Xứ Quảng là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Khi nói về những người con trong “Tứ hùng” vang danh xứ của xứ Quảng, hầu như ai cũng biết đến Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, nhưng Tiểu La Nguyễn Thành thì có lẽ còn ít người biết đến
Chí lớn tài cao, không đỗ đạt
Tiểu La Nguyễn Thành sinh năm Quý Hợi (1863), người làng Thạnh Mỹ, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam (nay là thuộc xã Bình Quý, Thăng Bình, Quảng Nam).
Thuở nhỏ, ông tên là Nguyễn Hàm, thân phụ là Nguyễn Trường, từng giữ chức Bố Chánh tỉnh Bình Định nhưng mất sớm.
Từ khi cùng Phan Bội Châu lập Duy Tân hội, ông đổi tên Nguyễn Thành, hiệu là Tiểu La (tấm lưới nhỏ).
Khác với các sĩ phu yêu nước xứ Quảng cùng thời (phần lớn là người đỗ đạt), Nguyễn Thành là người chưa đỗ đạt gì. Sở dĩ như vậy bởi khóa thi Hương năm 1885 tại Huế, ông đi ứng thí nhưng đã xảy ra vụ binh biến kinh thành, khiến kỳ thi không được tổ chức.
Sau đó sử sách ít đề cập việc thi cử của Nguyễn Thành. Phải chăng ông không mặn mà với việc thi cử, khi thực dân Pháp đã đô hộ trên toàn cõi Việt Nam.
Dù không thi cử, đỗ đạt, song ngay từ nhỏ, Nguyễn Thành đã nổi tiếng thông minh tài trí, có chí khí lớn, khả năng tự lập cao, sớm chú tâm luyện tập võ nghệ, nghiên cứu binh thư…
Cuộc binh biến kinh thành Huế thất bại, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở, Quảng Trị, phát hịch Cần vương. Nguyễn Hàm trở về quê hương tập hợp nghĩa binh để tham gia phong trào.
Tháng 9/1885, Tiến sĩ Trần Văn Dư phối hợp với cánh quân do Nguyễn Hàm tập hợp đánh chiếm được thành La Qua (tức thành tỉnh Quảng Nam). Tuy nhiên, sau đó quân Pháp phản công dữ dội, Trần Văn Dư bị bắt và rồi bị sát hại.
Lăng mộ Tiểu La Nguyễn Thành
Đầu năm 1886, Nghĩa Hội Cần Vương Nam - Ngãi - Định chính thức thành lập, Nguyễn Duy Hiệu được tôn làm Hội chủ. Nguyễn Hàm được Nguyễn Duy Hiệu tin tưởng giao chức Tán Tương quân vụ kiêm Tham biện tỉnh vụ.
Dưới sự chỉ huy tài tình và mưu lược, giai đoạn 1886 - 1887, nghĩa quân của Nguyễn Hàm thu được nhiều thắng lợi khiến quân Pháp và Nam triều phải nể sợ. Điều đó được thể hiện rõ trong nhận định của Nguyễn Thân (tay sai đắc lực của thực dân Pháp): “Nam Ngãi dụng binh duy Hàm nhất nhơn” (Ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, về tài dùng binh thì Nguyễn Hàm là người số một).
Nhẫn nhục chờ thời, gặp tri kỷ
Từ khi thực dân Pháp sử dụng tay sai Nguyễn Thân, Nghĩa hội Cần Vương Nam - Ngãi - Định gặp nhiều tổn thất nặng nề và bước vào thời kỳ thoái trào. Khoảng cuối năm 1887, bị đánh phá ác liệt, tình thế không duy trì được phong trào, Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến đã tuyên bố giải tán Nghĩa hội để gìn giữ lực lượng. Dù vậy, cánh quân do Nguyễn Hàm chỉ huy vẫn tiếp tục chiến đấu ở vùng miền núi Quảng Ngãi hơn nửa năm sau.
Khoảng giữa năm 1888, Nguyễn Thành bị phục kích bắt sống. Nguyễn Thân tìm mọi cách để dụ dỗ ông cùng ra làm quan nhưng ông kiên quyết từ chối.
Ông về quê lập Nam Thịnh sơn trang, bề ngoài chí thú làm ăn, an phận thủ thường nhưng lòng ông vẫn đáu đáu nỗi niềm “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”.
Ông ngầm giao thiệp với nhiều người đồng chí hướng, nhờ mua các loại sách báo, tài liệu tân thư để tìm hướng đi mới cứu nước. Tư tưởng nhẫn nhục chờ thời được ông bộc lộ trong bài thơ “Vịnh con cóc” mà lúc sinh thời, Phan Bội Châu rất thích thú:
Thiên địa bất bình nan bế khẩu,
Phong vân vị chí thả mai đầu.
