Đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng pháo đài bay B.52 của không lực Hoa Kỳ vào Hà Nội, Đảng đã cho thấy sự khoa học trong dự báo tình hình, tinh thần tích cực chủ động đối phó và động viên cao độ tình thần chiến đấu và chiến thắng của quân và dân miền Bắc
Chiến dịch Linebacker II và sự thất bại thảm hại của không quân chiến lược Mỹ
Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, Hoa Kỳ mở chiến dịch Linebacker II, sử dụng 729 lần chiếc B.52 và 1.900 lần chiếc máy bay cường kích đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn và nhiều địa điểm khác trên miền Bắc. Đây là cuộc ném bom ném bom rải thảm huỷ diệt dữ dội nhất trong chiến tranh Việt Nam và là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh.
Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã thả hàng chục nghìn tấn bom, nhiều hơn khối lượng bom đã ném xuống miền Bắc Việt Nam trong những năm 1969-1971. Không chỉ các mục tiêu quân sự, kinh tế, không quân Mỹ còn bắn phá cả vào bệnh viện, trường học, khu dân cư, bến xe, nhà ga, gây nhiều tổn hại cho miền Bắc (riêng số người chết là 2.368 người và 3.526 người bị thương).
Tại khu vực Hà Nội, không quân Mỹ huy động tới 444 lần chiếc B.52 (chiếm 60% tổng số lần chiếc B.52) và hơn 1.000 lần chiếc máy bay cường kích đánh phá vào nhiều mục tiêu, kể cả bệnh viện, trường học, khu dân cư.
Tuy nhiên, cuộc tập kịch chiến lược của Mỹ trong 12 ngày đêm đã bị quân và dân ta đập tan, tạo ra trận “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội. Quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay hiện đại của Mỹ, trong đó có 34 pháo đài bay B.52, 5 máy bay F111, cùng hàng trăm phi công bị chết, 43 tên bị bắt sống, trong đó có 33 phi công lái B.52. Riêng trên địa bàn Hà Nội, 25 máy bay B.52 của Mỹ bị bắn hạ, phần lớn là bắn rơi tại chỗ. Đây là một chiến dịch đầu tiên trên thế giới tiêu diệt lớn máy bay chiến lược B.52 của đế quốc Mỹ, giáng cho không quân chiến lược Mỹ đòn thất bại nặng nề nhất trong lịch sử xâm lược của nó.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị pháo cao xạ, Hà Nội, 1966 (Ảnh tư liệu)
Dự báo tình hình chính xác, tích cực và chủ động chuẩn bị lực lượng chiến đấu và chiến thắng
Có được thắng lợi trên là do, ngay từ rất sớm, Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức được rõ bản chất hiếu chiến của đế quốc Mỹ, trên cơ sở đó đề ra quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ cho dù chúng sử dụng bất kì loại vũ khí nào.
Năm 1962, để chuẩn bị đối phó với những âm mưu và hành động đánh phá miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở bộ đội phòng không phải sớm nghiên cứu, chuẩn bị phương án để chống lại pháo đài bay B.52 của Mỹ. Ngày 19/7/1965, khi đến thăm một đơn vị bộ đội Phòng không- Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng: “rằng: Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B.57, B.52, hay "bê" gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”1.
Với sự chủ động các phương án bảo vệ bầu trời, quân và dân miền Bắc đã đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ. Trong những năm chiến đấu ác liệt này, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục yêu cầu lực lượng Phòng không – Không quân chủ động tìm các phương án đánh bại pháo đài bay B.52 của địch. Năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B.52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua…Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian suy nghĩ chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội”2.
Những quan điểm trên của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định hướng rõ về đoạn kết cuộc chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta trên địa bàn miền Bắc. Đó là phải chiến thắng pháo đài bay B.52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội.
Thấm nhuần quan điểm đó, việc nghiên cứu, tìm cách đánh thắng pháo đài bay B.52 của Mỹ được các đơn vị bộ đội Phòng không- Không quân tập trung triển khai khẩn trương. Đến tháng 9/1967, bộ đội tên lửa của ta đã bắn trúng 2 máy bay B.52 của địch trên chiến trường Khu IV. Điều đó khẳng định khả năng chiến đấu và chiến thắng của bộ đội ta trước các pháo đài bay của Mỹ. Từ những kinh nghiệm thực tiễn tích lũy được trên chiến trường, công tác huấn luyện chiến đấu được các đơn vị Phòng không- Không quân tập trung học tập, rèn luyện và luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu cao. Với sự chủ động đó, khi Mỹ mở cuộc tấn công đánh phá miền bắc lần thứ hai, các lược lượng vũ trang 3 thứ quân của miền Bắc đã đánh trả quyết liệt, bắn cháy và phá hủy nhiều máy bay và tàu chiến của địch.
