Sử thi Tây Nguyên là sản phẩm của nền văn minh nương rẫy, là “bách khoa thư”, “phong tục kí” về đời sống tộc người. Đó là những câu chuyện dài, có vần, có điệu và được diễn tả, minh hoạ bằng động tác, hành động. Trong đó, sử thi Ê Đê phần lớn đều có nguồn gốc dân gian, tồn tại dưới dạng truyền miệng hoặc văn bản, đề cập đến nhiều tới phong tục tập quán của người Ê Đê như tục tiếp khách, tục đi rừng, tục gái hỏi chồng, tục chơi quay thả diều.
Một trong những nét đẹp văn hoá của người Ê Đê được phản ánh trong sử thi và trong cuộc sống hiện thực là những trò chơi dân gian truyền thống. Trong đời sống của người Ê Đê, mùa xuân là mùa chơi quay và mùa khô là mùa thả diều. Tục chơi quay, thả diều là một trong những phong tục đẹp thể hiện niềm yêu đời, yêu cuộc sống của người dân nơi đây. Đối với người Ê Đê, ngoài công việc làm nương rẫy và tài săn bắn, trai tráng trong buôn làng lớn lên nếu không biết chơi quay, thả diều sẽ không được dân làng trọng dụng và các cô gái trong buôn làng không ai để ý. Do đó, chơi quay, thả diều là một trò chơi vui khỏe, có tác dụng rèn luyện trí tuệ, tài năng và sức mạnh của các chàng trai trong buôn làng.
Hàng năm, từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch, trai tráng trong các buôn làng nơi đây lại thi nhau thả diều và họ thường chọn những khu đất trống để thả diều. Trong khi thả diều, ai cũng muốn điều chỉnh sao cho diều của mình chao liệng mà lướt gió nhanh, cho sáo kêu to mà âm hưởng lại vi vu. Diều của ai bay cao nhất và ở trên không trung lâu hơn thì thắng cuộc. Hết mùa thả diều lại đến mùa chơi quay. Đây là mùa “ăn năm uống tháng” của đồng bào Ê Đê nên những trò chơi dân gian thường được tổ chức để mọi người vui chơi sau những ngày lao động vất vả.
Người dân Ê đê quan niệm thả diều trong nghi lễ cầu mùa để mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đắk Lắk
Trước khi tổ chức những cuộc chơi, trai tráng trong buôn làng rủ nhau vào rừng tìm những thứ gỗ quý, những loại tre tốt và những sợi dây bền để về làm con quay, uốn con diều. Nguyên liệu làm diều được người chơi lưạ chọn kỹ để con diều sau khi được làm hoàn thành và mang đi thả phải bay cao, tiếng sáo diều kêu hay và vang vọng khắp núi rừng. Sử thi Mdrong Dăm ghi lại tục thả diều của người Ê Đê và phản ánh khát vọng của người dân nơi đây được khám phá vũ trụ: “Mùa thu đến, nó thấy đám thanh niên đua nhau đi thả diều. Mùa xuân về bọn trẻ cùng tuổi nó mải mê chơi quay. Người già cũng đua nhau thả diều, chơi quay như đám trai tráng trẻ nhỏ… Mdrong Dăm liền chạy tới nơi bọn trẻ đang chơi thả diều. Người ta cầm dây diều chạy về phía đông, người ta cầm dây diều chạy về phía tây, nó cũng chạy theo về phía tây. Mdrong Dăm hăng say theo đám thả diều như người điên người khùng.”[1]
Diều sáo của người dân Ê đê. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đắk Lắk
Sử thi Mdrong Dăm cũng khắc hoạ chi tiết, sinh động thời gian, không gian diễn ra trò chơi đánh quay của người Ê Đê: “Mùa khô là mùa thả diều, mùa xuân đến gió nhẹ là mùa đánh quay. Khi mùa hoa, người người lo việc trồng trỉa trên nương rẫy. Trời mùa xuân nắng nhẹ, người ta tổ chức đánh quay.”[2] Khi con quay được làm xong, các chàng trai trong buôn làng thường rủ nhau vào rừng tìm những khu đất trống, bằng phẳng và chia người chơi quay thành hai bên để thi tài đọ sức: “Bọn trẻ vừa đánh quay vừa la, trai lớn cũng nhao nhao đánh quay. Họ đánh quay từ sáng đến chiều, đánh quay từ lúc mặt trời mọc đến chiều tối mới chịu về nhà”[3], “chúng đánh quay ào ào từ phía đông, nhộn nhịp phía tây. Những người lớn tuổi cũng đánh, người trăm, người nghìn, tất cả dân làng đều thi đánh quay.”[4]
