Cách đây 53 năm, quân và dân ta ở miền Nam Việt Nam đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, lúc đó gọi là cuộc Tổng công kích, tổng khởi nghĩa, vào lực lượng quân sự đối phương tại các đô thị miền Nam. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân đã đánh bại ý chí xâm lược và buộc Hoa Kỳ ngồi vào bàn hòa đàm Paris, mở ra cơ hội tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tuy nhiên, do tương quan lực lượng quá chênh lệch, cách mạng miền Nam cũng gánh chịu những thiệt hại to lớn, phải 4 năm sau mới có thể giành lại thế tiến công.
Tương quan lực lượng
Nếu coi toàn bộ cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 là một trận đánh, thì đây là một trận đánh không cân sức. Về quân số, tỷ lệ giữa quân giải phóng miền Nam với quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa trên toàn miền Nam là 1/4, còn các mặt khác như vũ khí nặng, hỏa lực, hậu cần… quân giải phóng miền Nam đều kém xa đối phương.
Khi tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy, lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam (chưa kể lực lượng dân quân, du kích, tự vệ) có 277.000 người, trong đó có 220.000 bộ đội chủ lực, 57.000 bộ đội địa phương[1]. Lực lượng này được trang bị một số loại vũ khí mới được chuyển từ miền Bắc vào, nhưng nhìn chung kém hơn nhiều so với vũ khí của quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa. Và điểm bất lợi lớn là lực lượng vũ trang cách mạng bị tổn thất trong chiến đấu, không kịp bổ sung.
Cuối năm 1967, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa có trên 1 triệu quân, trong đó quân Hoa Kỳ 485.600, quân lực Việt Nam Cộng hòa 520.000 quân, quân đồng minh Hoa Kỳ 57.000. Về vũ khí, có hàng nghìn xe tăng, xe bọc thép, máy bay, tàu chiến các loại. Và điều quan trọng là, mặc dù bị thiệt hại khá nặng nề, lực lượng đối phương được bổ sung và tăng cường mạnh mẽ. Cuối năm 1968, Quân lực Việt Nam Cộng hòa tăng lên 555.000 quân, quân Hoa Kỳ tăng lên 535.000 quân và 65.791 quân các nước đồng minh Hoa Kỳ.
Tương tự như trên toàn miền, ở cấp khu và tỉnh, tương quan lực lượng cũng hoàn toàn nghiêng về phía đối phương.
Tại Khu VIII, ta có 5 tiểu đoàn bộ binh, 3 đại đội đặc công, 4 đại đội công binh, 2 đại đội cối 82 mm, 1 đại đội cối 120 mm, 3 đại đội DKZ 75, 2 đại đội súng máy 12,8 mm. Trung bình mỗi tỉnh có 1 tiểu đoàn bộ binh (riêng Bến Tre có 2 tiểu đoàn)[2].
Tại Huế, địch có từ 25.000 đến 30.000 quân Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa, trong khi đó, lực lượng quân giải phóng tiến công Huế khoảng trên dưới 10.000 người. Tại Đà Nẵng, đối phương có 80.000 quân Hoa Kỳ, cùng 34.500 quân đội Sài Gòn và 5.000 quân Nam Triều Tiên[3].
Quân đội Hoa Kỳ đang tái chiếm Tòa Đại sứ bị
Biệt động thành Sài Gòn chiếm giữ (Ảnh Tư liệu)
Thiệt hại, tổn thất về nhân mạng của cách mạng miền Nam và đối phương
Về phía cách mạng miền Nam:
Theo Lê Xuân Khoa, trong cuốn Việt Nam 1945- 1995: chiến tranh, tị nạn và bài học lịch sử, tính đến cuối tháng 3, phía quân giải phóng miền Nam có 58.000 người thương vong[4].
Theo số liệu của Hoa Kỳ, cả năm 1968, quân giải phóng miền Nam có 111.000 cán bộ, chiến sĩ thương vong, trong đó, đợt 1 là 58.000 người, đợt 2 là 36.000 người và đợt 3 là 17.000 người[5].
Số liệu khác cho biết, từ cơ quan MACV cho biết, trong đợt 1, quân giải phóng miền Nam thương vong 42.000 người, đợt 2 là 40.000 người và đợt 3 là 26.000 người, tổng cộng là 108.000 thương vong[6].
Tuy nhiên, thực tế còn khốc liệt hơn thế, tổn thất của cách mạng miền Nam còn lớn hơn cả những con số do đối phương đưa ra. Tổng cộng trong cả 3 đợt, quân giải phóng thương vong 111.306 cán bộ, chiến sĩ, trong đó số hy sinh là gần 50.000 người, chưa kể hàng vạn quần chúng cách mạng ngã xuống[7].
