Trong quá trình lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh đã tìm kiếm, thiết lập quan hệ và phối hợp hoạt động với lực lượng Đồng Minh chống phát xít, trong đó có Trung Hoa Dân Quốc
Đến đầu năm 1940, những hoạt động quân sự Nhật Bản đã bắt đầu lan xuống phía Nam, từ thung lũng sông Dương Tử vào trong khu vực xung quanh Quảng Châu cũng như đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hoạt động của lực lượng quân sự Nhật Bản khiến cho Trung Hoa Dân Quốc lo ngại và tìm cách đối phó. Tuy nhiên, lợi dụng việc chống Nhật, Trung Hoa Dân Quốc còn có kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” với ý đồ đưa quân đội sang đánh quân đội Nhật Bản và thiết lập quyền cai trị của họ đối với Việt Nam.
Ngày 21/12/1941, Đảng Cộng sản Đông Dương ra Thông cáo gửi các cấp bộ của đảng, vạch rõ những sách lược đối ngoại trong việc giao thiệp với chính phủ kháng chiến Trung Quốc để thực hiện khẩu hiệu “Hoa - Việt kháng Nhật trên đất Đông Dương” trên nguyên tắc “bình đẳng tương trợ”.
Thông cáo chỉ ra rằng: phải làm cho quân đội Trung Hoa Dân Quốc thấy rằng vào Đông Dương để giúp cách mạng Đông Dương tức là tự giúp họ, để cùng với nhân dân Đông Dương chiến thắng quân Nhật, giải tỏa sự uy hiếp của Nhật đối với Hoa Nam, chứ không phải vào Đông Dương để chinh phục Đông Dương.
Thông cáo cũng viết: “đừng có ảo tưởng rằng: quân Tàu và quân Anh, Mỹ sẽ mang lại tự do cho ta. Không, trong cuộc chiến đấu giải phóng cho ta, cố nhiên là phải kiếm bạn đồng minh dẫu rằng tạm thời bấp bênh có điều kiện, nhưng công việc của ta trước hết ta phải làm lấy”[1].
Tưởng Giới Thạch duyệt đội quân danh dự (Ảnh tư liệu)
Theo đề nghị của Tổng thống Mỹ F.D.Roosevelt, ngày 02/01/1942, lực lượng Đồng Minh quyết định thành lập mặt trận Trung Quốc bao gồm Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan do Tưởng Giới Thạch làm Thống soái tối cao. Trong bối cảnh ấy, Việt Minh thấy rằng cần phải tranh thủ Trung Hoa Dân Quốc, tạo dựng mối quan hệ để vừa tranh thủ vừa kiềm chế quốc gia này. Ngay từ những tháng cuối năm 1940, theo dõi những diến biến mới nhất của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, Hồ Chí Minh đã xác định “Phong trào giải phóng của Việt Nam là đội quân Đồng Minh trong cuộc kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc”[2]; đồng thời, chỉ rõ: “Phong trào dân tộc Việt Nam hiện nay đang lên mạnh, ai cũng biết cả. Công cuộc giải phóng của Việt Nam không thể tách rời ba điều quan trọng: 1- Liên Hoa; 2- Kháng Nhật; 3- Bài Pháp”[3].
Nguyễn Ái Quốc nhận thấy cần có một tổ chức hợp pháp trong chế độ của Trung Hoa Dân Quốc ở Hoa Nam[4], thông qua tổ chức của người Việt Nam khi đó đang được phép hoạt động công khai là “Việt Nam độc lập Đồng Minh hội” do Hồ Học Lãm đứng đầu[5], giữ mối liên lạc với Trung Hoa Dân Quốc, đề phòng khi “Hoa quân nhập Việt” thì với danh nghĩa “Việt Nam độc lập Đồng Minh hội” ở trong nước có thể buộc họ phải “đàng hoàng nói chuyện với chúng ta”[6].
