Lễ hội chùa nói chung, lễ Vu Lan nói riêng là những hoạt động thể hiện sâu sắc mối quan hệ đạo - đời của đạo Phật. Qua đó, Phật giáo có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống người Việt từ xưa tới nay. Tuy nhiên, nhìn cảnh người dân chen chúc cúng dường bằng hoa, tiền, hiện vật… cho các chư tăng ở chùa Ba Vàng dịp lễ Vu Lan năm 2022, chúng tôi cho rằng, người đi lễ hội chùa cần tỉnh táo hơn, cần nâng cao hiểu biết về đạo Phật.
Hình ảnh người dân cúng dường bằng hoa, tiền, hiện vật cho các chư tăng ở chùa Ba Vàng, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh (Ảnh Facebook Chùa Ba Vàng).
Về nguồn gốc, Phật giáo được du nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường, nhưng sớm nhất bằng đường biển từ cách đây khoảng 2000 năm. Triết lý đạo Phật có nhiều điểm gần gũi với đạo lý người Việt nên đã phát triển thuận lợi từ khi du nhập tới nay. Với tinh thần nhập thế tích cực, Phật giáo có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong nhiều lĩnh vực của đời sống người Việt như đạo đức, lối sống, tư tưởng, văn học, kiến trúc, điêu khắc, chính trị...
Lễ hội chùa là dịp để các tăng ni, phật tử tiến hành tổ chức những nghi thức tôn giáo nhằm đánh dấu hoặc kỷ niệm một sự kiện có ý nghĩa; bên cạnh đó còn tổ chức các hoạt động hội hè, vui chơi cho mọi người cùng tham dự. Đây cũng là dịp nhà chùa giới thiệu với nhân dân về đạo Phật, về các bậc chân tu đắc đạo, về tư tưởng, về nguồn gốc, lịch sử ngôi chùa… Những người tham dự (dù có theo đạo Phật hay không), họ có thể tiến hành các nghi lễ để gửi gắm những ước mơ, hy vọng về những điều tốt đẹp cho bản thân, gia đình…; nhiều người đi nhằm “tắm mình” trong không khí lễ hội, để thăm thú cảnh quan, để hiểu và trân trọng những giá trị văn hoá, tôn giáo… Hiện nay, lễ hội chùa cũng là dịp thu hút khách du lịch.
Mục đích của lễ hội chùa tốt đẹp là thế, song thực tế dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp quản lý nhưng vẫn còn những biểu hiện chưa phù hợp. Cụ thể, việc cúng dường bằng hoa, tiền, hiện vật… cho các chư tăng ở chùa Ba Vàng dịp lễ Vu lan tổ chức ngày 7/8/2022 (nhằm ngày 10/7 âm lịch) đã được kiểm tra. Kết luận của đoàn kiểm tra thuộc thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) về hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại chùa Ba Vàng đã được công khai trên báo chí, rằng “Đoàn đề nghị chùa Ba Vàng rút kinh nghiệm trong việc đưa các video lên mạng xã hội gây ảnh hưởng không tốt. (…) thực hiện nghiêm các quy định về các hoạt động tôn giáo tại chùa…”.
Chúng tôi cho rằng, người đi lễ hội chùa cần tỉnh táo, tránh bị lôi kéo vào các hoạt động cúng dường tốn kém, làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của lễ Vu Lan là đền ơn các đấng sinh thành, dưỡng dục và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.
Việc chúng ta mong ước những điều tốt đẹp, may mắn cho bản thân, gia đình, người thân là chính đáng, đã trở thành phong tục của nhân dân. Song điều đó không có nghĩa là chúng ta cúng dường lớn, sắm lễ to, đốt nhiều vàng mã, khấn vái bài bản, hoặc thuê người khấn vái thì sẽ có nhiều lộc… Người hành lễ như vậy thì Đức Phật có linh thiêng để ban cho họ những mong ước, khẩn cầu không? Câu trả lời là không. Vì Phật giáo không lấy lễ vật, cúng bái, thần thánh làm cứu cánh.
