Sau Hiệp định Paris, một vấn đề các bên tập trung giải quyết trong một thời gian ngắn là vấn đề trao trả tù binh. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ thỏa thuận việc trao trả tù binh giữa hai bên tiến hành song song và kết thúc không chậm hơn ngày rút quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam trong vòng 60 ngày, đó là ngày 29/3/1973
Bị bắt và giam giữ
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, hàng trăm nhân viên quân sự Mỹ đã bị bắt, trong đó chủ yếu là phi công Mỹ.
Phi công Mỹ đầu tiên bị bắt trên chiến trường miền Nam là Floyd James Thompson, bị bắt bởi máy bay bị bắn rơi khi đang tiến hành bay trinh sát trên chiến trường Quảng Trị đầu năm 1964. Floyd sau đó bị áp giải ra miền Bắc và giam giữ đến khi trao trả. Đây là quân nhân Mỹ bị giam giữ lâu nhất tại Việt Nam.
Thiếu tá phi công Phillip Alan Kinsler, máy bay bị bắn rơi tại Quảng Trị ngày 26/01/1973 là người phải “ở tù” ít nhất, đúng 60 ngày sau khi bị bắt, ngày 27/3/1973, tù binh này được Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trao trả.
Phi công Mỹ bị bắt đầu tiên ở miền Bắc là Trung úy Hải quân Everett Alvarez, đầu tháng 8/1964 khi Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ và cho không quân ném bom, bắn phá miền Bắc.
Những phi công Mỹ cuối cùng bị bắt ở miền Bắc là 45 phi công Mỹ tham gia chiến dịch Line Baker II trong 12 ngày đêm cuối năm 1972.
Tù binh Mỹ được giam tại nhiều nơi trên miền Bắc để đảm bảo bí mật, cũng như nhằm mục tiêu tuyên truyền chính trị và các mục tiêu khác.
Trại giam Ngã Tư Sở (Xưởng phim Quân đội, sau là Fafilm Việt Nam). Tiếng lóng của tù binh Mỹ gọi nơi này là “Sở Thú”.
Trại giam tại số nhà 17 phố Lý Nam Đế, là một doanh trại Quân đội, được cải tạo lại. Từ năm 1972, một số tù binh Mỹ bị bắt tại chiến trường miền Nam bị đưa ra giam giữ tại đây. Tù binh Mỹ gọi đây là “Đồn Điền”.
Trại giam Sơn Tây (Gần Đền Và, Thị xã Sơn Tây). Trại giam này từng bị biệt kích Mỹ tập kích ngày 21/11/1970 nhằm giải cứu phi công Mỹ, nhưng bất thành.
Trại giam Thanh Liệt gần Cầu Tó, do Bộ Công an quản lý. Tháng 9/1971, 23 tù binh Mỹ được đưa về giam giữ tại đây.
Trại giam Nhổn, một doanh trại của một đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô, lúc đó gọi là Trung đoàn Thủ đô, Tháng 10/1970, một số tù binh Mỹ từ Trại Sơn Tây được đưa về đây.
Trại giam tại bản Bó Dường, Xã Vân Trình, huyện Thạch An, Cao Bằng. Đây là trại giam được xây dựng cấp tốc để sơ tán phi công Mỹ trong cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm của không lực Hoa Kỳ cuối năm 1972.
Ngoài những trại giam chủ yếu nói trên, có môt thời gian, khoảng vài chục phi công Mỹ được đưa đến giam giữ tại khu vực Nhà máy điện Yên Phụ. Tù binh Mỹ được xuất hiện ngoài trời nhiều hơn để ngăn không lực Hoa Kỳ ném bom những mục tiêu quan trọng là Nhà máy điện Yên Phụ và Cầu Long Biên.
Nơi giam giữ nhiều nhất và lâu nhất tù binh Mỹ là Hỏa Lò, một nhà tù kiên cố từ thời Pháp thuộc, được tù binh Mỹ gọi “Khách sạn Hiltơn” hoặc “Khách sạn vỡ tim”.
