Con đường Trường Sơn là con đường đẹp nhất của tuổi trẻ. Trên con đường ấy, biết bao người lính, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến bước vào trận tuyến gian khổ, hy sinh, chết chóc, đau thương mà không hề yếu mềm, bi lụy, để lại ký ức về huyền thoại một con đường kỳ vĩ bậc nhất lịch sử dân tộc.
Cuối năm 1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đi vào giai đoạn quyết định và ác liệt, ngày 27-11-1972, Bộ Tư lệnh Trường Sơn khởi công xây dựng Đường Hồ Chí Minh để vận tải bằng cơ giới, khởi đầu từ km số 0 là thị trấn Lạt (Tân Kỳ, Nghệ An) nối đến tận Lộc Ninh (Bình Phước) - dài hơn 20.000.000 km gồm hệ thống 5 trục dọc, 21 trục ngang (riêng đường Đông Trường Sơn có chiều dài 1920 km). Từ đây, đường được nâng cấp xây dựng, quy mô, quân đi rầm rập ngày đêm bằng cơ giới. Mở tuyến đường Trường Sơn 559 là một quyết định đúng đắn, một sáng tạo độc đáo về chiến lược, chiến thuật quân sự của Đảng ta, đồng thời là quyết tâm to lớn của toàn quân, toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đau thương mà anh hùng. Tuyến đường Trường Sơn được khởi nguồn từ nỗi nhớ, từ trái tim khắc khoải hướng về đồng bào miền Nam ruột thịt của Bác Hồ kính yêu. Đường Trường Sơn còn là biểu tượng của tình đoàn kết quốc tế cao cả Việt-Lào-Campuchia. Con đường huyền thoại đó đã làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình trong cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đứng vững trước sự tàn bạo, khốc liệt của chiến tranh. Ảnh: ttxvn
Trường Sơn - ký ức không thể nào quên
Suốt 16 năm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, con đường Trường Sơn ngày càng vươn dài khắp tuyến dọc ngang từ Bắc vào Nam.
Môi trường hoạt động hồi đó vô cùng nghiệt ngã, hiểm nguy nên đoàn phải thực hiện mệnh lệnh: “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Người lính Trường Sơn phải nếm chịu muôn vàn vất vả, gian nguy: phải sống trong rừng với điệp trùng dốc đèo, vách đá, vực sâu. Những chặng hành quân là hành trình “vạch lá tìm đường”, ngày ngày “nộp thuế máu cho sên vắt, nộp màu da trai cho sốt rét rừng” và oằn mình dưới mưa bom bão đạn quân thù, luôn cận kề cái chết.
Nhưng con đường Trường Sơn cũng là con đường đẹp nhất của tuổi trẻ. Biết bao người lính thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến bước vào trận tuyến gian khổ, hy sinh, chết chóc, đau thương mà không hề yếu mềm, bi lụy. Họ vào chiến trường lửa đạn mà “tiếng hát át tiếng bom”, lòng “vui như trẩy hội”, háo hức nhiệt thành, luôn lạc quan, yêu đời, lãng mạn: “Mày lên đường hôm trước. Tao ra đi hôm sau/ Trường Sơn gánh cả nước/Hai đứa mình đuổi nhau”. Tuyến đường ấy là nơi hội ngộ của những con người trẻ tuổi, trẻ lòng. Đó là o thanh niên xung phong chọc ghẹo anh lính lái xe “không kính” để đón nhận câu trả lời hóm hỉnh: “Xe không kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật bom rung kính vỡ mất rồi”. Đó là anh nuôi quân bên bếp Hoàng Cầm hát vang bài “Nổi lửa lên em” để động viên mấy chàng lính trẻ “nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi”. Đó là cô bác sĩ quân y tập làm người mẹ trẻ yêu đời hát ru thương binh, hy vọng đến ngày đất nước khải hoàn... Đó là cuộc gặp vội vã với lời “hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn” trong ngày toàn thắng. Trường Sơn là nơi tình yêu riêng tư hoà làm một cùng tình yêu Tổ quốc, để rồi mỗi cá nhân mang trái tim yêu cháy bỏng đó đã bình thản trước những “cuộc chia ly màu đỏ” mà để lại cho đời những những “cánh nhạn lai hồng” bất tử để làm nên một dáng hình đất nước Việt Nam “máu và hoa”... Cả một khung trời kỷ niệm đau thương mà nồng nàn thi vị ấy là ký ức không thể nào quên của dân tộc ta, nhân dân ta. Không biết bao nhiêu bài thơ, câu hát đã hòa cùng đại ngàn hùng vĩ làm nên bản hòa ca về một Trường Sơn anh hùng, tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng. Dọc Trường Sơn, địa danh nào, binh chủng nào, đơn vị nào cũng hóa thành nhạc, thành thơ.
Để Trường Sơn còn mãi
Ngày 13-5-2011, Bộ trưởng Nội vụ đã ra Quyết định số 1032/QÐ-BNV, cho phép thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn - Ðường Hồ Chí Minh Việt Nam. Hội Truyền thống Trường Sơn ra đời, một lần nữa ghi nhận sự đánh giá của Ðảng và Nhà nước đối với lịch sử Ðường Trường Sơn huyền thoại, đồng thời còn là cơ hội để tiếp tục phát huy truyền thống Trường Sơn anh hùng trong sự nghiệp đổi mới, trong cuộc sống mới. Đây là chủ trương đúng đắn, kịp thời, phù hợp với quy luật khách quan và của lòng người. Hội Trường Sơn hiện nay đã có chỗ đứng của mình: xếp thứ 46 trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặc dù là một tổ chức xã hội, không mang màu sắc chính trị (áp dụng theo Luật Hội, tháng 11/2016, Quốc hội khóa 14 thông qua), nhưng Hội có truyền thống vẻ vang, có kỳ tích đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cũng đang có những thành quả nhất định trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước hiện nay.
