Ngày 23-9-1945, nhân dân Nam bộ nổ tiếng súng đầu tiên mở màn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ 2. Cùng với nhân dân Nam Bộ, chính quyền, nhân dân Bạc Liêu với tinh thần yêu nước, căm thù giặc sâu sắc đã tích cực chuẩn bị kháng chiến. Quân Pháp tiến đến đâu cũng vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của quân và dân ta, gây cho chúng nhiều tổn thất. Điển hình trong những trận chiến dũng cảm của thời kỳ đầu chống Pháp xâm lược ở Nam Bộ là Trận Giồng Bốm (thuộc ấp 7, xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, nay là ấp 7, xã Phong Thạnh Tây, Thị xã Giá Rai)
Khi quân Pháp bắt đầu mở rộng khu vực chiếm đóng, tiến công Bạc Liêu, “gần 4.000 đồng bào tín đồ Cao Đài yêu nước, có lực lượng vũ trang Cao Đài cứu quốc làm nòng cốt”[1], dưới sự lãnh đạo của cụ Cao Triều Phát, đã lập mặt trận chống giặc tại tòa thánh Minh Chơn đạo ở Giồng Bốm, kiên quyết chống giặc.
Sáng 6-4-1946, thực dân Pháp đưa một Trung đội đến thám thính Giồng Bốm. Nghĩa quân "áo trắng" do chuẩn bị chu đáo, được canh phòng cẩn mật nên đã kịp thời phát hiện và chặn đánh từ xa. Chờ cho chúng vào vị trí phục kích, nghĩa quân nổ súng tiêu diệt hai lính Pháp đi đầu. Quá bất ngờ, quân Pháp chống trả yếu ớt và tháo chạy.
Ngày 12-4-1946, Pháp cho 3 máy bay oanh tạc mặt trận Giồng Bốm, khu vực chỉ huy của nghĩa quân bị trúng bom, 11 người hi sinh, hàng chục người bị thương. Ngày 13-4-1946, quân Pháp cho 100 lính bộ binh từ Đầu Sấu tiến công Giồng Bốm. Nghĩa quân có phòng bị từ trước, chủ động nổ súng phẩn công. Một lần nữa, quân Pháp bị động, rối loạn đội hình, nghĩa quân thừa thế truy kích khiến chúng tháo chạy khỏi trận địa.
Sau hai thất bại liên tiếp, sáng ngày 15-4-1946, quân Pháp cho máy bay ném bom, bắn pháo binh vào căn cứ để dọn đường đưa 2 tiểu đoàn quân viễn chinh, chia thành 3 mũi, tiến công vào Giồng Bốm. Mũi thứ nhất từ Đầu Sấu đánh thẳng vào Toà thánh Ngọc Minh. Chờ cho quân địch đi vào tầm đạn, nghĩa quân đồng loạt nổ súng vào đội hình địch, chúng ngả rạp từng đợt, nhiều tên thương vong. Nghĩa quân bám công sự, bắn tỉa từng viên chính xác, gây cho địch một số thiệt hại, buộc chúng phải chững lại, tạm dừng tấn công. Mũi thứ hai, từ Bồn Bồn đánh ngang hông mặt trận Giồng Bốm. Mũi thứ ba, từ kinh Hà Văn Cai tiến công trận địa Ngũ Hành toà. Cả hai mũi này đều bị nghĩa quân chặn đánh quyết liệt. Thế trận giằng co kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ, địch thiệt hại nhiều và không thể tiến công như kế hoạch, nghĩa quân cũng tổn thất không ít. Toà thánh Ngọc Minh chìm trong khói đạn, nhiều nghĩa quân quả cảm bắn súng đến bể nòng vẫn quyết không rời vị trí. Một số pháo thủ như Huỳnh Văn Trọng, Nguyễn Văn Truyền, Đặng Văn Kế… với khẩu đại bác tự tạo, nòng là ống nước bằng gang, đạn là thuốc súng nhồi mảnh vụn kim loại, thuỷ tinh, hoặc bằng chì đã tiêu diệt nhiều tên giặc.
