Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng, thường xuyên bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng, kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là lực lượng nòng cốt trong phong trào thanh niên; là trường học xã hội chủ nghĩa; đại diện quyền lợi của thanh niên; phụ trách đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh”. Vị trí, vai trò đó có được từ truyền thống hào hùng 90 năm xây dựng và phát triển đồng thời nói lên trách nhiệm lớn lao của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới hôm nay
Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc và sự ra đời Đoàn Thanh niên cộng sản
Năm 1923, một số thanh niên ưu tú đã đứng ra thành lập tổ chức với tên gọi Tâm Tâm Xã, còn gọi là Tân Việt Thanh niên Đoàn với mục đích "Liên hiệp những người có tri thức trong toàn dân Việt Nam, không phân biệt ranh giới, đảng phái; miễn là có quyết tâm hy sinh tất cả tư ý và quyền lợi cá nhân, đem hết sức mình tiến hành mọi việc để khôi phục quyền làm người của người Việt Nam". Để gây tiếng vang, tổ chức Tâm Tâm Xã đã phân công Phạm Hồng Thái ném bom nhằm mưu sát Toàn quyền Merlin khi ông ta đi công tác đến Sa Diện, Quảng Châu, Trung Quốc. Vụ mưu sát bất thành và người thanh niên yêu nước Phạm Hồng Thái đã hy sinh. Tiếng bom Sa Diện đã thức tỉnh và thúc giục nhiều thanh niên còn đang “mơ ngủ” trước vận nước. Đánh giá về sự kiện này, Nguyễn Ái Quốc cho rằng: “Nó báo hiệu bắt đầu thời đại đấu tranh dân tộc, như chim én báo hiệu mùa Xuân”. Tuy đánh giá cao hành động anh hùng của Phạm Hồng Thái và nhóm Tâm Tâm Xã, song Nguyễn Ái Quốc đã thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót trong nhận thức của nhóm này.
Lý Tự Trọng, người tiêu biểu cho khí phách
của thanh niên Việt Nam
Năm 1924, tại Đại hội Quốc tế Thanh niên cộng sản lần thứ IV, Nguyễn Ái Quốc, với tư cách người đại diện ưu tú của các dân tộc bị áp bức, đã đề nghị với Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản thành lập “Nhóm châu Á” tại trường Đại học Phương Đông, nhằm tạo điều kiện cho thanh niên có cơ hội nghiên cứu tình hình, đặc điểm các nước thuộc địa. Trước đó, n
Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc tổ chức lớp bồi dưỡng cho một số thanh niên tại Quảng Châu, Trung Quốc. Tháng 6/1925, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chính thức tuyên bố thành lập tại Quảng Châu, Trung Quốc. Đây không chỉ là tổ chức tiền thân của Đoàn mà còn là tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội đã tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng thanh niên trong nước. Nhiều những nhà cách mạng nổi tiếng, chủ chốt của Việt Nam sau này từng tham gia các lớp huấn luyện này. Một sự kiện ghi dấu ấn đặc biệt là tổ chức này đã phát hành số báo đầu tiên ngày 21/6/1925 lấy tên là Thanh Niên để làm cơ quan ngôn luận của Hội. Sau này, ngày 21/6 hằng năm đã được lấy làm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Tháng 2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử Cách mạng Việt Nam. Tháng 3/1931, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Sài Gòn đã quyết nghị là các cấp Đảng từ Trung ương đến địa phương phải cử ngay các cấp ủy viên của Đảng phụ trách công tác Đoàn. Hội nghị đánh dấu sự ra đời của Đoàn Thanh niên cộng sản, một tổ chức chính trị - xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện.
