Vào thời điểm Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội lãnh đạo nhân dân Hà Nội khởi nghĩa giành chính quyền, quân đội Nhật tại Hà Nội vẫn là lực lượng vũ trang mạnh. Hơn 1 vạn lính Nhật với đầy đủ trang bị, vũ khí hiện đại và lệnh chính thức chỉ ngừng bắn trước 8 giờ sáng ngày 21-8-1945, hoàn toàn có khả năng dìm cuộc khởi nghĩa của nhân dân Hà Nội trong biển máu. Chính vì thế, một trong những nhiệm vụ đặt ra đối với Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội là phải triệt để trung lập hóa quân đội Nhật, để chúng án binh bất động, không can thiệp vào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân ta.
Ngày 8-8-1945, Liên Xô tham chiến Mặt trận Thái Bình Dương, nhanh chóng đánh tan đạo quân Quan Đông hùng mạnh có tiếng của quân phiệt Nhật. Thắng lợi căn bản đó của Hồng quân Liên Xô cùng với những đón chí mạng do hai quả bom nguyên tử Hoa Kỳ ném xuống Nhật Bản đã góp phần quyết định ngày tàn cận kề của quân phiệt Nhật tại chiến trường châu Á - Thái Bình Dương.
Chiều ngày 10-8-1945, Nhật gửi lời đầu hàng Đồng Minh. Mặc dù, giới cầm quyền Nhật tại Đông Dương cố bưng bít tình hình, tin Nhật đại bại trên chiến trường và xin đầu hàng Đồng Minh vẫn được truyền trong thành phố.
Dù vậy, lính Nhật tăng cường canh gác trong thành phố. Xe tăng, thiết giáp đi tuần suốt ngày đêm. Chúng đặt súng liên thanh tại Nhà máy nước, Nhà máy điện, sở Bưu điện, Nhà máy đèn, sở Kho bạc, Ngân hàng Đông Dương, nhà ga v.v… Chúng sợ lực lượng cách mạng tấn công trong lúc hàng ngũ quân đội Nhật hoang mang, bối rối. Hằng ngày, báo chí công khai đăng đi đăng lại Lời tuyên cáo của Bộ Hiến binh Nhật cấm nhân dân Hà Nội bình luận về thời cuộc và đe dọa trừng trị nghiêm khắc những hành vi được cho là phá hoại trật tự chung.
Ngày 15-8-1945, nhiều đài phát thanh công bố tin Nhật đầu hàng Đông Minh. Trong một thời gian ngắn, quân Đồng Minh sẽ vào Đông Dương tước khí giới quân đội Nhật. Trước tình hình đó, Toàn quyền Nhật ở Đông Dương Y. Tsuchihashi tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc trưởng. Để củng cố thêm danh nghĩa độc lập, gây thêm thanh thế và uy tín cho Chính phủ Trần Trọng Kim, làm đối trọng với Việt Minh, Nhật trao trả trại Bảo an binh, Ty Liêm phóng, Nha học chính, Sở Kiểm duyệt báo chí và trường Đại học cho chính quyền Trần Trọng Kim.
Trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa, Đảng Cộng sản Đông Dương đã vạch rõ: Khi nào quân phiệt Nhật ở chính quốc đầu hàng Đồng Minh, quân đội Nhật ở thuộc địa hoang mang, mất tinh thần chiến đấu thì Đảng phải lãnh đạo quần chúng nổi dậy kịp thời giành chính quyền.
Sáng 16-8-1945, Thành ủy họp phiên bất thường, đồng chí Nguyễn Khang phổ biến quyết định khởi nghĩa của Xứ ủy Bắc Kỳ. Hội nghị thành lập Ủy ban khởi nghĩa, đồng thời cũng là Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội để chỉ huy khởi nghĩa. Ủy ban này do đồng chí Nguyễn Khang làm Chủ tịch và các Ủy viên là: Nguyễn Quyết, Nguyễn Huy Khôi (Trần Quang Huy), Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Duy Thân. Trần Đình Long làm Cố vấn cho Ủy ban.
Hội nghị nhất trí phải xúc tiến khởi nghĩa. Nhưng qua phân tích tình hình, hội nghị cho rằng cần phải nắm chắc hơn nữa thái độ của Nhật.
