Tháng 6 về, trong niềm vui chào đón ngày Gia đình Việt Nam, tôi nhớ đến những gia đình ấm áp bình yên được dựng xây với trái tim, khối óc, bàn tay của từng thành viên và của biết bao người đã, đang cống hiến không tiếc máu xương nơi Trường Sa thân yêu...
Người dân trồng rau ở Trường Sa. Ảnh: Phước Tuấn
Đầu tháng 5 năm 2022, Tàu bệnh viện Khánh Hòa 561 của Hải quân Việt Nam chở Đoàn Công tác số 6 gồm đại biểu của nhiều cơ quan, tổ chức như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, một số đơn vị thông tấn, báo chí… ra thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Qua hải trình dài đến với 7 đảo chìm, 3 đảo nổi, nhà dàn DK1, các thành viên của Đoàn được trải nghiệm nhiều cảm xúc tự hào, ấm áp, xúc động. Trong ký ức về bao khung cảnh, con người làm lay động trái tim đại biểu, luôn hiện diện hình ảnh những ngôi nhà, nơi những cặp vợ chồng cùng nhau nuôi dạy các con khôn lớn, cùng xây tổ ấm gia đình trên quần đảo Trường Sa.
Đoàn tới thăm Trường Sa ngồi uống nước ngoài ngõ xóm. Ảnh: Phước Tuấn
Đến thăm những gia đình người dân sinh sống trên các đảo nổi của quần đảo Trường Sa, đại biểu của đoàn công tác được chào đón như người thân quen. Trong căn phòng khách rộng rãi khang trang, mọi người quây quần, thưởng thức món thạch dừa rau câu mát lạnh do chính tay người vợ đảm đang của gia đình làm, chia sẻ những câu chuyện rôm rả vui nhộn. Chủ và khách cùng nói về những bài học của các con dưới mái trường nơi đầu sóng tiền tiêu Tổ quốc, chia sẻ về công việc của vợ, của chồng, chia sẻ về sự gắn bó của tình quân dân trên đảo… Những người khách nữ theo chân chị chủ nhà vào gian bếp sạch sẽ, ngăn nắp, ngồi xuống bên nhau nhặt rau, bóc hành, tỉ tê tâm sự. Khách hỏi chủ nhà về những món ăn hàng ngày. Chủ nhà thăm hỏi sức khỏe của khách khi trải qua hải trình dài trên biển… Ngoài vườn, dàn mướp, dàn khổ qua đang trổ hoa ra trái, những khóm rau được chăm sóc kỹ càng xanh mướt làm dịu cái nắng giữa biển trời bao la. Chiếc xe đạp dựng gọn gàng nơi góc sân. Vài chậu hoa đang đua nở. Khung cảnh thanh bình và an vui như bao ngôi nhà của làng quê Việt Nam.
Chuyện trò trong nhà một gia đình ở Trường Sa. Ảnh: Phước Tuấn
Nếu tới đảo vào buổi sáng, buổi trưa, đại biểu có thể thong thả dạo quanh con đường chạy dọc ngõ xóm, ngồi xuống chiếc bàn đá dưới tán cây tỏa bóng mát, nhấp ngụm trà nóng hoặc cốc nước lá vối quen thuộc mà cư dân xóm đảo dành đãi khách, rồi lần lượt ghé thăm từng gia đình. Giờ đó, tại các gia đình có con ở độ tuổi đến trường thì các con đều đang đi học. Các em nhỏ chưa đến trường được bố mẹ ẵm trên tay cùng ra chào đón khách, cùng chụp hình với đại biểu bằng nét mặt tươi vui, đôi mắt trong veo.
Nếu ở thăm đảo tới chiều, có thể cảm nhận rõ không khí nhiều phần hối hả khi hoàng hôn gần buông. Ngày có đại biểu tới thăm đảo và ở lại tới chiều hoặc tối, hẳn nhiên là một ngày đặc biệt. Con trẻ xúng xính chuẩn bị xem văn nghệ và cùng biểu diễn một số tiết mục. Người lớn trong nhà cũng chộn rộn niềm vui, nhanh chóng chuẩn bị cơm chiều để còn kịp ra khu vực sân khấu, cổ vũ cho giọng hát ngây thơ, xúc động của các con trong lời hát Quê em ở Trường Sa: “Quê em ở Trường Sa/những đảo chìm đảo nổi/Quê em có biển trời/bốn mùa xanh bao la/Sinh ra ở Trường Sa/em là con của biển…’’[1]
Một ngõ xóm ở Song Tử Tây. Ảnh: Phước Tuấn
Chúng tôi tạm biệt Trường Sa với bao cảm xúc tự hào, lưu luyến khi tiếng còi tàu kéo từng hồi dài nơi bến cảng. Chợt thấy dâng lên trong lòng nỗi nhớ những ngôi nhà nhỏ bé, quây quần quanh ngõ xóm thân thương, bao bọc lấy hơi ấm và tình yêu của các gia đình Việt Nam nơi hải đảo, nhớ cảm giác bình yên, ấm áp từ bình minh đến hoàng hôn, bình yên ấm áp trong tiếng chuông Chùa vang trên biển, đất, trời quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.
[1] Lời bài hát Quê em ở Trường Sa của nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp.
Mai Nguyễn