Hai mươi mốt năm (1930-1951) cùng những thăng trầm, đổi thay của sự nghiệp giành và bảo vệ độc lập dân tộc, Đảng đã nhiều lần thay đổi tên gọi, hình thức hoạt động, lãnh đạo. Dưới đây là lý do cùng các tên gọi khác nhau của Đảng
Đảng Cộng sản Việt Nam (2/1930)
Tháng 2/1930, với sự tích cực, chủ động và sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra đời. Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành lập Đảng do Nguyễn Ái Quốc chủ trì, diễn ra tại Hồng Kông, Trung Quốc từ ngày 6/1 đến ngày 8/2/1930 các đại biểu trở về An Nam[1].
Hội nghị bàn thảo, thống nhất nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc định tên Đảng, một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi của các đại biểu bởi ai cũng muốn tên Đảng phải gắn với tên của tổ chức mình. Đó cũng là một trong những lý do, nguyên nhân góp phần vào những lần hợp nhất trước của các tổ chức cộng sản không thành. Nguyễn Ái Quốc giải thích việc đặt tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam: “Cái từ Đông Dương rất rộng, và theo nguyên lý chủ nghĩa Lênin, vấn đề dân tộc là một vấn đề rất nghiêm túc, người ta không thể bắt các dân tộc khác gia nhập Đảng, làm như thế là trái với nguyên lý chủ nghĩa Lênin. Còn cái từ An Nam thì hẹp, vì An Nam chỉ là miền Trung của nước Việt Nam mà thôi, và nước ta có ba miền: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Do đó từ Việt Nam hợp với cả ba miền và không trái với nguyên lý chủ nghĩa Lênin về vấn đề dân tộc”[2]. Giải thích trên của Nguyễn Ái Quốc cũng được ghi nhận trong những chia sẻ của những người trong cuộc như Nguyễn Nghĩa[3], Trịnh Đình Cửu[4].
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt lớn của đất nước và mở ra một thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam.
Đảng Cộng sản Đông Dương (10/1930)
Tám tháng sau Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản tháng (2/1930), đồng chí Trần Phú cùng Nguyễn Ái Quốc lại chuẩn bị các điều kiện và tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10/1930 tại Hồng Kông, Trung Quốc. Hội nghị thống nhất nhiều vấn đề quan trọng như Luận cương chính trị của Đảng do Trần Phú soạn thảo; Bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư…, đặc biệt là Án Nghị quyết của Trung ương toàn thể Đại hội nói về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng 10-1930[5], trong đó phê phán, huỷ bỏ những kết quả của Hội nghị hợp nhất tháng 2/1930 và đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương.
Về tên gọi của Đảng, Án nghị quyết nêu: Gọi Đảng là “Việt Nam C.S Đảng” thì không gồm được Cao Miên và Lào, mà để vô sản giai cấp hai xứ ấy ra ngoài phạm vi đảng là không đúng; vì vô sản An Nam, Cao Miên và Lào tuy tiếng nói, phong tục và nòi giống khác nhau, nhưng về mặt chánh trị và kinh tế thì cần phải liên lạc mật thiết với nhau… Bỏ tên “Việt Nam Cộng sản Đảng” mà lấy tên Đông Dương Cộng sản Đảng[6].
Tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng 2/1951, Đảng ra công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam (Ảnh tư liệu)
Truyền đơn giải thích việc đổi tên Đảng cũng nêu: Trước đây các bộ phận ở trong xứ đã hợp nhất làm một đảng lấy tên là Việt Nam Cộng sản Đảng, từ nay đổi ra là Đông Dương Cộng sản Đảng. Vì sao? Ba xứ Việt Nam, Cao Miên, Lào, tuy thường gọi là ba nước nhưng kỳ thực chỉ thành một xứ mà thôi….Vì lẽ đó nên từ giờ trở đi Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ gọi là Đông Dương Cộng sản Đảng. Đây chỉ là một việc đổi danh từ Đảng mà thôi, chứ không phải một Đảng mới nữa ra đời, mà cũng không phải là Đảng Cộng sản Đông Dương trước kia[7].
Vậy là, từ tháng 10/1930, Đảng có tên gọi là Đảng Cộng sản Đông Dương. Tuy nhiên, xét ở một góc độ rộng hơn, việc lấy tên Đảng Cộng sản Đông Dương còn là sự chỉ đạo, chi phối trực tiếp của Quốc tế Cộng sản đối với phong trào cách mạng Việt Nam, Đông Dương. Điều này được minh chứng ở các văn bản của Quốc tế Cộng sản gửi cho các đồng chí, tổ chức cộng sản, Đảng Cộng sản Đông Dương trong khoảng thời gian từ 10/1929 đến tháng 4/1931[8]. Từ sự kiện này cũng cho thấy một nhân cách Nguyễn Ái Quốc kiên cường, trí tuệ, tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng và tấm lòng son sắt với sự tồn tại, phát triển của Đảng, luôn đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng cao hơn cuộc sống, lợi ích cá nhân, trọn đời sống và làm việc vì Đảng, vì nhân dân.
Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương (11/11/1945)
Ngày 11/11/1945, Đảng ra Thông cáo tự ý giải tán[9] và những tín đồ của chủ nghĩa cộng sản sẽ gia nhập “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương”. Không có tài liệu nào xác định Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương là tên gọi thay cho Đảng Cộng sản Đông Dương trước đó. Song, trước thực tế thù trong, giặc ngoài, thế nước “ngàn cân treo sợi tóc”, “Đảng phải dùng mọi cách để sống còn, hoạt động và phát triển, để lãnh đạo kín đáo và có hiệu quả hơn, và để có thời giờ củng cố dần lực lượng của chính quyền nhân dân, củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất…. Đảng tuyên bố tự giải tán, sự thật là Đảng rút vào hoạt động bí mật… Chúng ta nhận rằng việc Đảng tuyên bố giải tán (sự thật là vào bí mật) là đúng”[10].
Như vậy, việc Đảng tự giải tán, lập Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương là một sách lược khôn khéo, phù hợp thực tiễn, thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ của Đảng. Sách lược đó vừa thực hiện được mục tiêu căn cốt nhất là xoá tan mọi hiểu lầm giữa các lực lượng, đảng phái, xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vừa tránh được mũi dùi tấn công trực tiếp của kẻ thù, vừa bảo toàn, phát triển được lực lượng và lãnh đạo cách mạng của Đảng. Thế nên Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương (11/1945 - 2/1951) là một giai đoạn đặc biệt trong tiến trình phát triển, lãnh đạo của Đảng.
Đảng Lao động Việt Nam
Thông cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương về việc đề nghị đổi tên Đảng (7-1950)[11] khẳng định cuối năm 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương tự nguyện đứng vào bí mật và đã tuyên bố “tự giải tán”. Nhưng thực tế từ đó, Đảng vẫn tồn tại và lãnh đạo các dân tộc Việt, Mên, Lào kháng chiến kiến quốc, đến nay, yêu cầu thực tiễn đòi hỏi Đảng cần ra hoạt động công khai và lãnh đạo cách mạng. Vì thế, Ban Chấp hành Trung ương đề nghị với Đại hội II của Đảng cần tách Đảng Cộng sản Đông Dương thành ba đảng của ba quốc gia Việt, Mên, Lào; Chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam cần lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam.
Đại hội II (2/1951) chỉ rõ: Đảng Lao động Việt Nam ở đâu mà ra? Ở Đảng Cộng sản Đông Dương mà ra… Lập Đảng Lao động Việt Nam là cốt để củng cố thêm vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân, củng cố công nông liên minh, gắn bó giai cấp công nhân với các tầng lớp nhân dân lao động khác, thống nhất các lực lượng dân tộc và dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng… Lấy tên Đảng Lao động Việt Nam chẳng những có lợi cho việc đoàn kết toàn dân đánh bại quân xâm lược, mà còn lợi cho việc thống nhất Mặt trận phản đế của ba dân tộc Việt, Miên, Lào chống đế quốc Pháp – Mỹ, giành độc lập hoàn toàn cho các dân tộc Đông Dương… Đảng Lao động Việt Nam… là người lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết, trung thành của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, của nhân dân Việt Nam… Đảng Lao động Việt Nam là đội tiền phong, bộ tham mưu của cả dân tộc Việt Nam… là đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là đảng của dân tộc Việt Nam…[12]
Thực tiễn thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1954-1975) minh chứng cho sự chỉ đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng cũng như tên gọi Đảng Lao động Việt Nam[13].
Nam Trang
[1] Tham dự Hội nghị có đại biểu của hai tổ chức An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Đảng. Đến ngày 24/2/1930, Lâm thời Chấp uỷ Đảng Quyết nghị chấp nhận Đông Dương Cộng sản liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, t.2, tr.10, 19-20, 26-27
[2] Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tiểu sử và sự nghiệp, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.68
[3] Đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng tham dự Hội nghị hợp nhất các tổ chức thành lập Đảng. Xem: Góp thêm một ít tài liệu về công cuộc hợp nhất các tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt Nam và vai trò của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 59, 1964, tr.7.
[4] Đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng tham dự Hội nghị hợp nhất các tổ chức thành lập Đảng. Xem: Nhớ lại ngày sinh của Đảng (Một số hồi ký về thời kỳ thành lập Đảng), Nxb Sự thật, Hà Nội, 1962, tr. 38.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, t. 2, tr.104-117
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.2, tr.111-113
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 2, tr.213-214
[8] Tính từ văn bản: Những nhận xét liên quan đến Nghị quyết về việc thành lập Đảng Cộng sản ở Đông Dương, đề ngày 9/10/1929 (Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tập 1, các văn bản từ tr.590-621), đến văn bản: Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản thừa nhận Đảng Cộng sản Đông Dương, 4/1931 (Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1999, t.3, tr.309). Đến Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản (8/1935), Đảng Cộng sản Đông Dương chính thức được kết nạp vào Quốc tế Cộng sản (Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, t. 5, tr.464-472)
[9] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.8, tr.19-20
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 12, tr.20-21
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 11, tr.362-374
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 12, tr.156-160
[13] Tại Đại hội IV (12/1976) của Đảng, Đảng đổi tên là Đảng Cộng sản Việt Nam và tên gọi đó tồn tại đến ngày nay (2024)