Trước và sau ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Đảng và Chính phủ đã lãnh đạo thực hiện cuộc tổng di chuyển lớn nhất trong lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách nhằm thực hiện cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh
Bước chuẩn bị đầu tiên
Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Văn Đồng, Ủy viên Trung ương Đảng ở lại Việt Bắc chỉ đạo việc xây dựng căn cứ hậu phương phục vụ kháng chiến. Cuối tháng 10/1946, sau khi vừa ở Pháp về, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng lên Việt Bắc để lãnh đạo việc chuẩn bị các mặt. Một số đội công tác do đồng chí Trần Đăng Ninh dẫn đầu đã được cử lên đây chuẩn bị các an toàn khu (ATK).
Từ tháng 5/1946, Chính phủ lập Nha tiếp tế (trực thuộc Bộ Kinh tế) có nhiệm vụ thu mua và dự trữ thóc gạo. Ngoài ra, Chính phủ quyết định thành lập cơ quan phân tán muối (trực thuộc Bộ Tài chính) và các bộ phận phân tán lương thực. Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng nhiệm vụ phụ trách công việc vận chuyển lên các vùng Tây Bắc và Việt Bắc. Ngày 31/12/1946, Chính phủ ra Sắc lệnh số 5/SL thành lập Ủy ban Tản cư, di cư Trung ương, có đại diện các bộ, ngành tham gia để trực tiếp chỉ đạo các địa phương. Ngày 12/01/1947, Ủy ban tản cư di cư Bắc Bộ được tổ chức với ngân quỹ 30 triệu đồng.
Căn cứ đường lối kháng chiến của Đảng, với tinh thần chủ động, tích cực, ngay khi quân Anh - hậu thuẫn cho quân Pháp - kéo vào miền Nam, phần lớn các đơn vị bộ đội tập trung đã được lệnh rút ra ngoại ô. Một số máy móc như máy in, máy điện bắt đầu được di chuyển ra khỏi thành phố. Ngày 23/9, khi quân Pháp gây chiến, lực lượng cách mạng đã tổ chức cho nhân dân tản cư khỏi thành phố Sài Gòn, trong thành phố chỉ có lực lượng tự vệ, chủ yếu là lực lượng tự vệ công đoàn. Đầu tháng 10/1946, tranh thủ thời gian ngừng bắn, tiếp tục chuyển nhân dân, cơ quan, kho tàng, máy móc ra ngoài, bổ sung và điều chỉnh lực lượng. Ở miền Bắc, quá trình di chuyển cũng đã được bắt đầu thực hiện cuối năm 1945.
Như vậy, trước khi toàn quốc bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng và Chính phủ đã có những chủ trương đúng đắn và lãnh đạo nhân dân miền Nam thực hiện di chuyển lực lượng và cơ sở vật chất ra khỏi thành phố về vùng hậu phương để bảo toàn lực lượng.
Bộ đội Quân giới vận chuyên máy móc lên chiến khu Việt Bắc (Ảnh tư liệu)
Cuộc tổng di chuyển cơ sở vật chất khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ
Trên cơ sở nhận thức, đánh giá đúng về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà nhân dân ta phải tiến hành, ngay khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Trung ương Đảng đã chỉ đạo một cuộc tổng di chuyển lớn, gồm các cơ quan, đơn vị, nhân dân, kho tàng, máy móc đến các khu an toàn; sau đó, được vận chuyển lên căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc, để bảo đảm nguồn lực cho cuộc kháng chiến.
Công cuộc di chuyển cơ sở vật chất gồm máy móc, thiết bị, các phương tiện sản xuất… có tính chất đặc biệt quan trọng vì phải huy động một lực lượng rất lớn, thực hiện bí mật và táo bạo. Hơn nữa, cuộc di chuyển này hết sức khó khăn, nguy hiểm vì hoàn toàn thực hiện bằng sức người trong bối cảnh chiến tranh đã diễn ra. Lực lượng tham gia chủ yếu là công nhân các nhà máy, xí nghiệp và quần chúng nhân dân ở các địa phương.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các cấp bộ Đảng, chính quyền, Công đoàn, công nhân cùng với nhân dân ở Thủ đô Hà Nội, các thành phố, thị xã đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ di chuyển.
