Chiến dịch Tây Bắc (14/10 đến 10/12/1952) - thắng lợi khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mau tới ngày thắng lợi
Xác định vị trí của Chiến dịch Tây Bắc
Tây Bắc[1] là một vùng chiến lược quan trọng đối với cả ta và địch. Phía Pháp chọn Tây Bắc là nơi đứng chân để uy hiếp Việt Bắc và che chở cho vùng Thượng Lào. Tây Bắc “là một vị trí chiến lược quan trọng chẳng những đối với chiến trường Đông Dương, mà còn đối với miền Đông Nam Á”[2], một “bàn xoay có thể xoay đi bốn phía Việt Nam, Lào, Miến Điện, Trung Quốc và là chiếc chìa khoá bảo vệ Thượng Lào”[3].
Tây Bắc đối với nước ta luôn có một vị trí chiến lược quan trọng. Trung ương Đảng nhận định, Tây Bắc là “địa hình địch yếu hơn hết ở Bắc Bộ, địa hình có phần thuận lợi cho ta…một chiến trường xa và rộng, dân thưa và nghèo, đồng bào thiểu số căn bản tốt; họ bị địch áp bức nặng nề, nhưng cũng bị chúng lừa gạt và một số bị chúng mê hoặc và lợi dụng”[4]. Do đó “Mỗi tấc đất miền Tây là một tấc đất của Tổ quốc Việt Nam, chúng ta không thể để cho địch dễ dàng dẫm lên được”.
Chọn Tây Bắc để mở chiến dịch tiến công, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh đã có sự cân nhắc đúng đắn trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình địch ta chính xác, khách quan và khoa học. Ta đưa chủ lực đánh vào một địa bàn chiến lược hiểm yếu ở rừng núi, nơi địch tương đối yếu và sơ hở. Chiến dịch tiến công Tây Bắc nhằm mục tiêu đánh vào âm mưu “chia để trị”, “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của địch.
Bộ đội hành quân lên Mặt trận Tây Bắc (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Chủ trương, sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tháng 4/1952, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị lần thứ 3. Tại Hội nghị, Trung ương nghiêm túc kiểm điểm, phê phán những nhận thức và tư tưởng nôn nóng muốn đánh nhanh, thắng nhanh, quán triệt đường lối “trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh”[5]. Trung ương nhận định: “Trong thời kỳ đầu, ta yếu hơn địch, nên phải đánh lâu để tiêu hao lực lượng địch, giữ gìn, bồ dưỡng lực lượng ta, khiến ta từ chỗ yếu hơn địch tiến lên bằng sức địch rồi mạnh hơn địch và tiêu diệt hoàn toàn địch. Trái lại, địch từ chỗ mạnh hơn ta, bị ta tiêu hao dần, tụt xuống bằng sức ta, rồi yếu hơn ta và bị ta tiêu diệt”[6].
Từ những phân tích, nhận định đánh giá đúng đắn, chính xác và khoa học nói trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đề ra chủ trương: Tiếp tục phát huy quyền chủ động chiến lược, mở chiến dịch tiến công địch trong Thu- Đông 1952 với phương châm: Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh.
Trên thực tế, từ ngay sau thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình, chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh mở chiến dịch Tây Bắc đã được hình thành. Tháng 2/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị đã có ý định sơ bộ mở các chiến dịch tiến công địch trên hướng Tây Bắc và Thượng Lào; đã giao cho Bộ Tổng Tư lệnh nghiên cứu, chuẩn bị, mục tiêu chiến dịch là nhằm “Tiêu diệt sinh lực địch, kể cả quân tăng viện từ đồng bằng lên, giải phóng một vùng rộng lớn ở Tây Bắc và Thượng Lào, tranh thủ nhân dân”[7]. Giải phóng được Tây Bắc và Thượng Lào còn có ý nghĩa mở rộng thêm hậu phương chiến lược, liên kết được chiến trường hai nước, mở rộng thêm được đường liên lạc với quốc tế. Đặc biệt giải phóng được Tây Bắc là bước đầu của chiến lược giành quyền làm chủ vùng rừng núi suốt từ Việt Bắc, Tây Bắc đến miền Đông Nam Bộ, tạo điều kiện đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Cam pu chia7.
Ngày 28/9/1952, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị mở chiến dịch tiến công Tây Bắc. Chỉ thị nêu rõ: “Chiến trường này nơi địch yếu hơn hết ở Bắc Bộ, thành phần ngụy binh nhiều, bố trí tương đối phân tán, địa hình có phần thuận lợi cho ta”. Mục đích của chiến dịch là: Tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ nhân dân, giải phóng một bộ phận đất đai có tính chất quan trọng về chiến lược”. “Trung ương Đảng quyết định tập trung binh lực, tập trung cán bộ và phương tiện, tập trung nhân lực vật lực, giành cho được toàn thắng”[8].
