Nhìn vào cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể thấy tư tưởng và sự nghiệp vĩ đại của Người đã được tỏa sáng trên mảnh đất Thủ đô Hà Nội. Chính vì sự gắn bó sâu sắc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm nhận, tích hợp văn hóa Hà Nội trong văn hóa Hồ Chí Minh. Người luôn dành một mối quan tâm sâu sắc cho sự nghiệp xây dựng văn hóa, phát triển con người Thủ đô.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một thời gian dài gắn bó với Hà Nội, với văn hóa Hà Nội. Ngày 26/8/1945, Người từ chiến khu Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội. Tại căn nhà số 48 Hàng Ngang, Người soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt
Về xây dựng văn hóa Hà Nội
Có nhiều trải nghiệm văn hóa, cộng với một nhãn quan chính trị sáng suốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao văn hóa Hà Nội. Đối với Người, Hà Nội là trung tâm văn hóa, là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của đất nước, chính vì vậy, nhiệm vụ đặt ra đối với chính quyền và nhân dân Hà Nội là làm sao để sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa Hà Nội phải trở thành tấm gương cho cả nước. Đây là một nhiệm vụ đặt ra đối với việc xây dựng văn hóa Thủ đô, đồng thời cũng chính là tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi bàn về Hà Nội. Các bài nói, bài viết, bức điện … của Người đều có chung một trăn trở: phải phấn đấu làm cho Thủ đô Hà Nội trở thành một thành phố gương mẫu.
Trong Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng Người động viên nhân dân Hà Nội quyết tâm góp sức xây dựng Thủ đô: "Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt qua mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh"[2]. Như vậy, xây dựng Thủ đô, theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải chú ý cả hai phương diện, đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Nếu xây dựng Hà Nội "phồn thịnh" có thể hiểu là xây dựng một cơ sở vật chất khang trang, to đẹp thì xây dựng Hà Nội "yên ổn, tươi vui" có thể hiểu chính là xây dựng một đời sống tinh thần lành mạnh, vui tươi cho Thủ đô. Ngày 16/10/1954, trong buổi tiếp đại biểu nhân dân Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc đi, nhắc lại câu "chúng ta phải đoàn kết" và yêu cầu "Nhân dân Thủ đô có truyền thống cách mạng vẻ vang và nồng nàn yêu nước, tôi chắc rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển, để làm gương mẫu, để dẫn đầu cho nhân dân cả nước ta trong công cuộc củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong khắp nước ta; để xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta"[3]. Đây là lần đầu tiên Bác Hồ mong muốn và yêu cầu Thủ đô phấn để để trở thành thành phố gương mẫu, làm đầu tàu cho cả nước. Mong muốn và yêu cầu này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra với Hà Nội còn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các bài nói, bài viết khác của Người. Ngày 21/1/1958, trong thư gửi Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Người nhắc nhở một trong các nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân Thành phố là "Giữ vững và phát triển thuần phong mỹ tục, làm cho Thủ đô ta ngày thêm tươi đẹp, phồn thịnh và trở nên một thành phố gương mẫu cho cả nước"[4]. Điều này trước tiên xuất phát từ nhận thức của Người về vị trí địa văn hóa, địa chính trị của Thủ đô Hà Nội. Hà Nội, với bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến, là trung tâm thu hút tinh hoa văn hóa của các vùng miền. Văn hóa Hà Nội, vì thế, luôn có sự hiện diện của cả hai chiều kích: hội tụ và tỏa sáng. Hội tụ tinh hoa văn hóa để trở thành trung tâm, thành đầu tàu phát triển văn hóa; tỏa sáng để dẫn dắt, để thành tấm gương cổ vũ các địa phương khác cùng phát triển.
Để Hà Nội trở thành đầu tàu gương mẫu về mọi phương diện, trong đó có lĩnh vực văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều căn dặn hết sức rõ ràng, chi tiết. Người quan tâm từ những vấn đề khái quát mang tính phương pháp luận, những vấn đề lớn như phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng đến những vấn đề rất cụ thể như vệ sinh đường phố, đặt tên phố … Đặc biệt, trong bối cảnh lúc bấy giờ, vấn đề xây dựng đời sống mới được người nhấn mạnh.
Tháng 1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào xây dựng Đời sống mới. Tháng 4-1946, Người ký sắc lệnh thành lập Ủy ban Trung ương vận động Đời sống mới. Tháng 3-1947, dù bận trăm công nghìn việc vào cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa thực dân Pháp, Người đã viết cuốn sách “Đời sống mới” để hướng dẫn việc xây dựng đời sống mới trong các tầng lớp nhân dân, trong toàn xã hội. Tất nhiên, vấn đề xây dựng đời sống mới là vấn đề chung của cả nước, nhưng đối với Thủ đô Hà Nội, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp thiết, bởi vì "Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần"[5].
Xây dựng đời sống mới ở Hà Nội trước hết là quét sạch các tệ nạn xã hội. Là một đô thị lớn và có nhiều khó khăn, phức tạp, nhiều tệ nạn xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Đối với Hà Nội, phải làm cho Thủ đô trong sạch về tinh thần và vật chất"; "về việc quét bọn cao bồi, buôn lậu, công an không làm được một mình mà phải dựa vào dân, không có dân không hiểu biết bọn buôn lậu, dân biết hàng hóa ở đâu ra, mà gái điếm hoạt động người ta cũng biết. Phải dựa vào dân mà giải quyết vấn đề này", Xây dựng đời sống mới còn là giữ gìn an ninh trật tự, giữ gìn thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội. "Từ nay Chính phủ và nhân dân ta phải cùng nhau cố gắng nhiều để khôi phục, củng cố và phát triển đời sống tinh thần và vật chất của Thủ đô ta.