Một khối lượng lớn máy móc, dụng cụ, nguyên vật liệu thuộc địa bàn các tỉnh từ Ninh Bình trở ra được tập kết về phủ Lạng Thương, sau đó, chuyển dần lên Việt Bắc theo trục đường Hòa Bình - Hưng Hóa - Tuyên Quang - Chiêm Hóa và phủ Lạng Thương - Thái Nguyên - Chợ Chu - Bắc Kạn.
Tại Hà Nội, công nhân và nhân dân lao động Thủ đô đã chuyển lên căn cứ kháng chiến Việt Bắc hàng nghìn tấn máy móc. Các thiết bị chủ yếu của các nhà máy Asia, Nam Phát (tiền thân của nhà máy Trần Hưng Đạo) đều được di chuyển kịp thời. Công nhân xe lửa Gia Lâm đưa hàng trăm loại máy móc lên Phú Thọ, Yên Bái. Công nhân xe lửa Đông Anh tháo gỡ các thiết bị xưởng làm thuốc nổ chuyển lên Tuyên Quang, Bắc Kạn. Công nhân Nhà in Ngân hàng, Nhà in Báo Nhân dân, với nỗ lực rất lớn đã di chuyển được toàn bộ những máy in báo, in giấy bạc. Đài Tiếng nói Việt Nam cũng vận chuyển được hầu hết phương tiện, thiết bị cần thiết; đặc biệt là vừa di chuyển, vừa tiếp tục phát sóng, không để tiếng nói của Đảng và Chính phủ bị gián đoạn.
Tại Nam Định, công nhân Nam Định chuyển toàn bộ máy móc, nguyên liệu các nhà máy vải, tơ, sợi ra vùng tự do. Tại Hải Phòng, việc vận chuyển được tiến hành rất bí mật. Công nhân Hải Phòng tìm mọi cách vượt qua vòng kiểm soát của quân Pháp, đưa phần lớn máy móc về Đông Triều, Thái Bình.Tại Quảng Yên, Công đoàn đã tổ chức công nhân tiến hành vận chuyển trên 2.500 tấn máy móc, nguyên vật liệu lên căn cứ địa Việt Bắc.
Tại Nghệ An, Tỉnh ủy, Liên hiệp công đoàn Nghệ An đã huy động công nhân đưa gần hai vạn tấn máy móc, dụng cụ lên miền Tây của tỉnh, lập các xưởng tại các khu an toàn thuộc các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Nghĩa Đàn. Công nhân, nhân dân lao động thành phố Huế chuyển lên căn cứ nhiều máy in và dụng cụ y tế của nhà thương Huế.
Tại Đà Nẵng, công nhân và nhân dân cũng di chuyển ra vùng tự do nhiều máy móc, nguyên liệu, thiết bị công. Theo số liệu thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chỉ trong những ngày đầu tổng di chuyển, có trên 3.200 công nhân đã tham gia trực tiếp vào cuộc tổng di chuyển và đã vận chuyển được 733 chiếc máy với trọng lượng 6.714 tấn, vượt qua chặng đường quanh co dài 7.768 km[1].
