Tục ăn trầu không chỉ có ở nước ta, nó được phổ biến ở cả vùng Đông Nam Á cổ đại. Nhưng trầu cau, với ngừời Việt, lại gần gũi, gắn bó suốt trường kỳ lịch sử và trở thành một biểu tượng mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên, tên gọi cây cau, cây trầu trong tiếng Hán có nguồn gốc từ ngôn ngữ Việt cổ: phù lưu (cây trầu) được phiên âm từ b’lâu (tiếng Việt cổ), tân lang (cây cau) được phiên âm từ nang trong tiếng Việt cổ (và trong tiếng Mường hay pnang, mnang trong tiếng Êđê). Có tài liệu nghiên cứu chỉ ra: một số hình người trên trống đồng mà xưa nay cho rằng là đầu cài lông chim thì thực ra là đầu gài lá cau. Còn tên nước Văn Lang, thực ra là biến âm của từ “vân nang”[1].
Trầu và cau là những loài cây “đã có trên đất Việt Nam từ mấy nghìn năm trước công nguyên, từng là cây vật tổ của nhiều vùng”[2]. Xưa kia, trước khi con người tìm ra lúa gạo và một số thực phẩm khác, cây họ cau đã phổ biến. Con người lấy bột từ thân cây để làm bánh, nấu rượu để ăn uống, lấy mo cau làm áo quần, nhà ở. Từ đó, cây cau trở thành biểu tượng thiêng liêng trong tâm thức con người trước cây lúa[3]. Trong di chỉ khảo cổ của văn hóa Hòa Bình, hạt cau được tìm thấy có niên đại trên dưới một vạn năm. Trầu cau thành loài cây nổi tiếng của nước Nam và được một số triều đại phương Bắc coi là sản vật quý giá vô song trong các cống phẩm của triều đình.
Ăn trầu là phong tục lâu đời ở Việt Nam, được cho là có từ thời Hùng Vương, sau đó phổ biến ở nhiều địa phương, tộc người, mọi tầng lớp trên đất nước ta, trở thành phong tục đẹp. Trong đời sống tinh thần của người Việt, tục ăn trầu không đơn thuần là một thói quen, mà là kết đọng những nét văn hóa đặc trưng, mang hồn cốt dân tộc.
Ảnh: Internet
Trầu cau - Một người bạn đồng hành. Đi khắp nẻo làng quê Việt Nam, đâu đâu cũng gặp hình ảnh những hàng cau vươn lên kiêu hãnh đón ánh mặt trời và những giàn trầu xanh tươi, duyên dáng. Với người Việt, trầu cau đã thành một người bạn đồng hành thân thiết, thuỷ chung. Trầu là món quà gặp mặt: “Miếng trầu là đầu câu chuyện, bắt mối lương duyên”. Trầu dùng để đãi khách hàng ngày, đi cùng mỗi gia đình trong mọi buồn, vui. Trầu cau cũng là vật phẩm thành kính dâng lên tổ tiên và các đấng linh thiêng trong những lễ nghi, khao vọng… Trầu cau theo suốt cuộc đời người Việt, từ lúc lọt lòng cho đến lúc từ giã cõi đời. Văn hóa trầu cau đã đi qua những chặng đường lịch sử của dân tộc Việt Nam, bất chấp bao thác ghềnh, bão táp. Trầu cau với người Việt vì thế vừa thiêng liêng vừa gần gũi, bình dị mà lại rất cao sang.
Trầu cau - Phương thuốc quý
Lá trầu cay nồng, thơm gắt, hạt cau có vị chát, tính ấm, sát trùng nên có công dụng trừ sơn lam chướng khí, trị đau bụng, đầy hơi, tiêu viêm; trừ phong thấp cho người già, bệnh nấc cho trẻ nhỏ, lại có thể dùng để đánh gió trị cảm mạo. Lá trầu vò nát đắp lên chữa mụn nhọt sưng tấy, trị đau mắt, nấu nước tắm trị rôm sảy cho trẻ con, trị sâu răng, ăn thường xuyên sẽ làm cho răng chắc khoẻ. Hạt cau cũng có tác dụng trị giun sán thật hiệu nghiệm. Vôi trong miếng trầu có tác dụng giúp điều hòa nhịp tim.
Thú vị hơn, miếng trầu còn là bài thuốc làm đẹp. Chất polyphenol trong lá trầu có công dụng kháng khuẩn, còn chất arecolin trong hạt cau - khi bị chất vôi trung hoà, làm cho miếng trầu có sắc đỏ tươi, giúp người ăn thắm đôi môi, hồng đôi má và long lanh đôi mắt. Hình ảnh hàm răng đen nhánh hạt na, ăn miếng trầu thì má thêm hồng, môi thêm đỏ đã đi vào trong ký ức khó quên về nhan sắc ngất ngây của người phụ nữ Việt Nam một thời.
Trầu cau - Món ẩm thực độc đáo
Trong mâm cỗ phong phú của ẩm thực người Việt, trầu cau vẫn nổi bật bởi sự độc đáo của mình. Độc đáo vì trong miếng trầu có cái tươi ngọt từ hạt cau, cái cay nồng của lá trầu, cái đậm đà của vôi, cái bùi của rễ, nên khi ăn, người ta cảm nhận được vị đắng cay, ngọt bùi của cuộc đời, có mọi cung bậc đối cực của niềm ly - hợp. Độc đáo bởi ăn trầu có nhai mà không nuốt, nên theo tác giả Trần Ngọc Thêm, nó mang một tính cách linh hoạt hiếm thấy - không thuộc loại ăn, không thuộc loại uống, cũng không thuộc loại hút. Nó là loại thực phẩm vừa linh hoạt vừa tổng hợp - rất đặc trưng cho văn hóa ẩm thực người Việt. Thật khó mà phân định ăn trầu thuộc loại hình ẩm thực nào, và cái duyên, cái thú vị của miếng trầu cũng là ở đó.
