Phá kho thóc của Nhật, giải quyết nạn đói là một chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, có tác động trực tiếp đến việc tập hợp và rèn luyện lực lượng cho cuộc đấu tranh giành chính quyền trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945
Chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng
Trước tình hình nạn đói và chết đói khủng khiếp diễn ra cuối năm 1944, đầu năm 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương đã kịp thời nêu lên khẩu hiệu “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói”.
Mặt trận Việt Minh đã ra nhiều thông cáo và truyền đơn hô hào: “Muốn khỏi đói, muốn khỏi chết, muốn cứu hàng triệu người đang vất vưởng đau thương. Ai là người còn đủ thóc ăn phải bảo nhau dùng mọi mưu kế giữ lấy, đừng nộp cho giặc, bớt ra một phần giúp thẳng cho những người nghèo đói quanh mình; ai là người bị rút số gạo bông, phải biểu tình phản đối, đòi cho được mua gạo như cũ; ai là người đang đói khổ, phải rủ nhau kéo đến phủ, huyện, tỉnh trưởng, đốc lý đòi phát gạo, chẹn các xe lương và phá những kho thóc của giặc Nhật mà ăn; ai là người sẵn lòng từ thiện sẵn chí giết thù, phải ủng hộ những việc làm chống giặc mưu sống của đồng bào” .
Đói! Đói! Phải giữ lấy thóc gạo. Phải phá những kho thóc gạo của giặc. Phải đánh đuổi Nhật-Pháp. Ruộng của ta, ta cấy không phải đóng thuế. Thóc của ta, ta ăn, không bị cướp.
Muốn thế, đồng bào mau gia nhập Việt Minh:
Đánh đuổi Nhật-Pháp!
Việt Nam độc lập!” .
Báo Cờ giải phóng, số ra ngày 28/6/1945, kêu gọi “Không nộp thóc cho Nhật, không bán thóc cho các nhà thầu của Nhật; giàu nghèo đoàn kết chống lính Nhật thu “thóc tạ”; phá các kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo; tiến lên đuổi Nhật ra khỏi nước. Chỉ bằng cách ấy, chúng ta mới khỏi chết đói mà thôi” .
Đảng đưa ra chủ trương phá kho thóc của Nhật, cứu đói nhân dân trong bối cảnh các hoạt động cứu đói (chủ yếu là vận chuyển lương thực từ Nam Kỳ ra Bắc) của Chính phủ Trần Trọng Kim không mang lại hiệu quả bao nhiêu.
Một địa điểm tập trung người bị đói tại Hà Nội, đầu năm 1945 (Ảnh tư liệu)
Đáp ứng nguyện vọng sống còn của nhân dân
Chủ trương “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói” đã lôi cuốn hàng triệu quần chúng vào phong trào phá kho thóc, kết hợp với nhiều hoạt động khác, làm cho phong trào cách mạng tiền khởi nghĩa sôi nổi hơn bao giờ hết.
Việc tổ chức, lãnh đạo phá kho thóc cứu đói là một kỳ công của Đảng và Mặt trận Việt Minh trong thời điểm lịch sử lúc bấy giờ. Hàng chục, hàng trăm kho thóc lớn nhỏ ở xã, huyện, phủ, ở các tỉnh, thành bị nhân dân chiếm lấy chia nhau để giải quyết nạn đói.
Ở các tỉnh miền núi Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Yên Bái, lực lượng vũ trang của Mặt trận Việt Minh cùng quần chúng nhân dân đã kết hợp đánh đồn, phá chính quyền địch với phá kho thóc, kho muối chia cho nhân dân hoặc tích trữ cho bộ đội, du kích.
Tại Hà Nội, phong trào phá kho thóc của Nhật cũng nổ ra quyết liệt cả ở nội thành và ngoại thành.
Ngày 24/4/1945, dân nghèo thành phố đến phá các kho thóc gạo ở phố Bắc Ninh, Phà Đen, Lò Lợn. Trên đường bờ sông, công nhân, nhân dân lao động tự động chiếm lại gạo trên các xe bò và đánh trả lính nhật đi áp tải, buộc chúng phải bỏ số thóc gạo vừa cướp được.
