Trong muôn vàn nhiệm vụ cấp bách đặt ra ngay sau giải phóng miền Nam, một nhiệm quan trọng là phải nhanh chóng tiếp quản hệ thống ngân hàng và kế thừa tài sản của chế độ cũ để lại, vì đó cũng là tài sản của quốc gia dân tộc Việt Nam
Tình hình hệ thống ngân hàng miền Nam sau giải phóng
Trước năm 1975, hệ thống ngân hàng ở miền Nam rất đa dạng, gồm các ngân hàng công, bán công, ngân hàng tư, ngân hàng của tư bản nước ngoài, ngân hàng của các nhà tư sản dân tộc.
Tính đến ngày giải phóng, miền Nam Việt Nam có 7 ngân hàng công lập và coi như công lập; 16 ngân hàng tư (không kể một số ngân hàng quan trọng đã đóng cửa như: Tín Nghĩa ngân hàng, Việt Nam ngân hàng (đóng cửa từ những năm 1973-1974 chưa thanh lý xong), Trung Việt ngân hàng, đặt cơ sở tại Đà Nẵng và đã đóng cửa). Số ngân hàng nước ngoài đặt chi nhánh tại Sài Gòn là 14, trong đó: có 3 chi nhánh của Đài Loan và Hồng Kông, 3 chi nhánh của Pháp, 3 chi nhánh của Mỹ, 2 chi nhánh của Anh, 1 chi nhánh của Nhật Bản, 1 chi nhánh của Hàn Quốc, 1 chi nhánh của Thái Lan[1].
Khi miền Nam được giải phóng, hệ thống ngân hàng đã ở trong trạng thái gần như ngừng hoạt động do phần lớn các ngân hàng của nước ngoài đã rút vốn khỏi miền Nam Việt Nam từ trước, một số ngân hàng tư nhân cũng đã rút vốn.
Tuy nhiên, hầu hết những ngân hàng thuộc chính quyền Sài Gòn cũ đều còn có những tài khoản ở nước ngoài, trong đó, có những khoản đóng góp vào tổ chức IMF (trị giá khoảng hơn 44 triệu USD), khoản đóng góp bằng ngoại tệ cho các tổ chức IBRD, IFC, ADB (trị giá khoảng hơn 20 triệu USD). Số ngân hàng có tài khoản ký gửi ở các ngân hàng đại lý tại nước ngoài là khoảng 138,8 triệu USD; trong đó, có khoảng gần 100 triệu USD nằm tại các ngân hàng của Mỹ (New York, San Fancisco, Chicago, Los Angles, London, Paris, Singapore).
Ngân hàng Quốc gia của chính quyền Sài Gòn cũ cũng ký gửi tại ngân hàng Thụy Sĩ (Zurich) khoảng 6-7 tấn vàng. Ngoài ra, còn một số hàng hóa nhập khẩu đã chi trả nhưng chưa cập cảng. Một số tư nhân gửi tiền, ngoại tệ tại ngân hàng, không kịp tới lấy, còn tồn đọng. Ngân hàng công còn lưu lại tại chỗ một số vàng, tiền do chế độ Sài Gòn phát hành.
Vì vậy, việc nhanh chóng tiếp quản hệ thống ngân hàng ở miền Nam ngay sau giải phóng là rất cần thiết, nhằm bảo toàn được nguồn tiền và tài sản quốc gia, tiến tới xây dựng hệ thống ngân hàng thống nhất trên cả nước.
Trụ sở Ngân hàng Quốc gia Việt Nam Cộng hòa (Ảnh tư liệu)
Tiếp quản và xây dựng hệ thống ngân hàng thống nhất do chính quyền cách mạng quản lý
Thực tế, vấn đề tiếp quản các ngân hàng ở miền Nam được Đảng đặt ra từ ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết. Theo đó, Đảng đã chỉ đạo ngành ngân hàng nghiên cứu và tích cực chuẩn bị cho việc tiếp quản.
Ngày 19/4/1975, Trung ương Cục miền Nam chỉ thị: “Gấp rút chuẩn bị bộ máy tiếp quản hệ thống ngân hàng, tín dụng, quản lý các kho tiền và kim khí quý, nắm tình hình hoạt động ngân hàng, tín dụng qua hồ sơ tài liệu và các nguồn khai thác. Nghiên cứu đề xuất giải quyết các đề nghị rút tiền hoặc thanh toán liên hàng. Theo dõi tình hình biến động tiền tệ trên thị trường, phát hiện kịp thời các thủ đoạn chống phá của địch phá rối thị trường tiền tệ”[2].
Lực lượng tiếp quản gồm những cán bộ ngân hàng có kinh nghiệm từ miền Bắc vào, một bộ phận từ Trung ương Cục miền Nam và bộ phận tại chỗ là số cán bộ nằm vùng tại Sài Gòn trước đây, đã từng làm việc trong các ngân hàng của chính quyền Sài Gòn cũ.
Ngay từ buổi trưa ngày 30/4/1975, khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa tuyên bố đầu hàng, miền Nam được giải phóng; tất cả các ngân hàng đều đóng cửa và được giao cho lực lượng quân đội giải phóng chốt giữ. Về danh nghĩa, toàn bộ hệ thống ngân hàng ở miền Nam thuộc về Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Bắt đầu từ sáng 1/5/1975, đoàn cán bộ ngân hàng tiến hành làm nhiệm vụ tiếp quản các ngân hàng của chế độ cũ tại miền Nam và chỉ sau hơn một tháng đã hoàn thành nhiệm vụ. Riêng Ngân hàng Việt Nam Thương Tín của chính quyền cũ - đang nắm giữ tới 60% các khoản thanh toán ngoại tệ ở miền Nam, được giữ nguyên tên gọi, có chức năng của một ngân hàng đối ngoại, giao dịch quốc tế.
