Tổng tuyển cử năm 1946 là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử xây chính quyền của dân, do dân, vì dân. Thành công của cuộc Tổng tuyển cử đã và đang để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu để chúng ta tiếp tục xây dựng một nước Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị “Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu”[1] để bầu ra Quốc hội.
Tiếp đó, ngày 08/9/1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 14-SL quy định mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội và Sắc lệnh số 51-SL ngày 17/10/1945 quy định Thể lệ cuộc Tổng tuyển cử.
Trong điều kiện thù trong, giặc ngoài và bối cảnh nền kinh tế, xã hội hết sức khó khăn... công tác chuẩn bị cho Tổng tuyển cử diễn ra rất khẩn trương. Cuộc Tổng tuyển cử lúc đầu được dự kiến là ngày 23/12/1945, nhưng để, có thêm thời gian cho công tác chuẩn bị, ngày 18/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày Chủ nhật 06/01/1946.
Ngày 05/01/1946, trên Báo Cứu quốc (số 134, ngày 5/1/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu: “Ngày mai, sẽ là một ngày đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình…”[2].
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, ngày 06/01/1946, bằng niềm vui sướng lớn lao cùng với ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước ta đã diễn ra trên phạm vi cả nước, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Kết quả của Tổng tuyển cử năm 1946 là minh chứng rõ nét sự hòa hợp giữa ý Đảng và lòng dân. Lúc này, ở các tỉnh phía Nam, nhân dân đi bỏ phiếu rất đông, bất chấp bom đạn của giặc Pháp. Ở các tỉnh phía Bắc, mặc dù phải đối phó với âm mưu phá hoại hết sức tinh vi và trắng trợn của kẻ thù, cuộc Tổng tuyển cử diễn ra an toàn. Riêng tại Hà Nội, 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đã đi bỏ phiếu trong không khí tràn đầy phấn khởi của ngày hội dân chủ.
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).
Tuyên truyền, cổ động cho cuộc Tổng tuyển cửa tại Hà Nội (Ảnh tư liệu)
Trong thành phần của Quốc hội có đại biểu đại diện cho cả ba miền Bắc - Trung - Nam, các giới từ những nhà cách mạng lão thành, thương gia, nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa, đến đại biểu các thành phần tôn giáo, những người không đảng phái và các đảng phái chính trị.
Trong kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử: “là cái kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”[3].
Sau ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, Quốc hội khóa I đã thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, đánh dấu thắng lợi lịch sử đã giành được trong Cách mạng Tháng Tám.
Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ, là đạo luật cơ bản đặt nền móng cho việc xây dựng thể chế Nhà nước Cách mạng trong thời đại mới. Hiến pháp 1946 gồm có Lời nói đầu, 7 chương và 70 điều. Chương
I quy định về chính thể; Chương II quy định về nghĩa vụ và quyền lợi của công dân; Chương III quy định về nghị viện nhân dân; Chương IV quy định về Chính phủ; Chương V quy định về Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính; Chương VI quy định về cơ quan tư pháp; và Chương VII quy định về sửa đổi Hiến pháp. Đặc điểm cơ bản của Hiến pháp năm 1946 được thể hiện trong 3 nguyên tắc cơ bản, đó là: (1) đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo, (2) đảm bảo các quyền lợi dân chủ, (3) thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Ý nghĩa và giá trị cơ bản của Hiến pháp 1946 được thể hiện ở ba vấn đề chính: (1) tư tưởng pháp quyền, (2) tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân, và (3) tư tưởng quyền con người, quyền công dân.
Kế thừa, phát triển Hiến pháp năm 1946, các bản Hiến pháp sau này năm 1959, 1980, 1992 và 2013 đã phản ánh sự tiến bộ của chế độ pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thể hiện tinh thần đổi mới sâu sắc, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho sự vận hành toàn bộ đời sống xã hội với nền tảng nhà nước pháp quyền, dân chủ, nhà nước của dân, do dân, vì dân và tạo động lực mạnh mẽ đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa I tại Nhà hát lớn Hà Nội (Ảnh tư liệu)
Thứ nhất, đó là dân chủ về quyền ứng cử, bầu cử. Thể thức bầu cử của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên là phổ thông đầu phiếu, trực tiếp và bí mật (bỏ phiếu kín). Ngày 08/9/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 14-SL quy định mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội và ghi rõ: “Chiểu theo Nghị quyết của Quốc dân Đại hội ngày 16, 17 tháng 8 năm 1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hòa và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên”[4].