Khi đế quốc Mỹ quay trở lại đánh phá miền Bắc lần thứ hai, cuối tháng 5/1972, Bộ Chính trị Trung ương Đảng, ra nghị quyết về nhiệm vụ của quân và dân miền Bắc trước tình hình mới. Bộ Chính trị cho rằng, trong thế thua, Mỹ vẫn tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc; ngăn chặn viện trợ vật chất của bạn bè quốc tế cho cách mạng Việt Nam; ngăn chặn sự tăng viện của miền Bắc cho miền Nam, phá hoại tiềm lực quân sự và kinh tế ở miền Bắc, gây thương vong lớn cho nhân dân; đồng thời đẩy mạnh chiến tranh tâm lý hòng làm lung lay quyết tâm kháng chiến của quân và dân ta. Phải đặc biệt cảnh giác đề phòng địch có thể liều lĩnh đổ bộ đánh phá một số nơi miền Bắc.
Bộ đội tên lửa, lực lượng góp phần quyết định làm nên thắng lợi "Điện Biên Phủ trên không" 12 ngày đêm cuối năm 1972 (Ảnh tư liệu)
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, các lực lượng vũ trang nhanh chóng được củng cố và phát triển cả số lượng và chất lượng. Các đơn vị được kiện toàn quân số theo biên chế thời chiến, một số đơn vị mới được thành lập mới. Lực lượng dân quân tự vệ bắn máy bay và tàu chiến Mỹ cũng được tăng cưởng cả về quân số và trang bị.
Các lực lượng vũ trang ba thứ quân vừa đánh vừa rút kinh nghiệm, tìm hiểu quy luật hoạt động của địch, thay đổi cách bố trí lực lượng, bổ sung các phương án chiến đấu, nâng cao trình độ hiệp đồng tác chiến. Đồng thời, tập trung cải tiến kỹ thuật nâng cao tính năng, tác dụng của một số vũ khí, trang thiết bị quân sự. Từ những cố gắng đó, quân và dân miền Bắc tiếp tục bắn hạ nhiều mấy bay, tàu chiến địch. Trong 6 tháng (từ tháng 5 đến tháng 10/1972), có 561 máy bay Mỹ, trong đó có nhiều máy bay hiện đại như F.111A “cánh cụp cánh xoè” bị bắn rơi; nhiều phi công bị tiêu diệt hoặc bắt sống. Tại các vùng bờ biển, 60 tàu chiến Mỹ bị quân và dân ta đã bắn cháy hoặc hỏng.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, quân và dân miền Bắc nêu cao cảnh giác, bố trí lại lực lượng, sẵn sàng chiến đấu, đồng thời củng cố lại hầm hào trú ẩn của nhân dân, đề phòng địch đánh lớn trở lại. Tại các thành phố, thị xã khu công nghiệp tiếp tục đưa dân đi sơ tán, chỉ để lại những người trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu và công tác.
Ngày 27/11/1972, Quân uỷ Trung ương chỉ thị các lực lượng vũ trang tăng cường sẵn sàng chiến đấu, chuẩn bị đối phó với chiến tranh phá hoại mở rộng trở lại trên toàn miền Bắc, với mức độ ác liệt hơn, kể cả việc địch sẽ liều lĩnh dùng máy bay B.52 đánh ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng. Thực hiện chủ trương đó, phương án chiến đấu chống cuộc tập kích đường không quy mô lớn của đế quốc Mỹ từng bước được hoàn thành.
Tại Hà Nội, có 8 đại đội pháo cao xạ 100mm và các liên đội tự vệ trực chiến cơ động gồm những đội súng máy phòng không của các xí nghiệp, đường phố trên từng địa bàn. Đội hình bố trí lực lượng phòng không hình thành thế trận nhiều tuyến, nhiều tầng, có chiều sâu, có khá năng đánh địch ở mọi độ cao, trên các hướng máy bay địch đột nhập. Trong thế trận chiến tranh nhân dân đất đối không, ta đã sử dụng các lực lượng thích hợp nhằm phát huy sức mạnh hiệp đồng đánh thắng địch. Bộ đội tên lửa được giao nhiệm vụ là lực lượng chủ yếu tiêu diệt B.52. Không quân với khả năng cơ động cao, dùng đánh chặn máy bay địch ở vòng ngoài. Lực lượng pháo cao xạ các loại làm nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu diệt máy bay cường kích, bảo vệ an toàn cho các trận địa tên lửa. Lực lượng phòng không rộng khắp của dân quân tự vệ diệt máy bay địch bay thấp, bố trí đón lõng bắn máy bay địch trên những hướng chúng có thể đột nhập bất ngờ...
Với những chủ trương và biện pháp đúng đắn đó, ngay khi Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B.52 mở chiến dịch ném bom rải thảm hủy diệt đánh vào Hà Nội, Hải Phòng và nhiều địa phương khác, quân và dân miền Bắc đã giáng trả những đòn đích đáng, tạo nên một trận “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc và quay lại bàn đàm phán để ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Đây là chiến thắng vẻ vang nhất của quân và dân miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Như vậy, chủ trương đánh thắng những bước leo thang quân sự cao nhất của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam được Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định từ rất sớm. Chính vì vậy, không quân chiến lược Mỹ lần đầu tiên và duy nhất cho đến nay phải nếm trải thất bại cay đắng trên bầu trời Hà Nội.
Hải Đăng
__________________________
1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr 574
2 Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Sự nghiệp tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002, tr. 506-507.