Trầu cau - Triết lý sâu xa
Tục ăn trầu tiềm ẩn triết lý sâu xa của người Việt về vũ trụ vạn vật.
Trước hết là triết lý về âm - dương tương giao: Cây cau (vốn được coi là “cây vũ trụ”) vươn cao là biểu tượng của trời (dương). Vôi thuộc chất đá là biểu tượng của đất (âm); dây trầu mọc lên từ đất, quấn quýt lấy thân cây, biểu tượng cho vai trò trung gian hòa hợp. Trong miếng trầu có nhiều vị hòa quyện vào nhau: vị chua chua ngòn ngọt của cau, vị cay của lá trầu, vị nồng của vôi, vị đắng của thuốc lào, vị bùi của vỏ, rễ. Sự hòa quyện các yếu tố âm - dương ấy lại hàm chứa khát vọng của con người về sự sống luôn vận động, sinh sôi.
Miếng trầu là sự tổng hợp của màu xanh của lá trầu, màu trắng của vôi, màu vàng non của hạt cau, màu nâu (biến thể của màu đen) của vỏ cây, rễ cây và khi các thức ấy quyện vào nhau sẽ cho ra màu đỏ. Trong miếng trầu bình dị của người Việt, đã tiềm ẩn triết lý ngũ hành, một khát vọng về vòng quay sinh - tử bất tận, về sự chuyển vận vô biên của vạn vật.
Ảnh: Internet
Trầu cau - Chuyện đạo lý, nghĩa tình. Người Việt Nam xưa nay vẫn truyền nhau câu chuyện cảm động về sự tích trầu cau để ngẫm suy về bài học làm người trong truyền thuyết tưởng chừng rất mơ hồ, xa xăm đó. Lá trầu xanh, vệt vôi trắng nếu để riêng thì màu nào sẽ nguyên màu ấy, nhưng nếu hòa quyện chúng vào nhau sẽ cho ra màu đỏ thắm đậm đà. Khi ăn cùng nhau một miếng trầu, khi để trầu xanh, vôi trắng kết hợp cùng nhau, ta sẽ chan hoà với nhau trong nghĩa tình và niềm cộng cảm. Câu chuyện về trầu cau hàm ngụ một lời nhắn nhủ chân tình: con người hãy gần gũi với nhau hơn, chia sẻ và yêu thương nhau hơn, đừng lạnh lùng, bạc bẽo. Người Việt vốn trọng tình, triết lý ấy đã dễ dàng ăn sâu vào tâm thức mỗi người và bài học từ xa xưa vẫn còn nguyên giá trị cho hậu thế.
Trầu cau - Nét duyên của người phụ nữ Việt
Cả vùng Đông Nam Á có tục ăn trầu nhưng nét tài hoa trong cách têm trầu, cung cách mời trầu được cách điệu hóa đã trở thành một nét bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Têm trầu là cả một nghệ thuật, là sự gặp gỡ của tâm hồn, cá tính và sự khéo léo từ đôi tay. Tùy vào hoàn cảnh, tình huống sử dụng mà miếng trầu được têm theo những cách khác nhau để biểu thị một ngụ ý sâu xa nào đó: trầu cánh phượng, trầu cánh én, trầu cánh dơi, trầu mũi kiếm, trầu mũi mác...
Bởi tục ăn trầu đã gắn bó với người Việt, nên người phụ nữ nước ta ngay từ xa xưa đã có “kỹ năng” têm trầu. Một miếng trầu têm khéo đại khái phải đạt hai yêu cầu: vừa vôi và đẹp mắt. Miếng trầu têm vụng là của một chủ nhân vụng về, không khéo léo. Miếng trầu không cân đối (lá trầu nhỏ, miếng cau to) là một người không biết tính toán, làm ăn. Miếng trầu quệt nhiều vôi là người thiển cận... Chính vì vậy, trước đây, các bà mẹ khi đi hỏi dâu, bao giờ cũng yêu cầu cô gái ra têm trầu, rót nước, vừa để xem mặt, vừa để đoán biết tính nết cô dâu tương lai. Lúc cô gái xuất giá cũng phải mời trầu cha mẹ, và cũng phải nâng cơi trầu làm lễ ra mắt khi qua cửa nhà chồng… Có phải thế chăng mà cha ông ta đã xe duyên cho cô Tấm gặp lại nhà vua bằng miếng trầu têm cánh phượng?
Nói một cách thành thực, thế hệ chúng tôi không mấy người hứng thú khi nhai một miếng trầu. Có một thời, nhiều người nông dân - con của “mẹ Cau” trên đất nước “vườn Trầu”, đã lạc mất niềm tin về sự trường tồn của trầu cau trong đời sống hiện đại, nên chặt bỏ loài cây quý giá ấy. Nhưng sự thực thì trầu cau vẫn tỏa bóng - cái bóng râm mát, hiền dịu và linh thiêng, hào hoa trong những lễ nghi, giao tế của những ngày lễ, hội, những dịp trọng đại của mỗi đời người và của cả cộng đồng hay quốc gia. Đó là sức sống của một truyền thống tốt đẹp vững bền của dân tộc cần được trao truyền và trân trọng...
[1] Dẫn theo Trần Ngọc Thêm, Sđd, tr. 351.
[2] Trần Ngọc Thêm: Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Sđd, tr. 351.
[3] Xem thêm Nguyễn Ngọc Chương: Trầu cau Việt điện thư, Sđd.
Quang Hoa