Hội thảo khoa học về trận Giồng Bốm, năm 2019
Cuộc chiến ác liệt, tương quan lực lượng ngày càng phân định rõ rệt, nghĩa quân với trang bị vũ khí thô sơ lại chưa từng trải qua chinh chiến phải chống chọi với quân Pháp thiện chiến được trang bị vũ khí hiện đại. Đến quá trưa, nhiều nghĩa quân đã anh dũng hi sinh, vũ khí cạn kiệt, súng lớn bể nòng, súng nhỏ hết đạn. Quân Pháp tràn vào trận địa Giồng Bốm, một trận đánh giáp lá cà diễn ra khốc liệt, nghĩa quân dùng xà beng, gươm, kiếm, giáo mác, dao găm, gậy gộc…chiến đấu với quân thù, cầm vũ khí thô sơ lao tới đâm chém, đánh tới tấp vào kẻ địch. Với tinh thần "ăn đứng, nằm thua" không một nghĩa quân nào đầu hàng giặc và chúng cũng không bắt được một nghĩa quân nào ở mặt trận Giồng Bốm. Để bảo tồn lực lượng, Chỉ huy trưởng Cao Triều Phát ra lệnh lui quân về Cái Nước. Quân Pháp điên cuồng đốt phá, chỉ trong phút chốc, cả ngôi Toà thánh rộng hơn 1 mẫu và Ngũ Hành toà mà hàng vạn nhơn sanh dày công xây dựng bỗng chốc thành đống đổ nát. Ấp Giồng Bốm vốn thanh bình, yên ả, đã trở nên điêu tàn, hoang phế bởi bàn tay quân xâm lược.
Trận Giồng Bốm dẫu có thất bại nhưng có giá trị to lớn trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Nam Bộ nói chung và nhân dân Bạc Liêu nói riêng.
Trước hết, trận Giồng Bốm là một trong những trận đánh lớn ở Miền Tây trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.
Trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp trên khắp các tỉnh Nam Bộ, hàng loại trận đánh lớn nhỏ đã diễn ra. Tuy nhiên, trận Giồng Bốm là một trong những trận đánh lớn nhất, gây tổn thất đáng kể cho quân giặc, làm thất bại chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của Pháp, khơi dậy, lan tỏa tinh thần yêu nước trong nhân dân.
Lực lượng tham gia trận Giồng Bốm của ta lên đến 2.000 người với hàng ngàn vũ khí các loại. Buộc thực dân Pháp phải huy động phương tiện vũ khí hiện đại, bao gồm cả máy bay để phá hoại công sự, đội hình chiến đấu của nghĩa quân. Lúc cao nhất, Pháp huy động lực lượng lên đến 2 tiểu đoàn mới có thể giành được ưu thế trước nghĩa quân ở Giồng Bốm. Chiến sự tại Giồng Bốm đã diễn ra cam go, quyết liệt, giữa một bên là thực dân Pháp với lực lượng quân đội chính quy, trang bị hiện đại với một bên là nghĩa quân Giồng Bốm chủ yếu là vũ khí thô sơ, lạc hậu. Nghĩa quân Giồng Bốm chỉ chịu thất bại trước vũ khí, trang bị hiện đại và đội quân chính quy, thiện chiến của thực dân Pháp sau nhiều giờ chiến đấu anh dũng.
Hai là, Trận Giồng Bốm khẳng định con đường đấu tranh vũ trang chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp là đúng đắn
Cuối năm 1945, đầu năm 1946, cách mạng Việt Nam trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, sự hiện diện và hoạt động của hàng chục vạn quân Tưởng, Anh, Pháp, Nhật trên đất nước ta đã tạo điều kiện cho tay sai của chúng như Việt Quốc, Việt Cách... chống phá cách mạng. Bên cạnh sử dụng các biện pháp chính trị, ngoại giao phân hóa kẻ thù, Đảng ta cũng từng bước chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh vũ trang không thể tránh khỏi. Vì vậy, phong trào kháng chiến chống pháp ở Nam Bộ nói chung, trận Giồng Bốm nói riêng đã khẳng định con đường đấu tranh vũ trang là con đường cơ bản, quyết định để bảo vệ độc lập dân tộc.