Trong đợt 1, tuyệt đại đa số lực lượng biệt động thành, theo kế hoạch là lực lượng xung kích tiến đánh các mục tiêu chờ lực lượng chủ lực tiếp ứng, bị tổn thất nặng như lực lượng tiến công Đại sứ quán Hoa Kỳ, Bộ Tổng Tham mưu quân lực Việt Nam Cộng hòa, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh hải quân, Dinh Độc Lập với 74/88 đồng chí hy sinh và bị bắt. Đối với các đơn vị bộ đội tiến công thành phố, nhiều đơn vị bị thiệt hại nặng. Tiểu đoàn 2 Gò Môn tiến công Bộ Tổng Tham mưu quân lực Việt Nam Cộng hòa, sau hai ngày chiến đấu, chỉ còn 28/500 chiến sĩ về đến căn cứ; 57 chiến sĩ Tiểu đoàn 1 bộ đội Quảng Đà hy sinh toàn bộ tại Sở Chỉ huy Quân đoàn I quân lực Việt Nam Cộng hòa[8].
Riêng tại Huế, số liệu của Hoa Kỳ cho biết có 5.000 bộ đội giải phóng tử trận, 89 bị bắt, số lượng bị thương khá lớn[9].
Trong đợt 2, Sư đoàn 9 chủ lực Miền chịu tổn thất lớn nhất so với mọi thời kỳ. Trung đoàn 1 thương vong 700 người (chỉ trong 4 ngày). Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 2 thương vong 475/500 người[10].
Tướng Cảnh sát Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Ngọc Loan
bắn tù binh Việt Cộng ngay trên đường phố Sài Gòn gây phẫn nộ dưa luận (Ảnh tư liệu)
Về phía Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa
Sáu tháng đầu năm 1968, Hoa Kỳ và quân lực Việt Nam Cộng hòa bị loại khỏi vòng chiến đấu 101.140 người, trong đó có 9.301 lính Hoa Kỳ tử trận[11].
Số liệu của Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn: trong 6 tháng đầu năm 1968 (chủ yếu trong các tháng 2,3-1968) chết 20.437 người (có 9.301 Hoa Kỳ), bị thương 74.772 người (có 40.622 Hoa Kỳ), mất tích 2.231 người (có 464 Hoa Kỳ), mất 465 vũ khí cộng đồng, 4.551 vũ khí cá nhân[12].
Số liệu khác cho thấy, riêng trong tháng 2 và tháng 3 năm 1968, quân đội Việt Nam Cộng hòa thương vong 20.977 người, trong đó có 4.954 tử trận. Quân Hoa Kỳ và đồng minh Hoa Kỳ thương vong 24.013, trong đó có 4.124 tử trận[13].
Theo Lê Xuân Khoa, tính đến cuối tháng 3/1968, quân lực Việt Nam Cộng hòa tử trận 4.954 người, quân Hoa Kỳ tử trận 3.895 người và đồng minh Hoa Kỳ tử trận 214 người, gần với con số nêu trên[14].
Riêng tại Huế, nơi chiến sự diễn ra ác liệt và kéo dài gần một tháng, phía Việt Nam Cộng hòa có 384 lính chết, 1.830 bị thương, phía Hoa Kỳ có 216 chết, 1.354 bị thương[15].
Theo hồi ký của Nixon, riêng trong năm 1968, số lính Hoa Kỳ tử trận là 14.958 người[16]. Con số này chiếm gần 26 % tổng số lính Hoa Kỳ tử trận tại Việt Nam.
Tháng 5-1968 là tháng có số lính Hoa Kỳ tử trận ở Việt Nam cao nhất với 2.416 người[17].
Nguyên nhân tổn thất lớn của cách mạng miền Nam
Thứ nhất, tương quan lực lượng quá chênh lệch và trái ngược với lý thuyết quân sự giữa bên phòng thủ và bên tiến công. Theo lý thuyết quân sự, lực lượng phòng ngự có khả năng chống đỡ lực lượng tiến công mạnh hơn gấp nhiều lần. Trên thực tế, lực lượng Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa ở thế phòng ngự và phản kích lại mạnh hơn quân giải phóng miền Nam ở thế tiến công gấp nhiều lần về mọi phương diện, cho nên, cách mạng miền Nam gặp khó khăn, tổn thất lớn hơn nhiều đối phương là khó tránh khỏi.
Thứ hai, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đã nhanh chóng tăng cường, bổ sung lực lượng, thực hiện phản kích quyết liệt, tái lập thế trận phòng thủ vững chắc. Để tiêu diệt lực lượng ta, địch phản ứng bằng mọi thủ đoạn, kể cả việc dùng hỏa lực san bằng nhiều thành phố vốn là hậu phương của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Tại Huế, địch ném bom, bắn pháo hủy diệt địa bàn, biến 80 % thành phố thành gạch vụn[18]. Tại Bến Tre, trong khi hỏa lực Hoa Kỳ đang trút lửa hủy diệt thị xã, một sĩ quan Hoa Kỳ tuyên bố: “Cần phải hủy diệt thành phố này, để cứu nó”[19].
Thứ ba, có sự đánh giá không đúng về tương quan lực lượng, nhất là về lực lượng chính trị. Mũi nổi dậy (tổng khởi nghĩa) còn yếu, không mạnh như tính toán ban đầu. Trong lịch sử, phong trào đô thị từng rất mạnh mẽ, nhất là phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, của đồng bào theo đạo Phật trong những năm 1963 và 1966. Tuy nhiên, đến tháng 5/1967, Trung ương Cục nhận định, thực lực chính trị ở đô thị của ta còn quá yếu. Dù sau đó được đẩy mạnh, nhưng đến cuối năm 1968, ta cũng chỉ xây dựng được vài chục chi bộ Đảng trong nội thành Sài Gòn với khoảng hơn 100 đảng viên, cơ sở quần chúng có hàng nghìn nhưng chưa được tổ chức chặt chẽ, phong trào công nhân còn yếu, phong trào Phật giáo, học sinh, sinh viên tuy sôi nổi nhưng thiếu chiều sâu, hàng chục tổ chức công khai, bán công khai cũng hoạt động khá sôi nổi, nhưng chưa được tổ chức chặt chẽ. Ta mới chỉ đánh giá cao khả năng cách mạng của quần chúng chứ chưa tập hợp được quần chúng thành lực lượng có tổ chức chặt chẽ, chủ động phối hợp với mũi tiến công quân sự một cách có hiệu quả. Một số địa phương như Đà Nẵng, nơi có các căn cứ quân sự hỗn hợp, tập trung hàng trăm nghìn quân Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa, ta lại đề ra chủ trương không phù hợp là lấy khởi nghĩa của quần chúng, binh địch vận giành thắng lợi quyết định. Cơ sở của chủ trương này có lẽ là năm 1966, Đà Nẵng là thành phố diễn ra cuộc đấu tranh vô cùng mạnh mẽ của đồng bào Phật giáo và có những đơn vị quân đội Sài Gòn ly khai, chống đối chính quyền Trung ương, nên ta nêu quá cao vai trò của đấu tranh chính trị và binh vận tại đây, là không phù hợp.
Trong phong trào đô thị miền Nam, lực lượng học sinh, sinh viên là lực lượng xung kích, đi đầu, là “ngòi pháo” của phong trào đấu tranh. Vì thế, trong quá xây dựng kế hoạch, lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên được chú ý. Ví dụ ở Sài Gòn, các mục tiêu quan trọng như Dinh Độc Lập, Tòa Đại sứ Hoa Kỳ, Đài Phát thanh Sài Gòn, Bộ Tư lệnh Hải quân, ta xây dựng kế hoạch khi lực lượng biệt động, đặc công tiến công vào, sẽ có khoảng 200 sinh viên tiếp ứng; Tổng Nha Cảnh sát, Khám Chí Hòa mỗi nơi có 1.000 thanh niên, sinh viên tiếp ứng, riêng Bộ tổng tham mưu Quân đội Việt Nam Cộng hòa sẽ có 5.000 học sinh, sinh viên tiếp ứng; ở Huế, dự kiến huy động 4.000 đến 5.000 học sinh, sinh viên trong một ngày đêm tham gia nổi dậy[20]. Nhưng trong thực tế tổng tiến công và nổi dậy, học sinh, sinh viên hầu như không thể hiện được vai trò. Nhìn chung, mũi nổi dậy quá yếu do các cuộc đấu tranh của quần chúng bị đàn áp khốc liệt. Tại một số địa phương, quần chúng có nổi dậy đấu tranh nhưng lực lượng vũ trang lại bị ngăn chặn từ bên ngoài, không hỗ trợ đấu tranh chính trị được[21].
Đó là chưa kể đến ta có những bất cập trong tác chiến như một số cấp chỉ huy chiến trường hiểu sai khái niệm giành thắng lợi quyết định, dẫn đến việc đề ra mục tiêu tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành chính quyền một cách chủ quan, không kịp thời chuyển hướng hoạt động quân sự, rút lui bảo toàn lực lượng khi tình hình đã thay đổi[22].
Có địa phương chủ quan, coi thường lực lượng quân sự địch. Ở Quân khu Tây Nam Bộ, có sự bất đồng ý kiến giữa Khu ủy và Quân khu ủy - Bộ Tư lệnh trong quá trình chuẩn bị tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Theo Khu ủy, không cần sử dụng lực lượng Quân khu, chỉ cần du kích và lực lượng đặc công. Sử dụng 9 tổ đặc công giải quyết 9 mục tiêu cho quần chúng nổi dậy...Và cuối cùng, thay vì sử dụng cả 4 trung đoàn bộ binh và một số tiểu đoàn đặc công, pháo binh, Quân khu chỉ đưa 1 trung đoàn tham gia đợt 1.
Không có nhiều chiến thắng không phải trả giá. Tổn thất của cách mạng miền Nam trong Tổng tiến công và nổi dậy mậu Thân là rất lớn. Tuy nhiên, ý nghĩa to lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết mậu Thân, như đã nói ở trên, là đánh bại ý chí xâm lược của Hoa Kỳ, buộc Hoa Kỳ ngồi vào bàn đàm phán hòa bình, mở ra con đường tới thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bình Thi
[1] . Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Hoa Kỳ, cứu nước 1954- 1975, tập V, Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 (xuất bản lần thứ ba), Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2015, tr. 52.
[2] . Lịch sử kháng chiến chống Hoa Kỳ, cứu nước 1954- 1975, tập V, sđd, tr. 62- 63.
[3] . Lịch sử kháng chiến chống Hoa Kỳ, cứu nước 1954- 1975, tập V, sđd, tr. 95, 106.
[4] . Lê Xuân Khoa: Việt Nam 1945- 1995, chiến tranh và bài học lịch sử, Tiền Rồng xuất bản, tr. 221.
[5] . Phim The Vietnam War (Chiến tranh Việt Nam) của đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick, tập 6.
[6] . Lê Xuân Khoa: Việt Nam 1945- 1995, chiến tranh và bài học lịch sử, sđd, tr. 235.
[7] . Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác -Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập II (1954- 1975), Nxb. Chính trị quốc gia, H. 1995, tr. 411.
[8] . Lịch sử kháng chiến chống Hoa Kỳ, cứu nước 1954- 1975, tập V, sđd, tr. 91.
[9] . Lê Xuân Khoa: Việt Nam 1945- 1995, chiến tranh và bài học lịch sử, sđd, tr. 221.
[10] . Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập II 1954- 1975, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 640.
[11] . Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác -Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập II (1954- 1975), Nxb. Chính trị quốc gia, H. 1995, tr. 411.
[12] . Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập II 1954- 1975, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 602.
[13] . Lịch sử kháng chiến chống Hoa Kỳ, cứu nước 1954- 1975, tập V, sđd, tr. 162.
[14] . Lê Xuân Khoa: Việt Nam 1945- 1995, chiến tranh và bài học lịch sử, sđd, tr. 221.
[15] . Lê Xuân Khoa: Việt Nam 1945- 1995, chiến tranh và bài học lịch sử, sđd, tr. 221.
[16] . Dẫn theo Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập II 1954- 1975, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 672.
[17] . Phim The Vietnam War (Chiến tranh Việt Nam) của đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick, tập 6.
[18] . Xem Gbrien Côn cô: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb. QĐND, H. 1989, tập 1, trang 287.
[19] . Bộ Quốc phòng- Viện lịch sử Quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Hoa Kỳ, cứu nước 1954- 1975, tập V, Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 (Xuất bản lần thứ hai), Nxb. CTQG, H. 2015, tr. 162.
[20] . Lịch sử kháng chiến chống Hoa Kỳ, cứu nước 1954- 1975, tập V, sđd, tr. 56, 74.
[21] . Tại Bến Tre, ta huy động được khoảng 10.000 quần chúng, tại Hoa Kỳ Tho huy động được hàng nghìn quần chúng, tại Quảng Nam, ta huy động được 35.000 quần chúng, tại Quảng Ngãi ta cũng huy động được hàng nghìn quần chúng nổi dậy nhưng không có lực lượng vũ trang làm nòng cốt nên không đẩy tới tổng khởi nghĩa một cách mạnh mẽ được.
[22] . Trung ương Đảng nêu 3 khả năng, nhưng các cấp ủy Đảng và chỉ huy chiến trường nhấn mạnh khả năng thứ nhất nhằm động viên cao nhất tư tưởng cán bộ, chiến sĩ. Thậm chí, do chưa đạt được mục tiêu, một số cấp chỉ huy còn có tư tưởng cay cú, ăn miếng trả miếng, tiến công địch với bất cứ giá nào, trong khi lực lượng ta đã suy yếu nhiều, chưa được củng cố, lực lượng địch đã được tăng cường, phòng thủ chặt chẽ, yếu tố bất ngờ không còn.