Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau 77 năm, bản Tuyên ngôn độc lập vẫn có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc
Thứ nhất, Tuyên ngôn độc lập khẳng định truyền thống yêu nước, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước"1. Yêu nước là chuẩn mực cao nhất trong giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam và gắn kết chặt chẽ với khát vọng được sống trong độc lập, tự do của mỗi người dân. Vì thế, mỗi khi Tổ quốc lâm nguy, nhân dân Việt Nam đoàn kết một lòng, vùng lên đấu tranh dũng cảm, kiên cường đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân Việt Nam đã vùng lên đấu tranh giành độc lập thắng lợi. Bản Tuyên ngôn độc lập khẳng định truyền thống yêu nước và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”2.
Phát huy truyền thống yêu nước và khát vọng độc lập, tự do, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam đã thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước từ năm 1975 đến nay.
Quang cảnh Lễ đài độc lập ngày 2/9/1945 (Ảnh tư liệu TTXVN)
Thứ hai, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đưa nước ta vào kỷ nguyên mới - Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta. Đến năm 1940, quân phiệt Nhật xâm lược Việt Nam, câu kết với thực dân Pháp thực hiện chính sách cai trị hà khắc đẩy nhân dân Việt Nam vào tình cảnh “một cổ hai tròng”.
Dưới ách thống trị của thực dân Pháp và quân phiệt Nhật, nhân dân Việt Nam hết sức khổ cực, bị tước đi các quyền dân tộc và quyền con người. Yêu cầu bức thiết của lịch sử là phải giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 thắng lợi, đã buộc: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”3.
Việt Nam từ một xứ thuộc địa, đã giành lại vị thế của một quốc gia độc lập; từ một dân tộc nô lệ, dân tộc ta đã giành lại tự do, giành được quyền hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, quyền tự quyết định sự phát triển của mình.
Với hệ thống lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, giọng văn hùng hồn, bản Tuyên ngôn độc lập trở thành một cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mở ra thời kỳ mới của dân tộc ta trên con đường phát triển. Đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. “Bản Tuyên ngôn độc lập là một trang vẻ vang trong lịch sử Việt Nam. Nó chấm dứt chính thể quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân áp bức. Nó mở ra một kỷ nguyên dân chủ cộng hòa”4.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập (Ảnh tư liệu TTXVN)
Thứ ba, Tuyên ngôn độc lập góp phần phát triển tư tưởng nhân loại về quyền con người, quyền dân tộc
Mở đầu Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quyền dân tộc và quyền con người luôn gắn bó chặt chẽ với nhau bằng việc luận dẫn những lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Hoa Kỳ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Tuy nhiên, nếu như bản tuyên ngôn của nước Mỹ và nước Pháp chỉ đơn thuần đề cập đến quyền con người như một sự tất yếu của tạo hóa thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển sáng tạo, đưa ra một mệnh đề không thể phủ nhận về quyền độc lập của mọi dân tộc: “Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Như vậy, từ chỗ quyền con người chỉ dành cho một thiểu số trong xã hội và đa số người dân lao động vẫn phải sống nghèo khổ, thì đến bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành quyền giành cho tất cả mọi người.
Bên cạnh đó, bản Tuyên ngôn độc lập còn tiến xa hơn khi xác lập quyền thiêng liêng của tất cả các dân tộc, đó là tất cả các dân tộc được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc. Người đã đi từ khái niệm con người sang khái niệm dân tộc một cách tổng quát và đầy thuyết phục, khẳng định quyền dân tộc và quyền con người có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người và ngược lại thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc. Người nhấn mạnh: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”5.
Đây là tư duy vượt trội của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là một bước phát triển tư tưởng nhân loại về quyền con người, quyền dân tộc tự quyết.
Thứ tư, cổ vũ, động viên phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới
Dưới sự cai trị tàn bạo của chủ nghĩa thực dân, vấn đề dân tộc trở thành một nội dung trọng tâm của thời đại. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới bùng nổ nhưng đều thất bại, chưa có một quốc gia, dân tộc nào thành công. Từ trong chiến tranh thế giới lần thứ I (1914-1918), Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 thắng lợi, đã đánh dấu sự phát triển nhảy vọt của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. “Như ánh mặt trời rạng đông xua tan bóng tối, cuộc Cách mạng Tháng Mười đã chiếu rọi ánh sáng mới vào lịch sử loài người”6. Nó trở thành ngọn cờ tiên phong cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Đến chiến tranh thế giới lần thứ II (1939-1945), phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Sau 15 năm chuẩn bị chu đáo, nên khi thời cơ cách mạng xuất hiện, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân tổng khởi nghĩa thắng lợi, góp phần làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân kiểu cũ. Do đó, việc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã cổ vũ, động viên phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi, khu vực Mỹ Latinh, nhất là các dân tộc trên bán đảo Đông Dương vùng dậy đấu tranh giành độc lập, tự do.
Sau 77 năm, bản Tuyên ngôn độc lập vẫn là bản hùng ca bất diệt của dân tộc Việt Nam, là nguồn sức mạnh to lớn giúp dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức và thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cũng như công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam từ năm 1975 đến nay, nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới đất nước (1986-2022). Hiện nay, các thế lực thù địch vẫn đẩy mạnh “diễn biến hoà bình” ra sức chống phá cách mạng Việt Nam.
Trước tình hình đó, những lời lẽ đanh thép trong bản Tuyên ngôn độc lập “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” vẫn vang vọng và là nguồn sức mạnh to lớn giúp nhân dân Việt Nam đánh bại mọi kẻ thù, xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trọng Hùng
1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.38.
2, 3, 5 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.3.
4 Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn học, Hà Nội, 1970, tr.110.
6 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.159.