Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, có một trí thức yêu nước tiêu biểu, nêu tấm gương sáng về quyết tâm và nghị lực phi thường, vượt qua khó khăn, gian khổ, hiến dâng cuộc đời và sự nghiệp phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân
Hành trang của một người trí thức tận tâm giàu lòng yêu nước
Năm 1913, cậu bé Phạm Quang Lễ[1] cất tiếng khóc chào đời trong một gia đình nhà giáo nghèo ở tỉnh Vĩnh Long. Sớm mồ côi cha, nhưng Phạm Quang Lễ vẫn được đi học nhờ sự tần tảo của má và chị gái.
Trong cuộc đời học sinh, Phạm Quang Lễ luôn nhớ lời cha dặn trước lúc ra đi: “Con phải gắng học để trở thành người hữu ích, sau này giúp đỡ người nghèo khổ”.
Trong ông luôn nung nấu một suy nghĩ: Việt Nam có truyền thống yêu nước, đánh giặc bảo vệ Tổ quốc cả ngàn năm, nhưng vẫn tiếp tục bị thực dân Pháp xâm lược, một trong những nguyên nhân là do không có vũ khí có thể chống lại vũ khí của quân đội Pháp.
Chính vì thế, khi sang Pháp du học, Phạm Quang Lễ đã quyết tâm học bằng được cách chế tạo vũ khí mặc dù chỉ là tự học vì người Pháp không cho phép một du học sinh nước ngoài ở Pháp học ngành chế tạo vũ khí, nhất là du học sinh đó lại là người Việt Nam.
Tốt nghiệp đại học, trở thành kỹ sư của một hãng chế tạo máy bay, kiếm được bao nhiêu tiền, Phạm Quang Lễ cũng đều dồn vào mua sách liên quan đến vũ khí. Trong thời gian ở Pháp, Phạm Quang Lễ rất hay lui tới Viện Bảo tàng vũ khí, xem xét kỹ lưỡng tất cả các loại vũ khí từ thô sơ đến hiện đại. Anh học gì và đọc sách nào cũng đều liên quan tới thời cuộc và kỹ thuật chế tạo vũ khí, tổ chức và quản lý ngành công nghiệp quốc phòng. Suốt 11 năm âm thầm nghiên cứu, anh đã ghi chép hơn 30 nghìn trang tài liệu về vũ khí.
Phạm Quang Lễ (đứng giữa) trong những năm theo học tại Paris (Ảnh tư liệu)
Trở thành chiến sĩ trên mặt trận nghiên cứu khoa học, chế tạo vũ khí
Trong thời gian hòa hoãn với thực dân Pháp sau Cách mạng Tháng Tám, nhận lời mời của Chính phủ Pháp, ngày 5/7/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nước Pháp. Hàng vạn Việt kiều khắp nước Pháp kéo về Paris chào mừng vị Chủ tịch nước Việt Nam mới. Một đoàn đại biểu Việt kiều đến thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phạm Quang Lễ vinh dự có mặt trong đoàn.
Trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nước Pháp, Phạm Quang Lễ được theo Người đi thăm các tổ chức Việt kiều, các tổ chức của Đảng Cộng sản Pháp mà Người là một trong những thành viên sáng lập. Đến đâu, Người cũng tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân Pháp, trong đó có giới trí thức. Người thanh niên Phạm Quang Lễ đã được cảm hoá bởi phong thái dung dị phi thường, cách làm việc khoa học, lòng nhân đạo, độ lượng của Người.
Phạm Quang Lễ có dịp được báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh về các hoạt động của ông tại Pháp, đó là các hoạt động công khai bí mật trong việc nghiên cứu vũ khí. Bác Hồ đã lắng nghe nguyện vọng của Phạm Quang Lễ, Bác hỏi: “Chú về nước chế tạo vũ khí, cách mạng sẽ rất cần. Nhưng trong nước khổ lắm. Chú có chịu nổi không?”. Phạm Quang Lễ gật đầu: “Thưa Bác, cháu đã chờ đợi ngày này suốt 11 năm trời”.
