Là một trong số ít trí thức ở hải ngoại theo chân Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước năm 1946, Phạm Quang Lễ, sau này nổi tiếng với cái tên Trần Đại Nghĩa, đã ngay lập tức cùng toàn dân tộc bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc. Với kiến thức uyên bác về kỹ thuật vũ khí học được từ châu Âu của mình, đặt nền móng cho ngành công nghiệp vũ khí của nước nhà, Trần Đại Nghĩa đã góp phần không nhỏ vào sức mạnh chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhân dịp ngày sinh của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (13/09/1913), chúng tôi trân trọng giới thiệu với bạn đọc tấm gương một trí thức lớn, suốt đời vì nước, vì dân, đặc biệt là những đóng góp của ông khi còn trong quân đội
Góp phần tạo nên sức mạnh quân sự của một quốc gia, một quân đội, phải kể đến mối quan hệ giữa con người và vũ khí. Trong mối quan hệ đó, con người giữ vai trò quyết định, vũ khí giữ vai trò quan trọng.
Thực tiễn lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm từ hàng nghìn năm nay, dân tộc ta thường ở vào thế phải lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, điều đó lại một lần nữa lặp lại. Chúng ta phải đương đầu với một quân đội viễn chinh nhà nghề, từng nổi danh ở trời Âu và nhiều chiến trường khác nhau trên thế giới và hàng chục nghìn quân của Quân đội quốc gia Việt Nam. Về vũ khí thì tất nhiên, quân đội Pháp và Quân đội quốc gia Việt Nam của Bảo Đại hơn hẳn quân đội nhân dân Việt Nam.
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào và chiến sĩ cả nước bước vào cuộc kháng chiến với tinh thần “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”. Lời kêu gọi đó có ý nghĩa chính trị vô cùng to lớn. nhưng để chống lại một kẻ thù mạnh hơn nhiều lần, thì việc xây dựng quân đội, trang bị vũ khí để kháng chiến là vấn đề đặt ra cấp bách, có tính chất sống còn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thiếu tướng, kỹ sư Trần Đại Nghĩa (Ảnh Tư liệu)
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945- 1954), từ những ngày đầu kháng chiến cho đến Chiến dịch Biên giới cuối năm 1950, dân tộc ta phải “chiến đấu trong vòng vây”. Trang bị của bộ đội chủ yếu là giáo mác, đại đao, mã tấu, một ít súng trường, súng máy thu được của bảo an binh trong tổng khởi nghĩa, đạn dược thiếu. Một số địa phương tổ chức được cơ sở sản xuất và sửa chữa vũ khí nhưng chủ yếu là sản xuất lựu đạn, mìn, súng kíp… số lượng không đáng kể. Về vũ khí hạng nặng, tính đến trước ngày Toàn quốc kháng chiến, số đại bác ta thu được của Pháp, Nhật là trên 40 khẩu (từ 37 mm đến 75 mm) nhưng phần lớn hư hỏng, thiếu trang thiết bị. Năm 1947, lực lượng vũ trang cả nước có 26.618 khẩu súng trường với gần 30 kiểu, kể cả súng săn, súng lệnh; súng máy có 1.522 khẩu với hơn 10 kiểu; đại bác, súng phóng lựu có 476 khẩu với hơn 10 kiểu. Vũ khí của ta hầu hết là các súng kiểu cổ của nhiều nước trên thế giới. Tại chiến trường Bắc Bộ, trung bình cứ 4 chiến sĩ mới có 1 khẩu súng.
Giải quyết vấn đề thiếu vũ khí, kể cả vũ khí cá nhân và những vũ khí hỏa lực bằng cách nào ? Trước năm 1951, khi Việt Nam bắt đầu nhận viện trợ vũ khí của Liên xô, Trung Quốc, có 3 cách: một là lấy vũ khí địch trang bị cho ta, hai là quyên góp tiền vàng tổ chức đi mua vũ khí, ba là tự nghiên cứu, chế tạo vũ khí.