Thiết nghĩ, người tham gia lễ hội chùa nâng cao sự hiểu biết về Phật giáo, về văn hóa trong lễ hội chùa là rất cần thiết. Phật giáo không ban phát tài lộc, mà dạy cho chúng sinh biết “luật nhân quả” để mọi người hiểu rằng: mọi việc đều do tự mình gây ra, đều có nguyên nhân. Làm điều thiện sẽ nhận quả báo thiện, làm điều ác sẽ nhận quả báo ác. Phật chỉ dạy chúng sinh biết được nguyên nhân của đau khổ và con đường thoát khổ. Hãy dùng trí tuệ của mình để mà tự dẫn dắt mình ra khỏi sự “vô minh”, khỏi vòng “Tham - Sân - Si - Hận - Ái - Ố - Dục”…
Chúng ta thường nói “Phật tại tâm”. Nhưng có bao nhiêu người làm theo điều đó? Hình tướng của Đức Phật, trong các Kinh chỉ dạy rằng, có “32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp” khiến cho chúng sinh khởi niềm kính mến và cảm phục. Còn “chân thân” của Phật (Pháp thân) hiện tồn cùng chúng sinh, có mặt khắp trong trời đất, khắp mọi nơi, khắp “bốn phương, tám hướng”. Nếu hiểu điều này, người đi lễ đâu cần chen lấn để khẩn cầu, cúng bái, phúng viếng, bởi Phật luôn ở quanh ta, ở trong ta.
Vậy nên chúng ta cần làm những điều phúc đức, tốt lành trong đời sống cá nhân hàng ngày từ những việc nhỏ nhất. Đạo Phật quan niệm mọi sinh linh (con người và con vật) đều có “Phật tính”, đều có thể thành Phật, nên phận người và phận vật không khác nhau. Nếu biết giáo hóa, giác ngộ để khơi dậy “Phật tính” thì người hay vật đều có thể trở thành Phật. Như Đức Phật đã chỉ dạy: “Chỉ có ta làm điều tội lỗi, chỉ có ta làm cho ta ô nhiễm. Chỉ có ta làm ta tránh được điều tội lỗi, chỉ có ta gội rửa cho ta”.
Chúng tôi thiết nghĩ, những người tâm không thành, tâm không từ bi, đang còn lạc trong sự “vô minh”, trong vòng “Tham - Sân - Si - Hận - Ái - Ố - Dục” thì cầu trời khấn Phật cũng vô ích. Bản thân mỗi người hãy làm theo lời Đức Phật chỉ dạy: “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Hãy tìm sự giác ngộ ở chính các người chứ đừng tìm ở một nơi nào khác”. Hãy sống từ bi, hỉ xả, vị tha, “tu nhân tích đức”, hãy sống theo phương châm “cứu một người phúc đẳng hà sa, còn hơn xây bảy toà lầu tháp”… Vì vậy, người đi lễ Phật cần tỉnh táo, nâng cao sự hiểu biết về Phật giáo, không cần thiết tham gia hoạt động cúng dường tốn kém.
Để gìn giữ văn hoá trong lễ hội chùa, chúng tôi thiết nghĩ cần tiến hành động bộ nhiều giải pháp, cần sự nỗ lực, chung tay góp sức từ nhiều phía. Trước hết, đạo Phật phải tự thanh lọc, đào thải những đối tượng lợi dụng Phật giáo để hoạt động mê tín dị đoan và trục lợi, những tăng ni sa sút về phẩm hạnh, đạo đức… nhằm gìn giữ thanh danh của đạo Phật. Chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng cần quan tâm, triển khai nhiều biện pháp quản lý hiệu quả trong hoạt động lễ hội chùa. Về phía người dân, cần nâng cao ý thức, sự hiểu biết về Phật giáo, cần loại bỏ các biểu hiện phản văn hóa, để thưởng thức được cái hay, cái đẹp, sự nhân văn của lễ hội chùa. Nếu làm được điều đó, chúng ta tin rằng lễ hội chùa sẽ phát huy những giá trị đích thực của Phật giáo, của tinh hoa văn hoá dân tộc; sẽ giảm đến mức thấp nhất những tiêu cực hiện tồn.
Anh Vũ