Ngày 8/9/1946, Người thông báo Hội nghị Phôngtennơblô không thành công, nói với Phạm Quang Lễ: “Bác sắp về nước. Chú chuẩn bị về với Bác. Hai ngày nữa ta lên đường”.
Từ bỏ công việc kỹ sư ở một hãng chế tạo máy bay lớn với mức lương đáng mơ ước, Phạm Quang Lễ về Việt Nam tham gia kháng chiến. Phạm Quang Lễ đã bày tỏ lòng quyết tâm, không sợ gian khổ, thiếu thốn, khó khăn, trở về phục vụ đất nước. Hành trang trở về của ông là rất nhiều sách liên quan đến vũ khí.
Chỉ 7 ngày sau khi về nước, ngày 27/10/1946, Phạm Quang Lễ được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ lên Thái Nguyên, nghiên cứu chế tạo súng chống tăng dựa theo mẫu badôca của Mỹ, với hai viên đạn do Giáo sư Tạ Quang Bửu (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) cung cấp. Công việc mới tiến hành được ít hôm thì ông nhận được điện gấp từ Bộ Quốc phòng về gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 5/12/1946, Phạm Quang Lễ được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tin tưởng tuyệt đối vào Phạm Quang Lễ, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho ông toàn quyền hành động trong việc chế tạo vũ khí mà không phải thông qua bất kỳ một cấp nào khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho ông nhiệm vụ quan trọng, đó là giữ vị trí Cục trưởng Cục quân giới, với nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo vũ khí cung cấp cho bộ đội. Cũng trong cuộc gặp này, ông được vị lãnh tụ đổi tên thành Trần Đại Nghĩa với mong muốn ông sẽ cố gắng hết sức vị cuộc kháng chiến của dân tộc.
Cái tên Trần Đại Nghĩa mà Bác Hồ đặt cho ông năm đó, là cái tên đã đưa ông đi vào lịch sử ngành chế tạo vũ khí của Việt Nam.
Chiến công đầu tiên của ông là chế tạo thành công súng Bazôka, một loại súng bắn xe tăng đầu tiên do Việt Nam chế tạo.
Đóng góp quan trọng những năm đầu kháng chiến chống Pháp
Trần Đại Nghĩa làm việc cùng bộ đội quân giới, trong những ngày tháng khẩn trương chuẩn bị cho cuộc kháng chiến khó tránh khỏi. Ông nung nấu, suy nghĩ về vấn đề chuẩn bị vũ khí cho cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc.
Mặc dù hoàn cảnh vô cùng khó khăn, gần như bắt đầu từ số không, thế nhưng chỉ sau gần 3 tháng, cuối tháng 2/1947, các chiến sĩ quân giới dưới sự chỉ đạo của Trần Đại Nghĩa đã sản xuất thành công súng badôca với sức mạnh xuyên thủng 75cm tường thành gạch xây, tương đương với sức nổ của đạn badôca do Mỹ chế tạo.
Vũ khí này sẽ được dùng tiêu diệt xe tăng, thế mạnh tuyệt đối của quân đội Pháp.
Để chế tạo được loại vũ khí này, ông đã phải nghiên cứu, thử nghiệm trong thời gian khoảng một năm, trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn. Loại đạn badôca lợi hại này đã được sản xuất hàng loạt tại các xưởng quân giới, đặc biệt là ở Liên khu 3.
Sáng ngày 3/3/1947, súng badôca đã tham gia trận đánh và lập chiến công đầu tiên, ngăn chặn quân Pháp tiến ra vùng ngoại ô Hà Nội. Sự xuất hiện của một loại vũ khí mới đã khiến Pháp bất ngờ và hoang mang. Chiến công này làm cho quân dân ta vô cùng phấn khởi.
