Cách đây 36 năm, ngày 14/3/1988, Trung Quốc bất ngờ dùng lực lượng hải quân với nhiều tàu chiến, vũ khí trang bị hiện đại tấn công cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên bãi đá Gạc Ma nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong cuộc chiến không cân sức, nhưng các cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã chiến đấu kiên cường, bất khuất để bảo vệ biển đảo Tổ quốc và 64 chiến sĩ hy sinh, 11 người bị thương. Sự hi sinh của các anh đã tô thắm thêm truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam và được lịch sử ghi nhận
Thiên sử anh hùng của các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam
Sau khi chiếm giữ trái phép các đảo Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven, quân Trung Quốc tiếp tục thực hiện ý đồ thôn tính 3 đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Đầu tháng 3/1988, Hải quân Trung Quốc huy động thường xuyên từ 9 đến 12 tàu chiến xuống khu vực quần đảo Trường Sa.
Trước tình hình đó, ngày 04/3/1988, Hải quân Việt Nam nhận định: Trung Quốc có thể chiếm thêm một số bãi cạn xung quanh cụm đảo Sinh Tồn, Nam Yết và khu vực Đông kinh tuyến 1150, trong đó, có Gạc Ma - nơi giữ vị trí quan trọng khu vực quần đảo Trường Sa. Nếu Trung Quốc chiếm giữ sẽ khống chế đường qua lại tiếp tế của ta cho các đảo ta đang chiếm giữ. Vì vậy, Việt Nam phải quyết tâm đưa bộ đội đóng giữ các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao.
Thực hiện chủ trương trên, ngày 12/3/1988, Tàu HQ 605 (Lữ đoàn 125), do đồng chí Lê Lệnh Sơn làm Thuyền trưởng, xuất phát từ Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao. Sau 29 giờ lênh đênh trên biển vượt sóng to, gió lớn, các chiến sĩ trên Tàu 605 đã đến được đảo Len Đao và cắm cờ Tổ quốc lên đảo lúc 5 giờ ngày 14/3/1988, khẳng định chủ quyền và quyết tâm bảo vệ biển đảo của quân và dân Việt Nam.
9 h ngày 13/3/1988, tàu HQ 604, do đồng chí Vũ Phi Trừ làm Thuyền trưởng và tàu HQ 505, do đồng chí Vũ Huy Lễ làm Thuyền trưởng, xuất phát từ đảo Đá Lớn tiến về hai đảo Gạc Ma và Cô Lin. Phối hợp với hai tàu HQ 604 và HQ5 05 có hai phân đội công binh (70 người) thuộc Trung đoàn 83, 4 tổ chiến đấu (22 người) thuộc Lữ đoàn 146, do đồng chí Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng chỉ huy và 4 chiến sĩ đo đạc của Đoàn đo đạc và biên vẽ bản đồ (Bộ Tổng Tham mưu).
Sau khi hai tàu của ta thả neo được 30 phút, tàu hộ vệ của Trung Quốc từ Huy Gơ chạy về phía Gạc Ma và áp sát Tàu HQ 604 của Việt Nam. Chúng dùng loa gọi sang khiêu khích, thay nhau cơ động, chạy quanh đảo Gạc Ma, uy hiếp ta. Cán bộ, chiến sĩ hai tàu 604 và 605 giữ vững quyết tâm không để mắc mưu, kiên trì neo giữ quanh đảo.
Những chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam và con tàu HQ-505 anh hùng (Ảnh tư liệu)
Mặc dù đối phương rất hung hăng, nhưng các cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam trên đảo Gạc Ma đã phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn sâu sắc, đoàn kết chiến đấu kiên cường, bất khuất để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc.
21 giờ ngày 13/3/1988, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân chỉ thị cho các đồng chí Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Vũ Phi Trừ, chỉ huy bộ đội quyết giữ vững các đảo Gạc Ma, Cô Lin; khẩn trương thả xuồng máy, xuồng nhôm, chuyển vật liệu làm nhà trên đảo ngay trong đêm 13/3/1988. Tàu HQ 604 cùng lực lượng công binh Trung đoàn 83 chuyển vật liệu lên đảo Gạc Ma. Lực lượng của Lữ đoàn 146 bí mật đổ bộ, cắm cờ Tổ quốc và triển khai 4 tổ bảo vệ đảo.
Trung Quốc điều thêm hai tàu hộ vệ trang bị pháo 100 ly đến khu vực đảo Gạc Ma. 6 giờ, ngày 14/3/1988, tàu Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo tiến vào giật cờ của ta. Lập tức, Thiếu úy Trần Văn Phương, Hạ sỹ Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội dũng cảm giành lại cờ. Lính Trung Quốc đã nổ súng bắn vào bộ đội Việt Nam, làm Thiếu úy Trần Văn Phương hy sinh, Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị thương. Mặc dù bị đối phương uy hiếp và nổ súng tấn công, nhưng bộ đội Việt Nam vẫn kiên cường đấu tranh bảo vệ chủ quyền hải đảo của Tổ quốc.
Không ép được bộ đội Việt Nam rút khỏi đảo, 7h30 ngày 14/3/1988, hai tàu Trung Quốc bắn pháo 100 ly gây hỏng nặng tàu HQ 604, rồi bất ngờ cho quân xông về phía tàu của Việt Nam. Trước tình thế khẩn cấp, Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ đã bình tĩnh chỉ huy bộ đội trên tàu sử dụng các loại súng AK, RPĐ, B40, B41 đánh trả quyết liệt.