Hồ Chí Minh cử đại biểu ở hải ngoại và đại biểu Việt Minh ở trong nước tham gia thành lập “Hội Giải phóng” cùng với Quốc dân Đảng (Trung Quốc). Hồ Chí Minh giải thích: “Mục đích ta tham gia tổ chức này Hội giải phóng này cốt để hợp pháp hóa những hoạt động của chúng ta ở ngoài và cũng để tranh thủ sự viện trợ ở ngoài về vật chất cũng như về tinh thần được chừng nào hay chừng ấy, nhưng Việt Nam độc lập Đồng Minh vẫn là một tổ chức hoàn toàn độc lập”[7].
Nhờ lợi dụng danh nghĩa của Hội, nên nhiều lần Việt Minh đã ngăn chặn được những kế hoạch bất lợi đối với Việt Nam của Quốc dân Đảng. Sau khi Hội Giải phóng được thành lập, cán bộ Việt Minh từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên và một số ít ở dưới xuôi lên, sang Trung Quốc để dự các lớp huấn luyện như lớp bộc phá, lớp quân sự, lớp điện đài...
Trong quan hệ với Quốc dân Đảng, Hồ Chí Minh lưu ý những cán bộ Việt Minh: “Việc giao thiệp với Quốc dân Đảng, không mong chi nhiều. Điều chủ yếu là làm sao cho họ không cản trở công việc của ta”[8].
Đặc biệt, cũng cần phải hết sức bí mật, “sách vở, tài liệu phải hết sức cẩn thận. Mua sách, báo về chủ nghĩa cộng sản, đọc xong hủy đi trước khi về nhà. Trong lúc giao dịch với bọn Quốc dân Đảng tuyệt đối không để lộ mình là cộng sản”[9].
Việt Minh ý thức đầy đủ rằng đối với chính phủ Tưởng Giới Thạch “dù có vào Việt Nam để đánh Nhật cũng chỉ là Đồng Minh tạm thời, về bản chất chúng vẫn là kẻ thù. Phải thấy hết tính chất phản động của nó, nếu không thấy thì nguy hiểm. Chúng nó không vào Việt Nam càng tốt cho ta hơn”[10].
Tưởng Giới Thạch bên cạnh đại diện của Mỹ trong một sự kiện (Ảnh tư liệu)
Để tạo danh nghĩa hoạt động, cần tận dụng danh nghĩa hợp pháp của Việt Nam độc lập Đồng Minh hội; do đó, Văn phòng làm việc của Việt Nam độc lập Đồng Minh hội ở Quế Lâm do ông Hồ Học Lãm làm Chủ nhiệm và Phạm Văn Đồng (bí danh Lâm Bá Kiệt) làm Phó Chủ nhiệm được lập ra, để quan hệ với Tư lệnh trưởng Đệ tứ chiến khu Trương Phát Khuê và Chủ nhiệm hành dinh khu Tây Nam của Trung Hoa Dân Quốc Tướng Lý Tế Thâm.
Hồ Chí Minh giải thích: “Làm như thế, không những hợp pháp hóa được tổ chức của chúng ta ở đây mà vấn đề quan trọng hơn là chúng ta còn có thể ở đây lâu dài làm nhiều việc khác, giữ được mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc, nhất là với Đệ tứ chiến khu”[11].
Ngoài ra, đây cũng là một nước cờ nhằm ứng phó với kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” của chính phủ Tưởng Giới Thạch, để khi họ thực hiện “nhập Việt”, thì với danh nghĩa Việt Nam độc lập Đồng Minh hội, Việt Minh có thể đàng hoàng buộc họ phải nói chuyện và có thể ngăn chặn được kế hoạch của họ[12].
Mặc dù biết rằng khó có thể trông cậy ở chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, vì “họ sẽ nói như xẻ cửa, xẻ nhà cho ta đấy, nhưng đang chuẩn bị để nuốt tươi chúng ta. Phải giữ gìn cẩn thận, các đồng chí đang ở trước miệng hùm nọc rắn cả đấy”[13], song để tranh thủ hợp tác với Trung Hoa Dân Quốc, sau khi được trả tự do (9-1943), Hồ Chí Minh tiếp xúc với một số tướng lĩnh trong Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, tham gia một số hoạt động của Việt Nam cách mạng Đồng Minh hội.