Chính phủ và nhân dân phải cùng nhau ra sức giữ gìn trật tự, an ninh. Trật tự, an ninh tốt thì mọi người mới an cư, lạc nghiệp.
Chúng ta phải cùng nhau gây nên một phong trào cần, kiệm, liêm, chính và mỹ tục, thuần phong"[6].
Xây dựng đời sống mới còn là hình thành và duy trì các nếp sống mới, văn minh, khoa học. "Đối với Hà Nội, tôi đề nghị thêm một điểm này nữa trong cuộc thi đua, tức là thi đua làm tốt vệ sinh phòng bệnh. Trước đây, đồng bào Hà Nội đã có những cuộc thi đua như thế, nhưng phong trào khi lên khi xuống, không được liên tục. Lần này phải làm cho phong trào thường xuyên và bền bỉ. Chúng ta ngày nào cũng rửa mặt, đánh răng, thì thành phố của chúng ta ngày nào cũng phải quét dọn tươm tất. Chúng ta phải làm cho Thủ đô ta ngày càng sạch sẽ, vui tươi"[7].
Đồng thời, để xây dựng đời sống mới, để phát triển văn hóa Thủ đô cần phải chú ý tới các hoạt động văn hóa, giáo dục để nâng cao dân trí. "Chính phủ và các vị cha mẹ học trò phải cùng cố gắng để cho con cháu ta được tiếp tục học hành. Các nhà văn hóa, giáo dục phải hăng hái phục vụ nhân dân, Chúng ta phải duy trì và khôi phục mọi hoạt động văn hóa"[8].
Về xây dựng con người Hà Nội
Nói đến văn hóa là nói đến con người. Con người vừa là chủ thể sáng tạo văn hóa, đồng thời cũng là sản phẩm của văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô. Ngoài sự cảm mến, trân trọng những tình cảm mà nhân dân Thủ đô dành cho lãnh tụ, cho cách mạng, người luôn nhấn mạnh đến vai trò của nhân dân Thủ đô trong việc xây dựng Hà Nội thành thành phố đầu tàu, gương mẫu. Người luôn quan tâm động viên, nhắc nhở các tầng lớp nhân dân Thủ đô phát huy trí tuệ, công sức để xây dựng Thủ đô tươi đẹp cả về vật chất và tinh thần.
Nếu Thủ đô Hà Nội là đầu tàu gương mẫu trên mọi phương diện: kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa thì con người Thủ đô cũng phải là tấm gương cho nhân dân cả nước.
Bác Hồ với nhân dân thủ đô. Ảnh: kinhtedothi
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên gửi thư cho các tầng lớp nhân dân Thủ đô: từ các cụ phụ lão, chị em phụ nữ, công nhân, nông dân, trí thức… Đặc biệt, người rất quan tâm tới tầng lớp thanh thiếu niên, nhi đồng Hà Nội. Trong 10 lá thư, bài viết, bài phát biểu dành cho thanh niên, thiếu niên, sinh viên Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện lòng mong mỏi thanh thiếu niên Thủ đô đoàn kết, chăm chỉ học tập, lao động, phát huy sáng kiến để thanh thiếu niên trong cả nước học tập, "Đối với mọi công tác, thanh niên Thủ đô phải làm gương mẫu cho thanh niên cả nước"[9].
Đối với các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng Thủ đô, người ân cần khuyên nhủ: "Tôi thân ái khuyên các cháu thanh niên và nhi đồng chăm chỉ học tập, hăng hái tham gia công việc khôi phục và xây dựng Thủ đô yêu quý của chúng ta, mà mai sau các cháu sẽ là chủ nhân"[10].
Muốn xây dựng Hà Nội trở thành thành phố văn minh, gương mẫu thì mỗi công dân Hà Nội phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Mỗi người dân Thủ đô, ở các vị trí xã hội khác nhau, với các công việc khác nhau, đều phải có trách nhiệm xây dựng Thủ đô thông qua việc hoàn thành công việc của mình.
"Anh em công nhân phải cố gắng làm cho nhà máy chạy đều, mức sản xuất giữ vững.
Bà con tư sản và tiểu thương, tiểu chủ phải cố gắng duy trì và củng cố việc sản xuất và việc buôn bán, việc cung cấp đầy đủ cho nhân dân.
Các thầy giáo và học sinh phải cố gắng làm cho việc học hành đều đặn, phát triển.
Các gia đình và cả thành phố phải cố gắng làm cho công việc vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng.
Bộ đội, công an, tự vệ phải cố gắng giữ gìn trật tự, an ninh được vững chắc.
Nói tóm lại: mỗi một người dân Hà Nội, bất kỳ thuộc tầng lớp nào, bất kỳ làm công việc gì, đều cần phải cố gắng làm trọn nhiệm vụ của mình, đều cần phải góp phần vào công việc ổn định sinh hoạt của Thủ đô ta"[11].
Trong bối cảnh đẩy mạnh xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, giàu đẹp, việc trở lại với những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển sự nghiệp văn hóa, con người của Thủ đô không chỉ có ý nghĩa về phương diện lý luận, học thuật, mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Tư tưởng của Người là những chỉ dẫn qúy báu để xây dựng văn hóa và phát triển con người Hà Nội đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước hiện nay.
[1] Theo sách Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004.
[2 - 11] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Lâm Minh Khuê