Tháng 11/1939, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, với tư duy lý luận sắc bén và bề dày kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, đã cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định những vấn đề trọng yếu của cách mạng Việt Nam trước chuyển biến của tình hình quốc tế và trong nước
Tại Hội nghị, bằng nhãn quan chính trị nhạy bén và tầm nhìn chiến lược, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã trình bày cụ thể, cặn kẽ tình hình thế giới và trong nước trên cơ sở phân tích những mâu thuẫn trầm trọng của chủ nghĩa đế quốc, cuộc chiến tranh thế giới đang diễn ra, thái độ của Liên Xô và các nước lớn đối với cuộc chiến tranh tàn bạo và phi nghĩa ấy.
Tổng Bí thư khẳng định cuộc chiến tranh đế quốc sẽ tạo ra thời cơ cho cách mạng Việt Nam bùng nổ: “Trật tự cũ lại lay chuyển tận gốc... trong bối cảnh đó, “Cách mệnh giải phóng dân tộc Đông Dương sẽ thắng! Cách mạng thế giới thế nào cũng sẽ thắng! Một thế giới quang minh rực rỡ sẽ thay cho cái thế giới tối tăm mục nát này”[1].
Đây không chỉ là một lời tiên đoán táo bạo mà còn khá chính xác của Đảng được đưa ra ngay khi Thế chiến II vừa mới nổ ra.
Trên cơ sở phân tích tình hình, Hội nghị quyết định thay đổi chiến lược và phương pháp đấu tranh cách mạng, nhằm đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi cuối cùng. Đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là trong thời khắc lịch sử quan trọng, nhận diện đúng xu thế thời cuộc, từ đó đề ra đường lối đúng đắn cho cách mạng Việt Nam.
Từ sự phân tích thấu đáo thái độ của các giai cấp, tầng lớp xã hội Việt Nam, đặc điểm tình hình của Đông Dương lúc đó, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và Trung ương Đảng đã chỉ rõ mâu thuẫn cơ bản, đồng thời cũng là mâu thuẫn chủ yếu của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ này là” “a) Một bên là đế quốc Pháp cầm hết quyền kinh tế, chính trị dựa vào bọn vua quan bổn xứ thối nát và bọn chó săn phản bội dân tộc; b) Một bên là tất cả các dân tộc bổn xứ bị đế quốc chủ nghĩa Pháp áp bức như trâu ngựa và đẽo rút xương tủy”[2].
Từ đó, Hội nghị chủ trương tập trung mọi lực lượng vào nhiệm vụ chủ yếu là chống đế quốc và ách thống trị phát xít thuộc địa, xác định giải phóng dân tộc khỏi ách đế quốc là nhiệm vụ cấp bách nhất và là mục tiêu trước mắt của cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ, chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11/1939, Hội nghị mở đầu quá trình thay đổi chến lược cách mạng giải phóng dân tộc (Ảnh tư liệu TTXVN)
Đảng ta quyết định đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên trên hết, đó là nhiệm vụ trung tâm của cách mạng giai đoạn này và là vấn đề sống còn của các dân tộc Đông Dương.
Tổng Bí thư còn khẳng định nhân dân ta không chỉ đánh đế quốc Pháp mà cả phát xít Nhật đang lăm le xâm lược Đông Dương: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không con có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập”[3].
Trong tình hình hiện tại phải “đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cuộc cách mệnh, cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm vào cái mục đích ấy mà giải quyết”[4].
Tuy khẩu hiệu ruộng đất tạm thời gác lại, nhưng quyền lợi của nông dân vẫn được chú trọng: chống địa tô cao, tịch thu ruộng đất của thực dân đế quốc và địa chủ đã phản lại quyền lợi của dân tộc đem chia cho dân nghèo.
Có thể thấy, kể từ khi ra đời vào năm 1930, đây là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Đông Dương đặt vấn đề dân tộc vào vị trí trung tâm chiến lược cách mạng của Đảng. Đó là sự thay đổi chiến lược của cách mạng tư sản dân quyền sao cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của phong trào cách mạng hiện tại, nhằm giải quyết tốt mối quan hệ hữu cơ giữa nhiệm vụ cơ bản của cách mạng phản đế và phản phong. Nhưng thực chất là giải quyết đúng mối quan hệ dân tộc - giai cấp, dân tộc -quốc tế trong tình hình mới.