Số lượng badôca tung ra các chiến trường khá lớn. Chiến sĩ ta sử dụng loại vũ khí này thật linh hoạt, dũng mãnh, tài tình. Trận Bình Ca, hàng chục lính Pháp bị tiêu diệt bởi một quả đạn badôca bắn thẳng. Nếu thời gian đầu, Badôca chỉ nhắm vào các loại xe tăng, thiết giáp thì sau này, bộ đội còn sử dụng để bắn ôtô, lô cốt…
Từ khi đưa vào sử dụng, Badôca đã gây cho địch nhiều tổn thất rất lớn. Trong chiến dịch Thu Đông năm 1947, súng badôca còn bắn chìm cả tàu chiến Pháp ngược dòng sông Lô lên Việt Bắc.
Đối với một đất nước vừa thoát khỏi ách thuộc địa, nửa phong kiến đã chế tạo thành công loại vũ khí hiện đại này, quả là một huyền thoại và là điều không thể ngờ đến của địch.
Có thể nói, những ngày tháng miệt mài nghiên cứu chế tạo vũ khí ở Chiến khu Việt Bắc là thời gian kĩ sư Trần Đại Nghĩa cảm thấy có ý nghĩa nhất trong cuộc đời hoạt động của mình.
Một thành công quan trọng tiếp theo là súng SKZ. Trần Đại Nghĩa cùng với những cộng sự gần gũi như Nguyễn Minh Tiếp, Hoàng Đình Phu, Bùi Minh Tiêu, Phạm Đồng Điện, Nguyễn Văn Hường… đã dày công chế tạo thành công.
SKZ Việt Nam xuất trận lần đầu trong trận Phố Lu và sau đó được phổ biến, trở thành một loại vũ khí công đồn hiệu quả, giúp lực lượng vũ trang các địa phương tiêu diệt nhiều đồn bốt kiên cố.
Có SKZ rồi, ông tiếp tục nghiên cứu và chế tạo đạn bay. Và ông cũng đã sáng chế thành công loại tên lửa nặng 30 kilôgam có thể đánh phá các mục tiêu ở cách xa 4km.
Để nâng cao chất lượng và đẩy mạnh tốc độ sản xuất vũ khí, ông cùng đồng nghiệp phải giải quyết một vấn đề quan trọng có ý nghĩa lâu dài mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra từ khi ở bên Pháp, đó là việc đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân quân giới.
Cục quân giới đã liên tiếp mở các lớp tập huấn. Ông tự mình soạn những tài liệu hướng dẫn, các bài giảng cho anh em. Phương châm là “cần gì học nấy”, dùng lý luận cơ bản soi rọi cho thực tiễn kỹ thuật, học đi đôi với hành. Những bài học kinh nghiệm về khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực quân giới, mà ông đã có những đóng góp không nhỏ, còn có ý nghiã đến sau này, trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
Năm 1948, Trần Đại Nghĩa cũng được phong quân hàm Thiếu tướng, ông trở thành một trong những vị tướng đầu tiên của quân đội ta. Khi ấy ông mới 35 tuổi.
Những vũ khí Trần Đại Nghĩa và cán bộ Cục Quân giới sáng chế ra đã góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến trong những năm đầu tiên khi đất nước đang ở trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc.
Công trình nghiên cứu chế tạo Badôca trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp của Trần Đại nghĩa đã được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.
Trần Đại nghĩa, tấm gương một trí thức ưu tú, đã từ bỏ vinh hoa phú quý nơi trời Âu, trở về lăn lộn trong cuộc kháng chiến của dân tộc. Ông được mệnh danh là “Ông Vua vũ khí Việt Nam” và điều quan trọng hơn tất cả mọi danh hiệu: đó là sự ghi nhận của nhân dân, đất nước, của lịch sử cho những đóng góp của ông đối với Tổ quốc Việt Nam.
Đức Minh
[1] Tên thật của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.