Lực lượng vũ trang từ nhân dân mà ra, đi từ không đến có, từ yếu đến mạnh, nên việc lấy vũ khí địch trang bị cho lực lượng vũ trang là vấn đề có tính quy luật. Các trận tiến công quân sự cũng như các hoạt động binh, địch vận đều có mục tiêu lấy vũ khí địch trang bị cho ta. Đây là hoạt động có tính chất thường xuyên, liên tục, có lúc trở thành phong trào "cướp vũ khí địch đánh địch" và trên thực tế đã cung cấp cho lực lượng vũ trang, nhất là dân quân, tự vệ và du kích một số lượng vũ khí đáng kể. “Lấy súng giặc giết giặc” trở thành phương châm xuyên suốt trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta.
Trong giai đoạn đầu cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, các đồng chí lãnh đạo Đảng bộ Nam Bộ đã cử nhiều cán bộ sang Lào, Thái Lan, Campuchia mua vũ khí, dựa vào sự ủng hộ của Việt kiều yêu nước và số tiền, vàng bạc ít ỏi quyên góp được từ trong nước. Tuy nhiên, việc mua vũ khí không dễ dàng, có những chuyến đi thành công, nhưng cũng có những chuyến bị đánh cướp hết tiền, vàng. Cùng với sự mở rộng chiến tranh của thực dân Pháp ở Đông Dương, việc tổ chức mua vũ khí theo con đường này ngày càng khó khăn.
Vì vậy, vấn đề đặt ra là nghiên cứu, sản xuất vũ khí là hết sức quan trọng. Ngay trong quá trình đàm phán nhằm tránh cho đất nước lâm vào chiến tranh, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tích cực chuẩn bị. Các công binh xưởng, các cơ sở sản xuất vũ khí được chuyển lên chiến khu, chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Một trong những sự chuẩn bị đó là chuẩn bị về “chất xám”, về con người. Việc kỹ sư Phạm Quang Lễ theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước tham gia kháng chiến vừa góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, vừa góp phần nâng cao “chất lượng” cuộc kháng chiến. Nghe tin kỹ sư Phạm Quang Lễ về nước, đồng chí Võ Nguyên Giáp vui mừng khôn xiết, vì ông biết đã có người trình độ uyên thâm phụ trách việc chế tạo, sản xuất vũ khí.
Nắm giữ nhiềucác cương vị quan trọng, đầu tiên là Cục trưởng Cục Quân giới, Trần Đại Nghĩa đã cùng ngành quân giới chế tạo ra những loại vũ khí hỏa lực, có khả năng phá hủy và tiến công các phương tiện chiến tranh của Pháp cũng như tiêu hao tiêu diệt sinh lực địch. Quân đội ta từ chỗ chỉ có điều kiện du kích chiến đã tiến dần lên vận động chiến, từ chỗ chủ yếu phòng ngự bị động đã có sức mạnh chủ động tiến công địch.
Ngay từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, Trần Đại Nghĩa đã chế tạo các loại lựu đạn, súng phóng lựu, súng cối 50,8 mm, mìn phá xe… để kịp thời phục vụ cuộc chiến đấu hơn hai tháng chống lại thực dân Pháp tại Thủ đô. Sau khi lên chiến khu Việt Bắc, trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, Trần Đại Nghĩa tiếp tục nghiên cứu, chế tạo vũ khí hỏa lực. Sau nhiều lần thất bại, Trần Đại Nghĩa đã chế tạo thành công súng bazoka, loại súng không chỉ có tác dụng chống xe tăng, xe cơ giới mà còn có tác dụng đánh tàu chiến chạy gần bờ, dập tắt hỏa lực hay bắn vào đội hình tập trung của địch. Bazoka đã đáp ứng yêu cầu vừa chống xe tăng của địch, vừa đảm bảo được sinh mạng chiến sĩ, phù hợp thực địa chiến đấu đã thay đổi.
Ngày 3-3-1947, trong trận phục kích trên đường số 6 tại xóm Trầm (nay thuộc Chương Mỹ, Hà Nội), những quả đạn bazôka bất ngờ bắn cháy xe tăng của Pháp buộc chúng phải bỏ dở cuộc tiến quân. Chính loại bazoka đó đã phục vụ kịp thời và có hiệu quả trong chiến dịch Việt Bắc Thu Đông 1947, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân của địch lên chiến khu Việt Bắc.
