Tiếp quản Thủ đô Hà Nội là công việc đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Chính phủ chưa có kinh nghiệm quản lý, điều hành một thành phố lớn. Chính vì thế, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chuẩn bị kỹ lưỡng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nhằm bảo đảm việc tiếp quản Thủ đô được chu đáo, an toàn
Chuẩn bị tiếp quản
Để tăng cường sức mạnh và vai trò lãnh đạo cho Đảng bộ Hà Nội trong tình hình mới, ngày 29/8/1954, Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 145 về tăng cường Thành ủy Hà Nội; theo đó, các đồng chí Trần Danh Tuyên, Vương Thừa Vũ, Lê Quốc Thân, Khuất Duy Tiến và Trần Duy Hưng được bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội.
Ngày 6/9/1954, Trung ương Đảng ra Nghị quyết thành lập Đảng ủy tiếp quản Thủ đô, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị. Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng được cử làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, kiêm Bí thư Đảng ủy tiếp quản Thủ đô. Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cử các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu trực tiếp lãnh đạo công tác tiếp quản Thủ đô Hà Nội.
Nhằm tạo cơ sở pháp lý đấu tranh chống lại sự phá hoại của địch, yêu cầu địch phải nghiêm chỉnh thực hiện đầy đủ các điều khoản đã ký kết, bộ máy và đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô nhanh chóng được kiện toàn. Ngày 17/9/1954, Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập Ủy ban Quân chính Hà Nội, do đồng chí Vương Thừa Vũ làm Chủ tịch; Phó Chủ tịch gồm các đồng chí: Trần Danh Tuyên, Trần Duy Hưng.
Chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Quân chính Hà Nội trong thời kỳ tiếp quản được Hội đồng Chính phủ xác định: “…là cơ quan lãnh đạo tối cao trong Hà Nội, thống nhất tập trung mọi quyền lãnh đạo đối với các ngành hoạt động. Mọi chỉ thị của Chính phủ và các Bộ đều gửi cho Ủy ban Quân chính. Mọi lệnh và mọi công bố đều do Ủy ban Quân chính đưa ra. Ủy ban Quân chính phải thi hành đúng chế độ báo cáo thỉnh thị”[1].
Quần chúng nhân dân Thủ đô chào đón bộ đội về tiếp quản (Ảnh tư liệu)
Đồng thời, Trung ương điều động về Hà Nội hàng trăm cán bộ tuyển chọn từ các lớp học tiếp quản của Trung ương ở Việt Bắc và Liên khu III để xây dựng, tăng cường bộ máy tiếp quản. Công tác chuẩn bị tiếp quản được Đảng bộ Hà Nội, trực tiếp là Đảng ủy tiếp quản lãnh đạo tập trung vào hai nhiệm vụ chính:
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền về những thắng lợi của quân dân Việt Nam và đấu tranh chống phá hoại của địch. Theo đó, các đội Tuyên truyền xung phong được thành lập với nhiều phương tiện thông tin tuyên truyền tập trung, bảo đảm phổ biến kịp thời đến mọi tầng lớp nhân dân các chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ. Các đội Tuyên truyền xung phong đã phát hàng vạn tờ rơi, tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền xung phong; phổ biến, giải thích kịp thời và rộng rãi nội dung Hiệp định Geneva, chính sách tiếp quản của ta; phản bác lại các luận điệu phản động của địch. Công tác tuyên truyền đã góp phần nhanh chóng ổn định tình hình chính trị, tư tưởng cho nhân dân; tạo niềm tin và phát huy được sức mạnh đoàn kết trong quần chúng nhân dân để đấu tranh chống lại âm mưu phá hoại của địch.
