Ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước. Lời kêu gọi của Bác đã dấy lên trên cả hai miền Nam Bắc cao trào thi đua kháng chiến, lao động sản xuất, và là cơ sở cho toàn dân tộc xây dựng quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược
Thất bại nặng nề trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất (1965-1966), đế quốc Mỹ tăng cường lực lượng quân sự chuẩn bị mở cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai (1966-1967) hòng giành lại thế chủ động trên chiến trường; đồng thời, tiến hành những bước leo thang mới hết sức nghiêm trọng, ném bom, bắn phá Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng.
Trước những hành động phiêu lưu quân sự của chính quyền Washington, ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Sau khi vạch rõ âm mưu của đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân dân ta: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do".[1]
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, hòa bình thật sự, hòa bình trong độc lập, tự do, chứ không phải thứ hòa bình "giả hiệu" kiểu Mỹ. Vì độc lập của Tổ quốc, vì nghĩa vụ đối với các dân tộc đang chống đế quốc Mỹ, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng. không sợ hy sinh gian khổ, kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn. Chúng ta có chính nghĩa, có sức mạnh đoàn kết của toàn dân từ Bắc đến Nam, có truyền thống đấu tranh bất khuất, lại có sự đồng tình ủng hộ rộng lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, và nhân dân tiến bộ cả thế giới, chúng ta nhất định thắng.[2]
Thanh niên miền Bắc lên đường nhập ngũ (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân cả nước quyết đồng tâm nhất trí, vượt mọi gian khổ hy sinh,kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang của dân tộc ta là đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Tiếp theo Lời kêu gọi, cũng trong tháng 7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố “Lệnh động viên cục bộ” tại phiên họp của Hội đồng Quốc phòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Người chủ trì. Lệnh động viên cục bộ nhằm “động viên một bộ phận sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị và một bộ phận công dân thuộc ngạch dự bị nhưng chưa phục vụ tại ngũ” để tăng cường lực lượng quốc phòng, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam [3].
Ngày 20/7/1966, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 133-CT/TW về việc mở một đợt vận động chính trị hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ban Bí thư yêu cầu: Tố cáo mạnh mẽ những âm mưu và tội ác của đế quốc Mỹ đối với cả hai miền Nam, Bắc, đặc biệt là bước leo thang mới rất nghiêm trọng của chúng đánh phá ngoại vi các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, đê điều và các vùng đông dân cư; nói rõ thế tiến công mạnh mẽ và những thắng lợi của quân và dân ta ở hai miền; nêu rõ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta; biểu thị quyết tâm đó bằng những hành động thiết thực của mỗi người trong sản xuất, chiến đấu và tổ chức đời sống.
Đi đôi với tuyên truyền, giáo dục, phát động tư tưởng, cần có kế hoạch hành động thiết thực, nhằm đẩy mạnh các nhiệm vụ trước mắt của địa phương trên cả hai mặt sản xuất và chiến đấu. Để gây khí thế mạnh mẽ cần vận dụng mọi hình thức thông tin, cổ động thật rầm rộ, sôi nổi, kết hợp với các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng ở cơ sở.
Các phương tiện truyền thanh, truyền tin cần thông báo tin tức kịp thời, nhanh chóng liên tục Lời kêu gọi và Lệnh động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tiếp đó, ngày 12/8/1966, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 134-CT/TW về tăng cường lãnh đạo giáo dục rèn luyện thanh niên và dân quân tự vệ, chuẩn bị tốt lực lượng bổ sung cho quân đội. Ban Bí thư nêu rõ: Để chiến thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, toàn Đảng, toàn dân ta phải có quyết tâm cao; phải có sự nỗ lực vượt bậc về mọi mặt, thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”, phải hết sức chăm lo xây dựng quân đội lớn mạnh. Do đó phải làm tốt công tác động viên, giáo dục rèn luyện thanh niên và dân quân tự vệ, chuẩn bị đầy đủ lực lượng bổ sung cho quân đội về số lượng và chất lượng nhất là về chất lượng.
