Trong quá trình lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh đã tìm kiếm, thiết lập quan hệ và phối hợp hoạt động với lực lượng Đồng Minh chống phát xít, trong đó có Trung Hoa Dân Quốc
Giữa tháng 11/1943, theo yêu cầu của Trương Phát Khuê, Hồ Chí Minh nhận chức Phó Chủ tịch Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội (Chủ tịch là Nguyễn Hải Thần). Hồ Chí Minh nhận trợ cấp 100.000 đồng tiền Trung Quốc mỗi tháng[1].
Ngày 23/11/1943, Hồ Chí Minh rời khỏi Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu đến ở trong nhà Tổng bộ Việt Nam cách mạng Đồng Minh hội đặt tại đường Ngư Phong ( Liễu Châu). Không dám trái ý Trương Phát Khuê, Nguyễn Hải Thần cử Diệp Thuỵ Đình và Trung Tú Nghị là Uỷ viên quân sự đặc biệt của Việt Nam cách mạng đồng minh hội đến Cục Chính trị Đệ tứ chiến khu đón Hồ Chí Minh tham gia Ban Lãnh đạo. Tại đây, Hồ Chí Minh có điều kiện khá tự do tiếp xúc với các đại biểu của nhiều lực lượng cách mạng Việt Nam và Trung Quốc.
Đầu năm 1944, phân tích xu thế của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, Hồ Chí Minh khẳng định thắng lợi sẽ thuộc về phe Đồng Minh và dự báo: “Với sự hiệp đồng của các nước Đồng Minh, trên dưới một năm nữa, Trung Quốc có thể đánh thắng Nhật Bản; chiến tranh thế giới như vậy có thể kết thúc. Việt Nam chắc chắn trong một thời gian không xa lắm sẽ hoàn toàn đánh thắng thực dân Pháp mà giành được độc lập hoàn toàn. Đó là điều không một lực lượng nào có thể ngăn trở được. Hai nước Trung - Việt có quan hệ hết sức mật thiết. Trung Quốc là một lực lượng hoà bình to lớn, là đảm bảo chắc chắn cho Việt Nam chúng tôi hoà bình kiến quốc. Từ nay về sau chúng tôi sẽ được sự giúp đỡ huynh đệ của Trung Quốc sau chiến tranh, đó là điều chắc chắn”[2]
Cuối tháng 2/1944, Hồ Chí Minh dự Hội nghị trù bị Đại hội đại biểu toàn quốc của Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội. Tại Hội nghị này, Hồ Chí Minh đề nghị mở rộng thành phần Đại hội; đưa ra ý kiến đổi tên Đại hội đại biểu toàn quốc của Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội thành Đại hội đại biểu các tổ chức cách mạng Việt Nam ở hải ngoại[3]; đồng thời, đề nghị để đại biểu của Việt Minh và các tổ chức của Việt Minh ở trong nước cũng tham dự. Các đề nghị này được Tướng Trương Phát Khuê tán thành và uỷ thác cho Hồ Chí Minh khởi thảo kế hoạch triệu tập Đại hội[4].
Với tư cách đại biểu của Việt Minh, Hồ Chí Minh dự Đại hội các đoàn thể cách mạng Việt Nam ở nước ngoài[5] họp tại Lễ đường Bộ Tư lệnh Chiến khu IV ở Liễu Châu (Quảng Tây, Trung Quốc) từ ngày 25 đến 28/3/1944. Nhận thấy đây là một cơ hội tốt trong việc tranh thủ Trung Hoa Dân Quốc và Đồng Minh, đọc “Báo cáo của Phân hội Việt Nam thuộc Hội Quốc tế chống xâm lược”, Hồ Chí Minh bày tỏ hy vọng đoàn kết thực sự các lực lượng cách mạng, tranh thủ sự giúp đỡ ở nước ngoài làm cho “sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam nhất định sẽ sớm thành công”[6].
Cũng tại Đại hội này, trong “Báo cáo về tình hình các đảng phái trong nước”, Hồ Chí Minh viết rằng, mọi đảng phái ở Việt Nam “đều cùng nhau tranh đấu và cùng nhau hy sinh”[7] và “ngoài công việc cứu nước ra thì lý luận gì, công tác gì, cũng không được nhân dân ủng hộ”[8].
Cho rằng, ở Việt Nam không cần nêu khẩu hiệu “Đoàn kết các đảng phái”, vì điều này đã trở thành hiện thực, mà cần phải mở rộng khối đoàn kết đến toàn dân, Hồ Chí Minh đề cao chủ trương tranh thủ “sự giúp đỡ của các nước Đồng Minh, trước hết là của Trung Quốc, đặng hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc”[9].