Đảng bộ Hà Nội giao nhiệm vụ cho Ban Cán sự nội thành trực tiếp chỉ đạo các tầng lớp nhân dân, trong đó lực lượng chính là công nhân các nhà máy, đấu tranh quyết liệt với địch, ra sức bảo vệ máy móc, thiết bị, hồ sơ, nguyên vật liệu; bảo đảm điện, nước, vệ sinh...; chống cưỡng ép nhân dân di cư; nhằm giữ vững ổn định mọi mặt đời sống cho nhân dân khi quân ta vào tiếp quản. Các cuộc đấu tranh mạnh mẽ với nhiều hình thức phong phú của công nhân các nhà máy Điện, nhà máy Nước, Bưu Điện, Ga Hà Nội, Ga Gia Lâm, Sở Lục lộ, Công ty vệ sinh… đã làm thất bại âm mưu phá hoại Thủ đô về mọi mặt của địch.
Thứ hai, xây dựng lực lượng tiếp quản Thủ đô theo quy định của Hiệp định Geneva, trong đó, chú trọng phát triển lực lượng tự vệ. Để có đủ cán bộ chỉ đạo xây dựng lực lượng tự vệ, Thành ủy Hà Nội quyết định giải thể Đại đội 8 - đại đội chủ lực cơ động của Hà Nội, điều toàn bộ số cán bộ, chiến sĩ của đại đội, cùng số cán bộ quân sự trước đây đã chuyển sang các ngành để xây dựng kinh tế, trở về xây dựng lực lượng ở cơ sở; đồng thời, đề nghị Bộ Quốc phòng tăng cường cán bộ quân đội cho mặt trận Hà Nội.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy Hà Nội, lực lượng tự vệ Thủ đô sớm được khôi phục và phát triển, bảo đảm cả về số lượng và chất lượng, đủ khả năng làm nòng cốt đấu tranh ngăn chặn và làm thất bại âm mưu, hoạt động phá hoại của địch, bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân, bảo vệ các cơ sở sản xuất, sẵn sàng hỗ trợ quân đội vào tiếp quản.
Giữa tháng 9/1954, Hội nghị Ủy ban liên hiệp đình chiến họp ở Phù Lỗ bàn về việc chuyển giao Hà Nội. Ngày 30/9/1954, hai bên đi đến thỏa thuận và ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự và trật tự; ngày 2/10/1954, ký Hiệp định chuyển giao về hành chính, dựa trên nguyên tắc bảo đảm trật tự an toàn, không có sự phá hoại và gián đoạn. Đây chính là cơ sở pháp lý để quân đội ta tiếp quản Thủ đô.
Niềm hân hoan của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Thủ đô ngày tiếp quản (Ảnh tư liệu)
Thực hiện tiếp quản
Từ ngày 2 đến ngày 4/10/1954, 422 cán bộ, nhân viên đội Hành chính tiến vào Hà Nội trước làm nhiệm vụ kiểm kê số lượng các cơ quan, công sở, các công trình lợi ích công cộng, để chuẩn bị cho bàn giao.
Ngày 5/10/1954, đội Trật tự gồm 158 chiến sĩ công an có vũ trang tiến vào Hà Nội, làm công tác chuẩn bị nhận bàn giao các đồn cảnh sát, các cơ quan công an của Pháp và chính quyền tay sai. Đến ngày 7/10/1954, mọi công tác kiểm kê, lập biên bản bàn giao đã hoàn thành.
Ở khu vực ngoại thành, từ tháng 9/1954, Pháp đã rút bỏ một số đồn bốt quan trọng như Đông Trù, Khương Thượng, Nhân Chính, Cầu Mới, Nhổn… Đảng bộ Hà Nội chỉ đạo tổ chức cơ sở đảng ở các xã xây dựng các tổ chức quần chúng, chuẩn bị sẵn sàng bộ máy chính quyền, đợi khi địch chính thức rút quân sẽ tuyên bố lập chính quyền cách mạng.
8 giờ sáng, ngày 6/10/1954, quân Pháp rút khỏi quận lỵ Văn Điển. Ngay sau đó, một đội công tác ngoại thành tiến vào tiếp quản. Văn Điển trở thành quận đầu tiên ở ngoại thành được giải phóng. Cùng ngày, quân Pháp rút khỏi thị xã Hà Đông và ở phía Bắc, Pháp rút về Dốc Lã, cách Yên Viên 3 km.
