Tàu địch rút ra thì hàng nghìn quả đạn pháo từ căn cứ Đồng Tâm và các cụm pháo chung quanh của địch bắn vào trận địa của tiểu đoàn 263. Ngưng tiếng pháo thì máy bay địch gầm rú, hàng trăm quả bom của Mỹ đã trút xuống bờ phía Đông của sông Ba Rài, cây cối đổ ngổn ngang không còn lối đi. Cán bộ chiến sĩ của tiểu đoàn vẫn bình tĩnh củng cố công sự trận địa. Trên sông Ba Rài địch sắp xếp lại đội hình, một lần nữa quyết tâm đưa bằng được tiểu đoàn 3/60 của Mỹ vào vị trí tập kết.
Lúc này mỗi khẩu B40, B41, DKZ 57 chỉ còn lại 1 đến 2 viên đạn, trong khi ở hướng Đông, tiểu đoàn bộ binh Mỹ đi trên xe M.l13 đang tiến vào hướng đại đội 1 của tiểu đoàn. Vì vậy, Ban chỉ huy tiểu đoàn lệnh cho các đơn vị hỏa lực không bắn tàu mà trở về đội hình của đơn vị chuẩn bị sẵn sàng đánh bộ binh khi địch đỗ quân lên bờ hoặc sẽ được điều đến chi viện cho đại đội bộ binh số 1 đánh xe M.113. Tiểu đoàn lệnh cho ba khẩu đội cối 82 ly chuyển hướng và chuẩn bị tọa độ sẵn sàng bắn xe M.113 nếu chúng đến gần tiền duyên đại đội bộ binh số 1 và tăng cường hai khẩu DKZ 57 cho đại đội bộ binh số 1 sẵn sàng đánh xe M.113.
Do sự thay đổi kế hoạch của ta, đến 14 giờ đoàn tàu địch đã đưa tiểu đoàn 3 bộ binh /60 Mỹ vượt qua được đoạn sông trước đây bị ta khống chế. Một số tàu địch cặp vào vàm Bà Xá (đoạn ngang áp 1 xã Cẩm Sơn) và đỗ bộ được một số lính Mỹ lên bờ sông. Cùng lúc, tiểu đoàn 3/47 ở ấp 3 (phía trước lộ thầy Thanh) được lệnh tiến lên phía Bắc, tiểu đoàn 5/60 cơ động trên xe M.l13 cũng từng bước vượt cánh đồng Hòa Nghĩa, Hòa Nhơn (xã Long Khánh) vào trước tiền duyên của đại đội bộ binh số 1. Tất cả 3 tiểu đoàn của Mỹ được lệnh khép vòng vây nhưng chúng di chuyển rất chậm vì sợ dẫm phải mìn hoặc lọt vào điểm phục kích của ta.
Khi một số lính Mỹ của tiểu đoàn 3/60 từ bờ sông Ba Rài tiến vào mép vườn trước tiền duyên của đại đội 3 và trung đội đặc công, không để địch đứng chân lâu trên bờ và uy hiếp dãy công sự tiền duyên của đại đội 3, đồng chí Sáu Khuyến, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 263 giao quyền chỉ huy tiểu đoàn lại cho đồng chí Nguyễn Hữu Kỉnh (Ba Chung Kỳ) Tiểu đoàn phó, đã trực tiếp chỉ huy 1 trung đội của đại đội 1, 1 khẩu đội đại liên của đại đội trợ chiến, chi viện cho đại đội 3 đánh địch bật xuống tàu. Từ đó đến chiều đa số lính Mỹ của tiểu đoàn 3/60 ở trên tàu chỉ có một số ít bám được bờ sông, số tàu của 2 tiếu đoàn 3/47 và 3/60 được triển khai dọc theo sông từ lộ Thầy Thanh đến đoạn sông giáp với ấp Thanh Bình xã Thanh Hòa hình thành thế án ngữ hướng Bắc và hướng Tây...
Một tàu chiến Mỹ sử dụng súng phun lửa trong một cuộc càn (Ảnh tư liệu)
Khoảng 16 giờ 30, hàng chục máy bay phản lực của Mỹ đến oanh kích, Ban chỉ huy tiểu đoàn cho lệnh nổ súng bắn máy bay, một lưới lửa đạn đan chéo lên bầu trời ấp 4 xã Cẩm Sơn. Một chiếc F.100 của Mỹ bị trúng đạn, khi bay về đến xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành bị rơi tan xác.