Sau khi Nhật hoàn tuyên bố đầu hàng Đồng Minh, quân Nhật tại Việt Nam tỏ ra chán nản. Ủy ban khởi nghĩa chủ trương trung lập quân đội Nhật. Thi hành chủ trương ấy, Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội đã cử người chuyển thư tới quân Nhật, đồng thời rải truyền đơn nói rõ nếu Nhật không gây trở ngại cho những hoạt động cách mạng của Việt Nam thì lực lượng cách mạng Việt Nam sẽ không động chạm đến quân Nhật; ngược lại sẽ kiên quyết đối phó với những hành động chống lại cách mạng. Chủ trương đúng đắn đó đã có kết quả tốt: quân Nhật tỏ thái độ trung lập trước những hoạt động công khai chuẩn bị khởi nghĩa trong những ngày giữa tháng Tám.
Để thăm dò thêm thái độ của Nhật, tối 16-8-1945, tại ba rạp hát trong thành phố: Hiệp Thành, Quảng Lạc, Tố Như, lực lượng Tuyên truyền xung phong đến tuyên truyền hô hào đồng bào ủng hộ Việt Minh tham gia khởi nghĩa. Tại rạp Tố Như, lực lượng Việt Minh bắn chết một sĩ quan Nhật và bắn bị thương một lãnh đạo của tổ chức Thanh niên ái quốc thân Nhật, đồng thời tung và rải truyền đơn vào các trại lính Nhật, nhưng quân Nhật vẫn không có phản ửng gì. Điều đó cho thấy nhiều khả năng quân Nhật sẽ án binh bất động kể cả khi Việt Minh nổi dậy giành chính quyền.
Cũng trong tối 17-8-1945, tại khu quân sự Đồn Thủy, Tổng hành dinh quân đội Nhật toàn Đông Dương, Thiếu tướng U.Tsuchihashi, Tư lệnh Quân đoàn 38 Quân đội Thiên Hoàng, gồm 3 sư đoàn chiếm đóng toàn cõi Đông Dương, cùng toàn Ban Tham mưu ngồi nghe Trưởng Hiến binh Đông Dương Oosima, Đặc sứ Masumooto và Tổng lãnh sự Kno báo cáo về sự kiện xảy ra trên Quảng trường Nhà hát lớn lúc chiều tối. Chiều ngày 17-8-1945, tướng U.Tsuchihashi mới nhận được lệnh của Thống chế Nam tước Terauchi, Tư lệnh đạo quân Phương Nam từ Sài Gòn điện ra, yêu cầu thực hiện ngưng bắn trong vòng 5 ngày, giữ nguyên hiện trạng cho đến khi quân Đồng Minh vào Việt Nam. Cũng trong ngày 17-8-1945, tướng U.Tsuchihashi ký lệnh đề ngày 18-8 cho toàn Quân đoàn thực hiện lệnh ngừng bắn kể từ 8 giờ sáng ngày 21-8. Như vậy, thực tế là các cuộc khởi nghĩa diễn ra trong các ngày 19-8, 20-8 và trước 8 giờ sáng ngày 21-8 trong toàn quốc và tại Hà Nội vẫn hoàn toàn có thể bị lực lượng Nhật đàn áp bằng vũ lực.
Nắm được tình hình hoảng loạn của chính quyền Hà Nội, thái độ cầu an chờ giải giáp của quân đội Nhật, nhất là sau cuộc biểu tình ngày 17-8, ngay trong đêm 17-8-1945, không chờ chỉ thị cụ thể của Trung ương, Thường vụ Xứ ủy và Thành ủy đã hạ quyết tâm Hà Nội tiến hành khởi nghĩa vào 10 giờ sáng chủ nhật 19-8.
Tuy nhiên, Ủy ban khởi nghĩa vẫn phải tính toán những phương án đề phòng quân Nhật. Trên đường phố Hà Nội, vẫn còn những tờ bố cáo in bằng ba thứ tiếng Việt-Trung-Pháp của Bộ Tư lệnh Hiến binh Nhật đe dọa sẽ thẳng tay trừng trị những hành động mà họ cho là làm rối trật tự trị an, hành động khủng bố hay mang vũ khí, tụ tập bất hợp pháp.
Chiều ngày 18-8-1945, hai Công nhân cứu quốc làm ở xưởng A-vi-a dùng một chiếc ô tô của Nhật đem chữa ở xưởng, sang Gia Lâm lấy vũ khí. Khi qua cầu, lính Nhật gác ở đây bắt giữ chiếc xe lại, khám thấy súng, chúng bắt cả người đưa về giam ở gần Nhà hát lớn. Ủy ban khởi nghĩa huy động lực lượng nhân dân kéo đến đòi chúng phải thả người và trả lại khí giới. Cuộc đấu tranh diễn ra gay go, nhưng trước sức ép của đông đảo quần chúng, tới 11 giờ đêm, quân Nhật phải nhượng bộ. Nhân dân càng tin tưởng ở Việt Minh. Uy thế quân Nhật giảm sút.
