Tre chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam, thể hiện trên nhiều phương diện: từ đời sống ẩm thực, trong kiến trúc, trong vật dùng hằng ngày, trong giao thông, phát triển công nghiệp đến trong nội hàm văn hoá...
Hình ảnh cây tre Việt Nam - Ảnh: Internet
Việt Nam có khí hậu cận nhiệt đới, rất thích hợp cho việc sinh trưởng các loại tre. Từ xưa đến nay, ở Việt Nam cũng có rất nhiều loại tre, theo thống kê, trên thế giới có hơn 1200 loại tre, thì Việt Nam chiếm 1/3 trong tổng số đó. Diện tích rừng tre ở Việt Nam ước khoảng hơn 100 vạn ha, chiếm 4% tổng diện tích rừng, đó là chưa kể tre trồng xung quanh nhà, quanh làng, quanh xóm. Ở Việt Nam, từ xa xưa người dân đã trồng tre và dùng tre. Tre đã ăn sâu vào tất cả các mặt đời sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam tạo thành nét “văn hoá tre” rất đặc sắc.
Trong đời sống ẩm thực, từ đời xưa măng tre được xem là một món ăn quan trọng, quanh năm suốt tháng của người Việt, bởi măng rất giàu dinh dưỡng, ngon lại rẻ. Măng tre được chế biến thành nhiều món: măng chua, măng ngọt, măng khô, măng muối… măng được kết hợp với nhiều loại thức ăn khác như với thịt lợn, thịt bò, thịt ngan, tôm, cá, ốc,... tạo thành những món ăn tuyệt đỉnh. Đặc biệt là món gà lá tre rất nổi tiếng, đặc điểm của món ăn này là thịt mềm và rất thơm. Người Việt còn thích dùng lá tre, gạo nếp để ủ rượu, mùi vị thanh khiết, thơm rất hấp dẫn. Những đồ hộp điều chế từ măng, lát măng, sợi măng, que măng… có vị ớt cay rất được mọi người trên thế giới ưa thích.
Trong kiến trúc, tre vốn nhẹ nhưng chắc chắn, ruột rỗng, sức đàn hồi lớn. Việt Nam là vùng đất có nhiều sông hồ, đầm rạch, khí hậu nhiệt đới ẩm thấp, nên dùng tre làm vật liệu xây dựng rất dễ trong việc chống úng và tản nhiệt, vì thế, từ xưa tre chính là vật liệu chủ yếu trong xây dựng nhà. Đặc biệt, hiện nay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số họ vẫn xem tre là vật liệu quan trọng để dựng cất nhà: tre có thể dùng đề làm nóc nhà, vách nhà, cột nhà và cả hàng rào, thậm chí cả gian phòng đều dùng tre... Các dân tộc Thái, Tày, Nùng, Mông… thông thường cư trú trong những ngôi nhà sàn kết cấu bằng gỗ, tre, người ở trên sàn, phía dưới làm nhà bếp hoặc làm rào để chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Tre trong đồ dùng hàng ngày của người Việt Nam - Ảnh: Internet
Trong vật dùng hằng ngày, tre được xưng là: ở có tre, ăn có tre, nghe có tre, dùng có tre, làm có tre. Giường tre và chiếu tre là đồ dùng không thể thiếu trong đời sống người Việt Nam, bất kể là ở thành thị hay nông thôn, vì khí hậu ở Việt Nam thuộc vùng khí hậu cận nhiệt đới, thời tiết nóng nực, mưa nhiều, độ ẩm cao, thường xảy ra hiện tượng “ra mồ hôi”, nhưng đặc điểm của những sản phẩm bằng tre không bị hiện tượng này, vả lại một khi vào mùa hè, nằm trên chiếu tre, giường tre luôn cảm thấy mát mẻ dễ chịu. Chiếc nón lá chính là được đan từ tre và chằm sợi cỏ, vừa nhẹ, vừa thoáng, lại tránh được mưa nắng, rất thích nghi với khí hậu của Việt Nam. Người dân còn sử dụng sợi lạt tre để buộc đồ đạc, như lúa, rau, bánh chưng, dùng sợi tre, sợi lạt đan thành rổ tre, rọ tre... Tre còn được dùng để làm những đồ trang trí nội thất như khung hình, chén đĩa, bàn ghế, tủ…