Bài thơ ngắn thể hiện chí khí đó được Huỳnh Thúc Kháng dịch:
Trời đất bất bình khôn ngậm miệng,
Gió mây chưa đến hãy chun đầu.
Mùa xuân năm 1903 (Quý Mão), Phan Bội Châu từ Huế vào Quảng Nam tìm gặp Nguyễn Thành. Những người mang chí lớn gặp nhau đã sớm trở thành tri kỷ. Nguyễn Thành và Phan Bội Châu đã cùng nhau bàn bạc việc nước, các kế sách lớn mà Nguyễn Thành nung nấu bấy lâu được Phan Bội Châu rất đề cao, coi đó là những tư tưởng chủ đạo để hành động.
Điều này được chính Phan Bội Châu khẳng định: “Từ Duy Tân hội đến phong trào Đông Du, chính Tiểu La tiên sinh là ông tổ mở mối, vạch đường khai sinh ra tất cả”.
Trường THPT mnag tên Tiểu La tại Thị trấn Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam
Ngày 8/4/1904 (Giáp Thìn), tại nông trang Nam Thịnh, Nguyễn Thành tổ chức cuộc họp bí mật thành lập Duy Tân hội. Cuộc họp chỉ có hơn 20 người trọng yếu, bầu Cường Để làm Hội chủ.
Nguyễn Thành và Phan Bội Châu thống nhất chủ trương xuất dương cầu viện Nhật Bản và để đào tạo nhân tài cho công cuộc cứu nước.
Tháng giêng năm 1905 (Ất Tỵ), Phan Bội Châu cùng những người đồng chí hướng xuất dương đi Nhật Bản. Tiểu La Nguyễn Thành cùng những người khác hoạt động ở trong nước, lo liệu kinh phí, tìm kiếm nhân tài cử đi du học.
Bi phẫn xót xa, tin vận nước
Khi Phong trào Đông Du phát triển mạnh, số du học sinh gửi sang Nhật đến đầu năm 1908 đã lên đến hơn 200 người thì nhanh chóng bị đàn áp.
Tháng 3/1908, ở Quảng Nam nổ ra phong trào “Cự sưu kháng thuế”, nhân dân các địa phương khác hưởng ứng mạnh mẽ, nhanh chóng lan rộng khắp các tỉnh Trung kỳ. Hoảng sợ trước khí thế đó, Thực dân Pháp cho quân đàn áp các phong trào yêu nước. Tiểu La Nguyễn Thành lại một lần nữa bị bắt, bị kết án 9 năm tù, đày đi Côn Đảo.
Thời gian ở tù Côn Đảo, ông phải hứng chịu biết bao “hung tin” dồn dập, nỗi đau chồng chất. Đầu năm 1909, Duy Tân Hội và Phong trào Đông Du tan rã khi thực dân Pháp bắt tay với Nhật trục xuất các lưu học sinh Việt Nam về nước.
Lại thêm tin nhà đầy xót xa khi vợ và con gái qua đời. Ông lâm trọng bệnh, bị thổ huyết nhiều lần, sức khỏe suy kiệt, mất ngày 11/11/1911 ở tuổi 48.
Bao lần lao tâm khổ tứ, mưu sự cứu nước bất thành song ông không hề bi quan, bế tắc. Ông vẫn luôn tin tưởng vận nước sẽ xoay vần, thời cơ cứu nước sẽ đến. Trước khi vĩnh biệt những người đồng chí của mình, Tiểu La đã gửi mảnh giấy ghi lại những “di ngôn” với niềm tin mãnh liệt: “Thời cuộc nhất chuyển hảo cơ. Đông Á phong vân kim hậu chính kỳ giả, chư huynh đệ nổ lực chi ngử hựu phụ” (Thời cuộc xoay vần, cơ hội tốt sẽ đến. Giông mây Á Đông sau này còn nhiều cuộc biến đổi. Anh em hãy gắng lên - Huỳnh Thúc Kháng dịch).
Dù các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX do Nguyễn Thành tham gia và lãnh đạo đều thất bại, nhưng điều đó đem lại những bài học sâu sắc mà các thế hệ sau sẽ tiếp nối và đi đến thành công.
Hậu thế sẽ mãi tôn vinh những tấm gương tiêu biểu của các nhân tài xứ Quảng, trong đó Tiểu La Nguyễn Thành sẽ mãi là một tượng đài yêu nước sáng ngời của dân tộc Việt Nam.
Anh Vũ