Con đường cách mạng vô sản theo tư tưởng Cách mạng tháng Mười Nga lúc đầu là sự lựa chọn của cá nhân Nguyễn Ái Quốc, nhưng sau đó trở thành sự lựa chọn của dân tộc Việt Nam, bởi vì chỉ có con đường cách mạng vô sản mới đáp ứng được yêu cầu giải phóng dân tộc Việt Nam, đúng như Nguyễn Ái Quốc từng thốt lên "Đây là con đường giải phóng chúng ta"
Không lựa chọn con đường đấu tranh giải phóng dân tộc theo ý thức hệ phong kiến
Dước ách đô hộ của của thực dân Pháp, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc theo ý thức hệ phong kiến đã diễn ra, tiêu biểu là cuộc phản công quân Pháp tại Kinh thành Huế do Tôn Thất Thuyết lãnh đạo (tháng 7/1885) và phong trào Cần Vương với các cuộc khởi nghĩa lớn như: Ba Đình (1886-1887); khởi nghĩa Bãi Sậy (1883-1892), khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896). Các cuộc khởi nghĩa cho thấy tinh thần yêu nước, ý chí chống giặc ngoại xâm quật cường của nhân dân ta và gây cho thực dân Pháp những tổn thất nhất định.
Tuy nhiên, con đường đấu tranh để giải phóng dân tộc theo ý thức hệ phong kiến lúc bấy giờ cho thấy nó không còn phù hợp với thời cuộc, không quy tụ được đông đảo quần chúng nhân dân đi theo, bởi cái đích đến cuối cùng của các cuộc khởi nghĩa mang ý thức hệ phong kiến là đánh đổ thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc và vẫn duy trì chế độ phong kiến. Các cuộc khởi nghĩa cuối cùng đều thất bại, con đường đấu tranh giải phóng dân tộc theo hệ tư tưởng phong kiến đã trở lên lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn và thời cuộc thực dân hóa đang diễn ra mạnh mẽ.
Do vậy, dân tộc Việt Nam mà lúc đó người tiêu biểu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đã không tiếp tục lựa chọn con đường giải phóng dân tộc theo ý thức hệ phong kiến để đấu tranh giành độc lập, nhằm tránh đi theo những vết xe đổ của các cuộc khởi nghĩa do các sĩ phu phong kiến lãnh đạo.
Không lựa chọn con đường cách mạng tư sản
Những năm đầu của thế kỷ XX, ở Việt Nam, khi phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc theo ý thức hệ phong kiến đang lâm vào bế tắc, một số cá nhân có tinh thần yêu nước hướng đến con đường cứu nước mới theo trào lưu dân chủ tư sản. Đại diện cho xu hướng này là Phan Bội Châu với tư tưởng bạo động và Phan Châu Trinh với tư tưởng cải cách. Tuy nhiên, thực tế lịch sử đã cho thấy rằng, con đường đấu tranh giải phóng dân tộc theo khuynh hướng dân chủ tư sản cũng không đáp ứng được yêu cầu giải phóng dân tộc và nguyện vọng của đại bộ phận nhân dân Việt Nam.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, minh chứng tính đúng đắn con đường cứu nước Nguyễn Ái Quốc và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn (Ảnh tư liệu)
Trong lúc các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc theo khuynh hướng dân chủ tư sản tạo ra những xáo động khá lớn ở trong nước thì Nguyễn Ái Quốc đang bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài để tìm con đường mới giải phóng cho dân tộc. Thế giới quan cách mạng của Người đã hình thành, cho “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người giống người bóc lột và giống người bị bóc lột, mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái vô sản”[1]. Chứng kiến cảnh lầm than, cơ cực, đói rách của đồng bào trong nước và đời sống xã hội của công nông, quần chúng lao khổ của các nước tư bản hay thuộc địa khác, Nguyễn Ái Quốc thấy rằng, họ đều là những nạn nhân của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.
Nguyễn Ái Quốc đã nghiên cứu kỹ các cuộc cách mạng tư sản trên thế giới. Người cho rằng: “Cách mạng Pháp cũng như cách mạng Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”[2]. Như vậy, dẫu làm cách mạng tư sản thành công thì công nhân, nông dân, quần chúng lao khổ vẫn tiếp tục phải sống trong cảnh bị áp bức, bóc lột. Đó là lý do Nguyễn Ái Quốc không lựa chọn con đường cách mạng tư sản, cho dù nó có tiến bộ so với ý thức hệ phong kiến.
