Đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ và thẳm sâu, ấp ủ và bao bọc biết bao huyền thoại diệu kỳ. Đắm chìm giữa rặng rừng xanh bát ngát là những nếp nhà sàn, chông chênh trong vũ điệu cồng chiêng, như đưa con người về với giá trị nguyên sơ, nơi tinh thần mẫu quyền còn ngự trị.
Các chàng trai, cô gái Bh'noong cùng nhau tham gia lễ hội, tìm hiểu về người bạn đời tương lai của mình. Ảnh: baoquangnam
Tây Nguyên vào dịp hoa pơlang nở đỏ thắm núi rừng báo hiệu mùa xuân về, trên khắp các bản làng, lòng người cũng rạo rực đón chờ những lễ hội tưng bừng cho mùa cưới, mùa các thiếu nữ tuổi cập kê chuẩn bị cho một cuộc “bắt chồng”.
Nếu như ở miền núi phía Bắc phổ biến tục kéo vợ, nam giới chủ động đi tìm kiếm bạn đời thì với tộc người Chu Ru, Cil, Cơ-ho… ở Tây Nguyên, người được chủ động lại là nữ giới. Vào những đêm mùa xuân, người con gái sẽ đi tìm người con trai mình thích để trao nhẫn đôi, ngỏ lời và hẹn ngày ra mắt gia đình làm lễ cưới. Người Tây Nguyên chọn nghi lễ vào ban đêm bởi quan niệm bóng đêm sẽ dập tắt mọi điều tiếng không hay. Cô gái khi đã thích chàng trai, sẽ xin với gia đình để trong ba tháng mùa xuân, gia đình nhà gái sẽ đến nhà trai dạm hỏi. Nếu hai bên thuận ý sẽ xin buôn làng chọn lựa một “đêm thiêng” để “bắt chồng”. Cô gái chuẩn bị cặp nhẫn Srí được chế tác công phu, tượng trưng cho sự linh thiêng của rừng rà, sự chân thành của tình yêu và khát vọng đôi lứa bền lâu. Nều chàng trai còn chưa đồng ý, cô gái sẽ không bỏ cuộc mà tiếp tục chọn những đêm đẹp trời để tìm đến trao nhẫn cho đến khi chàng trai ưng thuận mới thôi.
Tập tục bắt chồng được lưu truyền từ xa xưa cho đến tận hôm nay, phản ánh dấu vết mẫu hệ đậm nét, với quyền chủ động, quyết định được cộng đồng trao cho nữ giới. Theo tục lệ này, nữ giới khi đến tuổi xây dựng gia đình, hoàn toàn chủ động tìm kiếm và lựa chọn bạn đời, cưới về chàng trai sẽ ở rể ít nhất một năm đầu. Người con gái hoàn toàn tự chủ trong tình yêu, hôn nhân. Theo quan niệm từ đời xưa, phụ nữ có quyền lực và được quý trọng hơn nam giới, phụ nữ là trụ cột trong gia đình và nắm quyền quyết định mọi việc. Trong gia đình mẫu hệ, con cái tính theo dòng họ mẹ, con gái là người thừa kế.
Khi mùa vụ đã xong vào khoảng tháng giêng đến tháng tư, những thiếu nữ của núi rừng Tây Nguyên đến tuổi trưởng thành sẽ làm đẹp, chỉnh trang để đi chơi và tìm bạn trong những lễ hội hay những cuộc gặp gỡ bạn bè. Nếu tìm được một chàng trai có thể chất tốt, có nghề nghiệp thì cô gái hoàn toàn có thể quyết định chọn làm bạn đời, chỉ cần gia đình nhà gái trả đủ sính lễ mà nhà trai yêu cầu.
Tục bắt chồng của dân tộc Chu-ru. Ảnh: dantocmiennui
Dường như là một sự đối lập với tập tục ở nhiều nơi khác theo chế độ phụ quyền, gia đình những cô gái ở Tây Nguyên phải đứng ra lo liệu mọi nghi lễ cho hôn sự, từ số tiền trả thách cưới cho đến mọi chi phí cưới hỏi. Ở nhiều nơi, những chàng trai nghèo thì khó lấy được vợ, mà ở Tây Nguyên, những cô gái nghèo lại chẳng lấy (hay là “bắt”) được chồng. Điều này cho thấy, dù mẫu quyền hay phụ quyền, biểu hiện thực tế của nó cũng tồn tại những hệ lụy, thách cưới dẫu từ nhà gái hay nhà trai, cũng đều có thể trở thành gánh nặng của phía còn lại.
Tuy nhiên ngày nay, khi sự tiếp xúc văn hóa giữa các tộc người, các cộng đồng trở nên mạnh mẽ, những tập tục xưa cũ dường như ít nhiều đã có sự biến đổi, hài hòa, tích cực và văn minh hơn. Người Tây Nguyên đã có cách nhìn linh hoạt hơn về tục bắt chồng, giữ lại hồn cốt và sự trang trọng của luật tục truyền thống, nhưng đã cởi mở hơn trong thủ tục về hôn nhân. Ngoài những ảnh hưởng từ môi trường văn hóa có sự giao thoa, dung hòa, có lẽ những giá trị nữ quyền chân chính được thúc đẩy bởi khát vọng hạnh phúc và nhân văn đã tác động và điều chỉnh hành vi của cộng đồng. Nhận thức của con người có sự thay đổi, kéo theo những hủ tục dần được thay thế. Nếu như trước kia, một số tộc người Tây Nguyên còn phổ biến tục nối dây, trói buộc cuộc đời của vợ hoặc chồng trong vòng tròn huyết thống, khi một trong hai người, vợ hoặc chồng qua đời, người còn sống bắt buộc phải lấy chị em vợ hoặc anh em chồng để giữ được dòng máu dòng tộc, thì ngày nay, nam nữ đã được yêu đương và tiến hành hôn nhân theo nguyện vọng và cảm tình của cá nhân, vẫn duy trì tục thách cưới nhưng đã bớt đi sự nặng nề, chủ yếu căn cứ vào điều kiện của từng gia đình. Đây cũng chính là thành tựu trong sự phát triển của tư tưởng nữ quyền, mưu cầu những quyền lợi bình đẳng và chính đáng nhưng không làm mất đi bản sắc và giá trị truyền thống của cộng đồng.
Người phụ nữ Tây Nguyên là biểu tượng của gia đình, là linh hồn của cộng đồng, với quyền lực vươn xa bất tận như núi rừng thăm thẳm. Nhưng ngày nay, thứ quyền lực ấy không cô đơn ở đỉnh cao mà thấm sâu vào đời sống tinh thần hài hòa của con người, bao phủ lấy núi rừng điệp trùng như hơi thở của ngàn xưa còn sưởi ấm hôm nay.
Thanh Hương