Ngày 6/6/1975, Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời ban hành Nghị định số 04/PCT-75 về việc thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, “là cơ quan Trung ương của Hội đồng Chính phủ (Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), chịu trách nhiệm cải tổ hệ thống ngân hàng cũ, xây dựng ngân hàng mới, tổ chức thực hiện và quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước về chính sách tín dụng, phát hành tiền tệ, thanh toán, quản lý ngoại tệ, kim khí quý, đá quý và thanh toán quốc tế”[3].
Một số con dấu của các ngân hàng sau ngày giải phóng 30/4/1975
Như vậy, toàn bộ các ngân hàng ở miền Nam đã được chính quyền cách mạng tiếp quản và hình thành hệ thống ngân hàng thống nhất.
Tiếp đó, ngày 22/9/1975, miền Nam tiến hành đổi tiền của chính quyền Sài Gòn cũ lấy tiền của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thống nhất một loại tiền tệ trên cả nước.
Thu hồi quyền sở hữu vàng, ngoại tệ của chính quyền cũ
Ngay sau khi giải phóng, số chỉ tệ và kim tệ ngoại quốc còn để lại trong 26 ngân hàng cũ. Ngân hàng Việt Nam Thương Tín đã kê khai và nộp cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam số ngoại tệ là 201.280 USD - đây là một số tiền quá ít ỏi, do chủ nhân của các ngân hàng này đã tẩu tán tài sản ra nước ngoài từ trước.
Ngoài số tiền đó, ta còn tiếp quản 16 tấn vàng còn đang tồn tại Ngân hàng Quốc gia của chính quyền cũ (do không kịp tẩu tán)[4]. Tuy nhiên, số tiền và vàng mà chủ nhân thuộc chính quyền cũ đang gửi ở Thụy Sĩ, tiền trong các tài sản của sứ quán, lãnh sự, ngoại tệ gửi tại các ngân hàng đại lý là rất lớn. Ngoài ra, còn có những tài sản mà chính quyền cũ đã đóng góp vào các tổ chức quốc tế như IMF, BRD, IDA, IFC, ADB.
Vấn đề là phải nhanh chóng khẳng định quyền thừa kế của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đối với khối tài sản đó. Trên thực tế, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngay từ khi được thành lập (tháng 6/1969) và sau giải phóng miền Nam, đã được rất nhiều nước và các tổ chức quốc tế công nhận. Do đó, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã đòi quyền đại diện tại hầu hết các tổ chức quốc tế trong và ngoài hệ thống Liên hợp quốc mà trước đó chính quyền Sài Gòn đã tham gia, tiếp quản các cơ quan đại diện và tài sản của chính quyền Sài Gòn cũ theo đúng thông lệ quốc tế và Công ước về kế thừa quốc gia mà không gặp một trở ngại nào về pháp lý.
Xử lý các khoản ngoại tệ đã chi trả về hàng nhập khẩu
Sau ngày 30/4/1975, có hàng chục con tàu ngoại quốc đang trên đường chở hàng hóa, máy móc thiết bị về Sài Gòn. Khi nghe tin Sài Gòn thất thủ, những con tàu đó bị ách lại tại các thương cảng quốc tế, chủ yếu là Singapore và các thương cảng châu Âu. Hầu hết hàng hóa trên các chuyến tàu ấy đều được ngân hàng Việt Nam Thương Tín cũ thanh toán rồi. Tài khoản viện trợ hoặc tài khoản NOSTRO của Việt Nam Thương Tín cũ đã bị ghi nợ để trả tiền cho nước xuất khẩu. Theo quy định thương mại quốc tế, các chuyến hàng như vậy căn cứ vào vận đơn phải được chuyển quyền sở hữu từ bên bán sang bên mua, tức là các công ty xuất nhập khẩu của miền Nam cũ. Về mặt pháp lý, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam có quyền quản lý khối hàng hóa đó. Khâu giao dịch được giao cho Ngân hàng Việt Nam Thương Tín mới đứng ra làm đại diện hợp pháp để thu nhận số hàng hóa đó, tiếp tục đưa về miền Nam Việt Nam.
Thủ tục “ký hậu chuyển nhượng”, mà trong ngành ngân hàng ở Sài Gòn trước đây gọi là “bối thự”, trên vận đơn đã được tiến hành một cách hoàn chỉnh và hợp lệ. Tổng số tiền bối thự này ước tính khoảng 18 triệu USD. Việt Nam Thương Tín mới đã cùng với cơ quan vận tải biển Vietrans đi Singapore và châu Âu mời luật sư của nước ngoài làm các thủ tục để tiếp nhận hàng hóa. Cuối cùng, việc thu hồi hàng hóa đã trả tiền đạt kết quả rất cao, gần 90%[5].
Như vậy, với sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng, ngành Ngân hàng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp quản hệ thống ngân hàng ở miền Nam cùng khối tài sản trong nước và nước ngoài liên quan; chuyển giao quyền quản lý, kế thừa cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đây là cơ sở rất quan trọng để thống nhất hệ thống ngân hàng, tiền tệ trên cả nước.
Nhẫn Trần
[1] Lịch sử Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam 1963-2013, Nxb. Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2013, tr.177
[2] Lê Hoàng: “Tuổi 35 nhớ thuở 12”, in trong: Hồi ức 35 năm Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Sđd, tr.13.
[3] Viện Lịch sử Đảng: Biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.739.
[4] Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Lịch sử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 1951-2021, Nxb. Lao động, Hà Nội. 2021, tr.208
[5]Lịch sử Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam 1963-2013, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2013, tr.177