnh mẽ trên toàn cõi Việt Nam
Khởi nghĩa và thiệt hại
Ngày 23/11/1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ.
Hơn 40 ngày sau, trước sự đàn áp khốc liệt của chính quyền thuộc địa, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ cơ bản thất bại, chính quyền cách mạng tồn tại dài ngày nhất tại Mỹ Tho bị đàn áp.
Quân khởi nghĩa tại 18 tỉnh Nam Kỳ, từ Biên Hòa đến Cà Mau, đã tiến công chính quyền thuộc địa, giành quyền làm chủ ở nhiều địa phương, tuyên bố xóa bỏ chính quyền địch, chia ruộng đất, thóc gạo của một số địa chủ cho dân nghèo, tiếp đó, giành thắng lợi trong một số trận phục kích quân địch trên các tuyến giao thông, anh dũng tổ chức đánh địch phản kích, càn quét.
Cuộc khởi nghĩa cuối cùng bị dìm trong “biển máu”. Hàng nghìn đảng viên và quần chúng yêu nước bị giết hại, bắt bớ, tù đày, trong đó có nhiều cán bộ chủ chốt của Đảng Cộng sản Đông Dương, của Xứ ủy Nam Kỳ.
Thực dân Pháp đã huy động bộ máy đàn áp khổng lồ, trong đó sử dụng quân đội chính quy với những vũ khí hiện đại như xe tăng, xe bọc thép, máy bay, tàu chiến, súng liên thanh….dùng cả lính lê dương Âu - Phi, lính người Khơme, lính người dân tộc thiểu số để đàn áp cuộc khởi nghĩa. Đói với toàn Nam kỳ, thực dân Pháp thực hiện lệnh thiết quân luật. Các cụm từ “đàn áp hết mức”, “không dung thứ”, “không thương tiếc” được giới cầm quyền Pháp ở Đông Dương và Nam Kỳ sử dụng thường xuyên, nhiều lần trong các văn bản, công điện chỉ đạo đàn áp cuộc khởi nghĩa. Trên thực tế, thực dân Pháp đã sử dụng hải, lục, không quân tiến công đàn áp quân khởi nghĩa và quần chúng yêu nước, dìm cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ trong biển máu, gây thiệt hại to lớn cho Đảng bộ Nam Kỳ, đến mức chủ tỉnh Biên Hòa Maurice Larivière dương dương tự đắc nói trước mấy trăm chiến sĩ cộng sản tại căng Tà Lài “chính đảng của các người bị tiêu diệt hoàn toàn. May lắm thì mươi mười lăm năm nữa, đảng của các người mới có thể ngóc đầu dậy”[1]
Số người bị Pháp bắt đến ngày 31/1/1941 là 7.048 người. Các nhà tù lớn chật ních người bị bắt, đến cuối năm 1941 lên đến cả vạn ngườì. Thực dân Pháp đã đưa ra toà xử án 2.258 người, trong đó có 158 án tử hình, 180 án chung thân, 1920 người án từ 5 năm đến 20 năm khổ sai, không kể hàng nghìn cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước bị giết hại trong các cuộc càn quét đẫm máu. Tháng 8/1941, địch xử bắn nhiều cán bộ cao cấp của Đảng là Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần tại trường bắn Hóc Môn (Gia Định)… đày ải đồng chí Lê Hồng Phong ra Côn Đảo, hy sinh ở đó tháng 9/1942…[2]
Những kinh nghiệm quý báu
Không thể đùa với khởi nghĩa,phải chuẩn bị thật đầy đủ và chu đáo cho cuộc khởi nghĩa, dự báo tình hình, định hướng sự phát triển của phong trào cách mạng, tránh rơi vào thế bế tắc
Tuy giành những thắng lợi đầu tiên trên một phạm vi rộng lớn hầu như toàn Nam Kỳ, nhân dân một số địa phương đã giành chính quyền cơ sở, làm cho bộ máy cai trị của địch sụp đổ, tê liệt, hoang mang, dao động. Tại một số địa phương, quân khởi nghĩa đã giữ được chính quyền trong thời gian khá dài. Nhưng do chưa có sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở cách mạng, về căn cứ địa, chỗ đứng chân, về đường lui quân khi thực dân Pháp phản kích, khủng bố, cho nên ta không những không phát huy được thắng lợi của cuộc khởi nghĩa mà khi địch điên cuồng đàn áp, còn bị động, lúng túng, nên địch nhanh chóng dìm cuộc khởi nghĩa trong “biển máu” bằng bom đạn, càn quét, lập lại chính quyền tay sai.
Sau này, trong Cách mạng tháng Tám, Đảng ta đã chuẩn bị hết sức đầy đủ, chu đáo, từ lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, căn cứ địa, trước Tổng khởi nghĩa đã thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng tức Chính phủ lâm thời, nhanh chóng ra mắt ngay sau Tổng khởi nghĩa thắng lợi.
Luôn nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, luôn bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ, tránh chủ quan, khinh địch
Trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa, Xứ ủy Nam Kỳ và một số tỉnh ủy đã để một số phần tử gián điệp chui vào hoạt động phá hoại. Chính vì thế, kế hoạch cuộc khởi nghĩa đã bị lộ ra trước một số ngày, ở hầu hết các tỉnh, địch đã chú ý đề phòng và chủ động ngăn chặn, nhất là tại địa bàn chính, Xứ ủy dự định khởi nghĩa là Sài Gòn.
