Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, việc thành lập Trung ương Cục miền Nam cho thấy thành công về tổ chức và lãnh đạo của Đảng đối với chiến tranh cách mạng miền Nam, nhất là trên địa bàn Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ. Trong 15 năm hoạt động (1961-1975), Trung ương Cục miền Nam đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình
Tái lập Trung ương Cục miền Nam
Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Xứ ủy Nam Bộ là cơ quan trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Nam Bộ. Tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng, Trung ương Đảng chủ trương thành lập Trung ương Cục miền Nam, tăng cường sự lãnh đạo của Trung ương Đảng đối với chiến trường Nam Bộ. Ngày 07/6/1951, Trung ương Cục miền Nam được thành lập do đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư.
Ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneva được ký kết, kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được giải phóng, miền Nam tạm thời nằm dưới sự chiếm đóng của thực dân Pháp và tay sai. Trước tình hình, nhiệm vụ mới, Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 5-6/9/1954 chủ trương giải thể Trung ương Cục miền Nam, tái lập Xứ ủy Nam Bộ.
Tháng 10/1954, tại vùng căn cứ Chắc Băng, Vĩnh Thuận, Cà Mau, Xứ ủy Nam Bộ được thành lập, do đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư.
Qua hơn 5 năm phong trào cách mạng Nam Bộ chuyển hướng đấu tranh, cuối năm 1959, tình hình đã có nhiều thay đổi đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng đối với cách mạng miền Nam nói chung, cách mạng Nam Bộ nói riêng.
Tháng 9/1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đề ra hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng cho hai miền Nam-Bắc. Đại hội nhận rõ bước phát triển vượt bậc của cách mạng miền Nam từ sau cao trào đồng khởi và chủ trương tăng cường sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với cách mạng miền Nam. Điều 24, Điều lệ Đảng sửa đổi ghi rõ: “Ban Chấp hành Trung ương có thể cử ra một số ủy viên Trung ương thành lập Trung ương cục phụ trách chỉ đạo công tác Đảng ở những Đảng bộ đặc biệt trọng yếu”[1].
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Lê Duẩn (Ảnh tư liệu)
Trong bức điện ngày 11/10/1959 gửi Trung ương Đảng, Xứ ủy Nam Bộ kiến nghị phát động đấu tranh vũ trang, duy trì và mở rộng căn cứ địa cách mạng. Về tổ chức, Xứ ủy Nam Bộ kiến nghị Trung ương Đảng xúc tiến việc thành lập Trung ương Cục miền Nam.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội III, ngày 23/01/1961, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III) quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam và qui định rõ về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung ương Cục miền Nam.
Về tổ chức, Trung ương Cục miền Nam là một bộ phận Ban Chấp hành Trung ương Đảng, gồm một số đồng chí Uỷ viên Trung ương được Ban Chấp hành Trung ương Đảng cử ra và được uỷ nhiệm chỉ đạo toàn bộ công tác của Đảng ở miền Nam. Trung ương Cục miền Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, do Bộ Chính trị thờng xuyên thay mặt Trung ương trực tiếp chỉ đạo.
Trung ương Cục miền Nam có một Bí thư, một hoặc hai Phó Bí thư do Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ định và Ban Thường vụ do Hội nghị Trung ương Cục bầu cử. Tuỳ theo tình hình và yêu cầu công tác, Trung ương Cục miền Nam tổ chức các cơ quan giúp việc như các Ban Quân sự, Ban An ninh, Ban Hậu cần, Ban Tuyên huấn…. Trung ương Cục họp thường lệ sáu tháng một lần, nhưng tuỳ theo tình hình, có thể họp sớm hơn hoặc muộn hơn.
Ban Chấp hành Trung ương quy định nhiệm vụ của Trung ương Cục miền Nam như sau:
- Căn cứ vào Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng và những chỉ thị, nghị quyết của BCHTƯĐ và Bộ Chính trị về cách mạng miền Nam mà đề ra chủ trương, chính sách, phương châm, kế hoạch công tác chỉ đạo cụ thể ở miền Nam. Đối với những vấn đề có quan hệ đến toàn quốc và kế hoạch chung toàn miền Nam thì phải xin chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị. Trong trường hợp đặc biệt cấp bách không kịp xin chỉ thị của Trung ương, Trung ương Cục có quyền đề ra những chủ trương, chính sách lớn để đối phó kịp thời với tình hình, nhưng phải báo cáo ngay với Trung ương Đảng và Bộ Chính trị.
- Chấp hành cương lĩnh và những quy định cụ thể của Trung ương và Điều lệ Đảng đối với Đảng bộ miền Nam mà tổ chức ra Đảng bộ các cấp ở miền Nam và lãnh đạo các Đảng bộ đó hoạt động.
- Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng quản lý và phân phối cán bộ của Đảng ở miền Nam.
- Quy định Đảng phí, quản lý, phân phối tài chính của Đảng ở miền Nam.
- Từng thời kỳ báo cáo mọi mặt tình hình và công tác của Đảng bộ miền Nam lên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 10/1961, Trung ương Cục miền Nam chính thức thành lập.