Lựa chọn con đường cách mạng vô sản
Bước ngoặt quan trọng trong hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc, Người bắt gặp Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin, trong đó Lênin nêu lên khả năng “cách mạng vô sản có thể nổ ra và thành công ở các nước thuộc địa”, qua đó, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy chân lý, con đường mở ra triển vọng cho cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi, đáp ứng khát vọng của dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ, đó là giải phóng dân tộc.
Cách mạng vô sản đã làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, mở ra một trang sử mới cho nhân loại nói chung và nước Nga nói riêng. Nguyễn Ái Quốc thấy rằng: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái tự do, bình đẳng thật, không phải tự do bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và các dân tộc bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trên thế giới”[3].
Cách mạng Tháng Mười Nga đã được Nguyễn Ái Quốc lựa chọn và quyết tâm đi theo, Chủ nghĩa Mác – Lênin, cách mạng vô sản đã đưa Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản.
Cách mạng Tháng Mười Nga thành công có sức cổ vũ rất lớn đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Thắng lợi đó đã thúc đẩy những người yêu nước Việt Nam hướng về Liên Xô. Những giá trị tốt đẹp, nhân văn mà cách mạng Tháng Mười Nga đã mang lại cho nhân dân Nga làm cơ sở thực tiễn đời sống của nhân dân trong nước đang bị áp bức bóc lột, đọa đày. Nguyễn Ái Quốc xác định rằng muốn cứu nước, muốn giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Người xác định “chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc” [4].
Một góc thành phố Hồ Chí Minh đổi mới và phát triển
Sự lựa chọn của dân tộc Việt Nam
Sau khi lựa chọn con đường cách mạng vô sản, con đường của cách mạng Tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc bắt tay vào quá trình truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin đến những thanh niên Việt Nam yêu nước, tập hợp họ trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, rồi từ đó, những thanh niên yêu nước đã được giác ngộ ấy lại tiếp tục về Tổ quốc để tuyên truyền Chủ nghĩa Mác – Lênin và con đường cách mạng vô sản về nước, làm chuyển biến các phong trào đấu tranh trong nước từ tự phát đến tự giác; dẫn đến sự ra đời các tổ chức cách mạng: Đông Dương Cộng Sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng Sản Liên đoàn. Sự phát triển mạnh mẽ của các phong trào đấu tranh trong nước dẫn đến yêu cầu cần có sự thống nhất về lãnh đạo, sự ra đời của một chính đảng cộng sản để thống nhất lãnh đạo phong trào cách mạng.
Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trên cơ sở kết hợp chủ nghĩa Mác-Lê nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Đến cuối tháng 2/1930, các tổ chức cộng sản đảng ở ba miền của đất nước đã thống nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đến đây, sau 10 năm kể từ khi Nguyễn Ái Quốc tìm thấy và lựa chọn con đường cách mạng vô sản, sự lựa chọn của một lãnh tụ xuất sắc đã trở thành sự lựa chọn của quốc gia dân tộc với chính đảng cộng sản ra đời, dẫn dắt phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giải phóng dân tộc, đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bảo vệ nền độc lập, thống nhất đất nước.
Những thành tựu trong công cuộc đổi mới phát triển đất nước, hội nhập quốc tế hôm nay đã chứng minh tính đúng đắn của con đường cách mạng vô sản mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là người đã tìm đường, mở đường và dẫn đường cho dân tộc Việt Nam. Những thành tựu, kết quả đạt được hết sức to lớn trên các lĩnh vực đời sống xã hội đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, đã chứng tỏ sức sống trường tồn, mãnh liệt của chủ nghĩa xã hội, càng khẳng định thêm sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản hết sức đúng đắn của Nguyễn Ái Quốc và dân tộc Việt Nam, đó không phải là sự lựa chọn của một cá nhân, mà là một sự lựa chọn của cả dân tộc với khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc và phồn vinh.
Đinh Thanh