Tối ngày 18-8-1945, không khí chuẩn bị khởi nghĩa bừng lên trong thành phố. Đội Xung phong đột nhập nhà in báo Tin mới và hướng dẫn công nhân in thêm những khẩu hiệu hô hào quần chúng tham gia khởi nghĩa. Truyền đơn kêu gọi lính Nhật giữ thái độ trung lập được thảo bằng tiếng Nhật để sáng sớm hôm sau tung vào các trại lính Nhật.
Nhận định quân đội Nhật đã đầu hàng Đồng Minh từ ngày 15-8-1945, qua cuộc diễu hành ngày 17-8- 1945 có bảo an và cảnh sát vác súng đi theo, lính Nhật ở các trạm gác đều án binh bất động thì nhiều khả năng chúng sẽ không can thiệp vào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 19-8. Tuy nhiên, để bảo đảm chắc chắn quân đội Nhật vẫn giữ nguyên thái độ như trong ngày 17-8-1945, Ủy ban quân sự cách mạnh Hà Nội đã kịp thời thay khẩu hiệu Đánh đuổi giặc Nhật thành khẩu hiệu Chống mọi hành động của đế quốc can thiệp vào công cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam, đồng thời thảo truyền đơn gửi binh lính Nhật tại Hà Nội, nói rõ tình trạng thua trận của họ, trong khi chờ đợi quân Đồng Minh vào giải giáp, không nên can thiệp vào công việc giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Đổi lại, cách mạng Việt Nam sẽ bảo đảm cho mọi quân nhân Nhật được yên ổn chờ ngày về nước.
Trong quá trình khởi nghĩa, việc chiếm các mục tiêu chủ yếu tại Hà Nội cơ bản thuận lợi, duy chỉ có tình hình phức tạp hơn tại Trại Bảo an binh Hàng Bài. Lực lượng bảo an binh có 700 quân, do quan ba, thường gọi là Ba Thụ chỉ huy. Đồng chí Nguyễn Quyết cùng Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong vào trại, buộc chỉ huy trại giao súng để phân phát cho lực lượng cách mạng. Chỉ huy trại chần chừ, chờ sự ứng cứu của quân Nhật, nhưng trước thái độ kiên quyết của quân khởi nghĩa đã phải giao súng vào tay Việt Minh. Trại bỏa an binh, m ột vị trí quân sự quan trọng của Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim vào tay Việt Minh.
Tuy nhiên, tình hình sau đó có những diễn biến phức tạp. Quân đội Nhật đề phòng Việt Minh tiến công sau khi có nhiều khí giới, nên đưa 4 xe tăng có đặt liên thanh, chặn 4 ngả đường, cùng với 4 toán lính trang bị đầy đủ, canh gác chặt 4 góc phố quanh trại Bảo an binh. Chúng còn cho một đội lính kéo vào trại, đặt 2 khẩu súng máy giữa sân. Quân Nhật đòi tước vũ khí lực lượng cách mạng, chiếm lại Trại bảo an binh. Tình hình khá căng thẳng.
Đồng chí Nguyễn Quyết từ trong trại gọi điện thoại về Phủ Khâm sai, yêu cầu bộ phận Việt Minh do đồng chí Nguyễn Khang, Bí thứ Xứ ủy Bắc Kỳ lãnh đạo cùng phối hợp giải quyết. Việt Minh phân công Lê Trọng Nghĩa lấy một xe limusin của Khâm sai, cắm cờ đỏ sao vàng, tiến ra Bờ Hồ, xuống Hàng Bài, đến trước rạp Majestic (nay là ráp Tháng Tám) gặp viên chỉ huy quân Nhật đúng lúc ông ta đang đòi Việt Minh trao lại toàn bộ vũ khí của Trại bảo an và để quân Nhật cùng gác trại, bị quần chúng hô khẩu hiệu phản đối. Đoàn biểu tình tràn lên vây kín mấy trăm lính Nhật và xe tăng, trong đó có 7-8 lính Nhật đeo súng ngắn và kiếm tiến vào phía cửa trại bố trí 3 tên đứng gác hai bên cửa, 2 tên đặt súng máy ở gốc cây bên trái, hướng nòng súng vào những đội viên vừa được trang bị vũ khí của Thanh niên xung phong Hoàng Diệu. Viên sĩ quan Nhật đang hung hăng, sừng sộ trước sự bao vây của quần chúng, được đồng chí Lê Trọng Nghĩa giải thích : « Trại bảo an binh thuộc quyền Phủ Khâm sai người Việt, mà người Nhật sắp về nước, không nên can thiệp vào việc giành độc lập của dân tộc Việt Nam trong khi chúng tôi không động chạm gì đến người Nhật ». Viên sĩ quan Nhật bình tĩnh lại, phàn nàn rằng bị dân chúng ném đá và cuối cùng chấp nhận cho rút quân về doanh trại, nhưng yêu cầu những người đứng đầu lực lượng khởi nghĩa phải tới gặp gỡ nói chuyện với cấp sĩ quan Nhật cấp cao hơn tại Bộ Chỉ huy của quân đội Nhật.
