Trên cơ sở NQTƯ 15 của Trung ương Đảng, tháng 2-1959, Tổng Quân ủy đã họp bàn về nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng ở miền Nam, phát huy vai trò của hậu phương lớn miền Bắc đối với miền Nam, chuẩn bị lực lượng và vật chất chi viện cho cách mạng miền Nam. Bộ Chính trị quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự ở cả trên bộ và trên biển.. Tháng 7-1959, Tiểu đoàn vận tải thủy 603 được thành lập, đóng tại cửa biển sông Gianh (Quảng Bình) với tên gọi là “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”. Thuyền của Tiểu đoàn được ngụy trang giống thuyền đánh cá của ngư dân miền Nam.
Sau một chuẩn bị, ngày 27-1-1960, chuyến tàu đặc biệt đầu tiên xuất phát, gồm 6 người, chở 5 tấn vũ khí, thuốc men vào chiến trường Khu 5, do Thuyền trưởng Nguyễn Bất chỉ huy. Tuy chuyến vượt biển này không thành công, nhưng đã giúp ta rút ra được nhiều bài học quý về việc lựa chọn phương thức vận chuyển, chọn thời điểm xuất phát, biện pháp đối phó khi đi vào vùng địch kiểm soát… để rút kinh nghiệm cho những chuyến đi sau này giành thắng lợi.
Ngày 23-10-1961, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn vận tải biển 759, (Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay), đánh dấu sự ra đời của tuyến chi viện chiến lược Bắc - Nam trên biển. Bến tàu K15 - điểm xuất phát của đoàn tàu không số huyền thoại cũng được hình thành tại Đồ Sơn, Hải Phòng.
Đêm 11-10-1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên mang tên “Phương Đông 1” chở 30 tấn vũ khí đã rời bến K15, Đồ Sơn, lên đường đi Cà Mau. Sau 10 ngày lênh đênh ngoài biển khơi, cuối cùng đoàn tàu đã cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Chuyến đi mang nhiều thắng lợi đó, đa phần cổ động tinh thần chiến đấu của nhân dân trên cả nước. Chuyến đi thành công của tàu Phương Ðông 1 là khởi đầu cho việc khẳng định chủ trương đúng đắn, sáng suốt khi mở con đường huyền thoại trên Biển Ðông trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.
Tiếp theo, các con tàu Phương Ðông 2, Phương Ðông 3 và Phương Ðông 4 lần lượt xuất phát, hướng vào Nam, đưa hàng cập bến các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa... Từ những chuyến đi thành công này, đường biển nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam đã trở thành hiện thực, củng cố niềm tin của nhân dân miền Nam vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Với 6 chiếc thuyền gỗ thô sơ ban đầu và 38 cán bộ, chiến sỹ làm nòng cốt trong ngày đầu thành lập, trong 14 năm thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đường biển mang tên Bác, Đoàn vận tải biển 759 đã phát triển thành một binh đoàn vận tải chiến lược trên biển, hình thành nhiều tuyến, mở hàng chục bến bãi. Những người lính vận tải biển đã hoạt động khắp các tỉnh ven biển miền Nam, len lỏi vào chiến trường Khu 5 khốc liệt, vào tận cửa ngõ Sài Gòn, đến tận cùng đất nước để vận chuyển vũ khí, trang thiết bị cho các chiến trường.
Tại Nam bộ, đầu năm 1961, nhận được Chỉ thị của Trung ương Đảng, Xứ uỷ Nam Bộ đã điện cho các Liên khu uỷ miền Đông, miền Tây Nam Bộ chuẩn bị người và phương tiện để tổ chức các chuyến vượt biển ra Bắc nhận vũ khí.
Tỉnh Cà Mau tổ chức hai chuyến: chuyến thứ nhất xuất phát ngày 1-8-1961 từ bến Rạch Cá Mòi (Mũi Cà Mau), do đồng chí Bông Văn Dĩa, Bí thư Huyện uỷ Ngọc Hiển làm thuyền trưởng, ra tới miền Bắc ngày 7-8-1961. Chuyến thứ hai xuất phát ngày 30- 8- 1961, do đồng chí Nguyễn Thanh Trầm, Bí thư Thị uỷ Sông Ông Đốc làm thuyền trưởng. Tỉnh Trà Vinh tổ chức một thuyền buồm xuất phát ngày 30- 8-1961 từ Khâu Cụt xã Trường Long Hoà do đồng chí Nguyễn Thanh Lòng (Hai Chanh) chỉ huy. Tỉnh uỷ Bến Tre tổ chức hai chuyến: chuyến thứ nhất xuất phát ngày 17- 8 - 1961 ở Rạch Doi do đồng chí Sáu Giáo làm chỉ huy; chuyến thứ hai xuất phát ngày 18-8-1961 do đồng chí Lê Văn Công chỉ huy. Tỉnh Bà Rịa cũng tổ chức một số chuyến nhưng không thành công.
Sau chuyến đi thành công của các đồng chí Bông Văn Dĩa ở Cà Mau, Nguyễn Thanh Lòng (Trà Vinh), Đoàn 759 đã dùng thuyền của Cà Mau trở về Nam trước để báo cáo tình hình với Trung ương Cục miền Nam. Theo chỉ đạo của Thường vụ Trung ương Cục, các Liên khu uỷ đã tích cực và bí mật phân công các bến bãi tập kết vũ khí ở một số vị trí dọc theo bờ biển ngập mặn của tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, đặc biệt là Cà Mau. Tại đây ta đã xây dựng một số kho bãi chứa vũ khí, sửa chữa tàu biển.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển đã góp phần chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam, làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối.
Lâm Anh