Khu di tích lịch sử trận chiến Giồng Bốm
Ba là, trận Giồng Bốm đã chứng minh tinh thần yêu nước bất khuất tín đồ Cao Đài Minh Chơn đạo
Năm 1930, Chưởng pháp Trần Đạo Quang về Hậu Giang thành lập phái Cao Đài Minh Chơn đạo. Địa bàn hoạt động chủ yếu tại Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh (Minh Hải cũ). Minh Chơn đạo chủ trương “lấy tu nhơn đạo làm nền tảng, coi cứu khổ nhơn sanh làm công quả cao nhất của người tu hành”. Thánh thất Ngọc Minh được chọn làm Toà thánh Trung ương Giáo hội Cao Đài Minh Chơn đạo để hướng dẫn, quản lý các tổ chức cơ sở hành đạo theo đúng tôn chỉ, mục đích nhằm làm "sáng tỏ nền đạo chân chính" mà Giáo hội đã lựa chọn.
Năm 1932, Cao Triều Phát – người Bạc Liêu gia nhập Cao Đài Minh Chơn đạo và sớm trở thành chức sắc cao cấp. Từ đây, Cao Triều Phát là người đóng vai trò quan trọng đưa hoạt động của phái Minh Chơn đạo theo con đường yêu nước. Ông đề xuất chủ trương: khai hoang ruộng đất chia cho nông dân nghèo; tổ chức nông điền để nông dân lao động tập thể cùng làm cùng hưởng; tổ chức sản xuất tự túc, tự cấp như trồng rau, nuôi tằm, trồng bông dệt vải, làm tương chao...; lập các hội tương tế giúp đỡ nhau khi có quan hôn tang tế. Năm 1939, Cao Triều Phát thành lập Thanh niên Đoàn Đạo đức nhằm giáo dục thanh niên Cao Đài đoàn kết, nâng cao trình độ giáo lý, củng cố tinh thần “thương đạo yêu nước”. Tổ chức Thanh niên Đoàn Đạo đức nhanh chóng tập hợp được hàng nghìn thanh niên tín đồ, sinh hoạt trong 40 tiểu ban ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Dưới sự lãnh đạo của Cao Triều Phát, phái Minh Chơn đạo thực hiện phương châm "phụng đạo yêu nước", ủng hộ cách mạng, tham gia kháng chiến chống xâm lược.
Trong Trận Giồng Bốm, 2.000 tín hữu Cao Đài Minh Chơn đạo đã chiến đấu trực tiếp chống quân thù bằng tất cả những vũ khí có trong tay. 106 người đã hy sinh, đa số có độ tuổi từ 20 đến 30, người trẻ nhất là 18, cao tuổi nhất là 74. Sự hy sinh của nghĩa quân “áo trắng” trong thời kỳ đầu chống Pháp là động lực thôi thúc, là tấm gương sáng ngời cho người dân Nam Bộ tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp ở giai đoạn sau.
Trận Giồng Bốm trong những ngày tháng 4 khói lửa năm 1946 sẽ còn vang vọng mãi qua nhiều thế hệ về thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai, có ý nghĩa sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Năm 2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã quyết định xếp hạng Giồng Bốm là di tích lịch sử cấp tỉnh. Để ghi nhận và tôn vinh công lao của những chiến sĩ Cao đài Minh Chơn đạo đã hy sinh trong trận Giồng Bốm, các ngành chức năng đã xem xét và công nhận 86 chiến sĩ là liệt sĩ; 51 chiến sĩ còn lại đang được tiếp tục xem xét để công nhận liệt sĩ.
Sơn Tuấn
[1] Bộ tư lệnh quân khu 9: Quân khu 9 – 30 năm kháng chiến (1945-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996, tr.76