Đây là tư tưởng coi hai nhiệm vụ chiến lược đều phải làm, nhưng không nhất loạt như nhau, vì công cuộc giải phóng dân tộc phải thực hiện trước, thì mới giải quyết được nhiệm vụ phản phong.
Để phù hợp với chủ trương thay đổi chiến lược, Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ Đông Dương.
Về hình thức tổ chức và phương pháp đấu tranh thích hợp với quần chúng và hoàn cảnh hiện thời được Hội nghị chỉ thị tăng cường hơn nữa các tổ chức quần chúng, kết hợp giữa các hình thức tổ chức công khai, rộng rãi, với các hình thức tổ chức bí mật. Đặc biệt, với chủ trương liên minh rộng rãi, không chỉ công - nông mà còn chủ trương liên minh với các tầng lớp trung gian (liên minh có nguyên tắc) của Đảng trong giai đoạn hết sức nhạy cảm, phức tạp của cách mạng Việt Nam ở thời điểm đó nhằm giành thắng lợi cho những mục tiêu do Đảng đề ra mang đậm dấu ấn Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.
Khu tưởng niệm Ngã Ba Giồng tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh, nơi đồng chí Nguyễn Văn Cừ và nhiều nhà lãnh đạo của Đảng bị thực dân Pháp sát hại
Một vấn đề quan trọng lần đầu tiên được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đề cập đến trong dự thảo và được Hội nghị tháng 11/1939 nhất trí là vấn đề khởi nghĩa vũ trang.
Nghị quyết khẳng định “…Phải biết xoay tất cả phong trào đấu tranh lẻ tẻ vào cuộc tranh đấu chung, phản đối đế quốc chiến tranh, chống đế quốc Pháp và bè lũ, dự bị những điều kiện bước tới bạo động làm cách mệnh giải phóng dân tộc”[5]. Đây là kết quả tất yếu của phong trào đấu tranh của quần chúng chống lại sự áp bức, bóc lột và chính sách dã man, tàn bạo của chính quyền thực dân.
Về xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã khẳng định vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc: “Đảng Cộng sản Đông Dương là Đảng của vô sản giai cấp, bênh vực quyền lợi của thợ thuyền, nông dân và tất cả nhân dân bị áp bức, lãnh đạo tranh đấu để hoàn thành giải phóng cho tất cả các dân tộc Đông Dương, triệt để giải phóng thợ thuyền và quần chúng bị bóc lột. Tuy còn tương đối trẻ tuổi song đã rèn luyện trong trường tranh đấu khi ôn hòa khi đổ máu, khi bí mật khi công khai. Trên võ đài chính trị trong xứ, Đảng Cộng sản Đông Dương là đảng có thế lực nhất, có cơ sở vững vàng nhất trong quần chúng, chiến đấu cương quyết hơn hết để bênh vực quyền lợi cho dân chúng và tranh đấu đòi tự do, độc lập cho dân tộc. Nhờ vậy Đảng Cộng sản Đông Dương đã chiếm vai trò lãnh đạo trong phong trào cách mệnh Đông Dương và phải dưới quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản cuộc cách mệnh Đông Dương mới triệt để thắng lợi”[6].
Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh: “Trong thời giờ nghiêm trọng này, trong lúc phong trào cách mạng đương sắp phát triển hết sức to rộng và sắp bước vào thời kỳ quyết liệt thì Đảng ta nhất định phải thống nhất ý chí lại thành một ý chí duy nhất, một mà thôi”[7].
Quyết định của Hội nghị Trung ương tháng 11/1939 thay đổi chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc thể hiện sự nhạy bén chính trị, năng lực sáng tạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.
Các quyết định của Hội nghị về những vấn đề quan trọng nhất: đường lối chiến lược cách mạng, mục tiêu và động lực cách mạng… phù hợp với những yêu cầu khách quan và bức thiết của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ và trở lại đúng những quan điểm, đường lối của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các văn kiện được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng (1930), mặc dù Nguyễn Văn Cừ chưa được gặp Người và Nguyễn Ái Quốc chưa về nước lãnh đạo cách mạng.
Những chủ trương của Hội nghị tháng 11/1939 cũng chính là cơ sở quan trọng cho Hội nghị Trung ương 8 (5/1941) kế thừa, bổ sung và hoàn chỉnh đường lối chiến lược mới của cách mạng Việt Nam, đưa tới thắng lợi lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Lương Lương
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.6, tr.516
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.6, tr.533-534
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.6, tr.536
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.6, tr.539
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.6, tr.552
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.6, tr.527
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.6, tr.566