Cách đây 75 năm, thực dân Pháp mở chiến dịch tiến công Việt Bắc, chủ trương đánh nhanh, thắng nhanh, chụp bắt cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt chủ lực Việt Minh, kết thúc chiến tranh. Trái với toan tính của Pháp, quân và dân ta đã tiến hành chiến dịch phản công xuất sắc. Nhiều trận đánh oai hùng đã được ghi vào lịch sử, trong đó có trận đánh Ghềnh Khoan Bộ- Sông Lô ngày 23/10/1947
Chuẩn bị chiến trường, sẵn sàng đánh địch
Ngày 4/10/1947, Khu uỷ Khu 10 họp quán triệt quyết tâm của Trung ương Đảng đánh bại cuộc hành quân của thực dân Pháp, bảo vệ cửa ngõ căn cứ địa Việt Bắc. Lực lượng quân sự được tăng cường, Bộ Tổng chỉ huy quyết định thành lập Ban Pháo binh Khu 10 gồm năm Trung đội pháo trực thuộc mang phiên hiệu 175, 200, 225, 250 và 275 với sáu khẩu pháo các loại gồm một khẩu ca-nông 25mm, một khẩu sơn pháo 75mm, một khẩu cao xạ 75mm, một khẩu thủy pháo 75mm và hai khẩu dã pháo 75mm - Do đồng chí Phạm Văn Đôn làm trưởng ban. Đây là lực lượng pháo binh lớn nhất ở miền Bắc lúc bấy giờ.
Cùng với đó, Tỉnh uỷ Vĩnh Yên, Huyện ủy Lập Thạch gấp rút chỉ đạo các xã dọc theo bờ sông Lô từ Sơn Đông đến Bạch Lưu làm công tác chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng đánh địch. Ngoài lực lượng tại chỗ, huyện đội Lập Thạch đã điều động trung đội tập trung của huyện và dân quân du kích một số xã tới cùng các xã ven sông chuẩn bị chiến đấu. Dân quân du kích đã phối hợp với bộ đội và dân công của các xã tập trung xây dựng công sự trận địa bố trí vật cản bao gồm: các hầm chông, bẫy gậy “tập trung trọng điểm trên bến Khoan Bộ”[1].
Ghềnh Khoan Bộ thuộc xã Phương Khoan, huyện Lập Thạch cũ, nay là huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Địa hình có nhiều đồi núi, giao thông chủ yếu là đường đê, đường mòn, đường liên thông có hai trục chính liên xã đi Lãng Công và Đồng Quế, cấu trúc địa hình rất thuận lợi cho việc cất dấu lực lượng, trang thiết bị, xây dựng trận địa công sự đảm bảo yếu tố bất ngờ. Tại khu vực Ghềnh Khoan Bộ có bãi bồi nổi trên sông về mùa khô, tạo cho lòng sông hẹp buộc các phương tiện giao thông thủy phải giảm tốc độ khi qua đây.
Chỉ trong một thời gian rất ngắn, mọi việc đã sẵn sàng, chờ đón cuộc hành binh của địch.
Trận đánh Ghềnh Khoan Bộ
Ngày 7/10/1947, thực dân Pháp bắt đầu chiến dịch tấn công lên Việt Bắc.
Đối với mũi tiến công đường sông của địch, pháo binh ta bố trí ở Phan Dư, Đoan Hùng, Bình Ca, Khoan Bộ đã nổ súng nhưng không bắn trúng được tàu nào.
“Sau những trận đánh này, trung đội trưởng Nguyễn Siêu Hải đã quan sát và thấy rõ rằng, nếu cứ đặt pháo trên đồi cao bằng cầu vồng cự li trên 2.000m, góc tà âm thì không thể nào trúng tàu địch được. Trong cuộc họp Nguyễn Siêu Hải đã đề đạt ý kiến cho sơn pháo xuống thấp bắn thẳng ở cự li gần mới chắc thắng... mọi người đều nhất trí tán thành: đưa sơn pháo xuống thấp quyết tâm bắn cháy tàu giặc. Nghĩa là sử dụng chiến thuật “đặt gần-bắn thẳng” (ngược lại với nguyên lý pháo binh là “đặt xa bắn vòng cung”); đồng thời phải bố trí trận địa hiểm hóc, bất ngờ, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ hơn nữa với dân quân du kích”[2].