Khi miêu tả tài năng, sức mạnh của người anh hùng toàn thiện, toàn mỹ, sử thi Ê Đê cũng tái hiện hình ảnh người anh hùng tham gia các trò chơi truyền thống của người Ê Đê và nâng lên thành một tài năng, sức mạnh của những người anh hùng, tượng trưng cho khí phách hào hùng của người Ê Đê. Người anh hùng Mdrong Dăm, Khinh Dú,… khi tham gia các trò chơi của cộng đồng cũng luôn thể hiện sự tài giỏi vượt trội: “Con quay chạy vù vù. Nó đánh từ lúc mặt trời in dấu ở xà ngang đến lúc trời chiều. Vui mừng quá, Mdrong Dăm quên ăn, quên cả mệt nhọc, đánh quay ba ngày, ba đêm không nghỉ… Họ đánh thử con quay của Mdrong Dăm, con quay xoay tít không ngừng. Họ đánh phía tây, con quay của chàng tránh chạy sang phía đông, họ đánh sang phía nam, con quay nhảy tâng tâng lên mặt đất. Con quay của Mdrong Dăm đánh ban đêm nó vẫn biết tránh vượt vật cản, biết né tránh con quay của ai đánh nó…”[5] Người anh hùng Khinh Dú khi tham gia trò chơi quay thì con quay trong tay chàng: “Đánh mãi mà con quay của chàng không nứt. Nó quay tít không dừng, chàng cũng không nghỉ, cứ đi đi mãi.”[6]
Ngày hội thả diều của người Ê Đê. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đắk Lắk
Tục thả diều, chơi quay không chỉ để các chàng trai trong buôn làng thể hiện tài năng, khẳng định sức mạnh của mình trước thị tộc, bộ lạc mà cánh diều, con quay còn là vật giao duyên nối liền tình cảm của họ với những người con gái đẹp trong cộng đồng. Tục chơi quay, thả diều đã gắn kết những chàng trai, cô gái trong buôn làng nên vợ nên chồng và trở thành niềm ngưỡng mộ của cả cộng đồng. Trong khi tham gia trò chơi quay, người anh hùng Mdrong Dăm nhờ con quay chỉ lối đưa đường mà gặp nàng Hbia Sun xinh đẹp: “Con quay chạy mãi trên đường tới buôn làng Hbia Sun xinh đẹp. Con quay xoay xoay chạy qua một trăm buôn, vượt qua tám làng, nó vẫn xoay tít… Con quay chạy tới gầm sàn của buồng Hbia Sun.”[7] Mặc dù nhiều người tìm cách để con quay dừng lại nhưng chỉ có nàng Hbia Sun xinh đẹp mới có thể làm cho con quay của chàng Mdrong Dăm dừng lại: “Hbia Sun nhổ nước trầu xuống thì chẳng mấy chốc con quay xoay lảo đảo như người say rượu, một lúc sau nó ngừng hẳn.”[12]
Chơi quay, thả diều là nét văn hoá phổ biến ở nhiều quốc gia. Người Ê Đê quan niệm, con người là hoá thân của cánh diều và cánh diều như những bài ca trữ tình sâu lắng, là tiếng lòng của các chàng trai Ê Đê. Tục chơi quay, thả diều của người Ê Đê thể hiện niềm vui, tài năng, trí tuệ, tâm hồn khoáng đạt, bay bổng của các chàng trai, cô gái Ê Đê và là dịp để các chàng trai, cô gái lựa chọn bạn tìm hiểu, hẹn hò. Trong văn hoá của người Việt Nam nói chung và người Ê Đê nói riêng, cánh diều no gió thể hiện cho khát vọng tự do, đầy đủ, may mắn. Do đó, trong các nghi lễ cầu mùa, người Ê Đê thường thả diều để cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu và cuộc sống người dân trong buôn làng được ấm no, hạnh phúc.
Thương Lê
[1, 2, 3, 4, 5, 6] Viện Khoa học xã hội Việt Nam (2006), Mdrong Dăm: Sử thi Ê Đê, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.