Cán bộ, nhân viên báo Cứu Quốc di chuyển máy móc, vật tư, thiết bị lên chiến khu Việt Bắc (Ảnh tư liệu)
Phần lớn các cơ quan, cơ sở hậu cần của Quân đội từ cuối tháng 11/1946 đã được chuyển ra vùng xa các thành phố, thị xã, khi kháng chiến toàn quốc nổ ra thì chuyển dịch dần lên Việt Bắc. Cán bộ, chiến sĩ, công nhân các ngành quân nhu, quân y, quân giới vừa phục vụ chiến đấu, vừa chiến đấu vừa làm nhiệm vụ di chuyển. Cuộc di chuyển của ngành quân giới gặp nhiều khó khăn do dụng cụ, máy móc, nguyên vật liệu của quân giới có yêu cầu bảo quản nghiêm ngặt hơn, khối lượng lại lớn, máy móc nặng nề, cồng kềnh, đường sá nhiều nơi bị băm nát. Với tinh thần tất cả cho cuộc kháng chiến thắng lợi, công nhân ngành quân giới và bộ phận công nhân các ngành khác đã phát huy mọi sáng kiến, vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Cán bộ, công nhân của ngành từ Khu V trở ra đã vận chuyển hơn 40.000 tấn máy móc, nguyên liệu lên căn cứ; trong đó, có nhiều máy móc tinh xảo đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất vũ khí và cả hai chiếc máy bay của Pháp quân ta lấy được ở Sơn Tây cũng được Cục Quân huấn Bộ Tổng tham mưu tháo rời, chuyển lên Việt Bắc. Các xưởng vũ khí dân quân các tỉnh vận chuyển được 12.000 tấn. Đây là một khối lượng vật chất khổng lồ được vận chuyển vượt những tuyến đường dài, chủ yếu bằng sức người, được xem là một kỳ tích[2].
Một trong những lĩnh vực di chuyển cũng phải huy động đông đảo lực lượng quần chúng nhân dân tham gia và được tổ chức chặt chẽ là di chuyển nhu yếu phẩm tới các căn cứ các mạng. Hàng vạn tấn thóc gạo thu mua được cất giữ, bảo quản trong kho của Bộ Tài chính phân tán ở nhiều nơi. Cục Quân nhu có hệ thống kho tại các tỉnh Hà Đông, Ninh Bình, Sơn Tây, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, bảo đảm thuận tiện cho việc cấp phát cho các chiến trường ở Bắc Bộ. Tại Văn Lý (Nam Định), Chính phủ cũng dự trữ được gần 20.000 tấn muối, được bảo vệ, di chuyển. Các cơ quan hậu cần quân đội cũng tổ chức vận chuyển số lương thực, thực phẩm dự trữ của mình. Riêng Cục Quân nhu đã đưa được 400 tấn muối lên Việt Bắc; vận chuyển từ Hòa Bình lên Việt Bắc 2,5 triệu mét vải, 3.000 bao tải đay và nhiều tấn sợi.
Đến tháng 2/1947, quân và dân Việt Nam đã cơ bản hàn thành vận chuyển máy móc, nguyên vật liệu ra vùng tự do, về các căn cứ địa kháng chiến. Nhờ đó, Đảng và Chính phủ đã xây dựng được các xưởng quân giới, các cơ sở sản xuất tại các căn cứ địa để phục vụ cuộc kháng chiến trường kỳ.
Cuộc tổng di chuyển cơ sở vật chất diễn ra trong điều kiện rất khó khăn, nguy nan do nhiều nơi đã có chiến sự, phương tiện thiếu thốn; tuy nhiên, đã hoàn thành và đạt kết quả hết sức quan trọng. Những cơ sở vật chất gồm thiết bị, máy móc, lương thực, hàng hóa… đã được vận chuyển và bảo vệ an toàn đến các địa điểm tập kết. Với tinh thần tất cả cho cuộc kháng chiến thắng lợi, quân và dân ta đã phát huy mọi sáng kiến, phấn đấu hết mình để hoàn thành nhiệm vụ. Đây là vốn liếng quý báu tạo nên cơ sở ban đầu để từng bước tăng cường tiềm lực kháng chiến.
Thắng lợi của cuộc tổng di chuyển mang tính chiến lược, trở thành nhân tố quan trọng góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ của nhân dân ta đi đến thắng lợi.
Nhẫn Trần