Nhiều cán bộ chủ chốt bị bắt trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa và ngay trước ngày khởi nghĩa như Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Như Hạnh, Tạ Uyên…làm cho kế hoạch khởi nghĩa đổ vỡ tại địa bàn quan trọng nhất là Sài Gòn.
Không phủ nhận khả năng và hiệu quả của công tác binh vận. Trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa, Xứ ủy Nam Kỳ đã vận động được 15.000 binh lính người Việt Nam trong quân đội Pháp sẵn sàng đứng về phía cách mạng. Tuy nhiên, trong cuộc đấu tranh một mất một còn, mỗi sai lầm phái trả bằng máu thì việc đặt thắng lợi hay thất bại trong cuộc khởi nghĩa tại Sài Gòn vào tay những đơn vị đã binh vận được quả là mạo hiểm. Thực tế cho thấy, khi yếu tố bất ngờ đã mất đi, khi Pháp đã chủ động ngăn chặn, thì việc đặt thắng lợi cuộc khởi nghĩa tại địa bàn quan trọng nhất là thành phố Sài Gòn vào công tác binh vận đã trở thành “con dao hai lưỡi”. Không thể giành thắng lợi khi chưa có sự chuẩn bị kỹ càng về lực lượng chính trị, đặc biệt là lực lượng vũ trang khi bộ máy đàn áp của thực dân Pháp và tay sai còn rất lớn.
Với một kẻ thù lắm mưu mô xảo quyệt, già dặn trong cầm quyền, nhiều kinh nghiệm đàn áp phong trào cách mạng như thực dân Pháp và tay sai ở Nam Kỳ thuộc địa, những sơ hở chủ quan của ta là cơ hội cho địch tập trung lực lượng ngăn chặn, đàn áp cuộc khởi nghĩa.
Những kinh nghiệm nói trên có ý nghĩa hết sức quý báu đối với Đảng bộ Nam Kỳ nói riêng và Đảng Cộng sản Đông Dương trong cuộc đấu tranh giành chính quyền và bảo vệ chính quyền, kháng chiến, kiến quốc về sau. Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, Đảng bộ Nam Kỳ đã chú trọng chuẩn bị lực lượng chính trị rộng mạnh ở thành thị, cơ sở cách mạng vững chắc ở nông thôn, ngoài ra, còn chú ý lường trước phản ứng của địch bằng cuộc khởi nghĩa ở Tân An, nên đã quyết định khởi nghĩa thành công ở Sài Gòn ngày 25/8/1945. Mặc dù lúc này thời cơ khởi nghĩa trên toàn quốc đã chín muồi, Hà Nội và Huế đã khởi nghĩa thành công, nhưng xương máu và bài học của các chiến chĩ cách mạng và quần chúng yêu nước từ cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ không cho phép Xứ ủy Nam Kỳ mạo hiểm một lần nữa.
Tiếng súng báo hiệu một giai đoạn cách mạng mới
Từ sau cao trào cách mạng 1930-1931, phong trào cách mạng Việt Nam bị dìm trong “biển máu” và bị đàn áp khốc liệt, lực lượng cách mạng bị thiệt hại nặng nề, phong trào cách mạng tạm thời lắng xuống.
Đến giai đoạn 1936-1939, trước tình hình thuận lợi do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp đem lại, phong trào cách mạng diễn ra sôi nổi với cao tráo đấu tranh dân chủ, nhất là ở địa bàn đô thị. Nhưng sau khi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, thực dân Pháp ở Đông Dương thực hiện bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ, Đảng phải chuyển hướng vào hoạt động bí mật, phong trào cách mạng lại tạm thời lắng xuống.
Tuy nhiên, phong trào lắng xuống chưa được bao lâu thì nổ ra cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam Kỳ. Lúc này, đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng đang có những chuyển hướng và thay đổi hết sức quan trọng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Chỉ không đầy 6 tháng sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5/1941) đã đặt vấn đề “thay đổi chiến lược”, chuyển cách mạng cả nước bước vào thời kỳ đẩy nhanh chuẩn bị mọi mặt cho cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
Từ thực tế lịch sử diễn ra sôi động với 3 cuộc khởi nghĩa và binh biến, đồng chí Hoàng Quốc Việt nhận định “Riêng mấy tháng cuối năm 1940 và đầu năm 1941 ấy, những tia sét của cao trào cách mạng đã lóe sáng ở Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương. Kẻ thù khủng bố ác liệt, lực lượng ta bị sứt mẻ, nhưng lửa vẫn âm ỷ cháy không gì dập tắt được”1.
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ cho thấy ngọn lửa đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc luôn âm ỷ cháy trong lòng nhân dân ta dưới ách áp bức của thực dân, đế quốc, chỉ chờ cơ hội là bùng phát mạnh mẽ.
Cùng với cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn và binh biến Đô Lương, khởi nghĩa Nam Kỳ biểu hiện tinh thấn đấu tranh quật khởi của nhân dân ta trên khắp ba miền đất nước và đó là những “tiếng súng” mở đầu cho một giai đoạn cách mạng mới, giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc - chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân, lật đổ ách cai trị của thực dân, phát xít và phong kiến tay sai, thành lập Nhà nước Dân chủ Cộng hòa.
Không như lời chủ tỉnh Biên Hòa nói, chỉ không đầy 5 năm sau, Đảng bộ Nam Kỳ đã đủ sức lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa trên địa bàn, giành thắng lợi rực rỡ, góp phần vào thành công của Cách mạng Tháng Tám.
An Lê