Bản nhạc chế bài thơ Lượm trở thành “hot trend” trên Tiktok trong những ngày cuối tháng 4 vừa qua khiến dư luận bức xúc. Đây là một hiện tượng phản nghệ thuật, phi văn hóa lại được rất đông học sinh a dua, hưởng ứng. Vậy đâu là nguyên nhân của thị hiếu thẩm mỹ sai lệch của bộ phận học sinh này?
Bản nhạc chế bài thơ Lượm trở thành “hot trend” trên Tiktok (ảnh chụp màn hình)
Trong những ngày cuối tháng 4 vừa qua, trên TikTok có làn sóng “đu trend” theo đoạn nhạc chế “chú bé loắt choắt” để câu like, câu view. Đây vốn là đoạn nhạc chế do rapper 2See thực hiện và DJ FWIN phối nhạc cách đây 2 năm từ bài thơ Lượm của nhà thơ Tố Hữu và sự kết hợp ngôn từ lượm lặt, phản cảm… Tuy nhiên, số lượng người xem, like quá lớn, đến con số hàng chục triệu lượt, phần lớn là học sinh. Nguy hại hơn, các học sinh còn “đu trend” bằng các clip uốn éo phản cảm, trang phục lố lăng, thậm chí còn dẫm lên bàn học, bàn giáo viên…
Đã có nhiều ý kiến chỉ trích hiện tượng chế nhạc phản cảm, xuyên tạc tác phẩm văn học, vi phạm bản quyền. Nhất là bản nhạc chế lại liên quan đến bài thơ Lượm trong sách giáo khoa lớp 6 về hình tượng người giao liên sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc trong lịch sử chống giặc ngoại xâm. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm để tăng sức răn đe. Rapper 2See đã lên tiếng xin lỗi và gỡ, ẩn bản gốc khỏi các nền tảng mạng xã hội. Theo thông tin từ Báo Lao động, Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ tiến hành thanh tra toàn diện đối với mạng TikTok từ tháng 5; nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm, triệt để…
Rapper 2See lên tiếng xin lỗi về việc chế lời nhạc bài thơ Lượm (ảnh chụp màn hình)
Vậy đâu là nguyên nhân của hiện tượng học sinh a dua, hưởng ứng đến mức tạo nên “hot trend” như thế? Tại sao những bản nhạc chế với giai điệu vui nhộn, nhí nhố, nội dung sai lệch, dung tục lại thường thu hút số đông học sinh? Phải chăng một trong những nguyên nhân là thị hiếu thẩm mỹ sai lệch của các học sinh này. Học sinh phổ thông ở nước ta chưa được giáo dục nghệ thuật một cách đầy đủ, nên rất khó để nâng cao thị hiếu thẩm mỹ.
Theo Chương trình giáo dục mới bậc THPT triển khai ở lớp 10 bắt đầu từ năm học 2022 - 2023, hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện, đã bổ sung các môn học tự chọn là Âm nhạc, Mỹ thuật. Tuy nhiên, vì lần đầu tiên xuất hiện trong chương trình nên không có giáo viên để đảm nhận, đa số các trường chưa dạy. Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhu cầu cần tuyển giáo viên nghệ thuật trong năm 2022 ở bậc THPT khoảng 10.000 người, với khoảng 2.800 trường chưa có giáo viên[1]. Để bổ sung đủ giáo viên nghệ thuật là một bài toán nan giải, bởi đây là bộ môn đặc thù, người học cần có năng khiếu, họ lại cũng phải có kỹ năng sư phạm, biết khơi dậy đam mê và định hướng thẩm mỹ cho học sinh. Đây là một khoảng trống rất lớn trong giáo dục toàn diện, giáo dục nhân cách, giáo dục thị hiếu thẩm mỹ cho học sinh.
Về vai trò quan trọng, cần thiết của giáo dục nghệ thuật, năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị “Nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật trong trường học”. Bộ trưởng phát biểu đã khẳng định: “những môn quan trọng để phát triển toàn diện con người thì chúng ta bỏ quên”; giáo dục nghệ thuật có vai trò quan trọng trong hình thành nhân cách học sinh, nên không thể xem là môn phụ. Quả thế, phải được giáo dục trong nhà trường một cách hệ thống, bài bản thì học sinh mới có thể am hiểu về các bộ môn nghệ thuật, đó là cơ sở để nâng cao thị hiếu thẩm mỹ.
Chúng tôi chưa bàn đến việc đào tạo để trở thành nghệ sĩ, mà chỉ đề cập việc nâng cao hiểu biết, thị hiếu, sự yêu thích của các em với các bộ môn nghệ thuật. Phải được giáo dục nghệ thuật rộng rãi trong nhà trường mới có được công chúng am hiểu nghệ thuật. Chính người thưởng thức sẽ thúc đẩy nghệ thuật phát triển, bởi các nghệ sĩ phải nâng cao chất lượng mới đáp ứng nhu cầu cao của công chúng. Còn nếu cứ để tình trạng am hiểu “mù mờ”, thị hiếu theo tâm lý đám đông thì sẽ còn nhiều tác phẩm nghệ thuật “rác” của các nghệ sĩ “rởm” lại tiếp tục trở thành “hot trend”, “viral”…
Mà khi giáo dục nghệ thuật được phổ biến trong nhà trường phổ thông, chúng ta sẽ dễ phát hiện được những em có năng khiếu trong lĩnh vực đặc thù này. Đó là cơ sở để phát hiện nhân tài, phát triển nghệ thuật. Hiện nay văn hóa nghe nhìn đang lấn át văn hóa đọc, đó là thực tế. Văn hóa nghe nhìn đang đáp ứng tốt hơn nhu cầu rộng lớn của xã hội, nhất là nhu cầu giải trí. Vậy nên, một mặt chúng ta khuyến khích các em đọc, song mặt khác cần thiết trang bị cho các em thị hiếu thưởng thức các bộ môn nghệ thuật đang hiện diện, cập nhật hàng ngày, hàng giờ trên màn ảnh, màn hình. Khi các em đã am hiểu, sẽ tự trang bị bản lĩnh trong tiếp nhận, thưởng thức, sẽ biết cái gì là hay, ý nghĩa để ngợi ca, những gì là phản cảm, dung tục để bài trừ, “tẩy chay”.
Hiện nay, tinh thần đổi mới “căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo” theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 (khóa XI) của Đảng đã và đang từng bước thực hiện. Nhưng thực tế đáng buồn về lĩnh vực giáo dục nghệ thuật đang diễn ra như đã nêu, rất mong các nhà quản lý giáo dục, nghệ thuật cần sớm có lộ trình đào tạo, xây dựng đội ngũ giáo viên nghệ thuật đáp ứng yêu cầu của xã hội.
[1] Hà Cường (2022), Thiếu hơn 10.000 giáo viên nghệ thuật chương trình lớp 10 mới, các trường bế tắc, https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/thieu-hon-10000-giao-vien-nghe-thuat-chuong-trinh-lop-10-moi-cac-truong-be-tac-post938250.vov, ngày 20/04/2022.
Anh Vũ