Ngày 28-7-1929, Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, tổ chức tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ra đời. Từ đó, tổ chức và hoạt động đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam phát triển không ngừng, đóng góp to lớn vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám là quá trình vận động, đoàn kết đấu tranh của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, trong đó có giai cấp công nhân Việt Nam.
Chủ trương của Đảng về xây dựng tổ chức công đoàn và đẩy mạnh phong trào công nhân
Phong trào đấu tranh của công nhân Việt Nam diễn ra từ khá sớm với các cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son, Sài Gòn, công nhân các đồn điền cao su Đông Nam Bộ và công nhân các cơ sở công nghiệp ở miền Bắc, miền Trung. Ngày 28-7-1929, Tổng công hội đỏ Bắc Kỳ ra đời, chính thức đánh dấu sự thành lập về tổ chức của giai cấp công nhân Việt Nam. Tổ chức Công hội ra đời, vừa thúc đẩy sự phát triển của phong trào công nhân, vừa thúc đẩy sự phát triển của phong trào cộng sản, tiến tới sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Số nhà 15 Hàng Nón, nơi diễn ra Hội nghị thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, 28/7/1929. (Ảnh TLBTLSQG)
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tổ chức công đoàn và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân càng được Đảng chú ý lãnh đạo.
Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 10-1930[1] xác định: “Đảng phải thâu phục đại đa số của giai cấp mình, cho nên trách nhiệm trung tâm của Đảng là tổ chức và khóach trương Công hội đỏ trong những sản nghiệp chủ yếu và trong các thành phố lớn. Công hội phải thống nhứt và tập trung theo sản nghiệp và theo địa phương…”[2].
Trong những năm 1930- 1935, nhiều văn kiện của Đảng như Án Nghị quyết của Trung ương toàn thể đại hội nói về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng 10-1930; Án Nghị quyết của Trung ương toàn thể hội nghị về công nhơn vận động tháng 10-1930; Án Nghị quyết của Trung ương toàn thể Hội nghị lần thứ hai (Tháng 3 năm 1931); Nghị quyết Hội nghị Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương và đại diện các tổ chức Đảng trong nước, tháng 6-1934 đều nhấn mạnh nhiệm vụ cấp bách là phải lãnh đạo các Công hội đỏ, lập ra và phát triển các công hội rộng rãi trên cả nước.
Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất của Đảng (tháng 3-1935) nêu rõ: đẩy mạnh công tác vận động công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, chỉ có làm được như vậy mới giữ được quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản trong cuộc vận động cách mạng. Đại hội thông qua Nghị quyết về Công nhân vận động, nhấn mạnh: Công hội là cầu nối giữa Đảng với đông đảo giai cấp công nhân.
Đại hội lần thứ nhất của Đảng thông qua Điều lệ của Tổng Công hội đỏ Đông Dương. Điều lệ ghi rõ những quy định về tên, tôn chỉ, hội viên, tổ chức, hệ thống tổ chức dọc và ngang, tài chính, kỷ luật của Công hội đỏ.
Hội nghị Trung ương tháng 5-1941 quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh, bao gồm các tổ chức quần chúng yêu nước, chống đế quốc, lấy tên là Hội cứu quốc. Hội công nhân phản đế đổi tên thành Hội công nhân cứu quốc. Nghị quyết Hội nghị cũng nhấn mạnh công tác vận động công nhân là “công việc đầu tiên trong việc tổ chức quần chúng của Đảng”.
Trong 15 năm, Đảng đã xác định tầm quan trọng của công tác vận động công nhân, vị trí, vai trò của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn, soi đường cho quá trình xây dựng tổ chức và hoạt động của tổ chức công đoàn và phong trào công nhân Việt Nam. Vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam của giai cấp công nhân đã được xác định rõ, Bộ tham mưu của giai cấp công nhân chính là Đảng Cộng sản và tổ chức Công đoàn là cầu nối giữa Đảng và đông đảo giai cấp công nhân, tập hợp giai cấp công nhân đấu tranh dưới lá cờ của Đảng.