1 khẩu đội pháo 75 mmm tham gia chiến dịch phản công Việt Bắc (Ảnh tư liệu)
“Trưa ngày 19/10/1947 trung đội pháo do đồng chí Nguyễn Siêu Hải - Trung đội trưởng (nay là đại tá trung đoàn trưởng pháo binh đã nghỉ hưu) đã kéo pháo từ xã Lãng Công ra bờ sông. Trận địa lần này được Nguyễn Siêu Hải và đồng đội bố trí đặt tại làng Khoan Bộ (nay thuộc xã Phương Khoan, huyện Sông Lô, Vĩnh phúc) trên con đường đất men sát rệ bờ sông”[3].
Sáng 22/10/1947, đồng chí Nguyễn Siêu Hải cùng với du kích Khoan Bộ nghiên cứu địa hình trên ghềnh đá Khoan Bộ. Lòng sông Lô chảy qua đây khá hẹp vì giữa sông có một roi cát nước chảy xiết xát sang tả ngạn tạo thành ghềnh vực khá sâu. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này, Trung đội 225 (với một khẩu sơn pháo 75 ly và 45 viên đạn, một khẩu tiểu pháo 25 ly với 60 viên đạn) ta đã tổ chức mai phục trận địa sát mép nước ở ghềnh Khoan Bộ. Đồng chí Siêu Hải quyết định báo cáo với tiểu đoàn trưởng và pháo từ ghềnh đá đình làng Khoan Bộ được chuyển xuống bến Ếch.
Ta triển khai một trung đội pháo binh (lúc đó thường được gọi là trung đội pháo binh Khoan Bộ), do đồng chí Nguyễn Siêu Hải chỉ huy, vũ khí trang bị: 1 pháo 75 ly với 40 viên đạn, 1 súng chống tăng với 40 viên đạn. Một trung đội du kích của thôn Khoan Bộ do đồng chí Vũ Ngọc Quyên làm trung đội trưởng, gồm 23 đồng chí chia làm 3 tiểu đội. Cùng phối hợp chiến đấu còn có trung đội dân quân cơ động của huyện, vũ khí trang bị chủ yếu là vũ khí thô sơ bao gồm súng trường mút cơ tông và lựu đạn, giáo mác.
Sáng ngày 23/10/1947, thực dân Pháp mở cuộc hành quân. “Quá trưa cùng ngày (vào khoảng 14h), lực lượng trinh sát của ta thông báo về sở chỉ huy có 1 ca nô và 2 tàu thủy của địch từ Việt Trì ngược sông Lô đi theo đội hình hàng dọc mỗi chiếc cách nhau khoảng 100m, có lực lượng bộ binh cơ động yểm trợ trên bộ, có một tổ đi trước tinh sát, mở đường và thăm dò lực lượng của ta”[4]. Đây là đoàn tàu thứ tư của địch ngược sông Lô theo kế hoạch Clo-Clo.
Với tinh thần quyết tâm bắn cháy tàu giặc, nên cả pháo binh và bộ binh của ta mai phục ven sông đều rất bình tĩnh, chủ động chờ tàu địch vào đúng tầm gần, trên dưới 800m ngang, theo vật chuẩn là cây gạo làng An Lão mới nổ súng.
Khi lực lượng trinh sát báo cáo chiếc tàu thứ nhất của địch đã đến khu vực Ghềnh Khoan Bộ, sau đó toàn bộ đội hình hành quân của địch đã lọt vào trận địa phục kích, lực lượng dân quân du kích ở Cầu Bói nổ mìn phát tín hiệu nổ súng chiến đấu. Trên trận địa pháo giả, ta nổ mìn liên tục để nghi binh, đồng thời toàn trận địa đồng loạt nổ súng chiến đấu.
Khu vực Ghềnh Khoan Bộ, nơi từng diễn ra trận chiến oai hùng ngày 23/10/1947
Ở trận địa chính, pháo ta nổ súng nhưng không trúng, bởi pháo ta đặt trên rệ sông, đất pha cát, khi pháo bắn, sức giật lớn đã khiến đất lún, pháo lệch, lập tức các pháo thủ cùng du kích khẩn trương dùng tre gỗ, ván đã được chuẩn bị trước, sự cố được khắc phục, đồng chí Siêu Hải và các pháo thủ hạ quyết tâm bắn chìm chiếc đi đầu. Sau đó, khẩu sơn pháo 75 lại gầm lên bắn thẳng vào tàu địch. Chiếc ca nô đi đầu trúng đạn bốc cháy, lính Pháp trên tàu hoảng sợ nhảy xuống sông tranh nhau phao bơi sang bờ sông phía xã An Đạo, chiếc ca nô nhanh chóng chìm xuống sông Lô. Chiếc tàu chiến LCT thứ hai vừa vào giữa điểm chuẩn, khẩu sơn pháo lại tiếp tục nhả đạn làm nó trúng đạn, bốc cháy, rồi chìm nghỉm. Chiếc tàu chiến LCT thứ ba trúng đạn, nhưng vẫn quay pháo và các cỡ súng bắn dữ dội vào làng Khoan Bộ.
