Trong giai đoạn lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc (1930-1945), Đảng Cộng sản Việt Nam, từ tháng 10/1930 là Đảng Cộng sản Đông Dương, đã được sự trợ giúp quan trọng, có hiệu quả của Quốc tế Cộng sản về mặt tài chính
Trợ giúp tài chính
Quốc tế Cộng sản, thành lập năm 1919 và giải thể năm 1943. Trong thời gian đó, nhất là từ năm 1930 đến năm 1943, Quốc tế Cộng sản đã trợ giúp Đảng Cộng sản Đông Dương trên nhiều phương diện, trong đó có trợ giúp về tài chính.
Hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương trong thời kỳ này diễn ra trong bối cảnh bị thực dân Pháp đàn áp khốc liệt, phạm vi hoạt động của Đảng rất rộng lớn, không chỉ trên địa bàn Đông Dương mà còn trải rộng trên các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á, Thái Bình Dương và các hoạt động khác ở châu Âu.
Những tư liệu được công bố trong bộ sách Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, cho thấy một phần số tiền cũng như cách thức mà Quốc tế Cộng sản đã hỗ trợ hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Ngày 1/7/1936, trong một báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương cho biết, mỗi năm Quốc tế Cộng sản cấp cho ngân sách hoạt động của Đảng 2.000 USD.
Con số này của thời điểm những năm 1935-1937 tương đương khoảng 36.000 USD ngày nay, nếu tính ra tiền Việt Nam hiện nay, vào khoảng trên dưới 800 triệu đồng.
Ban Chỉ huy ở ngoài cho rằng số tiền 2.000 USD/năm mà Quốc tế Cộng sản trợ giúp Đảng còn ít.
Vì vậy, Ban Chỉ huy ở ngoài cũng đề xuất Quốc tế Cộng sản tăng số tiền trợ giúp Đảng Cộng sản Đông Dương lên. Báo cáo viết “Nếu các đồng chí đồng ý cho Đảng chúng tôi năm hoặc sáu lần nhiều hơn khoản từ trước tới nay, hoạt động sẽ tiến triển tốt hơn”.
Nguyễn Ái Quốc và một số đại biểu tại Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản năm 1924 (Ảnh tư liệu TTXVN)
Thời điểm này, hoạt động của Đảng bên ngoài lãnh thổ Đông Dương có một bộ phận rất quan trọng là Ban Chỉ huy ở ngoài. Để có thể hoạt động hiệu quả, Ban Chỉ huy ở ngoài đề nghị Quốc tế Cộng sản cấp riêng một khoản kinh phí 2.400 USD mỗi năm “để chỉ dành cho hoạt động ở nước ngoài”.
Số tiền này tương đương khoảng 43.000 USD hiện nay và vào khoảng trên dưới 1 tỷ đồng Việt Nam.
Số tiền nêu trên sẽ được dùng để “chu cấp tiền đi lại cho nhiều đồng chí, trả tiền giao dịch, báo chí, kỹ thuật, giúp các tổ chức cơ sở, giúp các đồng chí bị trục xuất, lo lắng cho các đồng chí phụ trách.”
Ngoài số tiền hỗ trợ hoạt động của Ban Chỉ huy ở ngoài, Quốc tế Cộng sản còn hỗ trợ Đảng Cộng sản Đông Dương những khoản kinh phí cho những hoạt động khác tại Đông Dương cũng như tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực.
Trong những năm 1933-1934, Đảng Cộng sản Đông Dương chuẩn bị Đại hội lần thứ nhất. Việc tổ chức Đại hội cần những khoản tiền khá lớn cho việc đi lại, ăn ở của đại biểu. Quốc tế Cộng sản cũng đã giúp đỡ Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức Đại hội, giúp đỡ về mặt tài chính. Tuy nhiên số tiền không đủ cho Đảng hoạt động một cách rộng rãi và hiệu quả.
Ngày 20/12/1934, trong thư gửi Đông Phương bộ của Quốc tế Cộng sản, Ban Chỉ huy ở ngoài cho biết “số tiền 1.500 USD của các đồng chí không đủ chi tiêu cho vé đi, về và cấp dưỡng cho các đại biểu Đại hội.” Ban Chỉ huy ở ngoài đề nghị Quốc tế cộng sản hỗ trợ “vài nghìn đôla Mỹ để tổ chức các cơ quan lãnh đạo trong nước sau Đại hội.”
Trong những năm 1934-1938, thư từ, báo cáo giữa Ban Chỉ huy ngoài nước và Quốc tế Cộng sản cho thấy Đảng Cộng sản Đông Dương đã nhiều lần đề nghị Quốc tế Cộng sản hỗ trợ các khoản tiền từ 1.000 USD đến 5.000 USD cho nhiều hoạt động khác nhau của Đảng như tổ chức hội nghị, mở lớp học, mua sắm thiết bị, tổ chức gửi sinh viên sang Liên Xô, in ấn, viết sách báo và một số hoạt động khác.
Cụ thể là vào năm 1934, Ban Chỉ huy ở ngoài đề nghị Quốc tế Cộng sản hỗ trợ 1.000 USD để có thể phát hành ra hai tờ báo tiếng An Nam. Năm 1938, Đảng Cộng sản Đông Dương cũng từng đề nghị một khoản 5.000 USD để xuất bản báo chí và sách hợp pháp vào năm 1938, khi cao trào đấu tranh dân chủ đang phát triển mạnh mẽ.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (ngoài cùng, bên phải) tại Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản năm 1935 (Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam)Phương thức trợ giúp
Trong bối cảnh hoạt động bí mật, mạng lưới mật thám của thực dân Pháp hoạt động mạnh không chỉ trên lãnh thổ Đông Dương mà còn tại các quốc gia khác trong khu vực, hoạt động trợ giúp tài chính của Quốc tế Cộng sản cho Đảng phải rất bí mật.
