Trước năm 1954, dưới sự đô hộ của thực dân Pháp, nhiều người Việt Nam phải đi lánh nạn ở Thái Lan; nhiều người bị bắt làm phu đồn điền, phu mỏ ở các nước láng giềng như Lào, Campuchia và một số thuộc địa của Pháp ở châu Phi và châu Đại Dương.
Tân Đảo và Tân Thế giới là hai quần đảo ở Nam Thái Bình Dương. Tính đến năm 1929, có 6.400 người Việt Nam sang Tân Đảo làm việc. Đến năm 1939, có 12.000 người Việt Nam đến Tân Đảo làm phu mỏ theo hợp đồng[1]. Đây là thời kỳ người Việt Nam sang Tân Đảo làm việc đông nhất. Năm 1945, tất cả những người Việt Nam sang Tân Đảo hết hợp đồng lao động, nhưng Pháp viện cớ chiến tranh không cho Việt kiều hồi hương.
Việt kiều ở Nam Mỹ có khoảng 1.145 người, phần lớn là chính trị phạm, một số là thương phạm, bị Pháp bắt đi đày ở Guyane vào những năm 1920-1930. Ngoài 800 người chết do bị giam cầm, đày ải, số còn lại được trả tự do tại chỗ và được ghi danh sách hồi hương.[2]
Việt kiều ở Thái Lan có hơn 70.000 người, trong đó hơn 55.000 người làm phu mỏ, công nhân trong các đồn điền ở Lào lánh nạn sang từ năm 1946; số còn lại chủ yếu là di cư sang sinh sống từ lâu, số ít do hoạt động cách mạng bị theo dõi truy bắt phải rời Tổ quốc sang[3].
Phải tha hương, số đông Việt kiều có lòng yêu nước, luôn hướng về Tổ quốc, mong muốn trở về xây dựng đất nước.
Chù tịch Hồ Chí Minh đón kiều bào hồi hương tại bến cảng Hải Phòng
Ban Việt kiều Trung ương với việc đón tiếp Việt kiều hồi hương
Trước nhu cầu chính đáng của bà con Việt Kiều, ngày 23/10/1959, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết về việc đón tiếp Việt kiều ở Thái Lan, Tân Đảo, Tân thế giới về nước, coi đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng.
Tiếp đó, ngày 23/11/1959, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định số 416/TTg, thành lập Ban Việt kiều Trung ương, do ông Nguyễn Khang, Bộ trưởng Thủ tướng phủ, làm Trưởng Ban. Ban Việt kiều Trung ương là một Hội đồng liên ngành, có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ chính sách đón tiếp người Việt Nam ở nước ngoài và giúp Chính phủ chỉ đạo công tác hồi hương của người Việt Nam.
Thực hiện Đề án của Bộ Nội vụ được phê duyệt từ tháng 10-1959, về Tổ chức bộ máy đón tiếp Việt kiều, công tác đón tiếp Việt kiều ở Thái Lan, Tân Đảo, Tân Thế giới và Nam Mỹ về nước được tổ chức chu đáo. Tài sản của Việt Kiều được bảo đảm. Con em Việt kiều về nước được tạo mọi điều kiện để các em đến trường học. Những Việt kiều quá túng thiếu, già cả, bệnh tật, không có khả năng tự túc, không có nơi nương tựa, được trợ cấp hoặc đưa vào Trại an dưỡng.Những Việt kiều có công với cách mạng được giải quyết các qu yền lợi chính trị như trao bảng Gia đình vẻ vang, bằng Tổ quốc ghi công, tiền tuất, v.v… theo đúng chính sách trong nước. Những Việt kiều là trí thức, bác sĩ, y sĩ, nhân viên kỹ thuật, cán bộ, tùy khả năng, trình độ, được sắp xếp công tác vào các ngành thích hợp.Ở một số địa phương thành lập Ban Việt kiều làm nhiệm vụ đón tiếp Việt kiều, sắp xếp nơi ăn, chốn ở, việc làm cho họ.
Đón tiếp kiều bào về nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, các ngành liên hệ chặt chẽ với Ban Việt kiều Trung ương trong việc ban hành các quy định cụ thể về chính sách đối với Việt kiều về nước, đặc biệt là trong việc đón tiếp và sắp xếp việc làm cho Việt kiều. Mỗi Bộ có một số cán bộ chuyên trách làm công tác Việt kiều.