Vùng ngoại thành, ở Chèm và dọc đường Bưởi, tự vệ cứu quốc thường chặn các xe bò chở thóc của Nhật để đoạt lại thóc chia cho dân. Kho thóc ở làng Mọc Quan Nhân (Từ Liêm) là kho thóc lớn, nếu phá được thì sẽ gây tiếng vang lớn. Tối 11/7/1945, Việt Minh Hà Nội tổ chức phá kho thóc ở làng Mọc Quan Nhân (Từ Liêm). Đội thanh niên cứu quốc cổ vũ, động viên nhân dân các làng Hạ Yên Quyết, Láng, Giáp Nhất, Hòa Mục, Chính Kinh kéo đến lấy thóc. Đây là sự kiện gây tiếng vang lớn đối với nhân dân Hà Nội và đã tác động mạnh tới chính quyền Nhật.
Tại Bắc Giang, Việt Minh xã Xuân Biều lãnh đạo phá kho thóc đồn điền Vast - một đồn điền lớn của Tartarin, có hàng trăm tấn thóc, hàng trăm trâu, bò, cừu, ngựa vào ngày 14/3/1945 để giải quyết nạn đói. Tiếp đó, hàng loạt kho thóc của Nhật, Pháp và của địa chủ phản động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã bị phá ở các đồn điền và các nơi như ở Cầu Mây, Bến Bồ, Khánh Giang, Lục Liễu, Sông Hóa, Cẩm Lý, Nhà máy rượu Fontein…
Tại Bắc Ninh, Chi bộ Đảng tại Trung Mầu (Tiên Du) chủ trương lãnh đạo quần chúng nổi dậy khởi nghĩa, tịch thu thóc “Liên đoàn” của Nhật còn để ở xã, chia cho nông dân và tổ chức một đội tự vệ mạnh. Đêm 10/3/1945, tự vệ cứu quốc đã đi tước bằng, triện của hào lý. Ngày 11/3/1945, Nhân dân hai làng Trung Mầu, Dương Húc tổ chức mít tinh, tuyên bố tịch thu thóc của địch, thủ tiêu chính quyền bù nhìn và lập chính quyền cách mạng xã.
Cảnh phá kho thóc của Nhật (Ảnh: Bảo tàng Cách mạng Việt Nam)
Ngày 15/3/1945, khoảng 200 người dân làng Lương Khánh Thiện (Bắc Ninh) kéo nhau đi phá kho thóc, vừa đi vừa ca hát, diễn thuyết. Nhân dân tiến về phía chùa Dâu phá hai kho thóc của địch để chia cho dân nghèo. Sau đó, nhân dân liên tiếp phá các kho thóc ở chợ Keo (Thuận Thành), Bang Tiến (Tiên Du), Quế Dương, Bãi Cát, Quả Cảm, Đại Lâm (Yên Phong)…
Ở Vĩnh Yên, chỉ trong một tháng (từ tháng 4 đến tháng 5/1945), gần 50 kho thóc của Nhật và địa chủ ở các huyện Tam Dương, Bình Xuyên, Yên Lạc, Lập Thạch, Vĩnh Tường với hàng nghìn tấn thóc đã bị phá chia cho dân nghèo, trong đó lớn nhất là kho thóc ở ấp Bát Soạn chứa 6.000 tấn thóc bị phá. Hàng vạn nông dân được chia thóc.
Tại Ninh Bình, ngày 15/3/1945, Đảng bộ địa phương lãnh đạo quần chúng phá kho thóc ở nhà Phó Trạch thôn Sưa (Quỳnh Lưu - Nho Quan). Sau đó, các huyện cũng tiến hành phá kho thóc và tịch thu thóc của các đồn điền vắng chủ. Nhiều cuộc phá kho thóc đã biến thành cuộc đấu tranh chống địch khủng bố, càn quét.