Quân đội Quốc Dân Đảng Trung Hoa (Ảnh tư liệu)
Nhằm tranh thủ sự đồng thuận của các lực lượng Đồng Minh trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, Hồ Chí Minh phân tích: “Mọi người đều phải theo trào lưu cách mạng thế giới: Nước Trung Quốc tam dân chủ nghĩa, nước Anh đế quốc chủ nghĩa, nước Nga Xôviết cộng sản chủ nghĩa, nước Mỹ tư bản chủ nghĩa đều có thể hợp tác với nhau để chiến thắng quân thù. Các đảng phái ở Trung Quốc đều tập hợp chung quanh Quốc dân Đảng Trung Quốc để chống Nhật cứu nước. Nước Pháp tự do có Đảng Cộng sản Pháp tham gia; nước Đức tự do có Đảng Cộng sản Đức tham gia, cùng nhau ra sức cứu Tổ quốc, cứu đồng bào. Việt Nam là một bộ phận của thế giới, cũng không thể đi ngược dòng lịch sử được”[10]. Theo Hồ Chí Minh, nhiệm vụ lúc này là phải “mở rộng khối đoàn kết toàn dân để đạt tới mục đích: Bên trong có lực lượng của mình, bên ngoài tranh thủ sự giúp đỡ của các nước Đồng Minh, trước hết là của Trung Quốc, đặng hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc”[11].
Nhằm tranh thủ sự ủng hộ của chính phủ Tưởng Giới Thạch, Hồ Chí Minh khôn khéo phát biểu: “Chúng tôi cũng đã học ở Trung Quốc một bài học quý báu, nếu tự mình không có thực lực gì làm cơ sở thì không thể nói đến ngoại giao gì cả”[12].
Hồ Chí Minh khẳng định: “Về phần chúng tôi, lúc nào cũng tin tưởng vững chắc ở nền đạo đức cổ truyền của nhân dân Trung Quốc là bênh vực kẻ yếu, giúp đỡ người gặp nguy nan, cứu kẻ sắp bị tiêu diệt, đồng thời chúng tôi tin tưởng sắt đá vào quốc sách của Trung Quốc là: liên hiệp các nước tiểu dân tộc trên thế giới để cùng chung chiến đấu”[13].
Tại cuộc họp, các Đảng phái chính trị thống nhất trong Việt Nam Cách mệnh Đồng minh hội và thành lập Chính phủ cộng hòa lâm thời gồm Trương Bội Công (Chủ tịch), các thành viên Nguyễn Hải Thần, Hồ Chí Minh, Nghiêm Kế Tổ, Vũ Hồng Khanh, Tùng Sơn, Bồ Xuân Luật. Chính phủ đề ra chương trình hành động là giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách thống trị của Pháp - Nhật, xây dựng nước Việt Nam độc lập với sự giúp đỡ của Quốc dân Đảng Trung Hoa.
Tuy nhiên, Chính phủ này chưa xây dựng được lực lượng chính trị và vũ trang trong nước nên hầu như mọi vấn đề mới dừng ở khẩu hiệu. Sau cuộc họp này, Tưởng Giới Thạch đã chấp nhận để Việt Minh đứng trong Mặt trận liên minh Trung-Việt chống chủ nghĩa phát xít.
Cuối năm 1943, Hồ Chí Minh đến nói chuyện với lớp huấn luyện cán bộ đặc biệt của thanh niên Việt Nam do Đoàn huấn luyện cán bộ Đệ tứ chiến khu tổ chức tại Đại Kiều (Liễu Châu, Quảng Tây, Trung Quốc).
Cũng vào cuối năm, Hồ Chí Minh đến dự lễ khai mạc lớp huấn luyện cán bộ Việt Nam tại ngoại thành Liễu Châu. Hồ Chí Minh nói bằng tiếng Việt. Hai người Việt Nam là Lê Dũng Thịnh và Nguyễn Thị Anh dịch sang tiếng Trung.
Trong bài nói, Người cảm ơn Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã ủng hộ chân thành, mạnh mẽ và lâu dài cho cách mạng Việt Nam: “mong mỏi” sống chết dựa vào nhau, đắng cay ngọt bùi cùng chia xẻ. Cuối bài, Người khẳng định: “Chúng ta nhất định sẽ thắng lợi. Ngày mà thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam không còn xa nữa!”.
Tưởng Giới Thạch trong một cuộc duyệt binh (Ảnh tư liệu)
Mặc dù bị chính quyền Quốc Dân Đảng Trung Hoa kiểm soát khá chặt chẽ, Hồ Chí Minh đã khéo léo từng bước thoát khỏi vòng cương tỏa của chính quyền Tưởng Giới Thạch, trở về nước vào ngày 20/9/1944.
Về Việt Nam, trong Thư gửi đồng bào toàn quốc tháng 10/1944, Hồ Chí Minh viết: “Nhân dịp ở ngoài mà tôi hiểu rõ tình hình thế giới và chính sách của các nước hữu bang, trước hết là Trung Quốc”.
