Hạnh phúc lứa đôi là khát vọng muôn thuở của con người, và mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng lại lựa chọn một cách thức khác nhau để kiếm tìm điều ấy. Người Mông ở cheo leo trên những sườn núi cao, từ bao đời nay, vẫn tìm kiếm hạnh phúc cho mình nhờ tục “kéo vợ”.
Kéo vợ là một tập tục độc đáo của cộng đồng người dân tộc Mông. Khi các chàng trai, cô gái Mông đến tuổi cập kê, họ sẽ lựa những dịp lễ hội mùa xuân để gặp gỡ, sau khi “ưng cái bụng” thì cô gái sẽ chấp thuận để chàng trai tìm dịp “kéo” cô về làm vợ. Vì thế thường khi những ngày đầu năm mới, trên những nẻo đường xuân rộn rã người lại qua, đâu đâu cũng thấy dập dìu váy áo của thiếu nữ và điệu khèn, tiếng hát của thanh niên Mông, cùng tìm ý trung nhân của mình để kết lại mối duyên lâu dài.
Thiếu nữ Mông dạo chơi giữa mùa xuân. Ảnh minh họa.
Có người gọi đây là tục cướp vợ, bắt vợ hoặc trộm vợ, với cách hiểu theo đúng nghĩa đen là bắt ép con gái nhà người ta về làm vợ nhà mình một cách thô bạo, không cần quan tâm tới phản ứng của cô gái và gia đình cô. Thực chất, trong tiếng Mông, gọi tục lệ này là “hái pù” (tức là kéo vợ), gắn liền với nó là những nét ứng xử truyền thống thuần khiết và nhân văn.
“Kéo vợ” là một trong nhiều cách thức để dẫn đến hôn nhân theo phong tục của người Mông. Nam nữ thanh niên người Mông vẫn chủ động tìm hiểu nhau và tự nguyện cưới hỏi. Bên cạnh đó, theo truyền thống thì hôn nhân còn do cha mẹ sắp đặt, đặt lễ trước rồi khi con cái lớn thì đến hỏi cưới. “Kéo vợ” đôi khi là phương án khả dĩ khi không thể thực hiện được những cách thức như trên. Nhiều trường hợp các chàng trai do gia cảnh nghèo khó, mồ côi, sẽ chỉ có thể hy vọng có cơ hội chạm được một ánh mắt, bắt gặp một nụ cười của người con gái chưa nhận lời yêu ai, rồi được cô gái ấy chấp thuận cho “kéo” về làm vợ. Thậm chí khi đã kéo về nhà, cô gái vẫn được bố trí cho ở phòng riêng, sau ba ngày mà đồng ý làm vợ chàng trai thì hai gia đình mới tổ chức ăn hỏi và xin cưới.
Nhà trai sau khi kéo cô gái về, được ba ngày thì phải trả cô về nhà bố mẹ đẻ, dù cô gái có đồng ý làm vợ hay không. Gia đình nhà trai sắm một lễ sang nhà cô gái gọi là tạ lỗi, đồng thời cũng thưa chuyện với nhà gái, với mong muốn nhà gái sẽ nhận lễ và chấp nhận gả con gái. Nhưng nếu cô gái và gia đình cô không đồng ý sẽ từ chối lễ của nhà trai, và cô gái sẽ giữ được danh dự, vẫn được coi là người tự do chưa bị ràng buộc bởi hôn lễ, có thể chờ được người khác đến “kéo”.