Ở Thái Bình, trong hai tháng 3 và 4/1945, nhiều làng ở các huyện Phụ Dực, Thư Trì, Tiền Hải, Vũ Tiên, Tiên Hưng đã thu được 1.000 tấn thóc. Ở các huyện Hưng Nhân, Quỳnh Côi, thị xã Thái Bình, nhiều cuộc phá kho thóc của Nhật diễn ra. Ở Hưng Nhân, lực lượng tự vệ một số làng ven sông Luộc đã chặn nhiều thuyền chở thóc của Nhật, lấy thóc chia cho nhân dân. Ở Bến Hiệp (Quỳnh Côi), tự vệ chặn hai thuyền gạo của Nhật.…
Tại Kiến An, ngày 13/7/1945, nhân dân các ấp Đoàn Xá, Lão Phong, Kính Trực, Đại Lộc… tập trung phá kho thóc ở Đoàn Xá. Chính quyền cách mạng làng Kim Sơn (xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy) đã liên lạc và phối hợp và phối hợp với các cơ sở cách mạng vùng này liên tiếp phá kho thóc, kho muối ở nhiều nơi, sang cả ấp Vinh Quang (Tiên Lãng). Quần chúng thu thẻ bài, tịch thu các xe thóc, cảnh cáo hào lý gian ác, kêu gọi nhân dân tham gia Việt Minh, chống Nhật.
Tại Hải Dương, đêm 11/3/1945, Việt Minh phát động quần chúng nổi dậy phá kho thóc ở bờ sông (đường Bạch Đằng, Hải Dương ngày nay). Phong trào phá kho thóc kéo dài trong vòng mấy tháng. Khi nhân dân nổi dậy khởi nghĩa từng phần, thành lập Chiến khu Trần Hưng Đạo (Chiến khu Đông Triều), quần chúng cách mạng nổi dậy ở địa phương nào đều thực hiện phá kho thóc ở đó, không chỉ phá những kho thóc cố định mà còn chặn và tịch thu một số thuyền và tàu chở thóc, gạo cho Nhật trên sông. Tính đến tháng 7/1945, nhân dân Hải Dương đã phá 39 kho thóc, chặn 43 thuyền, thu giữ 1.507 tấn thóc .
Ở Hưng Yên, mở đầu phong trào phá kho thóc của Nhật là cuộc nổi dậy phá kho thóc ở Giai Phạm (Yên Mỹ) và kho thóc Bần của nhân dân Mỹ Hào…. Cùng với phá kho thóc, phong trào chống thuế ở Hưng Yên diễn ra sôi nổi. Hàng trăm cuộc biểu tình, cuộc diễn thuyết, quy tụ hàng chục nghìn người, hưởng ứng lời kêu gọi của Việt Minh chống nộp thuế cho địch.
Phong trào phá kho thóc, giải quyết nạn đói là nhanh từ Bắc Kỳ vào Trung Kỳ, nơi vốn phải chịu nhiều hậu quả của thiên tai, bão lụt, lại chịu chế độ cai trị hà hắc của quân phiệt Nhật và thực dân Pháp.
Ở Thanh Hóa, quần chúng đã chặn đánh các xe thóc của Nhật để cứu đói.
Tại Vinh (Nghệ An), ngày 19/5/1945, Hội nghị thành lập Ban vận động Mặt trận Việt Minh-Nghệ Tĩnh ra quyết nghị lập ra các cấp bộ Việt Minh ở cơ sở để lãnh đạo nhân dân phá các kho thóc của Nhật để cứu đói. Phong trào phá kho thóc nhanh chóng được nhân dân thành phố Vinh và các huyện thực hiện.
Do đáp ứng được yêu cầu bức thiết của quần chúng nhân dân, phong trào phá kho thóc của Nhật để giải quyết nạn đói đã phát triển mạnh mẽ, sôi động từ Việt Bắc, tới các tỉnh Bắc Kỳ và Trung Kỳ.
Qua phong trào “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói”, uy tín của Mặt trận Việt Minh tăng lên mạnh mẽ, số người tham gia Mặt trận Việt Minh ngày càng đông đảo. Những cuộc đấu tranh phá kho thóc đã tập hợp quần chúng, từ hàng trăm người đến hàng vạn người, tập dượt quần chúng đi từ hình thức đấu tranh thấp đến hình thức đấu tranh cao, từ đấu tranh chính trị tiến lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, để dần dần phát triển thành “Đội quân chính trị quần chúng” mạnh mẽ, đồng thời tổ chức lực lượng vũ trang nhân dân, làm nòng cốt cho toàn dân trong cuộc đấu tranh giành chính quyền tháng Tám năm 1945.
Từ phong trào phá kho thóc của Nhật, nhân dân ta đã vùng lên phá tan xiềng xích đế quốc, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân.
Bình Thi