Có một thời kỳ lịch sử rất dài, người phụ nữ Việt Nam thể hiện vẻ đẹp chỉn chu và quý phái qua hàm răng đen. Vẻ đẹp ấy đã đi vào thơ ca dân gian, đi vào tiềm thức của rất nhiều thế hệ. Cho đến ngày nay, đâu đó ta còn bắt gặp hình ảnh những cụ già với hàm răng đen nhánh hạt na như minh chứng về một chuẩn mực thẩm mỹ đã từng thịnh hành trong cộng đồng.
Răng đen là một trong những tiêu chí đánh giá vẻ đẹp người xưa. Trong ảnh là một người phụ nữ Việt chụp năm 1908. Ảnh: Pierre Dieulefils
Ca dao xưa rằng:
Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng láng hạt huyền kém thua
Răng láng hạt huyền là tiêu chuẩn hàm răng đen của người phụ nữ truyền thống. Hàng ngàn năm qua, người con gái nhuộm răng đen như để tôn thêm vẻ duyên dáng và đặc sắc riêng có. Xuất hiện từ thời Hùng Vương, không chỉ phổ biến đối với người Kinh, đến nay tục lệ này vẫn còn được duy trì ở một số cộng đồng các dân tộc phía Bắc như Thái, Mường, Dao, Lự... Nhuộm răng đen đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, gắn với quan niệm thẩm mỹ và thói quen sinh hoạt của người Việt Nam. Các cô gái độ tuổi 13-15 bắt đầu nhuộm răng đen, thậm chí cả nam giới cũng nhuộm răng đen. Đến năm 1938, ở miền Bắc Việt Nam vẫn còn 80% nông dân nhuộm răng đen[1].
Người phụ nữ muốn đạt được tiêu chuẩn về vẻ đẹp duyên dáng bên ngoài, đồng thời thể hiện những chuẩn mực đạo đức, phải trải qua quá trình nhuộm răng công phu và cầu kỳ, thậm chí phải chịu đau đớn về thể xác. Quá trình này có thể phải kéo dài 1 tháng và trải qua 4 công đoạn chính: Đầu tiên là làm sạch răng: kéo dài 3-5 ngày. Sau bữa ăn tối, người nhuộm răng phải đánh sạch răng bằng vỏ cau khô, xỉa răng bằng tăm. Sau đó xúc miệng kĩ bằng nước có vắt chanh hay pha dấm. Trước đi ngủ có thể ngậm thêm vài lát chanh mỏng. Các biện pháp này vừa có tác dụng làm sạch răng, vừa khiến axít làm mỏng bề mặt ngoài của men răng, giúp thuốc nhuộm dễ kết bám hơn. Bước thứ hai là nhuộm răng đỏ: kéo dài khoảng 10 ngày. Người ta mua “phèn vàng” ở chợ, phết lên lá cau cắt bản to bằng ngón tay rồi chít lên hai hàm răng và ngậm suốt đêm. Sáng ra nhổ thuốc và súc miệng sạch. Trong “phèn vàng” có bột cánh kiến (kerria lacca) tán nhỏ pha với nước chanh hay giấm gạo hoặc rượu gạo. Sau 10 ngày nhuộm, lớp men răng chuyển sang màu nâu đỏ sẫm. Bước thứ ba là nhuộm răng đen: sau khi răng đã đủ độ đỏ sẫm, người ta tiến hành bước nhuộm đen. Bước này kéo dài 3-5 ngày. Thuốc nhuộm mua ở chợ được gọi là “phèn đen” hay “phèn nhuộm” có thành phần chính là phèn đen (phyllanthus reticulatus poir), đem phết trực tiếp lên răng hoặc lên lá cau và ngậm liên tục trong mồm. Theo tư liệu của một số học giả người Pháp, trong thành phần chính của “phèn nhuộm” ngoài chất tanin của phèn đen, vỏ quả lựu, còn có sun-fat sắt, trộn thêm các hương liệu như quế, hồi, đinh hương. Bước thứ tư là củng cố hay đánh bóng răng: kéo dài 3-5 ngày. Bước này sử dụng “phèn sỉa” mua ở chợ. Phèn sỉa có thể tự chế bằng cách đốt vỏ cây có dầu như sim, săm rồi cho chảy nhựa vào con dao ta, tạo thành thứ dầu sền sệt màu đen sẫm. Thuốc này khi chít lên răng tạo nên một lớp sơn đen bóng. Ở các tỉnh miền Trung, người ta dùng vỏ mộc của quả dừa đốt trên than củi cháy đỏ để gạt lấy chất dầu mầu đen, sau đó phét lên lưỡi dao ta, để vài giờ thì được thuốc nhuộm bóng. Sau vài ba năm, người nhuộm răng phải tiến hành bảo dưỡng răng bằng cách bôi thuốc nhuộm đen lên răng 3 buổi, mỗi buổi một lúc rồi nhổ và súc miệng. Như vậy lớp sơn đen sẽ được duy trì tốt[2]. Suốt quá trình nhuộm răng, người nhuộm phải trải qua nhiều lần mồm miệng sưng đau, phải ăn uống kiêng khem rất gò bó.
