Mỗi buổi sáng, khi mặt trời vừa vén bức màn mây, những tia nắng đầu tiên của một ngày mới vui vẻ đáp xuống hạ giới cũng là lúc cha tôi sửa soạn để hái hoa thiên lý. Cha bảo rằng, đó là thời điểm hoa kết tinh sự giao hòa của trời đất. Bởi vậy, mỗi lần thưởng thức những món ăn từ hoa thiên lý mẹ nấu tôi đều cảm nhận được làn hương tự nhiên ủ từ lòng đất và vị ngọt ngào được chưng cất từ những giọt sương đêm.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tuổi thơ tôi lớn lên từ miền quê nghèo, không có hoa hồng hoa huệ mà yêu tha thiết giàn thiên lý trước nhà. Một ngày mùa xuân ấm áp, mẹ tôi ra vườn cuốc đất còn cha chặt tre làm giàn. Nhà tôi có một khu vườn nhỏ xinh bao quanh. Sự tảo tần của cha mẹ làm cho vườn nhà buốn mùa xanh tươi cây lá. Trước đây, vào mùa xuân, cha mẹ tôi hay làm giàn để trồng bầu, bí, nhưng đó là những cây leo ngắn ngày nên giàn chỉ cần gác tạm dăn ba cây nứa hay vài cành khô. Khi hết mùa ra quả, cây héo đi thì giàn cũng được dỡ vào làm củi đun bếp. Lần này, cha chẻ tre đan một cái giàn thật chắc chắn, lại còn dùng bốn cây tre làm cây chống. Tôi đoán chắc rằng thành viên mới của vườn hẳn là đặc biệt lắm. Nhưng tôi phần nào thất vọng khi mẹ mang về mấy cái dây leo nhỏ tí xíu gọi là thiên lý. Từ đó, tôi cũng chẳng quan tâm lắm về cái cây này nữa. Tuy nhiên thiên lý một khi đã bén đất thì lớn rất nhanh, lại được mẹ tôi chăm sóc cẩn thận nên chúng cứ vươn lên từng ngày. Cho đến quãng đầu hè, tôi thực sự bất ngờ khi thiên lý đã phủ kín giàn và bắt đầu trổ hoa, cả một đoạn ngõ rợp bóng mát. Cha tôi thỉnh thoảng lại phải chặt mấy cành tre gác thêm vào giàn cho cây leo. Dây thiên lý không có tua cuốn như bầu bí mà chúng dùng thân mình bám chắc vào giàn rồi cứ thế vươn xa mãi. Lá thiên lý hình trứng, đầu nhọn, mép hơi cong; hoa nở thành từng chùm ở kẽ lá, năm cánh màu xanh nhạt trông như những ngôi sao lấp lánh. Ban ngày thiên lý lặng lẽ giấu mình trong khóm lá, đêm về không gian ngào ngạt hương. Cha tôi bảo rằng sở dĩ cây có tên là thiên lý vì những dây leo ngày càng lan tỏa còn làn hương thì bay xa vạn dặm. Những buổi tối mùa hè trăng thanh gió mát, sau một ngày làm việc vất vả, cha mẹ tôi lại bày bộ bàn ghế nhỏ dưới giàn thiên lý rồi cùng uống nước chè xanh và trò chuyện với các cô bác trong xóm. Trẻ con chúng tôi quần nhau ở đống rơm mới, mùi rơm hoà quyện với hương hoa thiên lý ngát thơm vời vợi.
Thiên lý không chỉ cho hương thơm và bóng mát mà còn dùng để chế biến thành những món ăn dân dã. Mẹ tôi thường dùng hoa thiên lý để xào với thịt lợn hoặc thịt bò, cũng có khi để nấu canh, nhưng tôi thích nhất là món canh cua đồng nấu hoa thiên lý. Bởi thế, sau mùa gặt tôi thường đeo cái giỏ bên mình cùng tụi bạn đi bắt cua về cho mẹ nấu canh. Những ngày hè, ăn bát canh cua đồng nấu hoa thiên lý vừa ngọt vừa bùi tưởng như cái nóng nực tan đi hết.
Tuy nhiên, thiên lý không phải là loại cây cho hoa bốn mùa, rồi cũng đến lúc nó phải tàn đi để thay một lớp chồi mới như quy luật của tự nhiên. Nhưng tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ nên không hiểu được điều này. Đầu thu, khi những đợt gió heo may se se kéo về thì thiên lý trở nên ủ dột, cành không phát triển nữa, hoa thưa dần, những chiếc lá sắt lại, run rẩy trong gió. Tôi bắt đầu buồn và lo lắng rằng cây sẽ chết đi. Buổi sáng tôi dậy sớm, việc đầu tiên tôi làm là tưới nước cho cây rồi mới ăn sáng và cắp sách đi học. Nhưng nỗ lực đó của tôi cũng không thể lấy lại sự xanh tươi cho thiên lý. Có hôm, thấy tôi ngồi thẫn thờ nhìn cây, cha đã gọi tôi vào và giải thích, tôi vẫn nhớ như in lời cha: "Vạn vật đều có sự biến đổi, cây thiên lý đã vì chúng ta suốt một mùa rồi, con đừng buồn, hãy để cho cây nghỉ ngơi để mùa sau cây lại đâm chồi".
Khoảng đầu tháng 10 âm lịch, thiên lý ngừng cho hoa. Cái rét của mùa đông làm cho nhiều cành nhỏ và yếu không chịu nổi đã phải tàn lụi đi. Những chiếc lá chuyển sang vàng úa và lìa cành. Một ngày kia, tôi thực sự ngỡ ngàng khi cha mang dao ra tỉa cây. Các nhánh cây trên giàn lần lượt được cha tôi cắt bỏ đi, chỉ còn lại thân cây chính. Nhìn những nhánh cây thân thương lần lượt rơi xuống, nước mắt tôi tự dưng rưng rưng. Cha tôi nói một câu làm tôi nín thinh: "Chúng ta phải tỉa cây để mùa sau cây khỏe mạnh, tươi tốt hơn con ạ". Sau này lớn lên tôi mới hiểu được rằng đó chính là bài học nhân sinh đầu tiên mà cha dạy tôi: Không một thành quả nào tự nhiên mà có, tất cả đều phải trải qua khó khăn thậm chí nỗi đau. Còn lúc đó, tôi chỉ biết rằng mình chẳng thể làm gì khác ngoài việc chờ đợi. Mẹ tôi ra đồng giữa ngày hanh hao để gánh về từng gánh đất nặng trĩu vun vào gốc cho cây giữ lại những mầm sống.
Từng mùa cây thiên lý lên chồi, ra hoa và tàn lụi, từng mùa tôi lớn khôn thêm và hiểu biết nhiều hơn, còn cha mẹ thì già đi. Rồi tôi xa quê, thiên lý vẫn ở lại nơi con ngõ bao năm đã rêu phong, thay tôi an ủi cha mẹ. Thị thành nhiều hoa rực rỡ càng làm cho tôi nhớ tha thiết một khoảng không gia xanh mướt rợp bóng tuổi thơ. Tôi vẫn yêu hoa thiên lý, và tôi hiểu rằng, khi người ta đã yêu bằng tình yêu gia đình, quê hương thì tình yêu đó không có gì thay đổi được.
Nguyễn Thị Tuyết Nhung