Trở lại những ngày tháng Tư lịch sử của năm 1975, chúng ta thấy rõ sự lãnh đạo tài tình của cơ quan lãnh đạo chiến lược, quyết tâm giành thắng lợi của quân và dân ta với tinh thần khẩn trương “Một ngày bằng 20 năm”, xốc tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Từ sau thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên, sau khi Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho quân đội Việt Nam Cộng hòa rút khỏi cao nguyên miền Trung, Bộ Chính trị nhận thấy địch đã sai lầm chiến lược, ta cần tận dụng hơn nữa thời cơ nghìn năm có một để hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến đã kéo dài gần 21 năm. Đặc biệt, sau thắng lợi của chiến dịch giải phóng Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng, khi quân đoàn I, II của Việt Nam Cộng hoà tan rã, căn cứ vào tình hình biến chuyển nhanh chóng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thấy rõ khả năng và thời cơ giải phóng miền Nam ngay trong tháng 4/1975. Ngày 31/3/1975, Hội nghị Bộ Chính trị quyết định chớp thời cơ giải phóng Sài Gòn tốt nhất là ngay trong tháng 4/1975 với tư tưởng chỉ đạo là “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Trên cơ sở đó, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh mặt trận Sài Gòn được thành lập.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương chỉ đạo theo dõi chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu
Thực hiện sử chỉ đạo và quyết tâm nêu trên, toàn bộ các cánh quân giải phóng miềnNamnhằm hướng Sài Gòn xốc tới. Ngày 7/4/1975, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp điện khẩn tới các cánh quân cụ thể hóa chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”. Đại tướng yêu cầu “Truyền đạt tức khắc tới đảng viên, chiến sỹ” trên các mặt trận ở miền Nam.
Bức điện vừa là mệnh lệnh, vừa là lời hịch cổ vũ tinh thần đối với chỉ huy, chiến sỹ trên chiến trường vào thời điểm vô cùng quan trọng của cuộc kháng chiến. Đồng chí Khuất Duy Tiến, lúc đó là Trưởng phòng Tác chiến Quân đoàn 3, một mũi tiến công giải phóng miền Nam, cho rằng bức điện được truyền đạt đến ông chính là mệnh lệnh tiến công khẩn trương, là thông điệp cho biết phải nhanh chóng chớp lấy thời cơ. Ngay tức khắc, quân đoàn cơ động lực lượng, tăng tốc tiến về giải phóng Sài Gòn.
Đối với các chiến sĩ có mặt trong đội hình các quân đoàn tiến về giải phóng Sài Gòn, thông điệp tiến công rõ ràng, quyết liệt như truyền một nguồn cảm hứng, sức mạnh mới, như hồi kèn xung trận, tạo sức mạnh cho những người lính tăng tốc hành quân không mệt mỏi, hướng về sào huyệt của địch.
Thực hiện thắng lợi phương châm trên, chúng ta có thể chớp thời cơ, nhanh chóng giải phóng miền Nam, giành chiến thắng quyết định trước khi quân đội chính quyền Sài Gòn có thể phối hợp, bố trí lại lực lượng, làm thất bại những âm mưu quốc tế hóa cuộc chiến tranh của các thế lực phản động quốc tế. Ngày 9/4/1975, Quân đoàn 4 của ta tiến công thị xã Xuân Lộc một vị trí trọng yếu trên tuyến phòng thủ Đông Bắc Sài Gòn của quân đội Việt Nam Cộng hoà. Ở Nam Bộ, quân ta tấn công mãnh liệt ở Tây Nam Bộ và Trung Nam Bộ. Tại hướng Tây Nam Sài Gòn, Đoàn 232 chuyển lực lượng xuống đồng bằng, áp sát đường số 4, tạo bàn đạp ở phía Tây thị xã Tân An…
Đường Trường Sơn với những đoàn xe vận tải hướng về Nam, năm 1975. Ảnh: Tư liệu
Trong lúc Mỹ và chính quyền Sài Gòn như “lên cơn sốt” trước sức tấn công của quân giải phóng, thể theo nguyện vọng của quân và dân ta, trong đó có quân và dân Sài Gòn-Gia Định, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị thông qua lần cuối kế hoạch chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định; phê chuẩn đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch đặt tên chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh và chủ trương “tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng, không để chậm”.
Quyết tâm của Bộ Chính trị được truyền đạt ngay tới các chiến trường vào 15 giờ 30 phút cùng ngày.
Tin chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định mang tên Bác Hồ vĩ đại đã tạo thêm sức mạnh của quân và dân ta dồn dập tiến công, đập tan sự kháng cự của địch, giành thắng lợi cuối cùng.
Vào hồi 17 giờ ngày 26/4/1975, cuộc tổng công kích đánh chiếm thành phố Sài Gòn-Gia Định bắt đầu. 5 cánh quân đồng loạt nhằm các mục tiêu trong thành phố Sài Gòn-Gia Định tiến quân với với khí thế hùng mạnh nhất. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc dinh Độc lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta kết thúc thắng lợi, cả nước ca vang khúc khải hoàn: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.
11h30 phút ngày 30/4/1975, quân giải phóng cắm cờ trên Dinh Độc Lập. Ảnh: Tư liệu
Tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” của Bộ Chính trị và mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng” mà Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thay mặt Thường trực quân ủy Trung ương tuyền đạt tới chiến trường đã thể hiện rõ sự chủ động, nhạy bén và quyết tâm chính trị cao độ, nắm vững thời cơ chiến lược và mục tiêu cách mạng của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, tạo nên Đại thắng Mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bình Nguyễn