Tiếp đó, Sắc lệnh số 39-SL ngày 26/9/1945 về thành lập Uỷ ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 51-SL ngày 17/10/1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín. Theo đó “Cử tri sẽ bầu bằng phiếu kín (Điều thứ 36) và “Phiếu bầu sẽ do ban phụ trách cuộc bầu cử phát cho người đi bầu, chỉ phát cho mỗi người một phiếu, có đóng dấu của Uỷ ban nhân dân làng, tỉnh lỵ hay khu phố. Sẽ có phiếu kiểu mẫu chung cho toàn quốc. Phiếu sẽ phát lúc người đi bầu đã vào phòng bỏ phiếu” (Điều thứ 40)[5]. Sắc lệnh số 71-SL ngày 02/12/1945 bổ khuyết Điều 11 chương V của Sắc lệnh số 51-SL nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người ứng cử.
Trên Báo Cứu Quốc (số 130 ra ngày 31/12/1945), trong bài viết “Về ý nghĩa tổng tuyển cử”, Bác Hồ đã chỉ rõ quyền bầu cử, ứng cử: “…Trong tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử, không phân chia trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”[6]. Người khẳng định: “Lựa chọn những đại biểu như vậy là quyền lợi và nghĩa vụ của người cử tri...” và “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”[7].
Sau này, năm 1953, khi tiếp tục đề cập tới vấn đề quyền bầu cử của nhân dân, Người một lần nữa khẳng định: “Trong các cuộc bầu cử, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái, trai, tôn giáo, mức tài sản, trình độ văn hóa, không phân biệt nòi giống đều có quyền tham gia. Đó là một cách rất hợp lý để nhân dân lao động thực hành quyền thống trị của mình”[8].
Thứ hai, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Quốc hội của thống nhất đất nước, độc lập dân tộc. “Quốc hội đã có đại diện của tất cả thế hệ những người Việt Nam yêu nước đương thời, hội tụ đại biểu của tất cả các ngành, các giới, các giai cấp, tầng lớp xã hội từ công nhân, nông dân, nam giới, nữ giới cho đến những nhà tư sản, công thương gia, những nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng, có đại diện của các thành phần tôn giáo trên đất nước ta, tất cả các thành phần dân tộc, của tất cả những người không đảng phái và đảng phái chính trị như Đảng Cộng sản, Đảng Dân chủ, những đảng viên Xã hội cùng những người tiến bộ trong các phái chính trị khác”[9].
Ngay từ buổi đầu hình thành, Quốc hội đã thực sự là cơ quan quyền lực của toàn thể quốc dân Việt Nam. Quốc hội đã cử ra Chính phủ chính thức để thực hiện công việc điều hành đất nước, trong đó quyền lập pháp với nhiệm vụ trọng tâm là soạn thảo Hiến pháp đã được đặc biệt chú trọng. Cơ quan hành pháp là Chính phủ do Quốc hội cử ra được tăng cường cả về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy. Đây là chính quyền được xây dựng trên cơ sở pháp lý vững chắc và được toàn thể quốc dân ủng hộ. Như vậy, cuộc Tổng tuyển cử chính là “căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế”[10].
Đến nay, đã qua hơn 75 năm lịch sử, nhưng cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên luôn sống mãi với thời gian. Cuộc Tổng tuyển cử đã khẳng định đường lối, chủ trương của Đảng ta đúng đắn, sáng tạo, thể hiện khát vọng được độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam; khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta và biểu thị khát vọng dân chủ của nhân dân và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tiến Sỹ
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.6.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 166.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 216.
[4]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Sac-lenh-14-mo-cuoc-tong-tuyen-cu-bau-Quoc-dan-Dai-hoi-35858.aspx.
[5]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Sac-lenh-51-an-dinh-the-le-tong-tuyen-cu-35900.aspx.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 153.
[7]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.153.
[8]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 219-220.
[9]http://quochoi.vn/70qhvn/lichsuQHVN/tulieulichsu/Pages/an-pham-tuyen-truyen.aspx?AnPhamItemID=3806.
[10]http://quochoi.vn/70qhvn/lichsuQHVN/tulieulichsu/Pages/an-pham-tuyen-truyen.aspx?AnPhamItemID=3806.