Công tác dân vận- mặt trận đã đoàn kết, phát huy sức mạnh các tầng lớp nhân dân miền Nam, đấu tranh vì mục tiêu độc lập dân tộc, dân chủ, hoà bình, thống nhất Tổ quốc
Cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam không thể tách rời sự giác ngộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nhận thức tầm quan trọng của công tác dân vận, Trung ương Cục thành lập các cơ quan chuyên môn làm công tác dân vận ở các cấp. Đối tượng vận động rộng rãi, công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo …Trung ương Cục ra nhiều chỉ thị, Nghị quyết và tổ chức nhiều Hội nghị công tác dân vận, mặt trận để tổng kết kinh nghiệm, tăng cường chỉ đạo, chính vì thế đã động viên được đông đảo các tầng lớp nhân dân từ nông thôn đến thành thị hăng hái tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tạo nên tính chất toàn dân, sức mạnh vô địch trước kẻ thù hung bạo. Công tác dân vận của Trung ương Cục đã thực sự động viên được hàng triệu đồng bào Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ đứng lên đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hiệu quả công tác dân vận thể hiện bằng sự đóng góp to lớn sức người sức của và phong trào đấu tranh mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân miền Nam chống đế quốc Mỹ và tay sai.
Sau cao trào đồng khởi, ngày 20/12/1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Trung ương Cục tổ chức Ban Mặt trận, qua đó giữ vai trò lãnh đạo đối với Mặt trận đấu tranh chống các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai. Các đồng chí Phan Văn Đáng (Phan Xuân Thái), Võ Chí Công, Trần Nam Trung (Trần Lương), Trần Bạch Đằng, Lê Thị Riêng, Nguyễn Thị Định…tích cực hoạt động trong Mặt trận. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, qua các kỳ đại hội, ngày càng lớn mạnh, trở thành trung tâm đoàn kết, quy tụ hàng chục tổ chức và cá nhân yêu nước, dân chủ, tiến bộ, không phân biệt đảng phái, giai cấp, dân tộc..chống đế quốc Mỹ và tay sai. Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, nhằm đoàn kết rộng rãi hơn nữa các lực lượng tiến bộ, nhất là tầng lớp trên, Trung ương Cục chỉ đạo thành lập Mặt trận 2- Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình miền Nam Việt Nam, tạo thêm sức mạnh cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy chế độ tay sai của Mỹ nhanh đến ngày tàn của nó.
Nhà làm việc của đồng chí Nguyễn Văn Linh tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam
Từng bước xây dựng chính quyền cách mạng từ cơ sở đến Trung ương góp phần tạo nên thắng lợi to lớn về chính trị và ngoại giao
Trong những năm đen tối 1958-1960, chính quyền cách mạng nhen nhóm, phôi thai từ những “làng rừng” ở Cà Mau, Bạc Liêu. Sau Đồng khởi, do chưa có điều kiện thành lập chính quyền cách mạng các cấp, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam giữ vai trò chính quyền cách mạng. Tuy nhiên, ở những vùng căn cứ, vùng giải phóng vấn đề xây dựng chính quyền sớm được Trung ương Cục miền Nam nghiên cứu, chỉ đạo. Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, vấn đề xây dựng chính quyền cách mạng đặt ra cấp bách, Trung ương Cục đã thành lập Ban Chỉ đạo chính quyền và ra nhiều chỉ thị lãnh đạo công tác xây dựng chính quyền (tiêu biểu là các chỉ thị ngày 15/01/1968, 29/02/1968, 25/5/1968, 14/3/1969, 5/10/1969, 10/4/1972, 25/6/1972, 30/12/1973…). Chính vì thế công tác xây dựng chính quyền cách mạng giành thành tựu lớn. Đến đầu năm 1969, Nam Bộ và Khu VI đã xây dựng chính quyền cách mạng ở 300/ 1200 xã toàn miền Nam, 7/121 huyện, 2/44 tỉnh (Cà Mau, Mỹ Tho)1. Đến 6/6/1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra đời, trở thành người đại diện chân chính cho cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam, đem lại cho cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam những thắng lợi mới, nhất là trên mặt trận ngoại giao.
Ra sức xây dựng căn cứ địa-vùng giải phóng về mọi mặt, kết hợp sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc và căn cứ địa hậu phương tại chỗ, bảo vệ Đảng , bảo vệ dân, tạo thế, tạo lực tiến lên đánh bại kẻ thù
Xuất phát từ yêu cầu khách quan do sự đánh phá của kẻ thù và từ kinh nghiệm thực tiễn của cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như giai đoạn đầu kháng chiến chống Mỹ, Trung ương Cục miền Nam ý thức rõ tầm quan trọng của căn cứ địa, chỗ đứng chân và tập trung chỉ đạo công tác này. Căn cứ địa- vùng giải phóng của Trung ương Cục và các Khu ủy, tỉnh ủy được chú ý xây dựng bảo vệ cơ quan lãnh đạo kháng chiến ở cấp miền, khu, tỉnh. Trung ương Cục tổ chức Ban An toàn khu, rồi đổi là Ban Căn cứ để lãnh đạo công tác xây dựng căn cứ dịa một cách toàn diện về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá - xã hội …Chính vì thế, bên cạnh hậu phương lớn miền Bắc, căn cứ địa hậu phương tại chỗ, tuy có lúc thu hẹp, lúc mở rộng nhưng có vai trò to lớn trong việc bảo đảm an toàn cho các cơ quan đầu não kháng chiến và bước đầu xây dựng mầm mống chế độ dân chủ nhân dân.
Sa bàn Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam
Quá trình xây dựng căn cứ địa hậu phương là quá trình cán bộ, chiến sĩ và nhân dân phát huy tinh thần tự lực cánh sinh cao độ, khắc phục khó khăn, giải quyết sự thiếu thốn của mỗi khu (Khu VII thiếu lương thực, Khu VIII, IX thiếu vũ khí, Khu VI thiếu toàn diện). Đó cũng là quá trình gắn liền với việc đánh bại các âm mưu và thủ đoạn chiến lược của địch. Tiêu biểu là từ 21/2 đến 15/4/1967, Trung ương Cục trực tiếp tổ chức, lãnh đạo quân và dân vùng căn cứ Bắc Tây Ninh mở chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Junction City- cuộc hành quân lớn nhất của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Căn cứ địa- vùng giải phóng được xây dựng rộng khắp ở Tây Ninh, Đồng Tháp Mười, U Minh, Long An, Bình Long…giai đoạn cuối cuộc kháng chiến căn cứ địa-vùng giải phóng mở rộng, kéo dài từ Tây Nguyên qua Đông Nam Bộ, Trung Nam Bộ xuống Tây Nam Bộ, tạo chỗ đứng chân cho Trung ương Cục, Mặt trận, các sư đoàn chủ lực giải phóng và bảo đảm hành lang tiếp tế hậu cần to lớn trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến. Nhận xét về căn cứ địa Trung ương Cục đứng chân ở Đông Nam Bộ , đồng chí Lê Duẩn viết: “ Miền rừng núi Đông Nam Bộ và khu VI đối với Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long có vị trí tương tự khu căn cứ Việt Bắc đối với Hà Nội và đồng bằng Bắc Bộ trước đây trong kháng chiến chống Pháp”1.
Phác thảo một vài nét về tổ chức và hoạt động lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta có thể khẳng định Trung ương Cục đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử mà Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương giao phó. Lịch sử Trung ương Cục miền Nam là minh chứng sinh động cho sự thành công về tổ chức và lãnh đạo của Đảng trong cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam.