Trong suốt 79 năm, kể từ khi sinh ra cho đến lúc trở về với “thế giới người hiền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn cuộc đời của mình để cống hiến cho dân tộc Việt Nam. Trong 21 năm tuổi trẻ, tính từ khi Người chào đời cho đến ngày bước chân lên con tàu Latouche Tréville để tìm đường cứu nước (1911), đặt trong nguồn mạch chung của truyền thống yêu nước, những việc làm của tuổi trẻ Hồ Chí Minh mang nét đặc trưng riêng, không ai có được
Tàu Latouche Tréville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành
ra đi tìm đường cứu nước. (Ảnh tư liệu, nguồn https://vtv.vn/)
1. V.I.Lênin từng nói “Lòng yêu nước là một trong những tình cảm sâu sắc nhất được củng cố hàng trăm năm, hàng nghìn năm tồn tại của các tổ quốc biệt lập”. Đối với dân tộc Việt Nam, qua hơn một nghìn năm chịu ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, gần 100 năm của thực dân, lòng yêu nước của nhân dân ngày càng được vun đắp, được cụ thể hóa vào mỗi hành động của cá nhân, cộng đồng và đã trở thành điểm cốt lõi của bản sắc văn hóa Việt Nam; là sợi chỉ đỏ cố kết, gắn bó con người Việt Nam tạo thành sức mạnh mãnh liệt để xua đuổi giặc ngoại xâm, giữ gìn bảo vệ non sông bờ cõi. “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[1].
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Ngay từ nhỏ, con đường và “điều kiện” học tập của Người dường như có nhiều điểm “thuận lợi” so với bạn bè cùng trang lứa: Được tiếp nhận Hán học, cha làm quan Phó Bảng, từng có hơn 5 năm sống ở kinh thành Huế, sớm được tiếp xúc nhiều với sách báo phương Tây, nhất là văn hóa Pháp; rồi khi vào Quy Nhơn, được học tiếp chương trình lớp cao đẳng tại Trường tiểu học Pháp - Việt, khả năng ngoại ngữ môn Pháp văn thông thạo... Có thể nói, so với những người cùng trang lứa, đây là những “điều kiện ưu trội” của chàng trai Nguyễn Tất Thành. Những điều kiện này là mơ ước của không ít người lúc bấy giờ để nhờ đó tiến thân trên con đường quan lại, “cộng tác” với “mẫu quốc”. Nhưng với Nguyễn Tất Thành, anh đã có một lối đi riêng.
Ngay từ lúc còn nhỏ, dẫu theo cha hay lúc sống cùng mẹ, trong lòng cậu bé Nguyễn Sinh Cung cũng luôn canh cánh những câu hỏi lớn, nhất là khi phải thường xuyên chứng kiến cảnh đồng bào lầm than. Xét ở góc độ tâm sinh lý của tuổi thiếu niên, đối với một đứa trẻ, chỉ cần chăm chỉ học tập, là con ngoan, trò giỏi, biết vâng lời người lớn… là đã “đủ tiêu chí” cho sự phát triển; còn chuyện phải thường xuyên thấy những cảnh trái ngang, rồi những cảnh trái ngang đó gieo vào lòng những câu hỏi lớn... là cả một sự chịu đựng quá sức, không phù hợp! Thiết tưởng, Nguyễn Sinh Cung cũng không phải là ngoại lệ. Song, vốn được nuôi nấng bởi tình thương vô bờ bến của người mẹ hiền, hằng ngày lại được cha cùng các bậc nhân sĩ dạy bảo, hướng đến những điều tốt đẹp; cộng với đó là một sự nhạy cảm về tình thương… nên cậu bé này đã sớm có một thiên hướng riêng, từ đó định hình thành những nghĩ suy, lời nói và việc làm mang tính vượt trội.
Từ nhỏ, Nguyễn Sinh Cung đã chứng kiến người Pháp thống trị nghênh ngang, hách dịch và tàn ác; chứng kiến những ông quan Nam triều áo gấm, hài nhung nhưng lại luôn khúm núm rụt rè; chứng kiến phần đông người lao động chịu số phận đau khổ và tủi nhục: người nông dân rách rưới, người phu khuân vác, người cu ly kéo xe tay, trẻ em… luôn nghèo khổ, lang thang trên đường phố. Tất cả đã khiến cho cậu không khỏi những nghĩ suy. Đặc biệt, hình ảnh người mẹ nhắm mắt xuôi tay, đứa em qua đời khi chưa đầy một tuổi đã in hằn sâu kín trong tâm khảm của Người. “Đây là nỗi đau đớn khôn nguôi, là nốt lặng đượm buồn đeo đuổi suốt tuổi thơ trong thời niên thiếu của Bác Hồ”[2]. Có lẽ, vì tuổi thơ đã sớm phải chứng kiến những cảnh lầm than và những cảnh ấy đã gieo vào lòng những câu hỏi lớn, nên sau này đối với trẻ em, Người luôn mong mỏi:
“Trẻ em như búp trên cành,
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan !”
Lớn lên một chút, nhất là khi học chương trình lớp Cao đẳng đệ nhất tại Quy Nhơn, Nguyễn Tất Thành đã toàn tâm đeo đuổi một giấc mơ lớn: Tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc – Giấc mơ mà không phải ai ở lứa tuổi ấy, trong hoàn cảnh ấy cũng dám nghĩ tới! Giấc mơ lớn này càng được củng cố khi trong khoảng thời gian này, lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành biết đến ba từ đẹp đẽ: “Tự do, bình đẳng, bác ái”. Nhưng trên thực tế, đất nước không thấy tự do, bình đẳng, bác ái và chỉ có sự áp bức, bóc lột, sự đau khổ, chết chóc dưới gót giày thực dân. Điều này dã dấy lên trong anh sự hoài nghi, nó trở thành động lực để anh tìm tòi, khám phá và là nguồn động lực mạnh mẽ thôi thúc anh quyết chí ra nước ngoài, xem các nước làm thế nào, rồi trở về giúp đồng bào.
Sau ba mươi năm bôn ba, Nguyễn Ái Quốc về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam
ngày 28/1/1941 (Tranh tư liệu. Nguồn hochiminh.vn )
Từ thực tiễn thất bại của các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX tác động đến chí hướng của Nguyễn Tất Thành, để rồi anh có một quyết định chính xác và táo bạo là xuất dương tìm đường cứu nước. Vậy nên, thay vì làm theo cách thức của một số tiền bối trước đó, Nguyễn Tất Thành đã chọn một lối đi riêng, đầy táo bạo: một mình lên tàu sang chính đất nước đang đô hộ Việt Nam để tìm hiểu thực sự của “Tự do, bình đẳng, bác ái” trên nước Pháp. Khi đã xác định lối đi của mình, Nguyễn Tất Thành chấp nhận tự mình bước vào khó khăn, gian nan; sẵn sàng mang những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời để đương đầu với thử thách phía trước mà không hề lệ thuộc hay rập theo bước đi của người khác. Khách quan mà nhận xét: Trong hoàn cảnh bấy giờ, ở một đất nước còn mang nặng tư tưởng khoa bảng thì việc làm này có vẻ như là quá tầm đối với một chàng trai đang ở độ tuổi đôi mươi! Sở dĩ có thể nói như vậy là bởi theo quan niệm phương Đông, tuổi đôi mươi vẫn chưa nằm trong quan niệm “nhi lập”[3], và với một cá nhân chịu sự chi phối của hoàn cảnh xã hội thì cũng không dễ gì có được sự “bứt phá”! Do vậy, trong chừng mực nào đó, vẫn có thể thấy rằng lứa tuổi này còn “non” trước một quyết định hệ trọng. Nhưng thực tế đã chứng minh: Tuy tuổi còn “non” nhưng hành động của chàng trai Nguyễn Tất Thành lại rất “chín”. Và, để có được quyết định lớn lao kia, cùng với nhiều yếu tố (gia đình, truyền thống…) thì không thể không nhắc đến “nét riêng” của chàng trai này. Đó là tính độc lập, tự chủ trong suy nghĩ và hành động. Và vì thế, khi ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã ra đi với hai bàn tay trắng, và để có thể thực hiện chuyến hải trình kia, Người xác định làm việc bằng chính sức lao động của mình mà không phải dựa vào sự “bảo trợ” của bất kỳ ai. Sự kiện Người ra đi với tâm thế “thân cô thế cô” cùng một “hành trang tối giản” vào ngày 5/6/1911, cho thấy đây là lối đi riêng, táo bạo của một người trẻ tuổi trong hoàn cảnh xã hội đầy rối ren!
Có thể khẳng định, đặt trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, đặt trong truyền thống yêu nước đã được hun đúc, tôi luyện qua hàng ngàn năm của Việt Nam, quyết định ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành đã thực sự là một “dòng chảy riêng”, vừa thể hiện sự “giữ lửa” vừa thể hiện sự sáng tạo và phát triển lòng yêu nước lên một mức độ cao hơn, hiệu quả hơn.
Sỹ Bùi
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 38.
[2] Hòa Phạm: Tình cảm của Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng, http://thinhvuongvietnam.com/Content/tinh-cam-cua-bac-ho-voi-cac-chau-thieu-nien-nhi-dong-36319.
[3] Trong Luận ngữ, Khổng tử đã đúc kết các giai đoạn thành đạt của cuộc đời như sau: “ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ” (Ta mười lăm tuổi đã chú tâm vào việc học, ba mươi tuổi thì tự lập được thân, bốn mươi tuổi thì không còn nghi hoặc gì cả, năm mươi tuổi thì biết được mệnh trời, sáu mươi tuổi có thể hiểu biết và phán đoán được sự lý mà không thấy có điều gì phải chướng tai khi nghe được, và bảy mươi tuổi có thể nói hay làm những điều đúng theo ý muốn của lòng mình mà không ra ngoài khuôn khổ đạo lý”).