Từ đó trở đi, địch không nổ súng nhưng vẫn tiếp tục triển khai đội hình chung quanh trận địa của tiểu đoàn 263. Tiểu đoàn 3/47 từng bước triển khai đội hình dọc theo lộ Thầy Thanh từ bờ sông đến ngã ba Lò Rèn ấp 4; tiểu đoàn bộ binh 5/60 từ hướng Đông cùng xe M.113 kéo vào trước tiền duyên của đại đội 1 bố trí đội hình từ gần ngã ba Lò Rèn đến khu vực tiếp giáp giữa 3 xã Long Khánh, Cẩm Sơn, Thanh Hòa.
Khoảng 17 giờ, tất cả các hướng tiến công của Mỹ đều dừng lại và chuyển sang thế phòng ngự, đợi đến sáng hôm sau tiếp tục tiến công, đồng thời tập trung hỏa lực bắn phá hòng sát thương lực lượng của ta. Pháo binh từ các cụm pháo chung quanh liên tục bắn xuống địa hình của tiểu đoàn 263. Từ chập choạng tối trở đi, pháo sáng của Mỹ bắn liên tục, bầu trời sáng như ban ngày và cứ từ 5 đến 10 phút chúng bắn phá ác liệt vào trận địa của tiểu đoàn 263.
19 giờ, Ban chỉ huy tiểu đoàn 263 họp khẩn. Sau khi đánh giá tình hình, Ban chỉ huy tiểu đoàn quyết định rút quân về Xóm Tre, xã Long Trung để bổ sung vũ khí, đạn dược sẵn sàng đánh địch tiếp theo. Kế hoạch rút quân được hoạch định:
- Hướng rút quân, qua tin tức của trinh sát thì toàn bộ các hướng đều có địch, địch đóng từng cụm mỗi cụm cách nhau 50 m, duy nhất chỉ còn con đường từ Ban chỉ huy tiểu đoàn ra hướng ngã ba Lò Rèn, sang ấp 4 (xã Long Trung) vượt sông Trà Tân về xóm Tre ấp 7 xã Long Trung.
Do yêu cầu rời khỏi trận địa phải bí mật khẩn trương, Ban chỉ huy tiểu đoàn lệnh cho đơn vị phải chuẩn bị hết sức gọn gàng, cơ động lực lượng nhanh trong điều kiện tránh pháo địch.
Thứ tự rút quân như sau: Trung đội trinh sát, trung đội đặc công mở đường, kế đến là đại đội 1, đại đội trợ chiến 4, tiểu đoàn bộ, đại đội 2 và đại đội bộ binh 3. Nếu đơn vị chạm phải địch thì đại đội 3 phải tập kích vào đội hình phòng ngự của tiểu đoàn 3/60 để thu hút hỏa lực của địch, xong rút ra theo hướng đã định. Cán bộ tiểu đoàn được phân công đi trực tiếp với các đại đội như đồng chí Chung Kỳ đi trước cùng với 2 đơn vị trinh sát đặc công; đồng chí Sáu Khuyến đi với đại đội 1; đồng chí Ba Lũy đi với đại đội trợ chiến 4 và tiểu đoàn bộ; đồng chí Hai Trọng đi sau cùng. Quá trình rút lui nếu có thương vong do đụng địch hoặc pháo bắn, từng đơn vị phải tự lực mang ra, không được để bất cứ một thương binh, tử sĩ nào ở lại trận địa.
21 giờ, tiểu đoàn 263 xuất phát, đến 2 giờ ngày 16/9/1967, 2/3 lực lượng của tiểu đoàn đã đến được ấp 4 xã Long Trung và đang vận động về hướng Xóm Tre, ấp 7, xã Long Trung. Khoảng 2 giờ ngày 16/9/1967, bộ phận do đồng chí Ba Lũy chỉ huy, qua khỏi ngã ba Lò Rèn một đoạn, đi chệch về phía Đông Nam chạm súng với địch, một chiến sĩ thuộc đơn vị quân khí của tiểu đoàn hy sinh. Pháo địch bắn quyết liệt vào đội hình còn lại, thêm mười chiến sĩ của tiểu đoàn bị thương. Đội hình còn lại vừa phải khắc phục hậu quả, vừa cơ động trong lúc hỏa lực địch đánh chặn. Ngay lúc đó, đại đội 3 đánh nghi binh vào đội hình của tiểu đoàn 3/60 của Mỹ ở hướng Bắc giáp xã Thanh Hòa. Địch cho rằng ta tập kích tiểu đoàn này nên chuyển hướng bắn chi viện cho tiểu đoàn 3/60. Các đơn vị còn lại của tiểu đoàn nhanh chóng được trinh sát trở lại đẫn đường và rút quân khỏi vòng vây an toàn.