Ngày 14/8/1966, Ban Bí thư gửi Điện mật cho các khu ủy, thành ủy, tỉnh ủy về việc thực hiện triệt để biện pháp phòng không nhân dân đối phó với âm mưu ném bom, bắn phá miền Bắc của đế quốc Mỹ.
Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy khu, thành, tỉnh thực hiện triệt để các biện pháp: Động viên và tổ chức nhân dân ở tất cả các vùng nông thôn đào hầm trú ẩn chắc chắn, có nắp để tránh thiệt hại khi địch ném bom.
Bộ đội tên lửa bảo vệ bầu trời miền Bắc (Ảnh tư liệu)
Tổ chức việc báo động phòng không cả ngày và đêm một cách có hiệu quả để nhân dân có thể xuống hầm trú ẩn trước khi có máy bay địch đến bắn phá. Mỗi xã cần có chòi gác máy bay để báo động kịp thời cho nhân dân. Ở những xã ven biển, ven sông, những xã miền núi máy bay địch thường qua lại, cần lập những tổ du kích thường trực bắn máy bay bay thấp.
Tỉnh ủy cần bàn với Quân khu hoặc bộ đội chủ lực đóng tại địa phương để phối hợp với du kích và bộ đội địa phương bố trí đánh địch ở những địa điểm thuận lợi ở mọi tầng cao, thấp.
Các kho tàng, nhất là xăng dầu, phân tán về các địa phương cần được ngụy trang triệt để. Giáo dục nhân dân nâng cao cảnh giác, triệt để phòng gian giữ bí mật và giữ vững trật tự, trị an trong mọi tình huống.
Hưởng ứng Lời kêu gọi Không có gì quý hơn độc lập, tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quán triệt các chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, vững vàng trong lửa đạn, vượt thử thách, hy sinh, hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã đánh bại các bước leo thang của không quân và hải quân Mỹ, ra sức chi viện tiền tuyến lớn miền Nam.
Từ khi đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, 8/1964 đến tháng 11/1968, quân dân miền Bắc đã bắn rơi hơn 3.200 máy bay, bắn cháy 140 tàu chiến của địch.
Nhiệm vụ chi viện tiền tuyến được hoàn thành xuất sắc. Chỉ tính riêng trong năm 1967, đã có hơn 94.000 cán bộ, chiến sĩ (tăng 1,5 lần so với năm 1966) được tổ chức biên chế thành từng trung đoàn, sư đoàn bộ binh và binh chủng kỹ thuật bổ sung cho các chiến trường Trị Thiên, Khu V, Tây Nguyên, Nam Bộ, nâng tổng số quân giải phóng miền Nam lên 220.000 quân chủ lực và 57.000 quân địa phương, không kể lực lượng dân quân, du kích, tự vệ.
Lực lượng vũ trang từ miền Bắc hành quân vào Nam nhanh chóng tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, góp phần cùng quân và dân miền Nam đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ”, tiến lên đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.
Đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại, chủ trương chuyển hướng xây dựng miền Bắc đã được thực hiện khẩn trương và có hiệu quả. Mặc dù đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc tới nấc thang cao nhất, nhưng miền Bắc vẫn kiên cường đứng vững…đời sống của nhân dân, bộ đội, cán bộ, công nhân viên nói chung cũng như yêu cầu về sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu vẫn được bảo đảm. Vừa chiến đấu, vừa sản xuất, miền Bắc nỗ lực chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Tinh thần "Tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược", "Xây dựng chủ nghĩa xã hội lúc này cũng là để đánh thắng Mỹ" đã khơi dậy lòng yêu nước, động viên toàn dân vừa sản xuất vừa chiến đấu.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam là kết quả của quá trình phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp trên nền tảng tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần yêu nước. Tinh thần đó được tiếp thêm sức mạnh từ Lời kêu gọi Không có gì quý hơn độc lập, tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân dân hai miền Nam-Bắc cùng chung sức, phối hợp đánh thắng đế quốc Mỹ trên cả hai miền đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thảo Vui
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,2003, t.27, tr.273-276.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.130-133.
[3] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Hồ chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, t.10, tr.351.