Tổ chức công đoàn và phong trào công nhân góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945
Với chủ trương và sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, tổ chức Công hội đỏ và phong trào công nhân từng bước phát triển khắp ba kỳ. Tính đến đầu năm 1930, hầu hết các thành phố và khu công nghiệp lớn đều có tổ chức Công hội đỏ. Toàn quốc có 6.000 hội viên, trong đó Nhà máy Sợi Nam Định có 1.000 hội viên; Nhà máy Diêm Bến Thủy có 15 tổ Công hội đỏ với 125 hội viên. Riêng ở Nam Kỳ, tháng 4-1930, Tổng Công hội đỏ Nam Kỳ được thành lập với trên 700 hội viên.
Cùng với xây dựng tổ chức, kết nạp hội viên, Công hội đỏ tích cực tổ chức, lãnh đạo công nhân đấu tranh. Bên cạnh những cuộc đấu tranh kinh tế, Công hội đỏ tổ chức các cuộc đấu tranh có tính chất chính trị.
Trong cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ -Tĩnh, giai cấp công nhân và giai cấp nông dân sát cánh đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tháng 8-1930, Công hội đỏ Việt Nam cử đại biểu tham dự Đại hội V Quốc tế Công hội đỏ, đánh dấu bước tiến quan trọng của giai cấp công nhân và Công hội đỏ Việt Nam với phong trào công nhân và công đoàn quốc tế.
Trong những năm 1936-1939, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức của công nhân mang tên phổ biến là hội ái hữu, tiếp tục đoàn kết với các tầng lớp nhân dân đấu tranh, tập trung vào mục tiêu là chống phát xít và phản động thuộc địa; đòi các quyền tự do, dân chủ, cải thiện đời sống, tự do báo chí, thành lập Đông Dương Đại hội.
Qua thực tiễn đấu tranh, giai cấp công nhân đã biết kết hợp đấu tranh bất hợp pháp với đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp; đấu tranh nghị trường, buộc chính quyền thuộc địa phải thi hành một số cải cách xã hội. Ngoài quyền lập Hội ái hữu, giai cấp công nhân đã giành được những thành quả về quyền dân sinh, dân chủ: Ngày làm việc 8 giờ, tăng lương trong nhiều ngành nghề, quyền tự do báo chí bằng tiếng Việt ở Nam Kỳ, nới rộng quyền xuất bản báo chí ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ….
Từ sau tháng 11-1939, căn cứ tình hình mới, quán triệt chủ trương thay đổi chiến lược của Trung ương Đảng, tổ chức Công hội hạt động dưới tên gọi Hội công nhân phản đế. Sau Hội nghị Trung ương, do những yếu tố khách quan, các hình thức tổ chức của công nhân rất đa dạng. Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, tổ chức công nhân cứu quốc phát triển mạnh. Ở Nam Kỳ, tổ chức của công nhân dưới các hình thức như: Công đoàn, Nghiệp đoàn, Tương tế, Ái hữu, Thanh niên Tiền Phong ban xí nghiệp....và đến trước ngày khởi nghĩa lấy tên là Tổng công đoàn Nam Bộ[3].
Mặc dù bị Pháp - Nhật ra sức khủng bố, đàn áp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức công đoàn vẫn tiếp tục vận động, tổ chức đông đảo công nhân đấu tranh.