Đến 5 giờ sáng ngày 16/9/1967, những chiến sĩ còn lại của đại đội 3 đã về đến Xóm Tre, toàn đơn vị nhanh chóng củng cố công sự trận địa sẵn sàng đánh địch[1].
Chiến thuật "Hạm đội nhỏ trên sông" không giúp Hoa Kỳ xoay chuyển được tình thế
Kết quả và ý nghĩa thắng lợi của chiến thắng Ba Rài
Thực tế cho thấy, trước trận Ba Rài ngày 15/9/1967 lực lượng vũ trang của ta chỉ đủ sức đương đầu và đánh thắng địch cấp trung đoàn, chưa có một trận chống càn nào vượt hơn cấp trung đoàn. Trong trận Ba Rài, địch đã huy động cho cuộc càn mang mật danh Cohart toàn bộ lữ đoàn 2 Mỹ và hầu hết các đơn vị trợ chiến của hải quân, không quân, pháo binh; phía bắc xã Cẩm Sơn còn có cuộc càn mang tên Cửu Long 63/11/67 của trung đoàn 11 của sư đoàn 7 và nhiều đơn vị bảo an ngụy.
Được sự chỉ đạo và động viên kịp thời của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 8 và sự hỗ trợ liên tục, có hiệu quả của Đảng bộ và nhân dân địa phương, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263 và bộ đội chủ lực quân khu đã phát huy cao độ tinh thần dũng cảm, sự mưu trí, truyền thống quyết thắng đã kiên cường bám trụ, giữ vững trận địa, bảo toàn lực lượng và giáng cho địch những đòn choáng váng, lập nên chiến công vang dội. Sau một ngày kiên cường chiến đấu, ta đã bẻ gãy hoàn toàn cuộc càn của lực lượng cơ động trên sông thuộc Lữ đoàn 2, Sư đoàn 9 của Mỹ. Bắn chìm 16 tàu các loại; bắn cháy, bắn hỏng 10 chiếc khác; loại khỏi vòng chiến hơn 500 tên địch; bắn cháy 9 xe M.113 chở trên tàu chiến, bắn rơi một máy bay phản lực F.100. Ta hy sinh 4 chiến sĩ, bị thương 15 đồng chí[2].
Trận phòng ngự chống càn trên sông Ba Rài đoạn ấp 4 xã Cẩm Sơn của Tiểu đoàn 263 chỉ kéo dài trong vòng 1 ngày nhưng đã giành được những thắng lợi to lớn, làm thất bại hoàn toàn cuộc càn mang tên Cohart do lực lượng cơ động đường sông với chiến thuật “hạm đội nhỏ trên sông” của toàn bộ Lữ đoàn 2, Sư đoàn 9 Mỹ và cuộc càn mang tên Cửu Long 63/11/67 do Trung đoàn 11, Sư đoàn 7 cùng nhiều đơn vị địa phương quân đội Sài Gòn thực hiện. Đây là một trận đánh mang tính đột phá làm phá sản chiến thuật "Hạm đội nhỏ trên sông" thọc sâu vào vùng giải phóng, vùng căn cứ để tìm diệt quân chủ lực và cơ quan đầu não của ta. Trận đánh góp phần làm thất bại chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ triển khai ở Mỹ Tho.
Chiến thắng Ba Rài đã đem lại niềm tin và nguồn cổ vũ lớn lao đối với quân và dân Tiền Giang nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung trong việc quyết tâm đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Đây chính là sự chuẩn bị cần thiết của Cẩm Sơn - Ba Rài - vùng giải phóng 20/7, của quân và dân Tiền Giang cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.
Đây không chỉ là chiến thắng của một trận đánh tiêu diệt tàu chiến Mỹ nhiều nhất của quân và dân Quân khu 8, mà còn là chiến thắng của một trận đột phá, có tính chất quyết định trong việc đánh bại chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” của “lực lượng hỗn hợp hải - lục trên sông”, có không quân và pháo binh chi viện tối đa, là phương án chiến thuật mà quân đội Mỹ đã lựa chọn để triển khai trên chiến trường đồng bằng sông Cửu Long nhằm giành thắng lợi cho chiến lược “Chiến tranh cục bộ” trên địa bàn này.
Chiến thắng Ba Rài xã Cẩm Sơn ngày 15/9/1967 đã ghi lại một trang sử hào hùng và chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta nói chung và của quân dân tỉnh Mỹ Tho, huyện Cai Lậy, xã Cẩm Sơn nói riêng. Chiến thắng Ba Rài, đã đóng góp xứng đáng vào công cuộc cách mạng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trải qua 57 năm, chiến thắng Ba Rài vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa thực tiễn trong giai đoạn cách mạng mới - giai đoạn đưa đất nước phát triển trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá.
Minh Phương