Tại Hội nghị cán bộ Chiến dịch Tây Bắc trong các ngày 6,7,8,9 tháng 9/1952, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nêu rõ: “Tranh thủ nhân dân” thực chất là giải phóng đồng bào, mà ở Tây Bắc “chỉ còn đồng bào Thái… là bị địch lợi dụng, giày xéo và thống trị”[9].
Tiến công tiêu diệt cứ điểm Gia Phù (Sơn La) (Ảnh tư liệu)
Với tầm quan trọng của Chiến dịch Tây Bắc 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có sự quan tâm dặc biệt. Ngày 9/9/1952, Người đến dự Hội nghị cán bộ chuẩn bị Chiến dịch Tây Bắc. Trong bài nói tại Hội nghị cán bộ chuẩn bị Chiến dịch Tây Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị: “Trung ương Đảng và Tổng Quân uỷ đã cân nhắc kỹ chỗ dễ và chỗ khó của chiến trường sắp đến, và quyết tâm là chiến dịch này phải đánh cho thắng lợi. Quyết tâm của Trung ương chưa đủ, còn phải để cho các chú cân nhắc kỹ thấy rõ cái dễ và cái khó để truyền cái quyết tâm đó cho các chú. Trung ương và các chú quyết tâm cũng chưa đủ, mà phải làm cho quyết tâm đó xuống đến mọi người chiến sĩ. Quyết tâm đó từ Trung ương qua các chú mà đến người chiến sĩ. Quyết tâm đó phải thành một khối thống nhất từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên. Quyết tâm không phải nói đầu miệng mà phải tin tưởng sâu sắc…”[10].
Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay soạn thảo và cho công bố “Tám điều mệnh lệnh của Chính phủ Dân chủ cộng hoà Việt Nam”. Tám điều mệnh lệnh của Chính phủ quy định rõ: phải bảo vệ tính mệnh và tài sản của nhân dân; bảo vệ nghề nghiệp làm ăn của nhân dân; tịch thu tài sản của giặc Pháp và bọn phản quốc giao cho chính quyền nhân dân xử trí (chia cho dân); bảo vệ đền chùa nhà thờ, trường học, nhà thương và các cơ quan văn hoá, xã hội khác, bảo vệ tính mạng, tài sản của kiều dân nước ngoài…[11].
Ngày 1/10/1952, Người viết thư gửi các cán bộ và chiến sĩ Chiến dịch Tây Bắc. Tại Hội nghị cán bộ chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, Chính phủ đã có quy định, các chú và bộ đội phải làm đúng… Các chú phải làm thế nào khi mình đến thì đồng bào hoan nghênh, khi đóng quân thì đồng bào vui vẻ giúp đỡ, khi mình đi thì đồng bào quyến luyến…”[12].
Thắng lợi Chiến dịch Tây Bắc là thắng lợi của sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi Chiến dịch Tây Bắc thắng lợi, ngày 16/12/1952, Ban Chấp hành Trung ương Đảng gửi thư tới cán bộ và chiến sĩ chiến thắng ở Mặt trận Tây Bắc. Trong thư, Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định: “Thu Đông năm nay quân ta chiến thắng ở Tây Bắc. Nhìn cả chiến trường Bắc Bộ thì cùng với chiến thắng đồng bằng, đó là thắng lợi lớn”[13].
Chiến thắng Tây Bắc đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lên một bước phát triển mới.
Đặng Oanh
[1] Tháng 7/1952, Trung ương Đảng quyết định thành lập Khu Tây Bắc gồm các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu. Ngày 28/1/1953, sau khi Chiến dịch Tây Bắc kết thức thắng lợi, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký sắc lệnh 134/SL, chính tức thành lập Khu Tây Bắc, sau khi Chiến dịch Tây Bắc kết thức thắng lợi
[2] G. Xabachiê: Số phận Đông Dương, kỷ niệm và tư liệu, 1941-1951, Nxb Plông, Paris, 1952.
[3] H.Nava: Đông Dương hấp hối, Nxb Plông, Pari, 1956, Dẫn theo Điện Biên Phủ hợp tuyển công trình khoa học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.111-112.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.13, tr 304
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.13, tr 65
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.13, tr 65-66
[7] Bộ Quốc Phòng- Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Tổng kết tác chiến chiến lược trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 - 1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 158.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2001, t.13, tr. 304
[9] Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập luận văn, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội 2006, tr.295.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7, tr. 481.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7, tr. 487-490
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7, tr. 483.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.13, tr. 373