Tiền được chuyển bằng nhiều con đường, qua các địa chỉ hòm thư cụ thể, qua các sinh viên theo học tại trường học của Quốc tế cộng sản, hay qua các Đảng Cộng sản anh em.
Đối với các địa chỉ cụ thể, Đảng Cộng sản Đông Dương thường nhận kinh phí từ Quốc tế Cộng sản, qua các địa chỉ trung gian ở Hồng Kông, Thượng Hải, Ma Cao.
Một trong các địa chỉ trung gian chuyển tiền được đề cập trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản của Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng. Cụ thể, báo cáo có một lời đề nghị như sau: “Đề nghị các đồng chí nhanh chóng gửi tiền … kèm thư viết cho chúng tôi theo địa chỉ: Chau Sum Yee, giáo viên, người tỵ nạn Tàu Trường Trung học 7-11, Castle Road, Hongkong. Các đồng chí gửi tiền từ châu Âu hoặc từ Tàu, nhưng phải ghi rõ địa chỉ ngoài bì thư cũng bằng tiếng Tàu. Chúng tôi cho các đồng chí biết địa chỉ bằng tiếng Tàu ghi ở cuối thư này của chúng tôi.”
Con đường thứ hai là qua các cán bộ được đào tạo tại các trường của Quốc tế Cộng sản, tốt nghiệp, được cử về Đông Dương hoạt động.
Trong thời gian này, Đảng Cộng sản Đông Dương đã cử nhiều cán bộ sang Liên Xô học tại Đại học Phương Đông. Khi những người này học xong và trở về nước, họ có thể trở thành trung gian chuyển tiền từ Quốc tế Cộng sản cho Đảng.
Thời kỳ này, nhiều đại biểu của Quốc tế Cộng sản thường xuyên làm việc với Đảng Cộng sản Đông Dương. Do đo, con đường thứ ba là chuyển tiền qua các đại biểu Quốc tế Cộng sản trong các buổi làm việc với đại diện Đảng Cộng sản Đông Dương.
Chưa có báo cáo chính thức về các cách thức hỗ trợ tiền theo hai cách này, nhưng đây là con đường hỗ trợ tiên một cách bảo đảm an toàn nhất, bởi việc gửi tiền qua trung gian nhiều khi bị thất lạc và mất thời gian.
Cách thức chuyển tiền thứ tư là qua các Đảng Cộng sản anh em. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng là một tổ chức chuyển tiền trung gian.
Điều này được đề cập trong báo cáo của một “Đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương” gửi Quốc tế Cộng sản ngày 28/4/1931. Báo cáo cho biết các vụ bắt bớ của mật thám Pháp dẫn tới việc mất hết kinh phí để hoạt động: “Tất cả tiền nong mà chúng tôi lẽ ra nhận được đã bị mất hết. Do vậy hiện nay Ban Chấp hành Trung ương không có chỗ nương náu, không áo quần, không tiền bạc. Tôi đề nghị các đồng chí gửi cho tôi một ít tiền (tiền Mỹ) để tôi có thể nhờ các cán bộ chúng tôi trở về chuyển cho Ban Chấp hành Trung ương. Các đồng chí có thể chuyển tiền hoặc thông qua Ban Chấp hành Trung ương Trung Quốc hoặc bằng thư bảo đảm cho XYZ là địa chỉ do tôi đã báo cho các đồng chí cách đây không lâu.”
Cách thứ năm là chuyển tiền thông qua một công ty nào đó. Trong báo cáo 6 tháng gửi Ban phương Đông Quốc tế Cộng sản ngày 5/4/1938, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương cho biết: “Tháng 7-1937, các đồng chí ở Paris có gởi 500 đôla qua Américan Company Limité ở Hong Kong, nhưng chúng tôi không nhận được, nguyên nhân thế nào thì mấy thơ trước đã báo cáo rõ rồi”.
Như vậy, bằng nhiều con đường khác nhau, Quốc tế Cộng sản đã trợ giúp tài chính cho hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương trong thời kỳ mới thành lập và lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền. Chính bằng những số tiền ít ỏi này, hoạt động của Đảng được duy trì thông suốt, nhất là các hoạt động về tổ chức Đại hội, hội nghị, về xuất bản sách báo, kinh phí đi lại, ăn ở, hoạt động của cán bộ Đảng. Điều đó đã giúp Đảng Cộng sản Đông Dương vượt qua những thời điểm khó khăn đề tồn tại và phát triển.
Từ năm 1939-1940 trở đi, khi tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương trong nước đã khá vững vàng, cũng là thời điểm chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra, hoạt động của Quốc tế Cộng sản có nhiều khó khăn, việc trợ giúp tài chính của Quốc tế Cộng sản cho Đảng ta cơ bản chấm dứt. Nhưng lúc này, nguồn tài chính cho Đảng hoạt động phong phú và dồi dào hơn, Đảng Cộng sản Đông Dương đã có thể đứng vững trên đôi chân của mình, lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.
Xuân Nguyễn