Tranh Đông Hồ hay còn gọi là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ thuộc dòng tranh dân gian Việt Nam được người dân làng Đông Hồ sáng tạo với những chất liệu hoàn toàn tự nhiên, màu sắc gần gũi, ấm áp và in từ ván khắc gỗ. Đây là dòng tranh dân gian gắn bó với đời sống của người dân Việt Nam và thể hiện sinh động xã hội nông nghiệp Việt cổ truyền, cuộc sống lao động của người nông dân bình dị, chất phác, phản ánh một cách sâu sắc phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân Việt.
Từ xa xưa, vào dịp Tết Nguyên Đán người dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ đã có thói quen mua tranh Đông Hồ về trang hoàng nhà cửa với ước mong cuộc sống gia đình hoà thuận, cuộc sống sung túc, ấm no, hạnh phúc, yêu thương con người, ý chí, nghị lực trong cuộc sống,… Vì thế, tranh Đông Hồ đi vào cuộc sống của người dân Việt qua nhiều thế hệ.
Tranh Đông Hồ em bé ôm chú gà
Tranh Ðông Hồ xuất xứ từ làng Đông Hồ, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ngày xưa chợ tranh họp 5 phiên trong tháng duy nhất của năm - tháng chạp vào các ngày 6,11,16,21,26. Vào thế kỷ XVI tranh Đông Hồ xuất hiện nhưng không ai thống kê hết được có bao nhiêu mẫu tranh mà chỉ biết gồm có 5 loại là: Tranh thờ, Tranh lịch sử, Tranh chúc tụng, Tranh sinh hoạt và Truyện tranh. Những đề tài mà người làm tranh thể hiện là những hình ảnh rất đời thường gắn với vùng quê Đồng bằng Bắc Bộ như hình tượng các con vật gắn bó với ngôi nhà, đồng ruộng, nếp sống của người dân như tranh trâu, lợn, cá, đàn gà, tranh đứa bé ôm con gà vinh hoa, ôm con vịt phú quý. Chủ đề tranh châm biếm như tranh đám cưới chuột, tranh đánh ghen,… Tranh sinh hoạt như tranh đánh vật, đánh đu, tiến sĩ vinh quy, tranh lịch sử Bà Trưng, Phù Đổng Thiên Vương, Ngô Quyền hoặc tranh Truyện Kiều, Thạch Sanh. Bên cạnh đó có các loại tranh thờ như trúc mai, tranh tứ quý,…
Tranh Đông Hồ đám cưới chuột
Không chỉ có những đặc điểm riêng biệt về đường nét và bố cục, nét dân gian của tranh Đông Hồ còn nằm ở màu sắc và chất liệu giấy in. Tranh Đông Hồ được in thủ công từ ván khắc gỗ, kết hợp với nét chữ, màu sắc và câu chuyện trong mỗi bức tranh tạo nên nết độc đáo của tranh Đông Hồ. Những nguyên liệu tạo nên hồn cốt của bức tranh đều tự nhiên. Tranh có bao nhiêu bản khắc gỗ thì tương ứng với số lượng bảng màu. Giấy in tranh Đông Hồ là giấy điệp. Giấy điệp là loại giấy dó (giấy được làm bằng vỏ cây dó) được phết lên một lớp điệp một màu trắng lấp lánh với ánh của những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng (điệp là bột được tán từ vỏ sò điệp ở biển) trộn với hồ dán (hồ dán được nấu từ bột gạo tẻ hoặc gạo sắn, cũng có khi nấu bằng bột sắn). Giấy có nhiều kích thước lớn nhỏ khác nhau, kích cỡ nhỏ nhất là 11cm x 12cm, lớn nhất là 22cm x 31cm. Tranh Đông Hồ thường được đóng khung hoặc nẹp bằng gỗ. Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như đen (than xoan hay than lá tre), xanh (gỉ đồng, lá chàm), vàng (hoa hòe), đỏ (sỏi son, gỗ vang),... Đây là những gam màu cơ bản, không pha trộn và thường thì tranh Đông Hồ chỉ dùng tới 4 màu để tương ứng với số bản khắc gỗ. Những chất màu thô này được trộn với nhau và hoà với một lượng bột nếp trước khi in để tạo một lớp hồ, làm cho giấy tranh cứng hơn sau khi phơi khô
Tranh Đông Hồ đàn gà con cầu chúc cho sự sung túc, đông con và an nhàn
Ván khắc in tranh Đông Hồ có 2 loại: ván in nét và ván in màu. Ván in nét thường được làm từ gỗ thị hoặc gỗ thừng mực. Gỗ thị có thớ đa chiều, vừa mềm, dễ khắc. Dụng cụ khắc ván là những mũi đục hay còn gọi là bộ ve, được làm bằng thép cứng. Mỗi bộ ve có khoảng 30-40 chiếc. Ván in nét được làm bằng gỗ mỡ bởi vì khi phết màu nên để in tranh gỗ mỡ có khả năng giữ màu cao hơn nhiều loại gỗ khác.