Tiếp nối các hoạt động của Hồ Chí Minh, Việt Minh đã vận động thành lập mặt trận “Liên minh Trung - Việt” làm hình thức hoạt động hợp pháp cho Việt Minh ở Trung Quốc, làm nơi tập hợp những người Việt Nam yêu nước, lựa chọn cán bộ đưa về nước hoạt động, tạo một đầu mối để tiếp xúc với các lực lượng Đồng Minh.
Cuối năm 1944, đầu năm 1945, nhận lời mời của đại diện chính quyền Tưởng Giới Thạch ở Hoa Nam, Đoàn đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, do Hoàng Quốc Việt dẫn đầu đã đến Quảng Tây bàn việc hợp tác chống Nhật.
Tháng 2/1945, sau 6 tháng trở về nước, Hồ Chí Minh lại lên đường sang Trung Quốc để gặp gỡ, tranh thủ sự ủng hộ của lực lượng Đồng Minh. Cũng trong chuyến đi này, Hồ Chí Minh đến Quảng Tây tìm cách chấn chỉnh lại tổ chức Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội đã ngừng hoạt động; tham gia Uỷ ban hoạt động của Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội do Tiêu Văn chỉ định thành lập.
Như vậy, trong quan hệ giữa Việt Minh với Trung Hoa Dân Quốc, một mặt, Việt Minh nhận thấy điểm tương đồng trong mục tiêu chống phát xít cần khai thác để hạn chế mặt tiêu cực của họ, thực hiện sự đoàn kết quốc tế của Việt Minh theo phương châm “thêm bầu bạn bớt kẻ thù”, xem đó như một điều kiện để tranh thủ các nước Đồng Minh; mặt khác, Việt Minh cũng thấy rõ bản chất và ý đồ xâm lược Việt Nam của Trung Hoa Dân Quốc, nên hết sức cảnh giác. Hồ Chí Minh căn dặn các đồng chí của mình: “Không nên ảo tưởng vào Tưởng Giới Thạch nhưng phải lấy Trung Quốc làm cái cầu để tranh thủ các nước Đồng Minh và đưa ra khẩu hiệu “Hoa - Việt thân thiện”[14].
Như vậy, về sách lược ngoại giao, Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã khéo léo xây dựng mối quan hệ và phối hợp hoạt động với Quốc dân Đảng Trung Hoa, nhằm tăng cường lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng thời luôn hết sức cảnh giác trước âm mưu thôn tính Việt Nam của Trung Hoa Dân Quốc, điều mà sau Cách mạng Tháng Tám được bộc lộ rõ hơn với chủ trương “Diệt Cộng, cầm Hồ”, nhưng đã quá muộn khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, ý chí bảo vệ nền độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam đã dâng cao.
Hoa Nguyễn
[1] Ronald H. Spector: Advice and Support: The Early Years, 1941-1960 (United States Army in Vietnam), University Press of the Pacific, 2005, p.38. Xem thêm: Hoàng Tranh (1984), Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb. Giải phóng quân, Bắc Kinh, tr. 98; The Pentagon Papers Gravel Edition (1971), Chapter I, “Background to the Crisis, 1940-50”), Volume 1, Boston: Beacon Press, p.11. (Nguyễn Thế Anh (1970), Việt Nam thời Pháp thuộc, Nxb. Lửa thiêng, Sài Gòn, tr.355-356).
[2] Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - biên niên tiểu sử, Sđd, t.2, tr. 101.
[4] Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - biên niên tiểu sử, Sđd, t.2, tr.199.
[5] Hội nghị đại biểu họp tại Liễu Châu từ ngày 25 đến ngày 28/3/1944, gồm 15 đại biểu các đoàn thể, trong đó có đại biểu Hội giải phóng ở Vân Nam là Lê Tùng Sơn vốn đã theo Việt Minh, đại biểu Biệt động quân ở Nam Ninh là Nguyễn Thanh Đồng cũng là Việt Minh, đại biểu Đảng Đại Việt là Nguyễn Tường Tam và đại biểu Phân hội phản xâm lược Đồng Minh Việt Nam là Hồ Chí Minh. Những đoàn thể có đại biểu được mời đến tham dự hội nghị lần này, trước kia đều không có chân trong Việt Cách. (Hoàng Văn Hoan (1986), Giọt nước trong biển cả, Sđd).
[6] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.3, tr.489.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.498.
[8] Hồ Chí Minh:Toàn tập, Sđd, t.3, tr.498.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.498.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.498-499.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.493.
[12] Vũ Khoan: Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao, Sđd, tr.35.
[13] Vũ Khoan: Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao, Sđd, tr.34.
[14] Nguyễn Đình Bin (Chủ biên): Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 40.