Tuy bị giam giữ ở nhiều nơi, nhưng chúng ta đã cố gắng bảo đảm điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho tù binh Mỹ ở mức tốt nhất. Tiêu chuẩn ăn cao hơn cả bộ đội ta, được đọc báo, nghe đài, hoạt động thể thao, giải trí, có câu lạc bộ, được tổ chức Lễ Noel, Tết Dương lịch…
Tù binh Mỹ được chăm sóc tốt do được coi là “vốn quý” để đàm phán ngoại giao. Việc đưa tù binh Mỹ trở về luôn là áp lực rất lớn đối với chính quyền Nixon. Dư luận Mỹ thường xuyên đấu tranh đòi ký kết Hiệp định Paris để nhanh chóng đưa tù binh Mỹ hồi hương.
Chính vì được chăm sóc tốt, chỉ có 4 trường hợp tù binh Mỹ phải trở về trên cáng, trong khi phía tù binh và tù chính trị của ta, hàng trăm đồng chí phải nằm trên cáng, hàng trăm đồng chí thương tật, cụt tay, cụt chân, mù mắt…phải có người dìu.
Phi công Mỹ John McCain bị bắt ở hồ Trúc Bạch, Hà Nội, ngày 26/10/1967
Trao trả
Theo một thống kê của Hoa Kỳ, tại Sân bay Gia Lâm, ta đã trao trả tổng số 591 tù binh các loại, trong đó có 325 người thuộc lực lượng không quân, 138 người thuộc lực lượng hải quân, 26 người thuộc lực lượng thủy quân lục chiến và 77 người thuộc các lực lượng khác của quân đội Hoa Kỳ, cùng 25 nhân viên dân sự các cơ quan thuộc Chính phủ Hoa Kỳ bị bắt.
Ngoài ra, trong thời gian trên, có 81 tù binh Mỹ được trao trả tại các địa điểm khác, trong đó 69 người do Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trao trả tại Lộc Ninh, 9 người được trao trả tại Lào và 3 người khác từ Trung Quốc.
Tại miền Bắc, diễn ra 5 đợt trao trả tại Sân bay Gia Lâm (trong đó có một đợt do Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trao trả).
Trước khi được trao trả, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Kissinger đã có chuyến đi tiền trạm tại Hà Nội từ ngày 10 đến ngày 13/2/1973. Nhân chuyến đi này của Kissinger, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định tỏ thiện chí, trao trả thêm 20 nhân viên quân sự trước thời hạn quy định. Số tù binh này được trao trả ngày 18/2/1973.
Các đợt trao trả tù binh Mỹ:
Tại miền Bắc, ngày 12/2/1973, Tại Sân bay Gia Lâm, ta đã trao trả 116 tù binh Mỹ.
Ngày 18/2/1973, ta trao trả thêm 20 tù binh Mỹ.
Ngày 4/3/1973, ta trao trả 108 tù binh Mỹ.
Ngày 16/3/1973, tại Sân bay Gia Lâm, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trao trả 33 nhân viên quân sự và dân sự Hoa Kỳ.
Ngày 14/3/1973, ta trao trả 108 tù binh Mỹ.
Ngày 29/3/1973, trao trả 107 tù binh Mỹ cuối cùng tại Sân bay Gia Lâm. Trên 40 nhà báo Mỹ và nước ngoài đến chứng kiến lễ trao trả. Trong số tù binh này có 9 trung tá, 18 thiếu tá, 49 đại úy, 27 trung úy và 4 thượng sỹ phụ trách súng máy trên máy bay B52, phần lớn trong số này bị bắn rơi trong chiến dịch ném bom Giáng Sinh năm 1972. Phi công Hawatt Arnew, 23 tuổi, phi công hải quân Mỹ lái máy bay chiến thuật bị bắn rơi cuối cùng tại tỉnh Hà Tây ngày 28/12/1972 là người được trao trả đợt này, là người cuối cùng bước lên máy bay.
Tại chiến trường miền Nam, đợt trao trả đầu tiên là 27 tù binh Mỹ tại Lộc Ninh ngày 12/2/1973. Sau đó, trong tháng 3/1973, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trao trả thêm một phi công, máy bay OV-10 bị bắn rơi và bị giam giữ tại tỉnh Trà Vinh.