Lúc này, trên không ba chiếc máy bay khu trục đã phát hiện được trận địa pháo của ta. Chúng lồng lộn xả đạn vào khu vực có trận địa của ta. Địch đã điều động thêm ba máy bay khác từ Gia Lâm lên thay thế tốp trước, tiếp tục bắn phá trận địa của ta. Chiếc tàu thứ ba trúng đạn vội chạy sang bờ An Đạo để sửa chữa. Quân Pháp đổ bộ lên bờ, tràn vào đốt phá xã An Đạo. Đoàn quân đổ bộ nhằm yểm trợ cho đoàn tàu chiến đã bị du kích các xã Cao Phong, Đức Bác, Tứ Yên, Tam Sơn chặn đánh, khiến cho địch không thể thực hiện được ý đồ yểm trợ, bảo vệ đoàn tàu. Tại cầu Bãi Bầu (xã Phương Khoan) tổ phục kích do ông Hà Văn Kết, Hà Văn Tuy và Lê Văn Lũng giật mìn tiêu diệt tại chỗ 2 lính Pháp, làm bị thương một số tên khác. Đến thôn Ngạc Tân, tổ phục kích do ông Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Yên và Quảng Văn Bích giật mìn làm bị thương một số tên. Đến đầu làng Khoan Bộ, tổ phục kích do ông Vũ Ngọc Quyên, Khổng Hữu Phúc và Vũ Ngọc Sách dùng lựu đạn và mìn tiêu diệt 3 tên lính Pháp, làm bị thương một số tên khác, thu được một số vũ khí của giặc.
Sau hai giờ chiến đấu, quân và dân ta đã giành thắng lợi: tiêu diệt 5 tên lính, làm bị thương khoảng 40 tên; đánh chìm một ca nô và một tàu LCT; một tàu LCT hư hỏng nặng; thu được một số vũ khí, đạn dược.
Ý nghĩa to lớn của chiến thắng
Trận chiến đấu Ghềnh Khoan Bộ thể hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và chỉ huy quân sự địa phương trong việc động viên và xây dựng tinh thần quyết tâm chiến đấu cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, bố trí thế trận, tổ chức xây dựng công sự trận địa và thực hành đánh địch, sự đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng tham gia trận đánh.
Chiến thắng Ghềnh Khoan Bộ trên phòng tuyến sông Lô đã thổi một luồng sinh khí mới vào toàn quân, toàn dân, tạo thêm lòng tin của quân đội và nhân dân vào Chính phủ, vào Cụ Hồ, vào cuộc kháng chiến. Từ đó, tạo đà cho những thắng lợi tiếp theo của ta trong Chiến dịch Việt Bắc (1947).
Trận đánh góp phần hình thành cách đánh địch hiệu quả trên sông của pháo binh Việt Nam “đặt gần, bắn thẳng” - một chiến thuật chưa có trong giáo trình huấn luyện của pháo binh Việt Nam. Chiến thắng Ghềnh Khoan bộ cũng cho thấy chủ trương đúng đắn của Bộ chỉ huy chiến dịch trong phát huy sức mạnh hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa 3 thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích.
Thắng lợi tại Ghềnh Khoan Bộ đã gây khó khăn lớn cho thực dân Pháp trong việc sử dụng đường sông để cơ động vào hậu phương kháng chiến, làm cho các đơn vị đồn trú của địch ở Việt Bắc rơi vào tình trạng thiếu lương thực, đạn dược, góp phần bẻ gãy gọng kìm phía Tây của thực dân Pháp, từ đó góp phần quan trọng vào việc đánh bại cuộc hành binh của Pháp.
Cùng với Đoan Hùng, Khe Lau, trận đánh Ghềnh Khoan Bộ đã tô điểm thêm truyền thống vinh quang của pháo binh Việt Nam trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.
Đại Đồng - Quỳnh Lưu
[1] Bộ Chỉ huy Quân sự Vĩnh Phúc, Những trận đánh điển hình của bộ đội địa phương và dân quân du kích Vĩnh Phú trong kháng chiến chống Pháp: giai đoạn 1945 - 1954, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 20.
[2] Nguyễn Thế Nguyên, Trần Trọng Trung, Hoàng Thanh Giang, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1995, tr. 72.
[3] Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, Sđd, tr. 81.
[4] Phòng lưu trữ Văn phòng Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc: Một số báo cáo tổng kết tình hình địch hậu Vĩnh Phúc giai đoạn 1946 -1954, tr. 32.