Quá trình nhuộm răng cũng chính là quá trình làm đẹp của người phụ nữ khi đã bắt đầu ý thức được giá trị của bản thân và ý thức về cái đẹp. Chính bởi nhuộm răng đòi hỏi sự chịu đựng và kiên trì, cho nên thành quả đạt được càng thêm ý nghĩa và đáng trân trọng. Người phụ nữ có được một hàm răng nhuộm đen ưng ý, thì giá trị con người cũng như được nâng cao. Có lẽ bởi thế mà khi chọn chồng, người ta cũng tìm kiếm người chồng sao cho xứng đáng với giá trị ấy.
Lấy chồng cho đáng tấm chồng
Bõ công trang điểm má hồng răng đen
Từ chuẩn mực của vẻ đẹp bên ngoài, nhuộm răng đen đã trở thành chuẩn mực đạo đức trong xã hội. Thậm chí người ta nhìn nhận nhưng người có hàm răng trắng, được mô tả là “hàm răng trắng như răng chó”, hay “răng trắng như răng người Ngô”, là biểu hiện không mấy tử tế, thậm chí bị khinh rẻ, miệt thị vì cho là người bất chính. Qua diện mạo người con gái với hàm răng đen nhánh, vẻ đẹp bên ngoài làm khơi dậy tình cảm và sự mến mộ từ nội tâm:
Mình về mình nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười
Trăm quan mua lấy miệng cười
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen
Có nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh góc độ thẩm mỹ, nhuộm răng còn thể hiện ý thức dân tộc nhằm phân biệt hai nền Văn hóa phương Nam (Việt Nam) và phương Bắc (Trung Quốc). Vì vậy việc nhuộm răng đen đã trở thành luật, phổ biến trong dân chúng, sự tôn vinh vẻ đẹp cá nhân được đề cao như sự tôn vinh của cả cộng đồng dành cho những chuẩn mực mang tính dân tộc. Nhuộm răng đen trở thành một trong những biểu hiện cho ý thức chống đồng hóa mạnh mẽ của người Việt.
Hình ảnh một cụ bà với hàm răng đen. Ảnh: Internet
Tục nhuộm răng đen còn gắn liền với tục ăn trầu. Người đã nhuộm răng đen và còn ăn trầu thì hàm răng càng trở nên chắc khỏe và màu sắc của răng được duy trì trở nên đen bóng. Hình ảnh những cụ bà với hàm răng đen nhai trầu có lẽ đã từng rất quen thuộc, nhưng thế hệ thanh niên ngày nay đã không còn ăn trầu, cũng không còn ai nhuộm răng đen để làm đẹp. Tục nhuộm răng đen, một trong những phong tục góp phần tạo dựng bản sắc văn hóa người Việt, giờ chỉ còn xuất hiện đâu đó ở thế hệ những người già đã từng nhuộm răng thuở nhỏ, hoặc còn được duy trì ở một số cộng đồng người dân tộc thiểu số. Dù đã từng là niềm kiêu hãnh của phái đẹp suốt nhiều thế kỷ, hàm răng đen nhánh hạt na giờ chỉ còn là quá khứ, nhưng những giá trị của nó trong quan niệm thẩm mỹ cũng như ý thức dân tộc sẽ còn in đậm dấu ấn trong tâm hồn của người Việt hiện tại và mai sau.
[1] Pierre Huard et Maurice Durand, “Connaissance du Vietnam”, EFEO, 1954
[2] Phan Hải Linh (2010), “Góp phần nghiên cứu tục nhuộm răng đen ở Việt Nam (Khảo sát trường hợp làng cổ Đường Lâm)”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 26, tr. 213-220
Hà Thu