Lục quân Quân đội Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ hai
(Ảnh Tư liệu)
Năm giờ chiều ngày 19-8-1945, quân Nhật rút về doanh trại của chúng. Việc chiếm Trại bảo an binh hoàn toàn thắng lợi.
Biết quân Nhật muốn giao tiếp với lực lượng khởi nghĩa, Ủy ban quân sự cử người tới Tòa Đại sứ Nhật, số 55 Gambetta (Trần Hưng Đạo), được hẹn đến 20 giờ tới Bộ Chỉ huy quân Nhật đóng Sở chỉ huy (tại số 33 Phạm Ngũ Lão ngày nay). Lê Trọng Nghĩa cùng Trần Đình Long, cố vấn Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội tới gặp Bộ Chỉ huy gồm nhiều sĩ quan Nhật, được giới thiệu là những người lãnh đạo cuộc biểu tình tại Nhà hát Lớn và đã đóng quân trong Phủ Khâm sai. Lê Trọng Nghĩa hướng vào viên tướng đứng tuổi, ngồi chính giữa, dưới lá cờ Thiên Hoàng và chân dung Nhật Hoàng, nói đại ý : Chúng tôi rất xúc động nhận được tin Thiên Hoàng chính thức ban hành lệnh đình chiến, tất cả người Nhật các ông sẽ về nước đoàn tụ với gia đình. Quân Đồng Minh sẽ vào tiếp quản, các nhà chức trách Việt Nam đương quyền đã tỏ ra bất lực và tan rã khiến nhân dân chúng tôi phải tự đứng ra gánh vác mọi trách nhiệm. Người Nhật và người Việt đều là người châu Á, không thù hằn nhau. Trong lúc này, chúng tôi có trách nhiệm ra sức giúp đỡ để người Nhật yên ổn chấp hành lệnh về nước. Mong các vị cũng giúp đỡ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ của mình. Viên tướng Nhật nghiêm nghị, chậm rãi đáp lại một cách rành rọt : Vua Bảo Đại đã nhờ người Nhật giúp đỡ Việt Nam. Nhưng bây giờ công việc của người Việt thì các ông phải tự bàn lấy để giải quyết. Còn hiện nay, chỉ yêu cầu các ông đừng tổ chức mít tinh, biểu tình nữa. Nếu làm mất trật tự, rối rắm tình hình thì quân đội Nhật bắt buộc sẽ phải can thiệp. Viên tướng Nhật chỉ định một sĩ quan trẻ tuổi đứng bên cạnh từ nay sẽ liên lạc với Việt Minh ở Phủ Khâm sai.
Bộ Chỉ huy quân Nhật trên thực tế đã chấp nhận cuộc khởi nghĩa ngày 19-8- 1945 của Việt Minh, không còn quan tâm đến số phận của Chính phủ Trần Trọng Kim vừa bị phế truất, chính thức đặt quan hệ với chính quyền mới, chỉ yêu cầu không gây mất trật tự trên đường phố.
Có một điều khá đặc biệt là trong lúc Việt Minh tại Hà Nội đang thương thuyết nhằm thuyết phục quân đội Nhật án binh bất động, không can thiệp vào cuộc cách mạng của nhân dân Hà Nội thì tại Thái Nguyên, Trung ương Đảng chủ trương tiến công quân Nhật, mở đầu cho giành chính quyền trên địa bàn.. Sáng ngày 20-8-1945, cuộc tiến công nổ ra.
Về sự kiện này, đồng chí Lê Trọng Nghĩa cho rằng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội trong ngày 19-8-1945 là một cuộc đột phá tuyệt vời ! Nếu như chúng ta rụt rè và chậm một chút, chỉ nửa ngày thôi, thì không biết tình hình sẽ diễn biến ra sao ! Vì ngay sáng ngày 20-8, Quân giải phóng của ta nổ súng đánh vào quân Nhật ở Thái Nguyên, lúc đó Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội cũng không hề biết !
Chủ trương trung lập hóa quân Nhật và những ứng xử khéo léo, sáng tạo của Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội trước những diễn biến phức tạp của tình hình đã giúp cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội diễn ra nhanh gọn, kịp thời, không đổ máu.
Hòa Bình