Ngày 7/10/1954, nhiều đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia tiếp quản Thủ đô, theo nhiều đường tiến về Hà Nội.
Chiều 8/10, một số đơn vị tiến sát vành đai đê La Thành, Nhật Tân, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Bạch Mai và Vĩnh Tuy. Trong khi đó, quân Pháp rút khỏi Yên Viên về tả ngạn sông Đuống.
Sáng 9/10/1954, các đội công tác ngoại thành phối hợp với các đơn vị bộ đội tiếp quản 4 quận: Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở và Quỳnh Lôi, tiếp theo là Đại lý Hoàn Long.
Ngày 8/10/1954, các đội Hành chính, Trật Tự hoàn thành việc ký kết các văn bản bàn giao các cơ quan, công sở, các công trình lợi ích công cộng với Pháp. Cùng ngày, Ban tiếp thu Quân sự cùng một số đơn vị Cảnh vệ gồm 124 cán bộ, chiến sĩ vào thành phố, triển khai xuống các khu vực, chuẩn bị nhận bàn giao các cơ quan, vị trí quân sự và bố trí canh gác chung với quân đội Pháp ở một số vị trí đã được quy định.
Sáng 9/10/1954, một số đơn vị bộ đội tiến vào tiếp thu các khu vực quân sự: Quần Ngựa, Ga, Bạch Mai, Đồn Thủy, thành Hà Nội. Địch rút đến đâu, quân ta tiếp thu đến đấy theo lối cuốn chiếu.
Đúng 16 giờ ngày 9/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên sang phía Gia Lâm. Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn toàn kiểm soát thành phố.
Trong ngày 10/10/1954, quân Pháp rút hết khỏi các vị trí ở khu vực Gia Lâm, những vị trí cuối cùng trong khu chu vi Hà Nội, về đến Bần Yên Nhân. Việc tiếp quản toàn bộ khu chu vi Hà Nội được thực hiện theo đúng kế hoạch.
Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và Đại đoàn 308, cùng các đơn vị cơ giới, pháo binh, cao xạ, chia làm nhiều cánh lớn mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. 15 giờ chiều cùng ngày, Ủy ban Quân chính Hà Nội tổ chức lễ chào cờ mừng chiến thắng, với sự tham gia của hàng vạn nhân dân Hà Nội, cùng các đơn vị Quân đội nhân dân.
Quá trình tiếp quản diễn ra tuyệt đối an toàn và nhanh gọn toàn bộ các vị trí quân sự của Pháp ở Hà Nội; trong đó, có những vị trí quân sự đặc biệt như sân bay Bạch Mai, sân bay Gia Lâm, Đồn Thủy, khu Thành; tiếp thu 129 công sở, công trình lợi ích công cộng, xí nghiệp, bệnh viện, trường học…; trong đó, có Phủ Toàn quyền cũ, Phủ Thủ hiến Bắc Việt (Bắc Bộ phủ cũ), Sở Mật thám Liên bang Đông Dương, những cơ quan đầu não, trọng yếu của Pháp[2].
Tiếp quản Thủ đô không đơn thuần là ta đến, Pháp đi, ta đến Pháp bàn giao. Trên thực tế, tiếp quản Thủ đô là một cuộc đấu tranh phức tạp trên nhiều mặt chính trị - tư tưởng, kinh tế, văn hóa - xã hội giữa chính quyền cách mạng với với chính quyền thực dân Pháp. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Trung ương Đảng, Đảng bộ Hà Nội, mà trực tiếp là Đảng ủy tiếp quản Thủ đô, công tác tiếp quản Hà Nội đã được thực hiện một cách chủ động, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tiễn và thành công tốt đẹp.
Ngày 10/10/1954 đi vào lịch sử dân tộc nói chung và lịch sử Thủ đô Hà Nội nói riêng với ý nghĩa thiêng liêng là ngày Giải phóng Thủ đô!
Thu Ngân