Truyền thống hào hùng
Kể từ khi ra đời, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh[1] đã hòa mình vào các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và đã đóng góp to lớn đối với đất nước và dân tộc. Những đoàn viên đã tham gia tích các cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, cao trào dân chủ 1936 - 1939 và đặc biệt là cao trào cách mạng 1939 - 1945. Đội Du kích Bắc Sơn, tiền thân của Cứu quốc quân có sự tham gia của 30 chiến sỹ là những đảng viên trẻ và đoàn viên. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thành lập ngày 22/12/1944 bao gồm 34 chiến sỹ mà đa phần là những đảng viên trẻ và đoàn viên. Trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 năm 1945, thanh niên đã xung kích, đi đầu trong các phong trào cách mạng. Ở Nam Bộ, Tổ chức Thanh niên Tiền phong do bác sỹ Phạm Ngọc Thạch làm Thủ lĩnh, quy tụ hàng triệu thanh niên, tuyên bố đứng vào hàng ngũ Mặt trận Việt Minh giúp cuộc giành chính quyền ở Nam Bộ thắng lợi nhanh chóng.
Trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân và đế quốc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của bao lớp thanh niên Việt Nam đã thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết. Những chàng trai Hà Nội hào hoa, phong nhã đã ra đi từ mùa thu năm ấy, ra đi để trở về:
Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa
Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa
(Ngày về - Chính Hữu).
Những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi ra đi không phải họ không yêu, không tiếc đời tuổi trẻ của mình, song họ đã quyết chí ra đi vì đất nước, vì dân tộc, vì khát vọng của phẩm giá con người với ý chí “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”:
Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?
(Khúc bảy - Thanh Thảo).
Thanh niên miền Bắc lên đường nhập ngũ, chi viện chiến trường miền Nam (Ảnh TTXVN)
Đã có biết bao những lớp thanh niên “xếp bút nghiên” lên đường ra mặt trận và họ đã không trở về, hảng nghìn chiến si đa hy sinh tại Thành cổ Quảng Trị khốc liệt năm 1972:
Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi hòa sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm
(Đò lên Thạch Hãn - Lê Bá Dương)
Sau ngày đất nước thống nhất, nhất là từ khi Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, biết bao lớp thanh niên ưu tú đã tiếp tục đóng góp lớn cho sự tiến bộ của xã hội và sự phát triển của đất nước. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã phát động nhiều phong trào thu hút đông đảo thanh niên tham gia. Các phong trào tiêu biểu có thể kể tới, đó là: "Thanh niên lập nghiệp"; "Tuổi trẻ giữ nước; "Tuổi trẻ thi đua tình nguyện, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"; "5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc"; "4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp"; "Xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc"; “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp"; "3 phong trào hành động cách mạng phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" (Thanh niên tình nguyện, Tuổi trẻ sáng tạo, Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc); "3 chương trình đồng hành với thanh niên" (Đồng hành với thanh niên trong học tập, Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần) v.v…Các phong trào tiêu biểu này đã động viên hàng triệu đoàn viên thanh niên tham gia, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong lao động, chiến đấu, học tập, xây dựng đất nước. Trong cuộc chống dịch COVID-19, đã có biết bao những thầy thuốc trẻ, những chiến sỹ quân đội, biên phòng, công an đã và đang đứng nơi tuyến đầu chống dịch, góp phần vào thành tích phòng, chống dịch được cả thế giới ngưỡng mộ.
Tuổi trẻ huyện Sơn Động, Bắc Giang với phong trào Thanh niên lập nghiệp (Ảnh Báo Bắc Giang)
Trách nhiệm lớn lao
Lý tưởng của thanh niên ở mỗi thời kỳ lịch sử là khác nhau. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không thể đòi hỏi những lớp thanh niên hôm nay phải hy sinh và cống hiến như lớp cha anh đi trước. Thế nhưng, với những người trẻ, khát khao cống hiến vẫn là lý tưởng lớn nhất.
Đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, vì vậy lớp thanh niên hôm nay, dù làm bất cứ công việc gì, vẫn cần tư duy đổi mới. Nhìn lại những năm qua, báo chí, công luận đã từng lên tiếng rất nhiều về những biểu hiện tiêu cực của một bộ phận thanh niên. Một bộ phận người trẻ có tư tưởng sống gấp, hưởng thụ mà quên đi những giá trị văn hóa vững bền cốt lõi của dân tộc. Có những người trẻ đi ra nước ngoài đã vi phạm pháp luật như ăn cắp, phạm tội, có một bộ phận sống gấp. Một bộ phận người trẻ thờ ơ với quyền lợi của đất nước và dân tộc, không quan tâm đến chính trị, không thích vào Đoàn, vào Đảng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng có lần lên tiếng về tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”. Cá biệt có những người có tư duy phản bội, phỉ báng dân tộc, truyền thống cha ông và “lai căng”, “mất gốc”, xuyên tạc lịch sử, cổ súy cho các hành vi vi phạm pháp luật …
Tất nhiên, tất cả những hạn chế, tiêu cực này có lẽ không thể chỉ đổ lỗi lên những người trẻ mà chính các tổ chức Đoàn cũng cần phải tự mình nhìn nhận lại mình. Tại sao có nhiều thanh niên hiện nay không thích vào Đoàn, không thích tham gia sinh hoạt Đoàn? Có phải chính những nội dung sinh hoạt của Đoàn đã không bắt kịp hơi thở của cuộc sống? Có phải chính các tổ chức Đoàn chưa làm tròn trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên? Mặc dù Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định 217-QĐ/TW về quy chế giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ năm 2013, thế nhưng tiếng nói của các tổ chức Đoàn ở đâu trong việc các cơ quan Nhà nước ban hành các chính sách về thanh niên.
Không chỉ các tổ chức Đoàn, các cấp ủy Đảng cũng cần nhân dịp này xem lại những chủ trương, đường lối đã ban hành và thực thi về công tác thanh niên đã thật sự phù hợp hay chưa. Tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng một thanh niên 34 tuổi, tốt nghiệp cử nhân luật và cử nhân văn chương làm Bộ trưởng Quốc phòng. Tại sao Hồ Chí Minh đã chọn những vị bộ trưởng trẻ tuổi mà có người chỉ mới 26 tuổi. Tại sao có những vị tướng khi được phong chỉ mới ở độ tuổi dưới 40…Tất nhiên đội ngũ lãnh đạo cần phải có sự kế thừa, có người già và người trẻ, song đa phần những thứ, bộ trưởng của chúng ta hiện nay đều là các đồng chí lớn tuổi. Hãy tin và giao trọng trách, cùng dìu dắt để những người trẻ khẳng định mình để họ đóng góp cho xã hội, cho đất nước. Trong các chủ trương, đường lối ban hành, hãy đánh giá tác động đối với một lực lượng đông đảo hiện nay của xã hội đó là thanh niên.
Đồng chí Võ Văn Kiệt có phát biểu một câu nổi tiếng với thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh là: Thành phố nhìn thấy tương lai tươi sáng của mình trên vừng trán của các em. 90 năm thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, nhìn gương mặt của những người trẻ hôm nay, hẳn ai cũng có quyền tin rằng: Đất nước đã nhìn thấy tương lai của mình. Thế nhưng, để đi tới tương lai tươi sáng ấy cần sự nỗ lực và vào cuộc có trách nhiệm của mỗi thanh niên, của mỗi tổ chức Đoàn, tổ chức Đảng và của cả hệ thống chính trị.
Vũ Trung Kiên
[1] Trải qua các thời kỳ lịch sử, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh có các tên gọi sau: Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương (1931-1937), Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương (1937-1939), Đoàn Thanh niên Phản đế Đông Dương (1939- 1941), Đoàn Thanh niên Cứu quốc Đông Dương (1941-1956). Trong giai đoạn 1956- 1976, ở miền Bắc, Đoàn có tên Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (1956- 1970), Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh (1970- 1976). Trong giai đoạn 1956- 1976, ở miền Nam, Đoàn có tên gọi Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (1956- 1961), Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Miền Nam (1962- 1973), Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Hồ Chí Minh (1973- 1976). Sau ngày thống nhất đất nước, Đoàn có tên Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh (1976- 1977) và từ năm 1977 đến nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.