Chàng trai "kéo" cô gái về làm vợ. Nguồn ảnh: Internet
Như vậy theo đúng ý nghĩa nguyên bản của tập tục, “kéo vợ” là một giải pháp cho tự do lựa chọn hôn nhân đầy tính nhân văn từ cả hai phía. Người con gái cũng có quyền lựa chọn hạnh phúc cho riêng mình, người con trai cũng có quyền chủ động trong việc đi tìm người bạn đời. Trong nhiều trường hợp, kéo vợ còn là một lối thoát cho hôn nhân áp đặt, khi cha mẹ toàn quyền quyết định chuyện cưới hỏi của con cái. Ngoài ra, những cô gái đã nhận lời yêu ai và được hai bên gia đình cho ra mắt thì những thanh niên khác không được phép “kéo” cô nữa, nếu vi phạm sẽ bị dòng họ xử phạt, điều này cũng mang ý nghĩa bảo vệ cho tình yêu đôi lứa đã được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
Mặc dù nhiều cặp đôi người Mông không cần phải thông qua việc “kéo vợ” mới tìm đến nhau, vì nhiều đôi trai gái được tự do hẹn hò và ước nguyện cùng nhau về một nhà, tuy nhiên “kéo vợ” khi ấy lại trở thành một “thủ tục” để hôn nhân diễn ra trọn vẹn. “Kéo vợ” lúc này mang ý nghĩa tượng trưng, tức là chàng trai sẽ chứng tỏ được sự chủ động và sức mạnh của đấng nam nhi, còn cô gái lại thể hiện được sự danh giá của mình khi không tự ý đến nhà trai hoặc để nhà trai cưới về một cách quá dễ dàng. Do đó, dù cho biết trước chàng trai sẽ đến “kéo”, cô gái vẫn phải tỏ ra bất ngờ, thậm chí khóc lóc, kêu la, chống trả mới không bị coi là hư hỏng, không bị gia đình và làng xóm coi khinh. Như vậy, ở một phương diện nhất định, theo quan niệm của người Mông, “kéo vợ” chính là một hình thức tôn vinh giá trị của người con gái, khi không cam chịu hạ thấp mình để chạy theo người con trai một cách mù quáng. “Kéo vợ” cũng là để đảm bảo cho cuộc sống hôn nhân về sau, bởi người Mông quan niệm rằng, nếu không “kéo vợ” thì tiếng nói của phụ nữ Mông trong gia đình sẽ ít có giá trị. Nếu không “kéo” thì bố mẹ chàng trai không biết đó là con dâu, chỉ cho rằng đó là bạn bè với nhau đến thăm nhà, sau này cặp đôi có xảy ra mâu thuẫn thì người vợ sẽ phải chịu thiệt thòi không dám phản kháng. Bằng việc “kéo” cô gái về, chàng trai cũng ngầm cam kết trong cuộc sống sau này sẽ đối xử tử tế và tôn trọng vợ như một cách để bù đắp. Vì vậy, trong tâm lý của người con gái Mông, không ai muốn về nhà chồng mà không bị “kéo” về. Về phía người con trai, hành động “kéo vợ” cũng là một lời tuyên bố mạnh mẽ về ý thức gia đình của một người trưởng thành và có trách nhiệm.
Tục kéo vợ là một phong tục lâu đời của đồng bào dân tộc Mông. Nguồn ảnh: Internet
Chính vì những ý nghĩa sâu xa như vậy nên tục “kéo vợ” còn tồn tại và được duy trì cho đến ngày nay. Tuy nhiên, không phải không có những yếu tố rườm rà, lạc hậu và nhiều mặt trái nảy sinh từ tập tục này, như đòi hỏi về việc kéo vợ cũng phải rất khéo léo để chân cô gái không chạm đất, không có lực giằng co, không đánh trả được, miệng không cắn lại được mà không gây thương tích cho cô gái, thậm chí khi người nhà gái mang gậy gộc đến cứu cô gái, các bạn của chàng trai sẽ xông ra đỡ đòn để chàng trai mang cô gái về nhà, hay có nhiều trường hợp cô gái không đồng ý làm vợ nhưng gia đình nhà gái vì ham lễ vật mà vẫn chấp thuận gả con, thậm chí tục “kéo vợ” có khi bị biến tướng thành “cướp vợ”, gây những ám ảnh nặng nề cho cuộc sống hôn nhân. Có lẽ vì vậy, ngày nay “thủ tục” đã có nhiều cải biến, đa phần đôi lứa tìm hiểu nhau trước và cùng nhau về nhà, khi gần đến nhà thì chàng trai cầm tay cô gái kéo đi để làm lí.
Mọi lễ tục trong hôn nhân dù ở bất kỳ cộng đồng nào chỉ thực sự phát huy được các giá trị nhân văn khi đôi lứa thật lòng thương yêu nhau và chấp thuận về chung một nhà để trở thành chồng vợ. Tục “kéo vợ” của người Mông như tô điểm thêm cho bức tranh hạnh phúc muôn màu của cuộc sống nơi miền sơn cước. Trong đời sống hiện đại, phong tục ấy càng cần được chắt lọc và phát huy trên tinh thần lưu giữ những giá trị nhân văn nguyên bản, đồng thời loại bỏ bớt những phần lạc hậu hoặc biến tướng, để hình thức “kéo vợ” luôn là biểu tượng đẹp cho duyên phận trăm năm.
Kỳ Vận