Từ khi thành lập đến cuối năm 1964, Trung ương Cục lãnh đạo công tác Đảng toàn miền Nam. Cuối năm 1964, Liên khu uỷ V do Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo, phạm vi lãnh đạo của Trung ương Cục gồm Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ.
Thời điểm Trung ương Đảng quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam, đế quốc Mỹ và tay sai chưa chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, điều đó càng cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của Trung ương Đảng. Thực tiễn tổ chức và hoạt động của Trung ương Cục trong 15 năm (1961-1975) đã minh chứng rõ điều đó.
Hội trường lớn của Trung ương Cục miền Nam tại vùng căn cứ Tây Ninh
Đáp ứng nhu cầu về tổ chức cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh cách mạng giải phóng miền Nam
Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng dự kiến hai khả năng phát triển của cách mạng miền Nam.
Thứ nhất, nhân dân miền Nam tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.
Thứ hai, đế quốc Mỹ can thiệp bằng quân sự để cứu vãn chính quyền tay sai ở miền Nam. Trong trường hợp đó, cuộc khởi nghĩa sẽ chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ.
Trên thực tế, cách mạng miền Nam diễn biến theo khả năng thứ hai. Trước sức mạnh của phong trào đồng khởi, đế quốc Mỹ ngày càng can thiệp sâu hơn vào miền Nam, đưa cố vấn quân sự và quân đội vào tiến hành chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, cứu nguy cho chế độ độc tài Ngô Đình Diệm.
Hành động xâm lược của đế quốc Mỹ không những làm cho vấn đề thống nhất đất nước trở nên khó khăn hơn bao giờ hết mà còn đe doạ trực tiếp đến hoà bình, ổn định của miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Về lý luận, nhiệm vụ cách mạng đòi hỏi công tác tổ chức và cán bộ phải ngang tầm. Chuyển từ nhiệm vụ đấu tranh đòi địch thi hành Hiệp định Geneva, thống nhất Tổ quốc bằng phương pháp hoà bình sang lãnh đạo chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam bằng con đường bạo lực đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo của một cơ quan cao hơn cấp xứ. Đó là yêu cầu khách quan.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng miền Nam, Xứ ủy Nam Bộ có vai trò to lớn, song về lâu dài, bộ máy, chức năng, quyền hạn, phạm vi lãnh đạo của Xứ ủy cần phải điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu ngày càng lớn của cách mạng miền Nam.
Về chủ quan, trong quá trình lãnh đạo cách mạng miền Nam, nhiều vấn đề nhất là những vấn đề về chỉ đạo thực tiễn, đòi hỏi sự lãnh đạo nhanh nhạy, kịp thời, quyết đoán của Đảng. Tình hình diễn biến mau lẹ, Nam Bộ là chiến trường xa Trung ương, giao thông liên lạc khó khăn, việc nắm tình hình gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, Xứ ủy Nam Bộ, cơ quan thay mặt Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng ở Nam Bộ không đủ thẩm quyền ra những quyết định có liên quan đến đường lối chiến lược của Đảng. Chính vì thế, phong trào cách mạng gặp nhiều khó khăn do thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, chính xác của Đảng. Trên chiến trường miền Nam, lúc này có hai cơ quan lãnh đạo Đảng phụ trách hai địa bàn ở miền Nam: Xứ ủy Nam Bộ lãnh đạo phong trào cách mạng Nam Bộ, Liên khu ủy V lãnh đạo phong trào cách mạng Liên khu V. Vấn đề đặt ra là phải phối hợp chiến trường một cách nhịp nhàng, ăn khớp, phải “chia lửa” để chống lại một cách có hiệu quả những âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và tay sai. Một cơ quan Đảng lãnh đạo thống nhất toàn chiến trường miền Nam là cần thiết.
Với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Trung ương Cục chú ý xây dựng hệ thống tổ chức thống nhất từ Trung ương Cục đến chi bộ.
Các đồng chí Ủy viênTrung ương Cục bao gồm những Uỷ viên Trung ương, dù được tăng cường từ miền Bắc vào hay trưởng thành từ phong trào tại chỗ, đó đều là những đồng chí có đức, có tài, dày dạn kinh nghiệm lãnh đạo chiến tranh cách mạng, suốt đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc2.
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.21, tr. 797.
2. Các đồng chí Uỷ viên Trung ương Cục 1961- 1975: Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc); Võ Chí Công (Năm Công); Phan Văn Đáng (Hai Văn); Trần Lương (Trần Nam Trung); Phạm Văn Xô (Hai Xô); Võ Văn Kiệt (Sáu Dân); Phạm Thái Bường (Ba Bường); Nguyễn Hữu Xuyến; Mai Chí Thọ; Phạm Hùng (Bảy Cường);Trần Bạch Đằng (Tư Ánh); Trần Trọng Tân (Hai Tân); Nguyễn Chí Thanh (Anh Xuân); Trần Văn Trà (Tư Chi, Tư Nguyên); Trần Lê (Năm Hoà); Nguyễn Minh Đường, Trần Văn Quang (Bảy Tiến); Hoàng Văn Thái (Mười Khang, Tám Thành), Trương Chí Cương…