Bảy mươi lăm năm trước, ngày 06/01/1947, Trung đoàn Thủ Đô được thành lập. Những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đã có 60 ngày đêm chiến đấu với quân Pháp xâm lược với tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ngay sau ngày thành lập, những chiến sĩ của Trung đoàn đã cùng nhân dân Hà Nội bám giữ từng căn nhà, từng góc phố trong vòng vây của quân Pháp xâm lược để cầm chân quân Pháp và sau đó thực hiện cuộc rút lui thần kỳ lên an toàn khu, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ tới ngày tiếp quản Thủ đô 10/10/1954
Chiến sĩ vệ quốc quân cảm tử ôm bom ba càng chặn xe tăng Pháp trên phố Hà Nội năm 1946 (Ảnh tư liệu)Ngày 02/09/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chỉ sau đó 21 ngày, nhân dân Nam Bộ lại bước vào cuộc kháng chiến lần thứ 2 chống lại quân Pháp xâm lược. Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm tất cả những gì có thể để tránh nguy cơ chiến tranh, thế nhưng “chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng kấn tới, vì chúng quyết cướp nước ta lần nữa”.
Đêm 19, rạng ngày 20/12/1946, tại Chương Mỹ, Hà Đông (nay là Hà Nội), Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến khẳng định quyết tâm quyết không chịu làm nô lệ của dân tộc Việt Nam: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Huy hiệu đeo tay của Trung đoàn Thủ đô trong trận Hà Nội (Ảnh tư liệu)
Ngay trong những ngày khói lửa “Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời. Hà Nội hồng ầm ầm rung” (lời bài hát Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi) Trung đoàn Thủ Đô đã được thành lập.
Khi mới thành lập, trung đoàn mang tên là "Trung đoàn Liên khu I". Sau đó, từ ngày 12 đến ngày 16/01/1947, Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ nhất họp tại Chương Mỹ, Hà Đông (nay là Hà Nội) đã quyết định tặng Trung đoàn Liên khu I danh hiệu Trung đoàn Thủ Đô.
Ngày 17/01/1947, trong thư gửi cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn nhân dịp Tết Đinh Hợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau".
Lời Hồ Chủ tịch “Cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh” trong bức thư gửi những người lính Trung đoàn Thủ Đô năm ấy đã trở thành quyết tâm, thành biểu tượng cho tinh thần kiên quyết hi sinh vì nền độc lập của đất nước và dân tộc Việt Nam.
Các chiến sĩ Vệ quốc và Nhân dân Thủ đô chiến đấu trong những ngày toàn quốc kháng chiến (Ảnh tư liệu)Ngày 17/2 /1947, sau gần 2 tháng chiến đấu cầm chân quân Pháp tại Hà Nội, những chiến sĩ Vệ quốc quân của Trung đoàn Thủ Đô được lệnh rút lên an toàn khu để bảo toàn lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài. Giữa những ngày gió rét, sương mù và mưa phùn, các chiến sĩ lặng lẽ rút lui khỏi Hà Nội.
Nhà thơ Chính Hữu, một chiến sĩ của Trung đoàn Thủ Đô đã viết bài thơ “Ngày về” với những câu thơ mang âm hưởng hùng tráng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng: “Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu/ Đêm nay mơ thấy trở về Hà Nội/ Bao giờ trở lại?/ Phố phường xưa gạch ngói ngang đường (…) Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa/ Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng (…) Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội/ Trở về, trở về, chiếm lại quê hương” (Ngày về - Chính Hữu).
Sách nhạc “Ngày về”. Nhạc bộ đội tập 2, thuộc Tủ sách Người lính Hà Nội do Trung đoàn Thủ đô xuất bản, năm 1948 (Ảnh tư liệu)Tại cuộc mít tinh nhân kỷ niệm 3 năm thành lập Quân đội, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đánh giá: "Trung đoàn Thủ Đô đã tượng trưng cho bộ đội của một dân tộc nhược tiểu quyết tâm không muốn làm nô lệ và đã ngang nhiên chống lại quân đội một nước lớn hùng mạnh của đế quốc chủ nghĩa. Trung đoàn Thủ Đô đã nối chí truyền thống oanh liệt của các vị anh hùng thuở trước". Đó là nhận xét và lời khen ngợi của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đối với một trung đoàn anh hùng của một quân đội anh hùng.
Những chiến sĩ của Trung đoàn Thủ Đô năm ấy đã giữ vẹn lời thề ra đi hẹn một ngày về. Ngày 10/10/1954, những chiến sĩ của Trung đoàn Thủ Đô đã cùng đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Hà Nội trong niềm hân hoan của người dân Thủ đô và của cả dân tộc.
Hồng Phúc