Tăng cường lãnh đạo công tác quân sự, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối các Đảng, phát huy cao độ tinh thần quyết chiến quyết thắng của lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, đánh bại mọi âm mưu và thủ đoạn quân sự của địch.
Nhận thức rõ chiến tranh cách mạng gắn liền với vai trò và sức mạnh của lực lượng vũ trang, Trung ương Cục mièn Nam đã bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối các Đảng đối với lực lượng vũ trang giải phóng. Tỷ lệ đảng viên trong bộ đội tập trung trên chiến trường B2 từ 27% (1961-1962) lên 35-40% (1965-1966), 40-48% (1967-1968), trung bình 50% (1971-1975). Tháng 10-1963, Quân ủy và Bộ Tư lệnh miền được thành lập, sau đó, Trung ương Cục ra Nghị quyết quy định chế độ Đảng ủy trong lực lượng vũ trang, thành lập Đảng ủy quân sự Miền, khu , tỉnh, ban cán sự ở huyện… giúp cấp ủy Đảng chỉ đạo đấu tranh quân sự. Trong các đơn vị vũ trang tập trung có hệ thống Đảng ủy trung đoàn ủy, tiểu đoàn ủy, chi ủy. Đảng viên xã, ấp phải tham gia lãnh đạo chiến tranh du kích. Trung ương Cục và Quân ủy miền tổ chức nhiều Hội nghị công tác Đảng, công tác chính trị trong đó có hai Hội nghị rất quan trọng tháng 10/1962 và tháng 8/1966 và ban hành hàng chục Nghị quyết, chỉ thị góp phần xây dựng quyết tâm lý tưởng chiến đấu cho các lực lượng vũ trang. Trung ương Cục và Quân ủy Miền tổ chức nhiều Hội nghị chiến tranh du kích và ra nhiều Nghị quyết, chỉ thị về đẩy mạnh đấu tranh quân sự trong đó đặc biệt chú ý đến chiến tranh du kích, vì vậy bên cạnh tác chiến của bộ đội chủ lực, chiến tranh du kích đã gây thất điên bát đảo cho kẻ thù, góp phần xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo của kẻ thù.
Du khách tham quan Khu di tích căn cứ Trung ương Cụ miền Nam tại Tây Ninh
Tăng cường chỉ đạo mũi đấu tranh binh - địch vận, nêu cao tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh giải phóng, khoét sâu mâu thuẫn và tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược
Xác định vị trí chiến lược của công tác binh -địch vận, Trung ương Cục miền Nam xây dựng cơ quan tham mưu và đội ngũ cán bộ chuyên trách là Ban Binh vận các cấp, tổ chức và lãnh đạo toàn dân làm binh -địch vận. Coi công tác binh vận là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục đồng thời căn cứ vào những diễn biến mới của tình hình, Trung ương Cục tổ chức các Hội nghị tổng kết công tác binh -địch vận toàn Miền, ban hành nhiều Nghị quyết, chỉ thị, về đẩy mạnh công tác binh -địch vận. Căn cứ vào tình hình thực tế, đối tượng, hình thức, nội dung công tác binh vận có sự thay đổi cho phù hợp. Từ chỗ tập trung vận động quân đội Sài Gòn chuyển sang vận động cả quân Mỹ và đồng minh của Mỹ, từ binh lính mở rộng lên sĩ quan cấp úy, cấp tá…Hình thức đấu tranh binh vận vô cùng phong phú, tuyên truyền miệng, gửi thư từ, rải truyền đơn, gọi loa, khẩu hiệu, biển báo, dùng máy thông tin quân sự, dùng tù hàng binh kêu gọi, vận động qua gia đình binh sĩ…Tấn công binh vận được chú ý ở vùng địch, các căn cứ quân sự Mỹ-ngụy, trong các trận đánh, các chiến dịch… Nội dung tập trung vào kêu gọi tinh thần dân tộc, thực hiện tốt chính sách tù hàng binh, xây dựng cơ sở cách mạng trong quân đội, cảnh sát địch, thúc đẩy tư tưởng phản chiến, ly khai, tư tưởng hoà bình trung lập, đấu tranh chống bắt lính đôn quân, chống vũ trang đồng bào tôn giáo (Cao Đài, Hoà Hảo), đồng bào dân tộc (Khơme…). Từ 25/01/1972, tập trung tuyên truyền “Chính sách 10 điểm” của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam đối với nguỵ quân. Kết quả đấu tranh binh vận góp phần to lớn vào thắng lợi chung. Trên chiến trường Nam Bộ, từ giữa năm 1961 đến giữa năm 1965 có hơn 255.000 lượt lính ngụy đào ngũ1. Năm 1969, lính Mỹ ở Việt Nam có 1.000 tên đào ngũ, 65.000 tên vắng mặt không xin phép, sự suy sụp tinh thần lan rộng ở tất cả các binh chủng2. Từ năm 1965 đến năm 1972, gần 1 triệu lượt nguỵ binh đào ngũ, “trung bình mỗi năm quân đội Việt Nam cộng hoà mất đi 30% lực lượng chiến đấu vì đào ngũ”3. Sau Hiệp định Paris, đấu tranh binh vận góp phần gỡ 20-30% đồn bốt, làm tan rã 20-40 % lực lượng bảo an, dân vệ4.
