Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng miền Nam đánh thắng những chiến lược chiến tranh của kẻ thù, để tham mưu cho Trung ương Cục lãnh đạo các mặt công tác, Trung ương Cục đã xây dựng các cơ quan giúp việc và các cấp ủy trực thuộc.
Để chỉ đạo các mặt công tác, Trung ương Cục miền Nam tổ chức các ban giúp việc. Văn phòng (1961-1975); Ban Tổ chức (1961-1975); Ban Cơ yếu (1961 và 1968 -8/1975); Ban Giao bưu (3/1962- 4/ 1974); Ban An ninh (1961-1975); Ban Quân sự Miền (1961- 1975); Ban Binh vận (1961-1975); Ban Tuyên huấn (1965-1975); Ban Kiểm tra (8/1969- 1975); Hội đồng cung cấp tiền phương (3/1965- 2/1971); Ban An toàn khu (sau đổi là Ban Căn cứ 6/1966- 5-1973); Ban Chính trị (1968…); Phòng Hậu cần R (10/1963…); Ban Chỉ đạo chính quyền (6/1968- 1969); Ban Thi đua và Hội đồng khen thưởng (10/1969…); Ban Kinh tài (1961-1975); Ban Dân y (5/1970 đổi là Ban y tế) (1963- 1975); Hội đồng Quân–Dân y (5/1968…); Ban Thông tin (thành lập trước 1968); Ban Liên lạc (thành lập trước 1971); Ban Trao trả( 12/1972…); Ban đấu tranh chính trị trực diện với địch (1/1973…); Ban Giao thông công chính và Ban Giao bưu vận tải (4/1974…); Ủy ban quân quản Sài Gòn-Gia Định (4/1975…); Ban Kinh tế – Kế hoạch (7/1975…); Trường Đảng lý luận trung cao cấp Nguyễn Ái Quốc (1961… và 1969-1975); Ban Bảo vệ Đảng (7/1975); Ban Trù bị Hội nghị hiệp thương (10/1975).
Ngoài ra, Trung ương Cục còn tổ chức các Ban Mặt trận 1, Ban Mặt trận 2, ban Hoa vận, Ban Công vận, Ban Nông vận, Ban Thanh vận, Ban Phụ vận, Ban Cán sự Việt kiều, Ban Xây dựng vùng kinh tế mới, Đảng ủy Dân Chính Đảng, Đảng Đoàn Chính phủ và Đảng đoàn các Bộ và một số cơ quan chưa xác định được tên cũng như chức năng, nhiệm vụ như 2170 X… Đội ngũ cán bộ trong bộ máy Trung ương Cục năm 1963 có trên 1000 người, cuối năm 1969 có 7.357 người trong 24 cơ quan giúp việc1.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh (thứ ba từ trái sang) tại căn cứ TUCMN (Ảnh tư liệu)
Căn cứ tình hình, nhiệm vụ từng thời kỳ, Trung ương Cục tổ chức và lãnh đạo các khu ủy. Khu ủy V (1961-1965); Khu ủy VI (1961-1975), Khu ủy VII (1961-1975); Khu ủy VIII (1961-1975); Khu ủy IX (1961-1975); Khu ủy X (đầu 1962-cuối 1963 và 9/1966- 1/1971); Khu ủy Sài Gòn – Gia Định (1961-1975). Năm 1968, tổng tiến công và nổi dậy, Trung ương Cục tổ chức Khu trọng điểm Sài Gòn- Gia Định và các phân khu. Đến 9- 1972, lập lại Khu ủy Miền Đông Nam Bộ.
Cùng với việc xây dựng hệ thống tổ chức, Trung ương Cục và các cấp ủy Đảng chú ý công tác phát triển đảng viên, bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng được toàn diện, rộng khắp. Số lượng đảng viên mỗi thời kỳ khác nhau, nhưng có xu hướng tăng nhanh khi thời cơ thuận lợi. Chất lượng đảng viên không ngừng được nâng lên. Cuối năm 1962, Đảng bộ miền Nam có 54.000 đảng viên, cuối năm 1963 có 69.480 đảng viên2. Cuối năm 1965, chỉ tính ở căn cứ địa- vùng giải phóng B2 (thuộc phạm vi lãnh đạo của Trung ương Cục) có 78.100 đảng viên, cuối năm 1966 có 81.700 đảng viên, cuối năm 1967 có 74.380 đảng viên. Trong và sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy 1968, mặc dù công tác phát triển Đảng được hết sức chú ý3, nhưng do chiến tranh ác liệt, số lượng đảng viên hy sinh lớn, nên số lượng đảng viên giảm sút, cuối năm 1972, có 65.890 đảng viên4. Từ năm 1969, số lượng đảng viên được tăng cường từ miền Bắc vào ngày càng nhiều, Trung ương Cục và Quân ủy Miền tiếp tục làm tốt công tác quản lý, giáo dục đảng viên.
Như vậy, trong quá trình tồn tại, Trung ương Cục miền Nam đã liên tục xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện phong trào cách mạng. Cuối năm 1975, nhiệm vụ chung của cả nước là thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, cần có sự lãnh đạo thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Do đó, Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III) quyết định giải thể Trung ương Cục miền Nam.
Di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam
Thành công về lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam
Phát huy trí tuệ tập thể, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam toàn dân, toàn diện, trường kỳ đến thắng lợi hoàn toàn.
Trong quá trình tồn tại, Trung ương Cục miền Nam đã tổ chức 16 Hội nghị Trung ương Cục, ra 16 Nghị quyết Hội nghị. Theo quy định, Trung ương Cục họp thường lệ 6 tháng một lần, nhưng do yêu cầu cấp bách của tình hình như trong thời kỳ chỉ đạo cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, chỉ trong vòng 7 tháng (từ tháng 3-10/1968), Trung ương Cục đã tổ chức Hội nghị lần thứ 6, 7, 8, tăng cường chỉ đạo cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta.