Một số bản khắc gỗ tranh Đông Hồ và vỏ điệp dùng để quét lên giấy dó
Để hoàn thành một bức tranh, người làm tranh phải rất công phu, cẩn thận và thực hiện nhiều giai đoạn: sơn hồ lên giấy, phơi giấy cho khô hồ, quét điệp rồi lại phơi giấy cho khô lớp điệp, khi in tranh phải in từng màu lần lượt, nếu có bao nhiêu màu thì có bấy nhiêu lần in, mỗi lần in là một lần phơi,… Cứ như thế, từng lớp, từng lớp dưới ánh sáng mặt trời lấp lánh các hình ảnh, đường nét của cảnh sắc thiên nhiên, nếp sinh hoạt của người dân,…
Tranh Đông Hồ phản ánh các đề tài gần gũi với đời sống sinh hoạt của người dân, phản ánh ước mơ, khát vọng sống của con người về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Tranh Đông Hồ chủ yếu đi sâu miêu tả tính chân thực cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất đời thường trong mối quan hệ giữa người với người, và giữa người với thiên nhiên thể hiện tính nhân văn sâu sắc, cầu an, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài. Tính triết lý của tranh Đông Hồ sâu sắc vừa vui tươi dí dỏm, hóm hỉnh vừa sâu cay nửa hư nửa thực mang tính trừu tượng như tranh đánh ghen, hứng dừa, đám cưới chuột,... Nhiều bức tranh nói lên nỗi niềm khát khao được hạnh phúc, ấm no, ước nguyện, giàu có, yên lành, trồng cây thì cây tốt, chăn nuôi thì sinh sôi nảy nở béo khỏe và sâu xa hơn nữa mong sao tình làng nghĩa xóm hòa thuận, đoàn kết, an khang, thịnh vượng như tranh đàn lợn, đàn gà, tứ quý, hoa lá, chim muông,...
Tranh Đông Hồ hứng dừa và chăn trâu thổi sáo
Tranh Đông Hồ với những giá trị nghệ thuật đậm chất dân gian đã đi vào sử sách, thi ca và tâm hồn người Việt từ những đặc điểm độc đáo ở màu sắc, bố cục, khuôn hình. Ngôn ngữ tạo hình đơn giản, dễ hiểu, hình tượng rõ ràng, đáp ứng được những nhu cầu về tâm lý, tư tưởng, tình cảm và mong ước của nhiều đối tượng nên tranh Đông Hồ dễ đi vào lòng người với những ấn tượng sâu sắc. Tranh Đông Hồ có được sức sống lâu bền và sự cuốn hút đặc biệt với nhiều thế hệ người Việt cũng như du khách nước ngoài bởi những đề tài trên tranh phản ánh khá chân thực, sinh động và đậm chất cuộc sống mộc mạc, giản dị cũng như nét văn hóa truyền thống của người Việt.
Khánh An