Quân ta vận chuyển bằng gùi, xe thồ, nhỏ lẻ với cung ngắn trên con đường bí mật xuyên rừng rậm, núi cao trong giai đoạn đầu trên tuyến vận tải chiến lược. Ảnh: ttxvn
Những người lính trở về từ con đường huyền thoại đó là lắng đọng Trường Sơn, là hiện thân của Trường Sơn một thời tuổi trẻ, là nhân chứng sống của Trường Sơn còn lại hôm nay, mỗi người một câu chuyện, mỗi người một kỷ niệm về chính mình, về đồng đội mình, về những năm tháng không thể nào quên của cả dân tộc. Thế hệ trẻ hôm nay nghe kể về Trường Sơn mà trong lòng trào dâng biết bao cảm xúc. Nhưng chúng ta - người may mắn được hưởng thành quả mà lớp lớp thế hệ cha anh đã đánh đổi bằng xương máu, phải làm gì, để hiểu nhiều hơn về lịch sử, biết tri ân các bậc tiền nhân, biết tôn trọng, bảo vệ và phát huy truyền thống? Trong khi đường Trường Sơn Việt Nam đã được cả thế giới biết đến, cả thế giới thừa nhận, khâm phục, ngưỡng mộ và tìm tòi, nghiên cứu nhằm khám phá những điều kỳ diệu, bí ẩn và phi thường trong cuộc chiến thần kỳ của dân tộc Việt Nam, thì có lúc, ở một bộ phận người Việt trẻ, việc học sử, tìm hiểu lịch sử hiện nay đang có phần bị xem nhẹ. Chiến tranh đã lùi xa, nếu không có sự tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức thì lịch sử không thể là tấm gương soi giúp thế hệ mai sau soi vào với sự trân trọng, biết ơn và rút ra những bài học quý giá.
Trong số những người lính Trường Sơn năm xưa may mắn trở về, không ít người mang di chứng chiến tranh, đang ngày đêm âm thầm chịu đựng sự hành hạ của vết thương cũ khi trái gió trở trời. Và cũng còn một số người trong số đó, vì những lý do nào đó mà chưa được thừa nhận, chưa được hưởng chế độ chính sách đáng được hưởng. Trong khi Đảng và Nhà nước đang tìm mọi giải pháp để đền đáp cho người có công với cách mạng thì vẫn còn kẻ cơ hội, lợi dụng chiến tranh, lợi dụng lịch sử để toan tính lợi ích cá nhân. Đôi lúc ta còn bắt gặp thái độ thờ ơ hay phủ nhận chiến tích của cha anh hay còn có người nhận thức mơ hồ, “ngộ đoán” rằng: “Trường Sơn rồi sẽ mai một”, “không có nguồn phát triển hội viên mới”, “cần phải nhập vào một tổ chức khác”... Đúng là hội viên Hội Trường Sơn hầu hết là già yếu, sức trẻ đã vắt kiệt ở chiến trường, không thể xông pha như thời trai trẻ nữa. Bây giờ họ phát huy truyền thống và phẩm chất của anh bộ đội cụ Hồ chủ yếu chỉ thể hiện bằng quan điểm, lập trường tư tưởng, bằng niềm tin vào Đảng, bằng tác phong, lối sống mẫu mực làm gương trong gia đình và xã hội. Nhưng đâu phải chiến tranh đã lùi xa là ký ức, truyền thống trong chiến tranh cũng mất. “Mất con nhưng Tổ quốc còn mẹ ơi”, và không thể mất, bởi hãy còn đó Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12 (Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn), còn các đơn vị, cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân vẫn đang ngày đêm chung sức duy tu, tôn tạo, phục chế, bảo tồn và xây dựng trên khắp tuyến đường Trường Sơn và các di tích lịch sử trên cả nước, để giữ cho một Trường Sơn huyền thoại trong chiến tranh có thể tỏa sáng rực rỡ trong hòa bình. Điều đó có nghĩa là “nguồn” còn vô tận, và nguồn chính là đồng bào và Tổ quốc Việt Nam bất diệt.
Một đoạn trên tuyến đường Hồ Chí Minh ngày nay. Ảnh: Nguồn Internet
Đường Trường Sơn là tượng trưng cho hào khí dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ oai hùng. Nhắc đến Trường Sơn, chính là tôn trọng lịch sử, nhớ tới Trường Sơn là tri ân những người đã ngã xuống cho nước nhà thống nhất hôm nay. Bảo vệ lịch sử, bảo vệ những chiến công, thành quả của cách mạng như những điều thiêng liêng nhất chính là nghĩa vụ mà thế hệ chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc và làm thật tốt. Chúng ta tin rằng, với sự nỗ lực của các hội viên - những người lính Trường Sơn bất khuất, cùng với sự đồng thuận của xã hội cũng như sự đúng đắn, sáng suốt trong đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước, thì sẽ thực hiện được. Và Trường Sơn, người lính Trường Sơn, Hội truyền thống Trường Sơn sẽ còn mãi, không chỉ trong quá khứ, huyền thoại, mà trong niềm tin, khát vọng của tương lai.
N.V.B (hoitruongson)