Từ năm 1941 đến năm 1945, các cuộc đấu tranh của công nhân diễn ra hầu hết ở các đô thị lớn: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và một số tỉnh có nhiều nhà máy, xí nghiệp: Nghệ An, Thanh Hóa, Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Đồng Nai…; trong các ngành xe lửa, sửa chữa vũ khí, dệt, sản xuất giày, in, sản xuất gỗ, đồn điền cao su, làm đường, khai thác mỏ.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp, trong cao trào kháng Nhật, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hội viên Hội công nhân cứu quốc đã cùng nông dân nghèo phá nhiều kho thóc của Nhật ở Hà Nội, Hải Phòng, chặn phá các đoàn thuyền chở gạo của nhật, mở các kho lương thực ở đồn điền ở Vĩnh Yên, Hà Nam…. Chuẩn bị cho khởi nghĩa, hội viên Hội công nhân cứu quốc tham gia xây dựng lực lượng vũ trang[4]; xây dựng căn cứ địa; xây dựng cơ sở sản xuất vũ khí; tích cực tuyên truyền gây thanh thế cho Việt Minh; tập hợp công nhân, nông dân và nhiều người trong các các tầng lớp trong xã hội, góp phần xây dựng đội quân chính trị của quần chúng. Ở Bắc Kỳ, công nhân hoạt động sôi nổi, mạnh nhất là ở Hà Nội. Ở Nam Kỳ, các đội Thanh niên tiền phong ban xí nghiệp mở lớp huấn luyện quân sự, chính trị; mở lớp dạy chữ quốc ngữ, giúp đỡ đồng bào bị nạn bởi máy bay của Mỹ, Anh oanh tạc; giữ gìn trật tự, an ninh thôn xóm; trừ khử các phần tử tay sai gian ác.
Hội viên Hội công nhân cứu quốc trong các nhà máy, đồn điền vừa tích cực đấu tranh đòi quyền lợi, vừa phá hoạt động sản xuất của địch, bí mật chế tạo vũ khí, lấy súng đạn của quân Nhật gửi lên chiến khu; in ấn tài liệu, truyền đơn, báo chí cách mạng phục vụ công tác tuyên truyền.
Trong những ngày tổng khởi nghĩa tháng Tám, ở hầu hết các thành phố, thị xã, trung tâm công nghiệp, các tỉnh lỵ, lực lượng công nhân đã đi đầu và là nòng cốt trong đạo quân cách mạng, giành chính quyền thắng lợi vào tháng 8-1945. Tại Hà Nội, ngày 19-8-1945, 2.000 hội viên công nhân cứu quốc tham gia giành chính quyền; tại Sài Gòn, ngày 25-8-1945, hơn 30 vạn công nhân tham gia cùng 70 vạn nhân dân cách mạng khởi nghĩa, giành chính quyền. Tại Hải Phòng, Vinh-Bến Thủy, hàng vạn công nhân cứu quốc tham gia vào phong trào quần chúng xuống đường khởi nghĩa, lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng[5]. Sau khởi nghĩa, công nhân và Hội công nhân cứu quốc tham gia xây dựng chính quyền, duy trì sản xuất, bảo đảm sinh hoạt bình thường và giữ an ninh trật tự ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp tập trung.
Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền 1930-1945, tổ chức công đoàn với những tên gọi khác nhau, nhưng đều là trung tâm tập hợp và vận động công nhân Việt Nam đấu tranh theo đường lối cách mạng của Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự tổ chức, tập hợp của tổ chức công đoàn, giai cấp công nhân Việt Nam, đã thể hiện xuất sắc vai trò, sứ mệnh lịch sử là giai cấp tiên phong lãnh đạo cách mạng Việt Nam, cùng toàn dân tộc làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám.
Bình Thi
[1] .Tháng 10/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đàng toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2002, t. 2, tr. 100, 101.
[3] Đến đầu tháng 8-1945, riêng tại Sài Gòn- Chợ Lớn có 342 công đoàn cơ sở với hơn 120.000 đoàn viên công đoàn dưới danh nghĩa Thanh niên Tiền phong Ban xí nghiệp. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam (cuối thế kỷ XIX - 1954), t. I, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2003, tr. 223.
[4] Lực lượng vũ trang công nhân phát triển dưới 3 hình thức: Đội tuyên truyền xung phong hoạt động bán tập trung; các đội tự vệ trong các cơ sở sản xuất; các đội tự vệ trong các khu xóm lao động.
[5] Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam ((cuối thế kỷ XIX - 1954), sđd, tr. 243-245.