Ngày 8/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Kiều bào ta ở Thái Lan luôn luôn hướng về Tổ quốc” đăng trên báo Nhân Dân. Trong bài viết, Người nhắc nhở: “Đoàn kết – đoàn kết giữa Việt kiều với nhau và đoàn kết giữa người Việt với người Xiêm; nhắc nhủ kiều bào yêu Tổ quốc và giúp kiều bào học chữ quốc ngữ.”[4]
Ngày 10/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh xuống Hải Phòng, trực tiếp đón 922 kiều bào từ Thái Lan hồi hương. Nói chuyện với kiều bào, Người xúc động: “Hoan nghênh kiều bào đã về đến và hoan nghênh những kiều bào sẽ về những chuyến sau (…) luôn luôn hướng về Tổ quốc “” và mong rằng “kiều bào sẽ vui vẻ cùng đồng bào cả miền Bắc đồng cam cộng khổ, vượt mọi khó khăn, hăng hái thi đua, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng Tổ quốc giàu mạnh, vui tươi, xây dựng chủ nghĩa xã hội.”[5]
Tiếp đó, ngày 12/1/1961, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đón chuyến tàu đầu tiên chở 551 Việt kiều ở Tân Thế giới về nước. Phát biểu tại lễ đón, Thủ tướng nói “Tổ quốc nhiệt liệt hoan nghênh kiều bào trở về đem mọi sức lực, mọi tài năng của mình góp phần xây dựng đời sống mới: chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đồng thời góp phần đấu tranh thống nhất Tổ quốc”[6].
Từ năm 1960 đến năm 1964, miền Bắc đã đón 42 chuyến tàu[7] với khoảng 45.000 kiều bào ở Thái Lan, Tân Đảo, Tân Thế giới và Nam Mỹ hồi hương.[8]
Số Việt kiều từ Thái Lan, Tân Đảo, Tân Thế giới và Nam Mỹ hồi hương được phân chia về 31 tỉnh, thành phố ở miền Bắc như: Quảng Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Hà Nam, Hà Nội, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Phú Thọ...[9]
Những Việt kiều về nước trên chuyến tàu đầu tiên đến
chúc Tết Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 29/1/1960
Việt kiều hồi hương được hưởng mọi quyền lợi và thực hiện mọi nghĩa vụ như những người công dân khác. Nhờ sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhờ sự giúp đỡ tận tình của các đoàn thể và của nhân dân các địa phương, với lòng yêu nước, tinh thần tự lực cánh sinh, đức tính cần cù, tháo vát của kiều bào. Nhìn chung, đại bộ phận kiều bào về đã được sắp xếp nơi ở, việc làm phù hợp, từng bước ổn định đời sống và tích cực tham gia công cuộc xây dựng đất nước.
Sau một thời gian ổn định cuộc sống, Việt kiều hồi hương đã có những đóng góp đáng kể vào công cuộc xây dựng miền Bắc. Năm 1964, trên 100 kiều bào là chiến sĩ thi đua, gần 3.000 kiều bào là lao động tiên tiến, gần 1.000 kiều bào là cá nhân xuất sắc, là kiện tướng trong các lĩnh vực... Một số kiều bào được kết nạp vào Đảng, vào Đoàn Thanh niên Lao động, được bầu vào chính quyền, Hội đồng nhân dân các cấp, vào Ban Chấp hành các đoàn thể quần chúng.[10]
Công tác đón tiếp kiều bào hồi hương của Đảng và Nhà nước trong những năm 1960- 1964 là việc làm có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng. Ban Việt kiều Trung ương, các Bộ, ban, ngành, các cấp ủy đảng và chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, tích cực động viên kiều bào đã hồi hương cùng với kiều bào còn ở nước ngoài đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao nhân dân; tích cực giúp đỡ và phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam hình thành mặt trận nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ Việt Nam, đấu tranh chống Mỹ, giành độc lập, thống nhất đất nước.
Vui Thảo
[1]Tài liệu lưu tại thư viện Học viện Ngoại giao - Ký hiệu LV(CHKV)153, tr.11.
[2]Trích theo tài liệu lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng – Ký hiệu P82-1-147.
[3] Trích theo tài liệu lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng – Ký hiệu P82-1-147
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.422.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.425.
[6] Báo Nhân Dân, ngày 13/1/1961.
[7] Trong đó có 39 chuyến từ Thái Lan và 3 chuyến từ Tân Đảo, Tân Thế giới, Nam Mỹ.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 25, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.1.
[9] Ban Việt kiều Trung ương: Đề án về công tác phân phối sắp xếp Việt kiều - Tài liệu lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng (kí hiệu 14-3-385).
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 25, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.1.