Trận đánh diễn ra mỗi lúc thêm ác liệt. Tàu Trung Quốc tiếp tục nã pháo dồn dập làm tàu ta bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 Trần Đức Thông cùng một số cán bộ, chiến sỹ tàu đã anh dũng hy sinh. Đảo Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp từ đó đến nay.
Tại đảo Cô Lin, 6h00 ngày 14/3/1988, tàu HQ 505 đã cắm hai lá cờ lên đảo. Khi Tàu HQ 604 của ta bị chìm, Thuyền trưởng tàu HQ 505 Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo ủi bãi. Phát hiện thấy quân đội Việt Nam cơ động lên bãi, hai tàu của Trung Quốc quay sang tiến công tàu HQ 505. Bất chấp hiểm nguy, Tàu HQ 505 chạy hết tốc độ, trườn lên được hai phần ba thân tàu thì bốc cháy.
8h15 ngày 14/3/1988, bộ đội trên tàu HQ 505 vừa tiến hành dập lửa cứu tàu, bảo vệ đảo, vừa đưa xuồng đến cứu vớt cán bộ, chiến sỹ tàu HQ 604 vừa bị Trung Quốc đánh chìm. Cán bộ, chiến sĩ của tàu HQ 505 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở đảo Cô Lin. Đến nay, là cờ đỏ sao vàng của Việt Nam vẫn phấp phới tung bay trên đảo Cô Lin.
Ở hướng đảo Len Đao, 8h20 ngày 14/3/1988, tàu Trung Quốc bắn chìm tàu HQ 605 của Việt Nam. Do đó, cán bộ, chiến sỹ của tàu HQ 605 phải dìu nhau bơi về đảo Sinh Tồn (đến 6 giờ ngày 15/3/1988 mới đến đảo). Thượng úy Nguyễn Văn Chương và Trung úy Nguyễn Sĩ Minh tổ chức đưa thương binh, chiến sĩ về tàu HQ 505 (sau khi bị bắn cháy nằm trên đá Cô Lin). Trước lúc hi sinh, Thiếu úy Trần Văn Phương đã hô vang quyết tâm “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của quân chủng Hải quân”... Lực lượng quân đội Việt Nam đã đấu tranh kiên quyết, khiến Trung Quốc lui quân, bảo vệ thành công đảo Len Đao đến nay.
Tượng đài Vòng Tròn Bất Tử ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa tưởng niệm các anh hùng, dũng sĩ Gạc Ma
Phát huy truyền thống anh hùng của các chiến sĩ Gạc Ma
Trận chiến ngày 14/3/1988 có 64 chiến sĩ đã hy sinh, 11 chiến sĩ bị thương để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng trong lịch sử Việt Nam, là dấu ấn không bao giờ phai mờ trong tâm khảm của mỗi con dân đất Việt.
Hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam không dùng vũ khí mà đứng thành vòng tròn lấy thân mình chống chọi lại đối phương với nhiều vũ khí hiện đại, quyết tâm giữ lá cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại đảo Gạc Ma đã gây xúc động mạnh và trở thành biểu tượng “Vòng tròn bất tử” với quyết tâm “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Máu và thân xác các anh đã hòa cùng sóng biển nhưng tấm gương dũng cảm, mưu trí bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của các anh mãi là biểu tượng sáng ngời về lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, tình đoàn kết vượt qua gian khó, ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất, dâng hiến trọn đời vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Để tri ân tấm gương chiến đấu anh dũng kiên cường, nguyện hy sinh thân mình để bảo vệ biển đảo quê hương và tri ân các cán bộ, chiến sĩ đảo Gạc Ma nói riêng, quần đảo Trường Sa nói chung, các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc như: Đưa sự kiện Gạc Ma vào chương trình môn lịch sử giáo dục phổ thông ở các bậc trung học và đại học. Mô hình đảo đá Gạc Ma và “64 ngôi sao bất tử” được xây dựng ở nhiều trường học trong cả nước. Nhiều chương trình giao lưu nghệ thuật nhân kỷ niệm ngày diễn ra trận chiến đảo Gạc Ma được tổ chức, qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy ý thức trách nhiệm công dân, tinh thần sẵn sàng cống hiến trí tuệ, sức lực, nhiệt huyết cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), Khu Tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ Gạc Ma đã được xây dựng và trở thành công trình lịch sử mang tầm vóc quốc gia. Ngày nay, quân và dân trên quần đảo Trường Sa luôn đoàn kết một lòng, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để xây dựng huyện đảo ngày càng vững mạnh. Nhiều hoạt động, phong trào thiết thực, hiệu quả hướng về biển, đảo quê hương của các đơn vị, địa phương với lực lượng nòng cốt là đoàn viên thanh niên trong cả nước được tổ chức như: “Vì Trường Sa thân yêu - Vì tuyến đầu Tổ quốc”; “Hành trình tuổi trẻ với Trường Sa”; “Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa”; “Trường Sa xanh”; “Xuân Trường Sa”; “Xanh hóa Trường Sa”…
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự đồng lòng nhất trí của quân dân cả nước nói chung, quân và dân trên quần đảo Trường Sa nói riêng đã xây dựng Trường Sa ngày càng vững vàng, lớn mạnh, phát triển hơn về nhiều mặt và thực sự trở thành điểm tựa để ngư dân vươn khơi, bám biển, bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo của Tổ quốc, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Trọng Hùng