Trong giao thông, phát triển công nghiệp, Bè tre là phương tiện giao thông tiện lợi nhất ở nông thôn, có thể chở hàng, chở người trên hồ, trên sông thuận tiện. Ở Việt Nam sông rạch chằng chịt, khiến việc đi lại bất tiện, để giải quyết vấn đề này, người dân Việt Nam đã dùng tre bắc cầu ngang qua các ao ngòi, rạch, chỉ cần mấy cây tre là có thể trở thành chiếc cầu giản dị, thậm chí còn có cầu độc mộc. Cầu tre là chiếc cầu bắc qua sông đặc sắc ở Việt Nam. Thang tre cũng là vật thông dụng ở nông thôn Việt Nam. Trong phát triển công nghiệp, tre được xem là nguyên liệu quan trọng để phát triển công nghiệp chế biến. Ở các tỉnh Thanh Hoá, Yên Bái, Phú Thọ... đều thành lập những nhà xưởng quy mô để sản xuất mành tre, chiếu tre, sàn tre, đũa tre... trong đó, sàn tre không những có chất lượng tốt mà còn tiêu thụ rất nhiều, đã trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Tre còn là nguyên liệu tốt nhất để sản xuất giấy cao cấp, hiện rất thiếu trên thị trường.
Hình ảnh cầu tre ở miền quê Việt Nam - Ảnh: Internet
Trong nội hàm văn hoá, tre là một loại cây tượng trưng cho sự trường thọ, dù là đất bạc màu cằn cỗi thế nào, tre cũng bám rễ sâu vào lòng đất kết chùm lại với nhau, tre là loại cây sinh trưởng thành cụm, chưa bao giờ mọc riêng lẻ, mà bám đất, bám làng. Đặc điểm đó của tre giống với tinh thần người Việt Nam: cần cù chăm chỉ, yêu quý đất đai, đoàn kết kiên nhẫn. Cùng với những hình ảnh thân thiết của làng quê Việt Nam như cây đa, giếng nước, sân đình, bụi tre khóm trúc suốt mấy ngàn năm nay vẫn cùng tồn tại cùng nhân dân Việt Nam. Trong mắt người Việt Nam, tre cũng mang những biểu trưng của lòng vô tư và tiết tháo cao quý.
Thành ngữ “tre già măng mọc” chính là mang ý nghĩa “người đời sau nối tiếp sự nghiệp của người đi trước”. Huy hiệu của Đội thiếu niên tiền phong Việt Nam là búp măng non. Nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Duy trong bài thơ Tre Việt Nam ca ngợi tính kiên cường bất khuất của tre: “Cho dù thân gãy cành rơi, Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho con, Loài tre đâu chịu mọc cong, Mới lên đã thẳng như chông lạ thường, Lưng trần phơi nắng phơi sương, Có manh áo cộc tre nhường cho con”. Tác giả Thiết Mai đối với tre không ngại xưng tụng: “Tre dù ở đâu cũng sinh trưởng, Cũng đều xanh biếc những chồi non, nào ngại gì ở ghềnh đá sỏi, nào ngại gì nơi đất mặn cỗi cằn”. Tre đã thành biểu trưng của nhân dân Việt Nam, với khí khái hiên ngang, bất khuất, khó khăn nào cũng có thể khắc phục, hoàn cảnh nào cũng có thể thích ứng. Trong bài ca kháng chiến của Việt Nam có câu: “Chặt tre, đặt bẫy, vót chông, Tre bao nhiêu lá thương chồng bấy nhiêu”, lời bài ca biểu đạt tinh thần kháng chiến của toàn dân Việt Nam. Từ một số tác phẩm văn học này chúng ta có thể hiểu trong tính cách và tâm hồn của nhân dân Việt Nam có ẩn chứa khí tiết và phẩm chất của tre. Nói cách khác, bản sắc và trí tuệ của nhân dân Việt Nam của văn hoá Việt Nam có đặc trưng và sức sống giống loài tre sinh trưởng ngay trên mảnh đất Việt Nam. Có lẽ cũng chính từ những điều đó mà trong Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 14-12-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Việt Nam đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. “Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.
Thành Lê