Từ tháng 10/1961 đến 8/1975, theo thống kê chưa đầy đủ, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam đã ra trên 32 Nghị quyết về những vấn đề quan trọng như quân sự, dân vận-mặt trận, kinh tế- tài chính, công tác xây dựng Đảng, công tác tư tưởng …, trên 170 chỉ thị về tất cả các lĩnh vực và hàng chục thông tri, thông báo, điện chỉ đạo cụ thể. Trong thời kỳ cao điểm, Thường vụ Trung ương Cục phải nắm bắt nhanh tình hình, liên tiếp ra nhiều chỉ thị trên các lĩnh vực khác nhau để kịp thời chỉ đạo.
Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, các đồng chí cán bộ Trung ương Cục phải thường xuyên đối mặt với hiểm nguy, cận kề cái chết5, điều kiện làm việc và sinh hoạt thiếu thốn, khổ cực, việc cho ra đời khối lượng lớn văn kiện như đã nêu trên để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cho thấy tinh thần cố gắng cao độ và năng lực làm việc của Trung ương Cục. Những Nghị quyết, chỉ thị đó đã cụ thể hoá đường lối, phương châm chiến lược của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, gắn với thực tế chiến trường và đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, có tác dụng hướng dẫn đảng viên và nhân dân toàn Đảng bộ tổ chức mọi mặt kháng chiến. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Cục, các mặt công tác kháng chiến đạt nhiều thành tựu, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến ngày thắng lợi.
Quán triệt chủ trương, đường lối của Trung ương Đảng, vận dụng vào thực tế chiến trường, xác định và tập trung chỉ đạo những nhiệm vụ cách mạng cấp bách, đưa cuộc chiến tranh cách mạng vượt qua khó khăn, tiến lên giành thắng lợi
Những nhiệm vụ cụ thể đề ra trong các Nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Cục đã giúp các cấp bộ Đảng lãnh đạo quần chúng chuyển từ khởi nghĩa từng phần sang chiến tranh cách mạng, đánh bại quốc sách “ấp chiến lược”, đánh bại các chiến thuật tân kỳ của Mỹ- Diệm, bước đầu xây dựng và phát triển phương châm “hai chân, ba mũi, ba vùng”.
Trong giai đoạn chống chiến lược “chiến tranh cục bộ”, Trung ương Cục miền Nam đã lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ phát huy cao độ tính chất cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện trong tình hình mới, đánh thắng những cuộc phản công chiến lược mùa khô của địch, tiến lên tổng tiến công và nổi dậy, đập tan ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Trong giai đoạn chống chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh, Trung ương Cục tập trung chỉ đạo những nhiệm vụ chống bình định, đấu tranh giành đất, giành dân, củng cố thế lực ở nông thôn, tạo thế, tạo lực mới, giành lại thế chủ động chiến lược, tiến lên đánh bại hoàn toàn đế quốc Mỹ và tay sai. Trong mỗi bước phát triển các chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam đều thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Cục. Trung ương Cục thực sự là trung tâm chỉ đạo chiến tranh nhân dân cách mạng miền Nam.
Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Trung ương Cục tập trung lãnh đạo chỉ đạo những vấn đề thực tiễn đặt ra cấp bách và giải quyết thành công, đưa cách mạng miền Nam vượt qua khó khăn, tiếp tục tiến lên. Đó là thời kỳ đầu chống phá ấp chiến lược và đối đầu với những chiến thuật hiện đại của địch, Trung ương Cục đã tìm ra phương thức phá ấp chiến lược bằng sức mạnh tổng hợp và đánh thắng những chiến thuật hiện đại của địch bằng thế trận chiến tranh nhân dân. Những năm 1965-1966, nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng quyết tâm đánh Mỹ, tìm ra phương châm đánh Mỹ “Bám thắt lưng địch mà đánh”, sáng tạo ra các “Vành đai diệt Mỹ”. Thời kỳ chống phá thủ đoạn bình định cấp tốc, bình định đặc biệt những năm 1969-1971, sau Hiệp định Paris tập trung chỉ đạo chống địch bình định lấn chiếm, tràn ngập lãnh thổ…
Có thể nói, ở mỗi thời điểm lịch sử, nhất là những thời điểm khó khăn hay bước chuyển của cách mạng, nối bật vai trò lãnh đạo chỉ đạo của Trung ương Cục miền Namvà các cấp ủy Đảng trực thuộc.
1 . Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 761.
2 . Trung ương Cục miền Nam: Báo cáo tình hình miền Nam từ cuối năm 1961 đến đầu năm 1964, Lưu trữ tại Viện Lịch sử Đảng, tr. 32-34.
1 . Trong 4 năm 1968-1971, lực lượng vũ trang B2 kết nạp được 63.000 đảng viên lớp Hồ Chí Minh.
2 . Quân đội nhân dân Việt Nam – Ban Tổng kết chiến tranh B2: Đề cương tỷ mỷ báo cáo tổng kết kinh nghiệm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ (B2), tập 5, Lưu trữ Viện Lịch sử Đảng
1 . Một số đồng chí Uỷ viên Trung ương Cục miền Nam gặp hiểm nguy do bom đạn và sự càn quét tìm diệt của kẻ thù như các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phan Văn Đáng, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt… Bộ phận bảo vệ không quản ngại hy sinh và có những đồng chí đã hy sinh thân mình vì sự an toàn của các đồng chí cán bộ lãnh đạo Trung ương Cục.