Khẩu bazoka do cán bộ, công nhân ngành Quân giới Việt Nam, dưới sự chỉ huy của Kỹ sư Trần Đại Nghĩa, sản xuất năm 1947, trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Sau này, súng bazoka được sử dụng rộng rãi tại nhiều chiến trường, đã tiêu diệt được hỏa lực và sinh lực địch. Súng, đạn bazoka được sản xuất nhiều trong những năm 1947-1948. Nếu năm 1946, ngành Quân giới sản xuất được 2 khẩu, 40 quả đạn, thì năm 1947 sản xuất được 255 khẩu, 4.037 quả đạn; năm 1948 sản xuất được 267 khẩu, 6.368 quả đạn; năm 1949 sản xuất 191 khẩu, 3.206 quả đạn; năm 1950 sản xuất 40 khẩu với 1.150 quả đạn; năm 1951 sản xuất 30 khẩu với 2.012 quả đạn. Cùng với súng bazoka, quân giới Việt Nam cũng đã sản xuất được súng SKZ với tính năng vượt trội.
Đến cuối năm 1947, dưới sự lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp của Trần Đại Nghĩa, hệ thống tổ chức của Cục Quân giới đã được xây dựng rộng khắp, đẩy mạnh sản xuất, chế tạo vũ khí, đạn dược, đáp ứng cho các mặt trận. Dưới Cục Quân giới là hệ thống quân giới các khu, các tỉnh với các xưởng chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí. Cả nước có 89 xưởng, 13 công trường, một số đội, nhóm lưu động, tổng số lên đến 16.000 người. So với đầu năm 1947, khi ta mới di chuyển máy móc, nguyên vật liệu lên căn cứ, đến cuối năm 1947, số máy móc tăng gấp 4 lần, nguyên liệu sử dụng tăng 20 lần, nhân công tăng 15 lần. Từ năm 1946 đến năm 1950, ngành quân giới (từ Liên khu IV trở ra) sản xuất được 1.323 tấn vũ khí các loại.
Sau bazoka, Trần Đại Nghĩa và các cộng sự nghiên cứu và chế tạo thành công súng SKZ. Đây là loại vũ khí nổi tiếng trong giới quân sự thế giới, làm thực dân Pháp hoảng sợ. Sau này, dưới sự chỉ đạo của Trần Đại Nghĩa, các cơ sở quân giới tiếp tục nghiên cứu chế tạo các loại súng SKZ cỡ 51 mm, 81mm, 120mm và 175mm. Năm 1949, ngành Quân giới sản xuất được 85 khẩu SKZ, 645 quả đạn; năm 1950 sản xuất được 225 khẩu, 2.149 quả đạn, năm 1951 sản xuất được 176 khẩu, 4.811 quả đạn.
Những loại vũ khí do kỹ sư Trần Đại Nghĩa và ngành quân giới Việt Nam nghiên cứu, chế tạo trong giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã tiếp thêm sức mạnh cho quân đội ta chiến đấu và chiến thắng, gieo rắc nỗi kinh hoàng lên đầu kẻ thù ở khắp các chiến trường.
Sức mạnh của quân đội ta được tạo nên từ nhiều yếu tố, trước hết bắt nguồn từ lý tưởng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, nhưng vấn đề quan trọng không thể không kể đến là vũ khí, trang bị. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân đội ta theo hướng vừa chiến đấu, vừa xây dựng, càng đánh càng mạnh. Sau này, quân đội ta được trang bị ngày càng hiện đại với sự viện trợ vũ khí từ các nước xã hội chủ nghĩa. Nhưng trong giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, những loại vũ khí do Trần Đại Nghĩa và quân giới Việt Nam chế tạo ra đã góp phần làm nên những trang sử oai hùng, những kỳ tích.
Với hoài bão từ tuổi thanh niên, với kiến thức đã tích lũy được từ những năm tháng miệt mài học tập tại Châu Âu cùng lý tưởng phụng sự Tổ quốc và quyết tâm vượt mọi gian khổ, hiểm nguy, kỹ sư Trần Đại Nghĩa, Cục trưởng Cục Quân giới, đã có những đóng góp to lớn, góp phần tạo dựng và tiếp thêm sức mạnh cho quân đội ta chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về Cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo (bazoka, súng không giật, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và nhiều danh hiệu cao quý khác là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với ông, một trí thức suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Ngày 9/08/1997, trái tim của người trí thức lớn ngừng đập. Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, tên ông được đặt cho nhiều trường học, đường phố ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và quê hương Vĩnh Long.
Bình Nguyễn