Khu di tích Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam tại Tây Ninh
Phát huy cao độ tinh thần tự lực tự cường, phát triển và bảo vệ sản xuất, thực hành tiết kiệm, bảo đảm các hoạt động về kinh tế – tài chính – hậu cần phục vụ đắc lực cho mọi hoạt động kháng chiến
Từ năm 1961, Trung ương Cục tổ chức hệ thống Ban kinh tài và từ năm 1965 xây dựng Hội đồng cung cấp tiền phương các cấp phục vụ cho việc huy động sức mạnh vật chất của hậu phương tại chỗ và tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, sử dụng có hiệu quả sự chi viện của miền Bắc xã hội chủ nghĩa và bạn bè quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục, hoạt động kinh tế tài chính đã tập trung vào những nhiệm vụ khuyến khích cán bộ chiến sĩ và nhân dân tăng gia sản xuất với khẩu hiệu “đi đâu sản xuất đó, có đất là có ăn”, phát động phong trào thi đua giành các danh hiệu “Dũng sĩ sản xuất”, “Lao động nông nghiệp tiên tiến chống Mỹ”, “Chiến sĩ nông nghiệp chống Mỹ”… bảo vệ sản xuất, dự trữ lương thực, chống chính sách vơ vét lúa gạo, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh của địch, tiết kiệm chi tiêu, tăng thu giảm chi, thăng bằng thu chi… Trước nhu cầu ngày càng lớn, từ năm 1962, bên cạnh hình thức lạc quyên, Trung ương Cục chỉ đạo các khu thu đảm phụ giải phóng đối với nông nghiệp, công thương nghiệp, đồn điền, đảm phụ đối với nông lâm thủy sản, thu xuất nhập thị, phát hành “công phiếu giải phóng”…Số thu đảm phụ thời kỳ 1961-1965 chiếm khoảng 65% tổng số thu ngân sách toàn miền Nam, còn 35% do Trung ương chi viện (không kể vũ khí đạn dược, phương tiện chiến tranh)5. Ngày 2/10/1968, TƯCMN ban hành chính sách đảm phụ nông nghiệp và công thương nghiệp bảo đảm một khối lượng lớn lương thực và hàng hoá tại chỗ cho kháng chiến. Căn cứ vào điều kiện thực tế, đảm phụ nông nghiệp chiếm 12-15% sản lượng ở đồng bằng sông Cửu Long và 6-10% sản lượng ở Đông Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ. Đảm phụ công thương nghiệp từ 5- 16%, xuất nhập thị từ 5-10%, xuất khẩu qua Campuchia từ 5-10%6. Sau thời kỳ khó khăn 1969-1972, đến năm 1974, số thu đã bảo đảm số chi. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, nhân dân trên khắp các vùng đã tích cực đóng góp, bảo đảm một phần kinh phí cho hoạt động kháng chiến.
Năm 1966, Trung ương Cục thành lập Phòng Hậu cần Miền, tập trung chỉ đạo công tác hậu cần tại chỗ với khẩu hiệu “ba có, bốn được” (Có dân, có chỗ đứng, có vật chất; Mua được, vận chuyển được, bảo quản được, sử dụng được), tổ chức các khu vực hậu cần, các đoàn hậu cần…Trung ương Cục chủ trương khai thác nguồn cung cấp tại chỗ ở mức cao nhất, ưu tiên lương thực, thực phẩm. Trong 3 năm (1966- 1968), Hậu cần Miền thu mua tại chỗ được 44.510 tấn lương thực, thực phẩm, tiếp nhận 23.668 tấn từ miền Bắc. Trong 3 năm (1970-1972), Hậu cần Miền thu mua tại chỗ 174.000 tấn gạo, muối trong đó mua tại Campuchia 161.000 tấn gạo, 6.286 tấn xăng dầu…Năm 1973, nhân dân khu IX đã đóng góp 34.00 tấn thóc, sáu tháng đầu năm 1974, đóng góp 48.000 tấn thóc. Năm 1973, khu VIII cung cấp cho Đông Nam Bộ 40.000 tấn gạo, trong đó 10.000 tấn từ vùng giải phóng và 30.000 tấn từ vùng địch. Thu tài chính năm 1973: 770 triệu đồng tiền miền Nam, sáu tháng đầu 1974: 1.136 triệu đồng miền Nam. Trước cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Hậu cần tại chỗ đã dự trữ được trên 40.000 tấn vật chất, bằng 2/3 tổng nhu cầu vật chất của kế hoạch bảo đảm hậu cần đề ra7.
Quỳnh Chi (Còn tiếp)
1 . Quân đội nhân dân Việt Nam-Tổng cục chính trị: Tổng kết công tác binh -địch vận trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002, tr. 105.
2 . Quân đội nhân dân Việt Nam-Tổng cục chính trị: Tổng kết công tác binh -địch vận…Sđd, tr. 43-44.
3 . Gabrien Côncô: Giải phẫu một cuộc chiến tranh- Việt Nam, Mỹ và kinh nghiệm lịch sử hiện đại, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1989, tr. 254.
4 . Quân đội nhân dân Việt Nam-Tổng cục chính trị: Tổng kết công tác binh -địch vận…Sđd, tr. 173.
5 . Bộ tài chính- Viện nghiên cứu Tài chính: Tài chính Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, Nxb. Tài chính, Hà Nội, 2001, tr. 250.
6 . Bộ tài chính- Viện nghiên cứu Tài chính: Tài chính Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, Sđd, tr. 252-253.
7 . Xem Đề cương tỷ mỷ báo cáo tổng kết kinh nghiệm ….Sđd.