Những nhân viên quân sự Mỹ được trao trả tại Lộc Ninh đều thừa nhận, mặc dù trong điều kiện chiến tranh ác liệt, trong thời gian bị giam giữ, họ được đối xử tốt, bảo đảm về sức khỏe, cho đến khi được trao trả.
Ngày 13/2/1973, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trao trả cho phái đoàn quốc tế một “nhân viên dân sự” Canada, bị bắt từ tháng 2/1968 trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân.
Tại Đức Phổ, Quảng Ngãi, trong tháng 3/1973, chính quyền cách mạng đã trao trả 1 hạ sĩ quan Quân đội Hàn Quốc bị bắt tại chiến trường Khu 5.
Tổng cộng, qua 4 đợt, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã trao trả 127 nhân viên quân sự Hoa Kỳ.
Tù binh Mỹ lên xe ra sân bay Gia Lâm để trao trả (Ảnh tư liệu)
Cũng cần nói thêm rằng, trước năm 1973, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã phóng thích một số tù binh Mỹ bị bắt tại chiến trường miền Nam cũng như tại miền Bắc. Cuối năm 1967 và cuối năm 1972, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phóng thích một số phi công Mỹ bị bắt giữ. Chính vì vậy, có số liệu tổng số đã có 687 tù binh Mỹ đã được phóng thích và trao trả trong toàn bộ cuộc chiến tranh Việt Nam.
Đối với nhân viên quân sự Việt Nam Cộng hòa, về số lượng bị ta bắt giam và trao trả không nhiều. Điều này do chủ trương của cách mạng miền Nam là đẩy mạnh đấu tranh binh địch vận, cho nên trong nhiều trường hợp, tù binh quân đội Việt Nam Cộng hòa bị quân giải phóng bắt sẽ được tuyên truyền chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và phóng thích tại chỗ. Thêm nữa, trong điều kiện chiến tranh ác liệt và thiếu thốn, việc giam giữ hàng chục nghìn tù binh quân lực Việt Nam Cộng hòa cũng khó thực hiện được.
Những nhân viên quân sự Việt Nam Cộng hòa bị bắt được giam giữ tại các trại thuộc vùng giải phóng, hoặc bên căn cứ quân giải phóng tại Lào, Campuchia…
Họ được trao trả cùng đợt với các nhân viên quân sự Mỹ. Chẳng hạn tại đợt trao trả ngày 12/2/1973 tại Lộc Ninh, cùng với việc trao trả 27 nhân viên quân sự Mỹ, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã trao trả 715 nhân viên quân sự Việt Nam Cộng hòa.
Ngày 10 và 11/3/1973, tại Bồng Sơn (Bình Định), Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trao trả cho chính quyền Sài Gòn 400 nhân viên quân sự.
Ngày 12/3/1973, tại xã Minh Hòa, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Long, ta trao trả cho chính quyền Sài Gòn 604 binh sĩ Quân đội Sài Gòn.
Từ ngày 16 đến 19/3/1973, tại Quảng Trị, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trao trả 1.221 nhân viên quân sự Sài Gòn. Cũng trong ngày 16/3/1973, tại Thiện Ngôn (Tây Ninh), ta trao trả chính quyền Sài Gòn 30 sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Từ ngày 21 đến 25/3/1973, tại Quảng Trị và Thiên Ngôn (Tây Ninh), Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trao trả 1.486 binh sỹ, sỹ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa, trong số đó có nhiều sĩ quan cấp tá, chỉ huy cấp Trung đoàn và Sư đoàn.
Tổng cộng, ta đã trao trả chính quyền Sài Gòn 6.063 người.
Như vậy, ta đã tuân thủ nghiêm Nghị định thư về trao trả nhân viên quân sự Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa bị bắt trong chiến tranh. Các cuộc trao trả đều diễn ra trật tự và bảo đảm an toàn, được dư luân quốc tế đánh giá cao.
Bình Nguyễn