Cuối tháng 10-1943, Hồ Chí Minh bắt đầu tham gia một số hoạt động của Việt Nam Cách mạng đồng minh hội. Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội là một tổ chức của người Việt Nam ở Trung Quốc thuộc nhiều đảng phái, được sự hỗ trợ của Đệ tứ chiến khu. Tổ chức này có các đảng phái như Đồng Minh Hội, Việt Nam Quốc dân Đảng, Phục Quốc và một số nhóm nhỏ khác. Tháng 7/1942, đã có một uỷ ban trù bị gồm 28 đại biểu của các đoàn thể, do Nguyễn Hải Thần làm Chủ nhiệm. Đại hội thành lập, lúc đầu định vào ngày 10/8/1942, sau hoãn đến ngày 1/10/1942. Quốc dân Đảng Trung Quốc muốn nắm chặt tổ chức này, phục vụ ý đồ “Hoa quân nhập Việt”, giao cho Chủ nhiệm Cục Chính trị Lương Hoa Thịnh làm đại diện chỉ đạo. Tháng 5/1943, Lương được điều đi, Chủ nhiệm mới của Cục Chính trị là Hầu Chí Minh thay. Đến tháng 12/1943, Tư lệnh Đệ tứ chiến khu Trương Phát Khuê kiêm chức đại diện, Hầu Chí Minh làm phó đại diện. Đại diện chỉ đạo có văn phòng giúp việc, do Tiêu Văn – Trưởng phòng ngoại vụ của Đệ tứ chiến khu – phụ trách.Sau ngày thành lập, Đồng minh hội vẫn năm bè bảy mối, rời rạc bê bối. Trương Phát Khuê quyết định cải tổ Đồng minh hội để Hồ Chí Minh tham gia công tác lãnh đạo. Trước khi chính thức cải tổ, Trương Phát Khuê yêu cầu Hồ Chí Minh hợp tác với Nguyễn Hải Thần với cương vị Phó chủ tịch Việt Nam cách mạng Đồng minh hội.
Viết về sự kiện này, có ý kiến cho rằng: “Cách mạng Đồng Minh hội được thành lập và được đặt dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Hải Thần. Song các vị lãnh tụ của các phe phái khác nhau muốn có tự do hành động riêng, và liên minh mới thành lập tỏ ra không đủ khả năng giữ vai trò chính trị mà chính phủ Trung Hoa muốn giao phó cho nó. Vì vậy, chính phủ Trung Hoa phải nhờ đến Nguyễn Ái Quốc, bấy giờ đổi tên là Hồ Chí Minh; Hồ Chí Minh được cử đến để điều khiển Việt Nam cách mạng Đồng Minh Hội với điều kiện phải giúp chính phủ Trung Hoa và phái bộ Hoa Kỳ ở Trung Hoa thiết lập một mạng lưới tình báo ở Việt Nam. Nhờ vậy, Hồ Chí Minh không những lợi dụng được các phương tiện tại chính cung hiến bởi chính phủ Trung Hoa, mà còn có thể cầm đầu một sự liên minh giữa các đảng phái khác nhau nữa”.
Hoa Nguyễn
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000 t.7, tr.244.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.3, tr.209.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.213.
[4] Hoa Nam là khu vực kiểm soát của Trung Hoa Dân Quốc, còn gọi là Đệ tứ chiến khu.
[5] Hồ Học Lãm là một nhà yêu nước, tham gia phong trào Đông Du (1906-1908), từng làm sĩ quan trong quân đội Trung Hoa Dân Quốc. Năm 1936, ông lập ra Việt Nam độc lập Đồng Minh hội, đăng ký hoạt động hợp pháp ở Trung Quốc
[6] Viện Quan hệ quốc tế, Bộ Ngoại giao: Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.17.
[7] Đầu nguồn - Hồi ký về Bác Hồ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1975, tr.123- 124.
[8] Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, tr.35-36.
[9] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh-Biên niên tiểu sử, t.2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.111.
[10] Viện Quan hệ quốc tế, Bộ Ngoại giao: Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.17.
[11] Vũ Khoan: Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.16.
[12] Vũ Khoan: Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao, Sđd, tr.16.
[13] Hoàng Quốc Việt: Chặng đường nóng bỏng, Nxb. Lao động, Hà Nội, 1985, tr. 270.